Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, July 2, 2023

NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG (4) - Trương Ngọc Bỉnh


 

NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG

Trương Ngọc Bỉnh, 

Cựu học sinh Trường Trung học Công lập Hải Lăng, 

Khóa 5, 1964 - 1968 


(Phần 4, tiếp theo)


Chân dung và ký ức về Thầy giáo, Cô giáo ngày ấy 


     Khi lớp Đệ thất (Khóa 5, 1964 - 1968) bước qua cổng trường năm học đầu cấp vào Tháng 9 - 1964,Thầy Hiệu trưởng Lê Công Lợi bước sang năm học thứ hai, tiếp tục vị trí lãnh đạo chủ chốt của trường. Thầy nói giọng Huế rất nhỏ nhẹ, lại từ Huế ra nên tôi dám chắc cú Thầy là người gốc gác đất Thần kinh. Dáng người của Thầy nhỏ gọn. Thầy có chiều cao khiêm tốn! Thầy rất điềm đạm mỗi khi giao tiếp với đồng nghiệp và học sinh. Làn da trên khuôn mặt Thầy luôn phơn phớt ửng hồng. Là con chim đầu đàn mà lại còn lẻ bóng, e có nhiều bông hồng ở mấy lớp cuối cấp thương thầm, mơ ước vu vơ mà chưa có cơ hội để tỏ bày ... hay "tình trong như đã ... mặt ngoài còn e"? 


     Không như người ta nói tréo ngoe của câu tục ngữ: "Đất lành, chim đậu" được chắp vá hài hước vào vế sau cho luôn vần: "Đất nhậu, chim thành mồi"! Thầy Hiệu trưởng dường như đã thấy được "đất lành", đã vướng víu duyên nợ với tình đất và tình người ở nơi chốn Thầy được bổ nhiệm, công tác. Cô - cũng có thể xưng hô là Chị - Lê Thị Cúc - hồi đó đang học lớp cuối cấp (Đệ Tứ, Khóa 2, 1961 - 1965) - là chị ruột của Lê Thị Sáu, bạn học cùng lớp Đệ thất với tôi. Thế rồi, quên đi một thời gian, học trò chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa: Cô Cúc là Fiancé và là đệ nhất phu nhân của Thầy Hiệu trưởng Lê Công Lợi! Có niên huynh nào đó đã tiếc nuối cho bạn bè, mượn hai câu thơ, viết lén lút ngoằn ngoèo trên bảng lớp đàn em cuối buổi học để thách thức Thầy giám thị: "Ngày mai trong đám xuân xanh ấy / Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi!". Trước đó, chúng tôi có nghe mấy niên huynh xì xào chòm xóm rất khẽ trong giờ ra chơi về chuyện tình này mà chẳng ai dám hé môi đi "tám" cho mang họa! Ngày đó, dưới trướng của Thầy có rất nhiều "hoa thơm, cỏ mướt" con nhà trâm anh, gia phong cỡ Ông Nghè, Ông Cử, Thầy Thông, Thầy Phán... có biết bao đồng nghiệp, đồng hương chốn sông Hương, núi Ngự mà Thầy Lợi đã gửi gắm một nữa của mình nơi xứ nắng nóng, cát bỏng và bão lụt triền miên này? Hay Thầy đã sâu nặng với mấy vần điệu liêu xiêu độc đáo của Nguyên Sa - Trần Bích Lan:

     "Áo nàng vàng, anh về yêu hoa Cúc ,

     Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường. 

      Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu thương

     Anh pha mực cho vừa màu áo tím."

                          (Trích "Tuổi mười ba".)


     Thầy Lê Công Lợi chỉ làm công tác quản lý, không trực tiếp giảng dạy môn học nào cả. Trường cũng không có chức danh Phó Hiệu trưởng. Trải qua 6 năm học làm Hiệu trưởng, Thầy đã gắn bó với một đội ngũ giáo sư đầy tâm huyết, đồng hành trao gởi con chữ cho con em vùng trũng lúa nước liên hoàn các xã: Kinh, Văn, Nhi, Sơn, Trường, Thọ, Thiện, Thành, Ba, Dương ... của quê hương Hải Lăng nghèo khó mà hiếu học.

     Cứ mỗi chiều Thứ Bảy, Thầy Lợi vào Huế thăm nhà với chiếc xe máy: BS (Brigestone - 50 cc) hợp với chiều cao và vóc dáng của Thầy! Sáng Thứ Hai , đầu tuần, Thầy đã có mặt sớm ở văn phòng cùng quý Thầy, Cô giáo ... Thật đúng như danh tính "Công Lợi", Thầy đã đem tâm và trí phục vụ việc công và mang đến lợi ích cho con em ... Xin kính cẩn cúi mình và đốt một nén tâm hương đến hương linh Thầy ... nơi cõi hiền, đất Bụt mà ngày Thầy lìa cõi tạm, con ở phương xa không về được để cùng bè bạn, đồng môn... tiễn đưa Thầy...

     Thế rồi ngôi trường lại chết yểu vào đầu mùa Xuân năm 1968 sau một đêm giao tranh: một bên công đồn còn bên kia tử thủ, để lại đống hoang tàn đổ nát trên đồi cát. Ngôi trường bi thương, vô tri nằm giữa hai làn đạn, bây giờ chỉ còn trong hoài niệm, khi nhớ và nhắc đến Thầy Hiệu trưởng, Quý Thầy, Cô giáo cũ cùng bè bạn, đồng môn ...

(Còn tiếp.)


No comments: