(Lời tựa cho tập thơ “Hát Giữa Gió Mưa” của Thanh Thảo, 2022)
Nhà
thơ Thanh Thảo
lục bình ơi cho tôi trôi với
trôi lên rồi trôi xuống thôi mà
trong đầu tôi bao ý nghĩ bôn ba
làm sao hôm nay có ai đặt bài
kiếm một chút tiền còm cho trẻ nhỏ
kiếm một vài cánh hoa chầm chậm thả
lên trời
Anh không triết lý, chất giọng của anh là của những tâm sự riêng tư. Đời sống là kết hợp nhiều chuỗi khoảnh khắc, tốt và xấu, hy vọng và thất vọng, hơn là một đường vạch đơn điệu từ quá khứ đến tương lai. Vì vậy mỗi giây phút có thể mang một nội dung cực lớn, vượt ngoài chính nó. Tôi nghĩ thơ làm cho những khoảnh khắc như thế lớn lên, chậm trôi qua, đôi khi chiếu sáng. Tùy bạn, khoảnh khắc có thể là quà tặng, có thể là cạm bẫy. Đã qua lâu rồi thời kỳ của chủ nghĩa duy ý chí, cho rằng con người làm chủ số phận mình. Quả thật đôi khi lịch sử cũng nghe lệnh chúng ta, làm con người trở nên kiêu hãnh về chính mình, cho đến khi hiện thực dạy ta bài học khác. Đôi khi trong đời mọi thứ đều tốt đẹp, bỗng cơn bão xô tới, tai ương, động đất, liên lụy, bệnh tật. Mọi thứ vứt đi cả. Chỉ lúc ấy thôi người ta mới ngồi xuống, tập nhìn như Thanh Thảo.
Những con gián thật hiền
Thật nhỏ bé
Khi sống không có ước mơ nào đáng kể
Mong hai con gián bình yên rời cõi này
Về cõi gián
Không hoành tráng
Nhưng biết làm sao
Ai cũng biết nghệ thuật dù viết về đề tài gì, kể chuyện người hay chuyện ma, thì cũng để nói với con người về con người. Nhưng đọc mấy câu này của Thanh Thảo, tôi không biết điều ấy đúng đến đâu. Chẳng lẽ không có bài thơ nào viết về gián, cho gián?
Quà tặng của một khoảnh khắc đến từ những ngọn nguồn nguyên thủy, cái vô thức. Bạn muốn nhận ra ánh sáng mới, bạn phải từ bỏ ngày hôm trước. Từ bỏ ngày hôm trước không phải chỉ là từ bỏ sự đề kháng đối với hiện thực mới, hôm nay, mà còn là buông bỏ mọi nghi vấn, mọi mặc cảm, mọi hy vọng. Nhìn những con gián, người ta không thể hy vọng điều gì cả. Tất nhiên không phải khi nào Thanh Thảo cũng làm được vậy, cũng buông bỏ được tất cả: quá khứ, niềm tin, lòng yêu cuộc sống, quan niệm phải trái, trắng đen. Anh không phải là một thiền sư.
Tất cả thi sĩ trên đời này là những kẻ không thể buông bỏ hoàn toàn. Cái tình lưu luyến ấy làm say đắm lòng người. Nhưng những giây phút bừng sáng như thế, đau khổ hay hạnh phúc, hôn phối hay tan vỡ, chỉ có thể bừng sáng cho những người mở lớn cặp mắt xuyên suốt. Chắc mỗi người chúng ta còn nhớ giây phút đầu tiên gặp người mà sau này bạn gọi là người bạn đời, nếu nhớ lại bạn sẽ nhớ rằng giây phút ấy không có gì đặc biệt. Có người gõ cửa vào đúng hôm bạn ra mở cửa. Một người băng qua đường suýt đâm vào chúng ta. Đúng không? Đối với bạn đó là những giờ phút đặc biệt, nhưng thực ra chúng không có gì đặc biệt. Hàng triệu người gặp như thế mỗi ngày. Vì vậy một khoảnh khắc là một khoảnh khắc dành riêng cho bạn, chỉ bạn biết ý nghĩa của chúng. Thơ Thanh Thảo nói nhiều về trường hợp ấy.
Những gì ta nhận được trên đời
Những gì khiến ta quên sợ hãi
Có thể cho đi tất cả để được làm người
Đây là anh nói về ca sĩ Thủy Tiên, nhưng cũng nói với chúng ta. Trong mùa bão lũ năm 2020, miền Trung bị tàn phá dữ dội, người chết, nhà sập, ít ai làm thơ nhiều như anh. Thơ anh không cổ động, không tuyên truyền. Nỗi khổ cực của con người, một bên là thiên tai một bên là sự phân hóa xã hội ngày càng dữ dội.
Hoàng hôn màu tím hay màu đỏ
Anh em ta ngược hai chuyến tàu
Em ngồi ghế súp anh vé VIP
Anh cười cười còn em rầu rầu.
Nhà thơ nào cũng sử dụng các ẩn dụ, nhưng cách họ sử dụng khác nhau. Ở Thanh Thảo các hình ảnh trong đời thường lấy lại những ý nghĩa vốn của chúng nhưng bị quên đi. Nói cách khác, anh không tạo ra nghĩa mới cho các từ, anh chỉ làm hồi phục các nghĩa nguyên thủy của chúng. Tôi yêu thơ Thanh Thảo còn vì tiếng cười của anh.
Trước quả mít xin nói giùm một tiếng
Anh muốn yêu hay ăn?
Anh tái hiện đời sống bằng cái nhìn vừa thấu suốt vừa thương cảm, Cảm hứng của anh xuất phát từ những tình huống xung đột, những cuộc đời mới nhìn thì bình thường nhưng nhìn kỹ thấy có biến động. Ngày trước, cha ông ta cho rằng mọi vật đều có linh hồn, mọi hoàn cảnh đều chứa huyền cơ. Tính chất duy lý của khoa học, chủ nghĩa vô thần, tính chất thực dụng của một xã hội thương trường như hiện nay, có khuynh hướng làm người ta quên đi mối quan hệ ẩn mật giữa con người và thế giới. Thực ra thiên nhiên chứa đựng trong nó những quan hệ sâu xa, vượt khỏi sự hiểu biết, và những quan hệ ấy vận động. Thanh Thảo nhìn ra ở đó, những quan hệ ấy, các màu sắc khác nhau, những ý nghĩa khác nhau. Các bài thơ của anh có hình ảnh trung tâm, tức là một ẩn dụ lớn, anh không nặng về một câu thơ hay đơn độc, có thể nảy ra các nhãn tự, bài thơ của anh là một cấu trúc nguyên vẹn, toàn thể. Một bài thơ thời sự như thế này, không thể tách ra từng chữ, từng câu:
mỗi ngày đọc tin trên mạng
90% là chuyện không vui
giờ đón thêm tin bão
làm sao có thể cười
bão chưa vào là bão chưa vào
là bão còn nguyên đó
dập dồn 3 cơn bão
miền Trung liệu còn gì?
nếu bão không vào quê mình
thì bão vào quê bạn
quê đồng bào
vào đâu cũng khổ như nhau
thủy điện phá rừng
thủy điện bạt núi
báo cáo thành tích mặt hớn hở
bão vào lũ tới chết như không
chết như không
chết lặng im
đất đá vùi lấp
nổi lên một bản tin
nổi lên những lời thương xót
chẳng biết thế nào
nổi lên những đoàn quan chức
đứng xa xa ngó vào
năm nào bão lụt
thủy điện đều xả lũ
nói văn hoa là “điều tiết”
làm sao
để có điện mà không cần thủy điện?
có lũ mà rừng còn
có bão mà núi không sạt lở?
làm sao
(ĐÓN BÃO)
Giọng phê phán mà điềm tĩnh. Cũng đôi khi Thanh Thảo sử dụng văn nói quá nhiều trong thơ, anh tiệm cận đến văn xuôi, trong khi đã quen sử dụng một lối viết cổ điển của văn vần:
Bão số chín quét qua
Mấy ngày không thấy bác
Ông tiên cũng vắng mặt
Lòng tôi cứ lo lo
Đối với người đọc, một bài thơ hay bao giờ cũng là một giải pháp cho tâm hồn. Chúng không phải là những giải pháp thực tế, không phải là những lời khuyên khôn ngoan. Giải pháp ấy đôi khi là lời an ủi, sự cắt nghĩa, tia sáng ngoài cửa sổ, tình thương yêu. Tôi vừa nhắc đến một chữ quan trọng, tôi cho rằng thơ Thanh Thảo là thơ của tình thương yêu. Thương yêu khác với yêu, đó là thứ tình cảm khó diễn tả, đứng giữa hai thứ: tình yêu nam nữ say mê rồ dại và một tình thương thuần khiết đầy hy sinh như tình mẫu tử. Thơ anh không phải cái này cũng không phải cái kia, một thứ tình đối với sự sống, con người, đồng bào, các sinh linh trên mặt đất. Suy nghĩ và xúc động cân bằng. Cuộc đời không tốt quá cũng không xấu quá, tình yêu không đến mức thần tiên điên dại, nhưng cũng không đến nỗi xấu xa thô tục. Thật dễ dàng để than trách số phận, đổ lỗi cho người khác, oán than trời đất, nhưng điều đó không có ích gì. Thanh Thảo vốn viết rất nhiều về chiến tranh, và viết hay, nhưng khi hướng ngòi bút của mình về cuộc sống ngày thường, thơ anh cũng thiết lập được mối quan hệ với đời sống theo kiểu khác, từ bỏ những khái niệm của đại tự sự, anh trở thành tiếng nói riêng lẻ, của những con người bình dị nhưng rất thực, kẻ ngoại biên, rìa cương thổ. Ngoại biên là bất phục, nhưng không phải là đề kháng. Thơ trữ tình Thanh Thảo là tiếng nói của những công dân lầm than, những số phận khốn khổ, những mối tình bé mọn. Thơ anh chống lại lãnh đạm. Anh giữ nhiều yếu tố của chủ nghĩa hiện thực, nhưng đã vượt qua nó, vì là một trong những người sớm nhất mang tính hiện đại vào thơ ca, biến thơ thành diễn ngôn kiểu khác, phi chính thống. Chúng ta xuất thân từ nền văn hóa với những giá trị sâu xa của nó, có khuynh hướng giữ gìn truyền thống. Nhưng càng giữ gìn, chúng càng bị bào mòn. Tôi muốn nhìn thấy cách mà Thanh Thảo giải quyết mối quan hệ giữa cách tân và các giá trị thẩm mỹ. Anh sống hồn nhiên mà suy tư, viết suy tư mà hồn nhiên, ung dung đi qua đời sống, tưởng không có mục đích mà ghi nhận đầy đủ mỗi sáng mỗi chiều, nắng mưa thời tiết, nụ cười nước mắt. Thanh Thảo yêu đất nước theo cách của anh, bằng những sợi giây liên lạc bền chặt sâu xa có khi chỉ mình anh mới biết, những ràng buộc vô thức với mặt đất, người nông dân, các số phận. Anh cười dễ dàng nhưng không khóc dễ dàng, đôi khi giấu kín trong lòng tâm sự u uất. Anh có những giấc mơ, lòng thương nhớ khôn nguôi, sự hoài nghi về lý tưởng, sự đánh giá lại, nhưng chúng ít khi xuất hiện trong thơ anh. Tôi không biết rằng đó là một cố gắng ý thức hay là một phương cách tự nhiên vô thức. Giữa những hoàn cảnh khó khăn, cũng có lúc anh mỉa mai, châm biếm, nhưng không căm ghét, cay đắng. Đi qua nỗi buồn, anh thấy niềm vui. Mà anh vui thật, trẻ trung, không phải là một thứ niềm vui với cảm giác có lỗi như của Jack Gilbert:
We must risk delight
Chúng ta phải mạo hiểm để sống vui
Tôi nghĩ sở dĩ Thanh Thảo có được tính hồn nhiên như thế là vì thơ anh ít nói về mình. Thơ nói về người khác, nói với người khác, nói từ người khác. Trong thơ, tác giả không còn ở vị trí trung tâm. Đó là một thứ thơ trữ tình xã hội nằm vắt qua ranh giới giữa chủ nghĩa hiện thực và khuynh hướng hiện đại, giữa hiện đại và hậu hiện đại. So với những tập thơ trước, Thanh Thảo đi một bước dài không phải về phía chủ nghĩa anh hùng, hay những tư tưởng độc đáo, trái lại anh đi về phía cái hàng ngày, cái đẹp cụ thể, độc đáo. So với những năm trước, thơ Thanh Thảo không nặng về khám phá ngôn ngữ, xây dựng những cấu trúc mới, khuynh hướng làm mờ nhòa ngôn ngữ. Sự thu hút của thơ Thanh Thảo xưa nay vốn nằm ở sự chân thật, sự phê phán có tính lạc quan và sự lạc quan có tính phê phán. Thơ anh thiên về ca ngợi, nhưng đó không phải là sự ca ngợi một chiều, rập khuôn, đó là sự ca ngợi được nghiền ngẫm, sự cao cả được đánh giá lại. Anh trung thành trong khuynh hướng ấy, nhưng đi xa hơn, tìm thấy cái đẹp bền vững trong khía cạnh mong manh. Lòng tin của anh đối với con người và đối với nhân dân chưa hề thay đổi. Không một nhà thơ nào có lương tri đã không từng có lúc nghi ngờ: thượng đế, loài người, sự chết, lịch sử và lừa dối, lý tưởng, những ism, tình yêu. Ngay cả khi đau xót anh cũng đau xót nhẹ nhàng.
có những điều thầy tôi không nói
nhưng thầy biết con trai mình cảm thấu
bao lỡ làng một kiếp sông ơi
làm chi còn bên lở bên bồi
may thầy tôi không nhìn thấy
bao hy vọng những ngày xưa ấy
bao hy sinh giờ mất hút đâu rồi
tiếng thở dài buông như lục bình trôi
Một bài thơ như thế khó trích ra một vài câu được. Thơ anh ít có những câu gọi là tuyệt cú. Bài thơ cần phải được đọc trọn vẹn, toàn bộ bài thơ là một hình ảnh lớn, các câu thơ là một phần của cấu trúc trọn vẹn. Nếu bạn tách chúng ra, các câu thơ ít có ý nghĩa. Đây là phong cách của các nhà thơ đương đại Âu Mỹ, lấy cái toàn bộ mà thay cho chi tiết, bài thơ là một ẩn dụ trung tâm. Thơ anh không phải để ngâm, không phải để tầm chương tích cú, nhưng đọc hết cả một bài, bạn cảm động: bài thơ ấy của Thanh Thảo làm bạn vui lên, bồi hồi, ngẫm nghĩ, bạn trở thành người bao dung hơn, sẵn sàng tha thứ hơn, cho cuộc đời và cho bản thân mình. Cần nhớ rằng điểm mạnh của anh trước đây là trường ca, một thể loại thơ riêng biệt; trường ca có tính cách lịch sử và chiến tranh. Những đề tài lớn như thế cần thể loại thích hợp của nó. Từ những ngày đầu, Thanh Thảo không có khuynh hướng tô điểm cho thế giới, anh tạo ra một thế giới mới, của riêng anh, những người anh hùng được nhìn qua cái tôi, những nhân vật lịch sử được chiếu sáng bởi ngọn đèn hôm nay. Anh viết về người khác, nhưng là một thứ người khác tâm tình, thông qua cái tôi trữ tình. Hát giữa gió mưa cũng vậy, anh nói về người khác hơn về mình. Anh nói về những người phụ nữ hơn là nói về vợ mình hay người yêu của mình. Điểm này làm Thanh Thảo khác người cùng thời. Nhưng qua người khác mà người ta nhìn ra khuôn mặt anh, lòng tin quả quyết và đơn giản của anh, sự thật thà của anh, một sự thật thà phức tạp. Hãy xem bài thơ mà anh lấy nhan đề cho cả tập thơ, Hát giữa gió mưa. Nhà thơ nói về một ca sĩ, trong công việc nhân đạo của cô.
như chiếc lá xoáy trong vùng lũ dữ
người ca sĩ ấy
hát giữa gió mưa
hát với bọt bèo
hát cho những người cùng khổ
có một sức mạnh nào
nâng cô gái nổi trên nước xiết
lao tới những người sắp chết
những người dỡ mái ngói kêu trời
chỉ đơn giản vậy
những gì ta nhận được trên đời
những gì khiến ta quên sợ hãi
có thể cho đi tất cả
để làm người
một người bình thường thôi
hát giữa gió mưa
lời ca là một gói mỳ tôm một bao gạo
một cây cầu gãy
một đoạn đường sạt lở
hát giữa những người đang đói lả
chỉ vậy thôi
cúi đầu trước bao câu ngợi khen
ngẩng đầu trước những lời khó thở
có sao đâu đời vẫn vậy
mắt nhìn thẳng những bàn tay đang vẫy
nơi ấy
cho ta sự bình yên
một người ca sĩ
không chỉ hát, còn biết khóc
biết cái gì quí nhất trên đời
một buổi sáng tâm hồn xanh màu trời
(HÁT GIỮA GIÓ MƯA)
Hát giữa gió mưa là tiếng hát khác, không phải bằng âm thanh mà bằng nghĩa cử, tựa như ngôn ngữ vô ngôn của các thiền sư. Lấy cái chi tiết ấy làm điểm tựa cho bài thơ ngắn, giản dị, được viết tưởng như dễ dàng, tự nhiên như lời nói chất phác của người cùng khổ. Mỗi giây phút trong đời có thể làm một giây phút lớn lao. Mỗi giây phút mang lại một thách thức, một vận may, một thấp thoáng cái chết, một quà tặng. Một nơi nào, một lúc nào, luôn luôn có kẻ nhận lấy món quà ấy. Giây phút giữa gió mưa ấy là của Thủy Tiên. Giây phút nhìn thấy người ca sĩ ấy là của Thanh Thảo. Thơ anh dịu dàng, tinh tế nhưng hài hước, thông minh. Món quà của giây phút thực ra không phải đến từ bên ngoài chúng ta, chúng đến từ ngay trong lòng mỗi chúng ta, đã sống, đã nghĩ, đã chiêm nghiệm và thay đổi, đã dọn sẵn lòng mình. Trong cơn hoạn nạn, giữa gió mưa, chỉ có tình người là trọng, quan hệ gì tiểu sử, thành tích, quan điểm, lập trường chính trị. Vào cái giờ phút ấy, con người bộc lộ điểm sáng lung linh của một cá thể, cái giữ cho nhân loại trường tồn.
Thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ, sự duyên dáng của các câu chữ, sự chọn lựa và sắp xếp của chúng. Văn học của chúng ta là văn học nặng về ký ức, thực ra là một thứ ký ức về thời kỳ đen tối, chiến tranh, xung đột, mất mát. Thơ ở lại lâu dài với người đọc không phải vì những nhân vật trong ấy, dù họ có lớn lao kỳ vĩ đến đâu, mà vì chính ngôn ngữ của tác giả. Ngôn ngữ ấy làm cho một đời sống được diễn tả trở nên sinh động có thực; thực ra tấm gương của hiện thực trong thơ không phải là tấm gương, nó tạo ra một hiện thực khác, truyền đi một ý nghĩa khác. Siêu thực:
những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy
(ĐÀN GHI-TA CỦA LORCA)
Có một điều gì sẽ còn lại trong bài thơ Thanh Thảo, một hóa chất không thể hòa tan trong các dung dịch. Bài thơ của anh từ chối văn xuôi hóa, khái niệm hóa, sự kết thúc của nó cũng là sự mở đầu. Mặc dù nhiều bài về xã hội, thơ anh không nhằm giải quyết các vấn đề, hầu hết chỉ để nêu lên câu hỏi. Đôi khi, có vẻ anh cũng tìm được câu trả lời cho mình, nhưng đó không phải là câu trả lời có thể đại cương hóa như cẩm nang. Câu trả lời của anh chỉ đúng trong trường hợp ấy, chỉ thích hợp cho một nhân vật như vậy. Thơ không tạo ra một sự kiện, không phải là vũ khí đấu tranh. Tuy vậy, có một mối liên kết mạnh mẽ giữa các nhân vật trong thơ và cuộc đời quanh chúng ta. Tác giả hòa vào các nhân vật ấy, sống giữa họ, trở thành nhân vật trong ấy, giúp các nhân vật nói bằng tiếng nói thích hợp.
Anh không đẩy xúc cảm của mình đến chỗ cực đoan. Trong thơ anh những yêu ghét vui buồn thấp thoáng, nhưng ghét mà không đến mức căm hờn, yêu không đến mức mê mẩn, ca ngợi không đến mức tôn thờ. Nó phản ánh con người của tác giả, chừng mực. Trong anh, sự phân biệt giữa nội tâm và ngoại giới, giữa người nhìn và người được ngắm nhìn, có lúc rõ, có lúc không. Ở người khác, sự phân biệt ấy làm cho họ đứng hẳn về một phía, nhưng ở anh, lại thấy nhiều hơn sự cân bằng giữa các cực đối lập, tâm thế ở đời tương đối. Thanh Thảo viết nhiều về thú vật, đồ vật, nhưng anh không phải là nhà thơ thiên nhiên. Những điều mà anh tả là khung cảnh của đời sống, là nơi diễn ra những biến đổi của tâm hồn con người, là khung cảnh hôm nay của một nền văn hóa đang suy đồi dữ dội. Mỗi người chúng ta là một đứa trẻ, một đứa trẻ đủ lớn để biết điều này chuyện khác nhưng không đủ lớn để hiểu tại sao thế giới lại buồn rầu, con người lại chia ly, tan tác. Giữa những người lớn trẻ con ấy, Thanh Thảo cất lên tiếng nói của mình, kể những câu chuyện làm cho người ta ấm áp trở lại, bình tĩnh và vui vẻ trở lại, tin tưởng hơn, không phải vì anh hứa hẹn một điều gì trong ngày mai mà vì với tài năng ngôn ngữ của mình, anh chỉ ra những ý nghĩa mới của hiện hữu.
mưa chạy rất nhanh phía cạn ngày
bạn tôi chép miệng: có ly bia giờ này
trời sẽ mát
một ly bia uống lúc cuối thu
Tư duy thơ của anh như vậy: trữ tình và dân dã. Ở anh khái niệm dân tộc và dân gian là một, dân gian của anh chính là dân tộc. Điều kỳ lạ là, ngôn ngữ của Thanh Thảo lại không dung tục, trần trụi, mà tinh tế lịch thiệp, đôi khi huyền ảo, một thứ ngôn ngữ không dành cho đại chúng. Cuộc sống ngày càng hối hả, con người ngày càng quan tâm đến thời gian, sống vội, sống gấp. Trong thơ anh, thời gian không phải là áp lực, anh nhẩn nha vì anh biết sử dụng hết thời gian. Có thứ thời gian trôi chậm lại ở những người minh triết. Cho rằng Thanh Thảo là một người minh triết, như thế được chăng?
Đọc anh, thấy mỗi phút giây ta sống thật quý, vừa thực vừa ảo. Tôi tin nếu người yêu thơ được giới thiệu tập thơ mới của Thanh Thảo, họ sẽ thích thú theo dõi, nghe anh kể chuyện: một người từng trải hồn nhiên, biết kể chuyện mà ít lời, nghiêm mà vui, dí dỏm. Thử hỏi ai không thích có dịp trò chuyện với một nhà thơ như vậy, không thích được gặp một người như vậy, cùng nhau ngồi xuống vỉa hè làm một ly bia vào chiều muộn cuối thu?
Nguyễn Đức Tùng
(Lời Tựa cho tập thơ Hát Giữa Gió Mưa của Thanh Thảo, 2022)
No comments:
Post a Comment