Từ ‘Thập giới cô hồn quốc ngữ văn’
đến ‘Văn tế thập loại chúng sinh’
LÊ QUANG THÁI
Sáng tác Văn tế cô hồn hay Văn tế thập loại chúng sinh thể hiện lòng hiếu nghĩa
đối với tiên nhân, người thân và kể cả đồng bào, nó dựa vào nguồn cội tri ân
sâu thẳm.
1. NGUỒN GỐC
Rằm tháng bảy là tết Trung Nguyên, ngày giải thoát vong hồn, còn được gọi là
ngày xá tội vong nhân. Nói về nguồn gốc của ngày Tết này, Lê Quý Đôn đã viết:
“Các đạo sĩ có phép tiêu tai giải ách, họ dựa vào thuật số âm dương ngũ hành,
suy tính niên vận của người ta, rồi viết ra như cách thức biểu sớ: “Tâu lạy
thiên tào, xin ngài giải ách”. Thế gọi là dâng sớ. Đến nửa đêm bày cổ bàn, nem
rượu, bánh trái, lễ vật dưới trăng sao mà dâng cúng Thiên Tào Thái nhất (đại đế),
Ngũ kinh, Liệt tú; cũng làm bài trạng như cách dâng sớ, gọi là làm lễ Tiếu (lập
đàn cầu đảo). Lại lấy gỗ làm ấn, khắc chữ nhật nguyệt tinh thần; rồi hà hơi
đóng dấu vào bệnh nhân, cũng có nhiều người khỏi. Đời sau làm trai đàn là bắt
nguồn từ đây” (1).
Để làm rõ vì sao tết Trung Nguyên được gọi là lễ Vu Lan, nhà bác học tinh thông
Phật học Lê Quý Đôn đã viết rõ về nguồn gốc của lễ này như sau:
“Tết Trung Nguyên, người ta để đồ mã và giấy ngũ sắc vào cái giường ba chân,
như cái đèn nồi, gọi là Vu Lan bồn treo áo giấy, rồi lấy đóm đốt”.
Thích Thị Yên Lãm: Tiếng Phạn nói “Vu Lan bồn” như tiếng Hán nói
“Cửu đảo huyền” (cứu người bị treo ngược)” (2).
Theo Vu Lan Kinh: Đại đệ tử của
Đức Phật là Mục Kiền Liên vì bất nhẫn khi thấy mẹ bị đọa vào đường ngục quỷ, chịu
khổ, nên Ngài thưa hỏi Phật cách giải cứu. Phật dạy vào ngày Rằm tháng 7 là
ngày chúng Tăng tự tứ hãy dùng thức ăn ngon quý, ngũ quả cúng dường Phật tăng
trong 10 phương thì mẹ ông sẽ được thoát li khổ nạn. “Vu Lan” nghĩa là “đảo huyền”.
Nhà thơ Lục Du (1125 - 1210) cho biết thời bấy giờ đã có tục làm cổ chay cúng
gia tiên. Mốc thời điểm này tương ứng trong khoảng cuối đời vua Lý Nhân Tông đến
đời vua Trần Thái Tông của nước Đại Việt.
Đây là một tập tục lâu đời ở nước ngoài, còn ở nước ta thì sao? Sách Đại Việt sử
ký toàn thư cho biết: “Mùa thu, tháng 7, năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình thứ
1 (1434); Ngày 15, mở hội Vu Lan, tha tù tội nhẹ 50 người, cho ai sử dụng kinh
220 quan tiền” (3).
Như thế thì ít nhất lễ Vu Lan đã trở thành quốc lễ của nước ta khoảng 580 năm.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên (1908 - 1975), tác giả sách Văn minh Việt Nam
bằng Pháp ngữ, xuất bản năm 1944; sách có đoạn viết rõ ràng hơn: “Hội lễ dân
gian của Đạo Phật là ngày rằm tháng Bảy âm lịch. Đây là một kiểu ngày lễ của những
người chết, trong ngày đó, ở địa phủ, do lòng từ bi của chư Phật, một cuộc xá tội
lớn, được thực hiện, các ngục được mở và nhiều vong có tội tỏa đi khắp thế
gian. Các gia đình đi chùa cúng và tụng Kinh để giải thoát cho hồn của thân
nhân mình4.
Nguyễn Văn Huyên phác thảo lại cảnh tượng Hội lễ dân gian của Phật giáo băng
cách miêu tả như là “hiện tượng ngày Rằm tháng Bảy âm lịch”, chớ không đi xa
hơn là truy nguyên nguồn gốc để giải thích câu ca “Tháng Bảy ngày Rằm xá tội
vong nhân” được lưu truyền trong dân gian vào những năm cuối của thập kỷ 30 thuộc
thế kỷ trước.
Kết hợp giữa hai yếu tố truyền thông mang tính cách kinh điển Phật giáo với hiện
tượng lễ hội trong xã hội Việt Nam năm 1934; giữa lúc phong trào chấn hưng Phật
giáo đang chủ xướng tìm về cái uyên nguyên, tinh anh của Văn hóa Phật giáo đang
được cổ xúy canh tân.
Theo dòng chảy lịch sử - văn học nước nhà, ngày rằm xá tội vong nhân đã trở
thành quốc lễ Vu Lan, nay đã trở thành VU LAN THẮNG HỘI diễn ra từ làng quê,
chùa quê cho đến thành đô khắp nước, thể hiện lòng hiếu thảo đối với tiên nhân
và người thân đã mất.
2. THẬP GIỚI CÔ HỒN QUỐC NGỮ VĂN
Xem chừng giữa Thập giới cô hồn quốc ngữ văn (十誡菰魂國語文)với Văn tế thập loại chúng
sinh (文祭十類眾生)
có nhiều nét tương đồng và khác biệt nhau tuy rằng cả hai danh phẩm này đều bắt
nguồn từ Du gia khoa nghi.
Theo Nguyễn Lang, (tác giả bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận), thì Thập giới
cô hồn quốc ngữ văn là một áng Văn Nôm cổ gồm có một đoạn mở đầu và mười đoạn
nói về mười giới cô hồn: 1- thiền tăng; 2- đạo sĩ; 3- quan liêu; 4- nho sĩ; 5-
thiên văn địa lý; 6- lương y; 7- tướng quân; 8- hoa nương; 9- thương cô; 10-
đãng tử.(5)
Học giả Trần Văn Giáp cho biết 2 điều đáng lưu ý qua sách Tìm hiểu kho sách Hán
Nôm, tập I tại 2 trang 218 và 219 như sau:
Chi tiết 1: “Hiện nay thư viện khoa học Trung ương còn lưu tàng được một số
sách” gọi là Thiên Nam dư hạ tập (ký hiệu A.334), gồm nhiều quyển, đóng 10 tập,
từ tập sớ IX chép trên giấy hẹp (khổ 10 x 28) tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 22
chữ, chữ viết đá thảo có vẻ xưa, còn thì toàn là sách mới chép lại bằng giấy
kinh (khổ 22 x 31) tờ 2 trang, trang 9 dòng, dòng 22 chữ viết chân phương,
không ghi rõ chép lại từ đâu và nguyên bản mượn của người nào”(6).
Chi tiết 2: “Tập VI, 122 tờ..., tờ 46 - 55: Thập giới cô hồn quốc ngữ văn (Lê
triều Thánh Tông ngự soạn) (十誡菰魂國語文梨朝圣涼御撰) (?), không thêm Nguyễn Trực phụng bình như
các bài khác.
Mười điều dạy bảo các cô hồn ấy như sau: 1- Thứ nhất thiên tăng rằng; 2- Thứ
hai giới đạo sĩ rằng; 3- Thứ ba giới quan liêu rằng; 4- Thứ tư giới nho sĩ rằng;
5- Thứ năm giới thiên văn địa lý rằng; 6- Thứ sáu giới lương y rằng; 7- Thứ bảy
giới tướng quân rằng; 8- Giới hoa nương rằng; 9- Thứ chín giới thương cổ rằng;
10- Thử mười giới đãng tử...”.(7)
Trần Văn Giáp không đồng tình Thập giới cô hồn quốc ngữ văn do chính vua Lê
Thánh Tông viết. Nhà vua chỉ đề thơ lên bản thảo bài tựa sách Thiên Nam dư hạ tập
(trong đó có áng văn Thập giới cô hồn quốc ngữ văn) đã soạn sẵn. Nguyên văn bài
thơ tựa ấy bằng chữ Hán mà sách Đại Việt sử ký toàn thư đã phiên âm:
Hỏa thử thiên đoan bố;
Băng tâm ngũ sắc ty,
Cánh cầu vô địch thủ
Tài tác cổn long y.(8)
Trần Văn Giáp đã dịch:
Ngàn mảnh vải bông con chuột lửa,
Năm màu tơ nõn cái tằm băng
Lại tìm thợ khéo tay vô địch
May bộ áo rồng chi đẹp bằng.
Quan điểm của tác giả bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận phản biện về nhận thức
của Trần Văn Giáp rất rõ ràng:
“Không chắc quan điểm của Trần Văn Giáp là đúng. Trong Thiên Nam dư hạ tập ta
thấy có chép thơ văn của hội Tao Đàn, trong đó có Quỳnh Uyển Cửu Ca, Thập giới
cô hồn quốc ngữ văn là một tác phẩm Nôm quan trọng, sao lại không thể đưa vào
Thiên Nam dư hạ tập, nhất là khi tác phẩm này do Tao Đàn Nguyên Soái sáng tác?” (9)
Mở đầu áng văn Nôm cổ Thập giới cô hồn quốc ngữ văn có những câu viết:
“... Cổ tới nhẫn kim; sinh thời có hóa. Ấy vậy, hồn là thần, phách là quỷ, no
nên bụt, đói nên ma... Có quân tử, có tiểu nhân, chẳng cùng một đấng; trong
phong quang, trong nghệ nghiệp, tới trót 10 loài. Ai ai cải lấy lòng phàm; khăn
khắn cùng thời nghe giới.”
- Về giới thiền tăng, Thập giới cô hồn quốc ngữ văn viết như lời răn:
“Chịu giáo Thích Già, thì lòng giữ giới...”. Có bài kệ than rằng, rõ nét lời
than ở 2 câu kết:
Nói những thiên đường cùng địa ngục
Pháp sao chẳng độ được mình ta,,(10)
- Về giới nho sĩ nhận những lời răn: Hỡi ơi! Sống bởi chưng bàn bạc sự người;
thác cho phải phiêu lưu đòi chốn. Vài bài kệ có lời than trách; tiêu biểu là 2
câu kết:
Bút mực chẳng quên bề chi lũ
Lộc cao sao khéo lỡ người ta.(11)
Như vậy chữ giới (誡r) trong Thập giới cô hồn quốc ngữ văn khác nghĩa hẳn với
chữ “loại” trong Văn tế thập loại chúng sinh, về thể tài văn học thì Thập giới
cô hồn quốc ngữ văn được viết theo lối tản văn nghiêng hẳn về chính luận. Thơ kệ
chỉ thâu tóm lời răn để minh chứng, minh họa mà khai thị cho người được nghe, kể
cả cô hồn được nghe như nghe kinh vậy.
3. VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH
Loại (類)
có nghĩa là loài giống như tứ tự thành ngữ “phân môn biệt loại”. Mười loài khác
nghĩa với mười giới. Chúng (眾) có nghĩa là đông, nhiều. 眾生 là “các loài có sống, có chết, có cảm
giác”. Chúng sinh ở trong tác phẩm Văn tế thập loại chúng sinh có nghĩa là “người”,
“mọi người”. Chữ (十): thập là pháp số, vay mượn để chỉ số nhiều. Bổ sung cho
việc chỉ “người”, trong dân gian có từ “kẻ”. “Kẻ” và “người” đồng nghĩa, đồng
thuyền, đồng hội.
Về thể tài văn học của áng thơ nôm bất hủ đã trở thành kinh với 4 tên gọi: 1-
Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh; 2- Chiều Hồn Văn; 3- Thỉnh Âm Hồn Văn; 4- Ca Tế
Chúng Sinh.
Qua tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du (1766 - 1820) đã viết hai câu 2967 - 2968
như để giải thích về ý nghĩa của việc Chiêu hồn:
Chiêu hồn thiết vị lễ thường
Giải oan lập một đàn tràng bên sông.
Đừng xem thường, danh từ “lễ thường” có nghĩa là quan trọng thứ yếu sau các lễ
tế Giao, lễ tế Xã Tắc... Rút ruột từ cổ thư Lê Quý Đôn tìm ra chữ gọi của “lễ
thường” có tên gọi là “tục tiết”.
Thỉnh âm hồn văn được sáng tác theo thể ngâm khúc gồm hơn 45 khổ, gọi là hơn bởi
lẽ bài thỉnh cô hồn này được kết thúc bằng hai câu song thất “Phật hữu tình”:
Phật hữu tình từ bi phổ độ
Chớ ngại rằng có có không không…
Sau cùng, một nét đặc sắc khác của Văn tế thập loại chúng sinh được gọi là sám
hoặc sám văn trong cúng tế, chiêu hồn, gọi hồn từng loại chúng sinh.
Trong suốt toàn áng văn gồm 182 câu thơ song thất lục bát được dựng theo thể
ngâm một cách truyền cảm giao hưởng giữa hai cõi âm - dương, thế mà chỉ có lời
gợi đến cô hồn, Nguyễn Du chỉ nhắc 10 loại liên quan chỉ có một lần nhắc chung
tại câu 11: “Thương thay thập loại chúng sinh”.
Pháp số 10 hàm chỉ số nhiều, những trên 10 trở lên. Chúng sinh ám chỉ mọi người
- Nguyễn Du đã dùng các danh từ “người” hoặc “kẻ” đến 19 lần qua những đến 15 lần
“triệu hồn, được trích chọn từ câu 21 cho đến câu 136. Chọn đếm ra thì có tới
30 câu/182 câu”.
Không thể kể hết, tiêu biểu nhắc đến một số câu thơ minh họa:
- Câu 21, 22:
Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh,
Chỉ những lăm cất gánh non sông.
- Câu 45, 46:
Kìa những kẻ mũ cao áo rộng,
Ngọn bút son sống thác ở tay.
- Câu 93, 94:
Cũng có kẻ vào sông ra biển.
Cánh buồm mây chạy xế gió đông
- Câu 121, 122:
Cũng có kẻ mắc đoàn tù rạc
Gởi mình vào chiếu rách một manh.
- Câu 129, 130:
Kìa những kẻ chìm sông lạc suối,
Cũng có người xẩy cỗi xa cây.
- Câu 131, 132:
Có người leo giếng đứt dây,
Người trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành
- Câu 135, 136:
Có người hay đẻ không nuôi,
Có người sa sẩy, có người khôn thương.
Nói 9 phương trời, 10 phương Phật thì đích thị là chuẩn mực. Viết thập loại thì
có thể hiểu theo cách ước lệ. Phải hiểu là trên 10 như 12, 14... cũng đúng theo
tư duy tổng quan của người Việt về số lớn. Nói 100 họ (bách tính) nhưng thực tế
kê ra lại hơn 100 dòng tộc. Thói tục trong bán buôn mua 10 lại chầu thêm 2, 3
hoặc 4 là bằng chứng.
Cái khôn khéo của tác giả Nguyễn Du là đã dùng 10 loài chúng sanh lan tỏa qua
phần triệu hồn (gọi hồn). Với “Cô hồn các đẳng”, dân gian thường nói thì họ chết
đủ thứ nghiệp theo lỗi “sinh nghề tử nghiệp”. Đó là chưa kể chết non, chết già.
Trên 10 loài chúng sinh như sĩ, nông, công, thương, binh, còn phải kể các loại
chúng sinh khác như ngư, tiều, canh, mục hoặc cầm, kỳ, thi, họa chẳng hạn.
Đó là nét khác biệt và tiến bộ của Nguyễn Du so với các tác giả thuộc triều thần
đời vua Lê Thánh Tông đã biên soạn Văn tế thập giới cô hồn quốc ngữ văn.
Trong toàn bài, tuyệt nhiên không tìm thấy câu nào nhắc đến giới tăng lữ như Thập
giới cô hồn quốc ngữ văn do triều thần đời Lê Thánh Tông biên soạn mà chính nhà
vua đề lời tựa của bộ sách Thiên Nam dư hạ tập ra đời vào thời Hồng Đức thứ 14,
tức năm Quý Mão, 1483. Đời sau và đời nay đã phản biện tranh cãi: Ai là tác giả?
Người bảo của Thân Nhân Trung, kẻ nói của vua Lê Thánh Tông. Và hiện nay chưa
tìm ra lời giải mã đủ sức thuyết phục. Thiết nghĩ đó là khuyết nghi của lịch sử
văn học để lại cho người đời sau. Chưa biết ai sẽ vén bức màn những bí ẩn này để
làm sáng rõ vừa Quốc sử lẫn Phật sử nước nhà.
Riêng, Văn tế thập loại chúng sinh thì có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nguyễn Du
đã từng nhen nhóm nguồn cơn: “Nhờ phép Phật siêu sinh Tịnh độ/ Phóng hào quang
cứu khổ độ u”.
Năm 1973, giáo sư Thạch Trung Giả cho ra mắt bạn đọc bộ sách Văn học phân tích
toàn thư đã viết:
“... Kinh Chiêu Hồn tả thế giới của người chết, nhưng nó chỉ là phần phản ánh
thế giới của người sống, đó là hình ảnh thời Lê Mạt, mà cũng vì thế nên mặc dầu
thê thảm ghê rợn nhưng Kinh Chiêu Hồn vẫn không quái đản như những tác phẩm
Edgar Po, nó còn NHÂN LOẠI TÍNH (người viết tôn hoa lên) vì nó tả hình ảnh nhân
loại qua những bóng ma, nó cảm lòng ta chứ nó không muốn cho thần kinh thác loạn” (12).
Tự thân Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh tự nhiên đã đẩy đưa Tố Như
Nguyễn Du lên văn đàn thế giới và trở thành Đại thi hào dân tộc kể từ năm 1965.
Vinh danh lớn không những dành cho người Việt Nam mà còn cho hàng nho sĩ không
thấy trở ngại gì khi mình đồng thời cũng là Phật tử nữa. Đó là nội dung lời
bình về Nguyễn Du của tác giả sách Việt Nam văn hóa sử luận13.
Thiết nghĩ, đó là “cái dũng” của người cầm bút tung lên hay nói cách khác là
khí tiết của nhà nho Nguyễn Du, Đại thi hào của thế giới.
L.Q.T
(TCSH343/09-2017)
-------------------
1. Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn, Phạm Vũ và Lê Hiền dịch và chú giải, Nxb. Miền
Nam, Sài Gòn, 1973, tr.187; 195.
2. Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn, Phạm Vũ và Lê Hiền dịch và chú giải, Nxb: Miền
Nam, Sài Gòn, 1973, tr. 187; 195. Tiếng Phạn: Ullambana = Vu Lan bồn hội.
3. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Cao Huy Bin và Đào Duy Anh dịch, Nxb. Văn
hóa - Thông tin, Hà Nội, 2004, tr. 129.
4. Văn minh Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005, tr.361.
5. Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000, tr.493.
6. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập I, Trần Văn Giáp, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1984,
tr.218.
7. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập I, Trần Văn Giáp, Sđd, tr.219.
8. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Sđd, tr.386.
9. Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, Sđd, tr.492
10. Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, Sđd, tr.494
11. Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, Sđd, tr.495.
12. Văn học phân tích toàn thư, Thạch Trung Giả, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, 1973,
tr.33.
13. Xem Việt Nam văn hóa sử luận, Nguyên Long , Sđd, tr.675-676.
No comments:
Post a Comment