Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, November 21, 2021

GIÓ - SỰ CHIÊM NGHIỆM SÁNG TẠO - Hoàng Dục giới thiệu tập tập thơ của Hồ Sĩ Bình: NGÀY SINH CỦA GIÓ

 

NGÀY SINH CỦA GIÓ -Tập thơ của Hồ Sĩ Bình

 GIÓ - SỰ CHIÊM NGHIỆM SÁNG TẠO

Hoàng Dục

 

“Ngày khai sinh của gió” đã gấp lại rồi sao gió vẫn miên man. Có lạ gì khi gió xưa sau luồng theo câu chữ mà tượng hình trong những trang văn. Sao trong cõi thơ Hồ Sĩ Bình gió cứ nhoi nhói, cứ thao thức như một niềm riêng. Phải chăng ngọn gió ấy là niềm ưu tư sáng tạo, là chiêm nghiệm về nghệ thuật của anh.

Hình như là thế? Làm sao không xôn xao khi:

 

gió tẩm liệm những câu thơ

giấy trắng vẫn y nguyên thuở học trò

                                (Bài thơ viết giữa rừng)

 

Chạm vào câu thơ, bao câu hỏi trồi ra đến xốn xang. Gió tàn nhẫn đến thế ư? Cái đẹp sao có thể bị vùi lấp? Gió sắm vai kẻ nhà đòn hay là người thương vay nghệ thuật? Không. Hãy vứt đi những câu hỏi vô duyên ấy. Gió đang thực hiện quyền năng sáng tạo nghệ thuật của nó. Gió chỉ chôn cất những câu thơ héo rũ, thiếu linh hồn và thiếu cả sức ngân. Làm sao không “tẩm liệm” những bài thơ chỉ là tiếng hót của chim bách thanh:

 

Rừng lao xao rừng động những âm vang
mà giai điệu đã ngàn xa nỗi vọng
bản đồng ca ngời ngợp
những buồn vui nhợt nhạt
những con chim bách thanh
không có tiếng nói của riêng mình
rao giảng những điều không thật

                                (Mưa ngoài ngàn)

 

Ai có thể dung nạp những bài thơ như những bản sao mang màu cương thi nhợt nhạt vô hồn. Ai có thể mở lòng ra với những bài thơ thiếu vắng dấu ấn của người thơ. Lúc ấy, gió sẽ thay người ném vào khoảng vắng những mặt nạ xác chữ, những câu thơ giả hình:

 

đuổi hình bắt bóng
những câu thơ hai mặt
không thuộc về mình

                                (Bài thơ viết giữa rừng)

 

Và gió cũng sẽ cau mặt trước những người làm thơ chỉ để lại những dòng chữ như những luống cày xưa cũ. Đấy là những luống cày trên đất bạc màu, không đủ sức nuôi lớn một mầm xanh. Người viết thơ ấy khác nào người đàn ông hát bài ca mời rượu. Mặc đá cuội nằm im lơ đãng/ đứa trẻ bơi qua sông bẻ bắp/ người đàn bà vẽ đời mình trên bông lau nơi rừng cũ. Chẳng cần ngó ngàng rượu không còn hương chỉ còn mùi khói chín đầy chăn gối/ người phụ nữ Ê Đê bỏ lá cây gì gửi vào trong vò rượu nỗi nhớ/ dài rộng mênh mang đại ngàn đi đâu chồng cũng đừng quên về nhà/ chớ nghe gió rủ rê/ mà quên buôn làng. Có gì rời rã trong lời ca buồn như cầu kinh, như lời gọi hồn rừng núi sơ nguyên:

 

Người đàn ông cứ hát bài mời rượu

không cần biết mọi người đã ngủ 

                                (Uống rượu giữa rừng)

 

Người đàn ông Tây nguyên hát mãi một hòa âm trên những sân khấu không còn như cũ nữa. Ông ta không cần thính giả, khác nào như nhà thơ chối từ người thẩm thức văn chương. Trong khi đó thơ ra đời từ nhu cầu giao cảm giữa người hát thơ và người tiếp nhận của muôn đời. Thơ là sự trải lòng của nhà thơ được che đậy bởi lớp hiển ngôn giàu tính nghệ thuật đợi chờ người đọc giải mã diễn ngôn đó. Với ý nghĩa này có thể hiểu “Chờ” là một diễn ngôn như thế:

 

Nếu không còn ai chờ

tôi sẽ như con ve xẹp lép

không màng hát ca

tôi sẽ đánh mất tôi 

dưới mái nhà yêu dấu

                                (Chờ)

 

Không người tiếp nhận, không người đón đợi, thơ chỉ còn là con ve xẹp lép. Những câu thơ của gió chưa kịp hoài thai, chưa thấy ánh sáng đã bị ném vào bóng đêm hoang lạnh. Nhà thơ như kẻ lạ bị lưu đày trong căn nhà yêu thương của chính mình. Nhà thơ cô đơn ngồi với những câu thơ vắng bóng tiếng cười, một mình thương nhớ tiếng ve của khúc nhạc đồng ca mùa hè thị xã/ bóng mát đã bị đánh cắp/ tuổi thơ, tiếng ve, cánh phượng hồng lạc gió một trời xa (Ve và trí nhớ).

Gió trong “Ngày khai sinh của gió” mang trong mình phẩm chất và cá tính tính sáng tạo cái đẹp. Cho nên, tâm hồn gió luôn phập phù suy tư về sự tồn sinh của thi ca. Những suy tư này rải ra, loang thấm trong nhiều bài thơ và rồi hội tụ tạo thành cao trào trong bài thơ mà Hồ Sĩ Bình lấy tên làm tiêu đề của cả tập thơ. Vũ trụ uyên nguyên đã tồn tại cái đẹp. Từ cõi thẳm sâu huyền nhiệm ấy ngọn gió thơ ra đời. Nhưng để cho thơ thật sự có hình hài, có linh hồn, có sự sống riêng, phải cần có những nhà thơ mẫn cảm với cái đẹp, thực tài và có cá tính nghệ thuật. Nhà thơ không thể:

 

Trên cánh đồng chữ nghĩa nhập nhoạng

những bóng người chỉ là bóng từ bốn phía

giẫm lên những câu thơ của gió

còn lại những hạt lép mùa vàng

màu sơn đỏ thếp vàng cũ kỹ

                                (Ngày khai sinh của gió)

 

Không thể định danh nhà thơ khi chỉ là chiếc bóng người. Không có thi ca đích thực khi khuôn mình vào hình hài ngôn từ của người đi trước để thơ chỉ là bóng chữ mù mờ. Dẫu anh có đánh bóng tô màu lên con chữ thì thơ cũng chỉ là hạt lép ố vàng bởi lớp váng thời gian. Nhà thơ phải là người khai sáng cho mình trên con đường nghệ thuật. Anh có lối đi riêng của chính anh. Cái tôi trong thơ của anh là cái tôi trữ tình thực hữu của anh. Cảm nhận như thế để thấy, cái tôi của Hồ Sĩ Bình trong thơ là cái tôi chiêm nghiệm sáng tạo đầy day dứt. 

 

Cũng ở khổ thơ này, anh thác gửi suy tư sáng tạo qua hình ảnh “Cánh đồng chữ nghĩa nhập nhoạng” có nội hàm phong phú. Hình ảnh ấy gợi liên tưởng đến những câu thơ cùng trường nghĩa:

 

trên cánh rừng chữ nghĩa
đồng phục bạc màu u ám

                                (Mưa ngoài ngàn)

 

Có lẽ cũng không nên đi đến tận cùng các lớp nghĩa mà hình ảnh thơ gợi ra. Chỉ nên dừng lại ở hình ảnh hữu hạn “cánh đồng” hay “cánh rừng” thế thôi. Ngôn từ là một sinh ngữ, nhưng là một sinh ngữ có giới hạn và tiệm sinh. Cho nên, nhiệm vụ thiêng liêng trên hành trình sáng tạo của nhà thơ là phải sinh thành diễn ngôn trữ tình mới. Có thể phỏng lời nhà ngôn ngữ học Ferdinand De Saussure để diễn tả ý này, đó là thơ ra đời khi nhà thơ tạo ra “cái được biểu đạt” mới mẻ ứng với “cái biểu đạt” có thể không mới. Tạo được “cái được biểu đạt” mới thế nào là tùy thuộc vào xúc cảm thẩm mĩ, vào năng lực làm chủ ngôn ngữ,… của nhà thơ. Đó cũng là điều mà Roman Jakobson quan niệm: Cách đặt đối tượng vào ngôn từ, vào khối từ ngữ: tôi gọi đó là thời điểm duy nhất và thiết yếu của thơ (Thơ Mới tại Nga, 1919).

Không dừng lại ở đấy, “Ngày khai sinh của gió” còn gợi lên hình nhà thơ  biết cách làm mới sáng tác của mình:

 

Toát lên sự bất lực

gió không bay qua được chiếc bóng của mình

gió không qua hết đường làng

làm sao mà bay vào trời rộng

                                (Ngày sinh của gió)

Làm sao thơ có thể sống giữa cuộc đời rộng lớn khi nhà thơ ngủ vùi trong tâm lý thỏa mãn. Làm sao thơ được con người đón nhận hạnh phúc khi nhà thơ không bước qua được chiếc bóng của mình. Thơ sinh thành và đáng gọi là Thơ, đó là sự cố gắng không ngừng của con người để tự vượt lên mình (Johannes Becher).

Chính quan niệm như vậy nên Hồ Sĩ Bình qua thơ luôn lục vấn tâm thức sáng tác. Ngồi trong “Quán nhỏ lưng đèo, anh thấy mình lao đao giữa lưng chừng trong miền sáng tạo. Anh úp mặt vào thơ thở ra giọng điệu u trầm: tôi úp mặt vào khuya/ thấy mình là đám mây núi/ không xuống được mặt đất trần gian/ và không bay lên được/ cứ thế lưng chừng mãi sống mòn (Quán nhỏ lưng đèo). Gió còn ruổi rong đâu đó bỏ quên mây núi giữa lưng chừng đèo mòn mỏi. Thơ chưa về nên người viết cũng chênh chao trong nỗi sống mòn. Nỗi đau khổ của người thơ là ở đó. Nhưng đó lại là nỗi đau khổ hạnh phúc: 


tôi mãi ngồi chờ tôi
một câu thơ phía trước
chỉ một câu thôi
để đám mây kia bay lên
nhấc tôi khỏi mặt đất
                        (Quán nhỏ lưng đèo)

 

Hạnh phúc được chờ đợi. Hạnh phúc trong sáng tạo. Hạnh phúc của sự thăng hoa. Hạnh phúc khi những câu thơ của gió chở mùa vàng lên trang văn bát ngát (Nguyệt quế cho nỗi buồn). 

 

Cái miên man của gió trong “Ngày khai sinh của gió” hình như là vậy. Cái miên man ấy khẳng định niềm xác tín trong chiệm nghiệm sáng tạo thơ ca của Hồ Sĩ Bình. Nghệ thuật luôn có phong cách, thơ yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Phong cách sáng tạo nghệ thuật là sự tiếp nối và đổi mới không ngừng bởi: Nghệ thuật bất tận như dòng sông mãi chảy/ Sông đi qua trở lại, là gương soi khuôn mặt xưa/ của Heraclitus, người thay đổi luôn luôn,vẫn như xưa/ và khác trước, như dòng sông mãi chảy (Jorge Luis Borges - Nghệ thuật thơ ca). 

 

                Nhưng làm thế nào để có được những câu thơ của gió, những câu thơ in đậm cá tính sáng tạo của nhà thơ. Chỉ có độc sáng mới thực sự tạo lập được phong cách nghệ thuật, mới khiến thơ có năng lực siêu việt thời gian.

                                                                               

                                                                                                                Hoàng Dục

hoangduclqd@gmail.com

No comments: