NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC
VỀ
MỘT NGÔI TRƯỜNG (9)
Trương Ngọc Bỉnh, Cựu học sinh Trường Trung học Hải Lăng, Khóa 5, 1964 -1968.
Phần 9
Một nữ giáo sư giảng dạy
môn Vạn vật và Anh văn bậc Trung học Đệ nhất cấp. Cô có "body" cao
ráo, cân đối và thật đẹp. Khuôn mặt Cô trắng sáng, căng như trứng gà bóc
... và càng ửng hồng, bừng lên mỗi khi Cô nổi cơn thịnh nộ, cùng lúc giương đôi
mày lên cao... Qua cơn sóng gió, vẻ mặt Cô trở lại tươi sáng, phơn phớt nhạt hồng,
hiền như "Ma Soeur ", cuốn hút học sinh vào lời giảng. Thế mà trong
tiết dạy của Cô, đã có "Ngựa chứng..." tung cát bụi!
Một thời đã xa, không biết có còn đọng lại một
vài ký ức trong Cô vào những năm đầu chân ướt chân ráo vào nghề dạy học? Cô bây
giờ đang ở bên kia "thiên đường tự do ", xa tít nữa vòng trái đất, thời
gian vụt qua hơn nữa thế kỷ rồi! Cô Phan
Thị Lan, dạy môn Vạn vật, lớp Đệ lục
chúng tôi năm học 1965 - 1966.
Có
ai trong lớp mình (lớp Đệ tứ, Khóa 5) còn
nhớ chuyện bây giờ mới kể, xin bật mí lại rằng:
Hồi
đó, Cô Lan đang giảng bài “Con nhện” (Phần đời sống và tập tính), Cô dừng lại,
đưa ra câu hỏi cho cả lớp: -"Vì sao nhện mẹ ôm bọc trứng dưới ngực và bụng
của nó " Dưới lớp im re, không một tiếng động! Thuở ấy, tôi có vóc hình thấp
và nhỏ con nên ngồi bàn trên cùng, đối diện với bàn giáo viên. Tôi cúi đầu hơi
thấp xuống gầm bàn, hớn hở nhìn lui mấy bạn nữ ở bàn sau: Gái, Thể, Mỹ, Thị
Bình, Diên... và cả lớp. Chẳng có mống tay nào đưa lên xin trả lời! Theo ý tôi đoán biết, nghĩ
thầm : Nhện mẹ thao tác như vậy để bọc trứng của nó nhận lấy thân nhiệt từ nhện
mẹ mà nở ra theo chu kỳ, tựa như con gà mái ấp ổ trứng. Tôi vội vàng nói nhỏ với
các bạn nữ ở bàn sau: - "Ê! Bây đừng
cười nghe , để tau trả lời." Tôi đưa tay và được phép trả lời: - "Thưa
Cô, do cái chôống hắn rứa!" Cả lớp phá lên cười, xé tan sự im lặng trong mấy
giây lát vừa qua, (chôống = giống, giống nòi, thuộc về phương ngữ ...như rựa= rạ,
đầu gối= trốôc cúi, rỗ = đúa v.v...). Cô im lặng, đỏ mặt, nhìn trân tráo vào
tôi, tỏ vẻ tức giận nhưng không có phản ứng lộ vẻ ra ngoài! Giây phút căng thẳng
của lớp qua mau. Cô lấy lại bình tĩnh, giải thích đúng như điều tôi suy nghĩ và
thêm ý: để bảo vệ, tránh các kẻ thù (thiên
địch) tấn công bọc trứng làm mồi! Tiết dạy rồi cũng nhẹ nhàng, từ từ
trôi qua như những áng mây trắng mùa Hạ bên khung cửa sổ, tan nhanh vào bầu trời
cao trong xanh vời vợi ...
Cả lớp nghỉ chuyển tiết tại chỗ. Tôi quay lại
nói với các bạn nữ: - "Lần sau, tau dám chắc bị truy bài cũ rồi bây ơi!
" Tôi về nhà "gạo bài" tiết vừa học thật trôi chảy, vì nghĩ rằng
tiết tới của Cô, mình như một tội phạm, sẽ đứng trước "vành móng ngựa!"
Thời gian như lao nhanh hơn, giờ dạy của Cô
với lớp rồi cũng sẽ đến. Sau thủ tục chào đón Cô vào lớp , Cô Lan đảo quanh
nhìn một vòng bao quát lớp và chắc chắn kiểm tra sự hiện diện của tôi - học
sinh có "sự cố" tiết trước, hôm nay có nghỉ học? Cô đến bên bàn giáo
viên, đặt cái túi xách bằng da lên bàn, bắt đầu tiết dạy. Tên tôi có chữ cái B,
chỉ xếp sau hai bạn Hoàng Thanh Bình và Lê Thị Bình. Xin mở ngoặc, tản mạn đôi
dòng với những người bạn đã để lại ấn tượng khó phai của những ngày đầu bước
vào đầu cấp học. Năm học lớp Đệ thất có bạn Phạm Hữu Ân, được xếp tên đầu sổ gọi
tên và ghi điểm (theo Alphabet ), nhưng khoảng chừng một -hai tháng, bạn Ân
cùng các bạn Lý Ái Dung, Lê Đình Do,
Nguyễn Thanh Sơn (cùng có gia đình ở Thị xã Quảng Trị ), lần lượt, lác đác chuyển
về Trường Nguyễn Hoàng, Thị xã Q.Trị; còn bạn Nguyễn Ngọc Giàu (ở Tp Huế) chuyển
về Huế - tất nhiên là vào Trường công lập! Hiện nay, bạn Ái Dung, Đình Do đã định cư ở đất nước "Cờ hoa", còn
các bạn Ân, Sơn và Giàu thì mịt mù "cà cưỡng". Sau khi "bẻ càng
cua", các bạn ấy cũng thật "chịu thương , chịu khó" từ Thị xã
Q.Trị vào - ra Hải Lăng bằng xe đò,
trong chiến tranh, đường sá bom mìn ... Trong số các bạn ở Thị xã Q.Trị , có bạn
Sơn nói tiếng Bắc đặc ròng! Bạn thường mang theo cơm trưa, thức ăn của Sơn
"trội hơn " -món lạp xưởng!
Chúng tôi thường ngồi ăn cơm nắm buổi trưa trên bàn học sinh và cùng trao đổi
thức ăn với nhau bằng những đôi đũa yếu ớt của cành dương liễu vừa bóc sạch vỏ tươi từ
phía sau trường. Các bạn Ân, Do và Dung thì không thấy bóng dáng ăn cơm trưa tại lớp học. Bạn
Giàu trọ học, ăn cơm tháng, nhà của Nguyễn Ngọc Dũng , cựu học sinh Khóa 6, ở
Phe Nhất , xã Hải Thọ. Kể ra năm người bạn của lớp tôi vừa nói, cũng thật dũng
cảm: trường nhà không "chọi" mà
chọi trường xa? Các bạn lặng lẽ
ra đi mà không một lời giã từ bè bạn! Có ai đó đem lòng quay quắt mà níu kéo
đóa hồng Ái Dung, nổi trội, ấn tượng... họa may ở lại cho hết năm học... hết cấp
không ? Buổi sáng, chúng tôi vào lớp , nhìn thấy chỗ ngồi lần lượt trống vắng từng
bạn được nhắc tên ở trên... cho đến lúc không còn ai đi thêm nữa! Các bạn đến và đi
như một hiện tượng đặc biệt, đã để lại trong lớp những dấu hỏi và lưu luyến khó phai!
Trở lại tiết dạy của Cô Lan, tôi được ưu
tiên đánh dấu vào sổ điểm và lên trả bài
cũ! Các Cụ đã từng dạy: " Tri kỷ, tri bỉ - bách chiến, bách thắng ".
Tôi đã đoán trước , có sự chuẩn bị, phòng thủ nên tôi đã tự tin và mạnh dạn
mang vở bộ môn lên và trao cho Cô để chuẩn bị
trả lời. Cô "xoáy" hai câu hỏi. Tôi trả lời được nhưng chưa
hoàn hảo mấy! Dưới lớp, lúc đó cũng hồi hộp theo dõi tôi ... và tôi cũng đọc được
ý nghĩ của lớp: Tiết trước, trả lời hài hước, làm Cô giận, nay bị Cô truy bài.
Cuối cùng, Cô "phán" ngắn gọn
và khô khốc "13 điểm" (nay = 6.5 điểm). Tôi nhận lại vở, cám ơn Cô và
về chỗ ngồi ...
Chuyện kể về bài học thứ hai, gần 60 năm trước,
cũng môn Vạn vật với Cô Lan - lớp Đệ ngũ (nay lớp 8) vào năm học 1966 - 1967
như sau:
Trong bài giảng : "Bắp thịt nhị phúc" có hai tiết, tiết 1 đã qua , tôi chuẩn bị bài
thật kỹ, kể cả phần hình vẽ theo nội dung đã học, nắm vững các vị trí có bắp thịt
nhị phúc trên cơ thể con người, mà Cô đã
dẫn chứng bài trước. Do tính hiếu kỳ, muốn tìm hiểu để nắm thêm kiến thức bài
thực tế hơn, tôi đã xin phép Cô đặt câu hỏi: -"Thưa Cô , ngoài các vị trí
bắp thịt nhị phúc trên cơ thể người mà Cô đã dẫn chứng , vậy còn chỗ nào khác
có bắp thịt nhị phúc nữa không? " Lúc này, Cô đứng nhìn cả lớp, có ý đưa
ra câu hỏi, hỏi đố để nhờ cả lớp trả lời, để rồi Cô bổ sung, điều chĩnh! Chẳng
có cánh tay nào đưa lên xin trả lời! Sau đặt câu hỏi, tôi vẫn lớ ngớ đứng tại chỗ vì Cô chưa cho phép ngồi!
Cô quay sang hỏi tiếp tôi: - "Vậy thì theo em, em có biết nơi nào còn lại ...có bắp thịt nhị phúc? " Lúc này, cả lớp cũng lo cho tôi , có suy đoán là tôi
thách thức Cô hoặc câu trả lời của tôi là một dẫn chứng hàm ý không trong sáng
, có tính khôi hài, chọc cười cho cả lớp ... Tôi đáp lại câu hỏi của Cô với sự
tự tin và trong sáng, không như các bạn suy đoán nghi ngờ từ một phía và có thể
không tích cực của Cô! Tôi dẫn chứng : Bắp
thịt ở cằm và gót chân ... Vậy mà sau đó, bản thân tôi cũng áy náy, ví như làm
phật lòng Cô giáo. Tôi quay lại bàn sau nói với các bạn nữ những ý nghĩ như tôi đã kể về bài Con nhện đã học ở lớp Đệ
lục, với Cô Lan. Quả đúng, tiết sau tôi đã bị truy bài cũ! Tôi nhận được con điểm
9 (=4.5 điểm bây giờ!) Bài mới , cả lớp im re, ngồi ngậm tăm, buồn như đám ma ,
chẳng ai khua mép... mà cố gắng,
"say sưa " nuốt những lời Cô truyền thụ ...
Vậy là hai năm học được thọ giáo với Cô Lan, Cô và trò như những người có "oan gia trái chủ". Bên trời đất
nước "Cờ hoa", mong Cô bao dung và nhận nơi đây tấm lòng xin thứ lỗi
muộn màng của học trò cũ ngày xưa ...
(Còn tiếp )
No comments:
Post a Comment