ĐẰNG SAU NHỮNG ĐOẢN KHÚC… RỜI!
(Đọc “n bài thơ ngắn” của Đinh Tấn
Phước, NXB Hội Nhà văn)
Nguyễn Thị Thu Thủy
Mai-a-côp-xki đã từng viết: “Phải phí
tổn ngàn cân quặng chữ / Để thu về một chữ mà thôi”. Thật vậy, thơ ca là tinh
hoa, là sự chắt lọc tối cao của ngôn ngữ. Không thể có những câu thơ thật kiệm
con chữ mà có sức bung tỏa diệu kỳ, nếu nhà thơ không thực sự lao lực khi “luyện
quặng”. Với Đinh Tấn Phước cũng vậy, từ “Gió mùa” (1997), “Chạm bóng” (2007),
“Bóng thức” (2015), “Bạch thông” (2017) đến “n bài thơ ngắn” (2020) là cả một
quá trình miệt mài lao động với câu chữ. Cầm tập thơ nhỏ gọn, vừa vặn trong
lòng bàn tay, tôi tưởng chừng chỉ bấy trang sách, sẽ đọc vèo trong vài chục
phút. Nhưng tôi đã nhầm, những bài thơ thật ngắn ấy lại mở ra cho người đọc những
trường liên tưởng sâu xa.
Tập thơ mới trình làng cuối tháng
11-2020, gồm 82 bài thơ cực ngắn, được trang trí ở bìa và bên trong là những bức
tranh khá lạ mắt của họa sĩ Đinh Cường, Phương Nam, Trần Thị Kim Phú… Có thể gọi mỗi bài thơ thật
ngắn ấy là một đoản khúc, bởi mỗi khúc chỉ vài ba câu, mỗi câu chỉ vài ba chữ,
tổng cộng một bài thơ nhiều nhất là 14 âm tiết. Các câu thơ trong bài liên kết
khá lỏng lẻo nhưng khi đọc và ngẫm nghĩ kỹ, ý tứ câu chữ của Đinh Tấn Phước
không hề cạn hẹp. Bằng tư duy của một nhà logic học, ta có thể hình dung anh
đang giải mã bài toán cuộc đời bằng con đường rút gọn nhất, để tìm sự đồng điệu
trong tâm hồn độc giả.
Ta gặp trong thơ Đinh Tấn Phước những
suy tư triết luận về phận người, về đời mình, về quy luật nhân thế… bằng những
trải nghiệm của một con người đã qua bao va vấp, sóng gió. Những câu thơ giàu
chất hiện thực về người dân chài mà bát cơm chan đầy vị mặn của giọt mồ hôi biển:
“tiếng sóng / chạm bát cơm dân chài / mặn chát” (bài số 12); “người đi câu mực
/ thuyền thúng / đêm mưa” (bài số 20). Ý thơ giàu ám ảnh bởi sự xuất hiện của
thi ảnh: “thuyền thúng” chòng chành đêm mưa như số phận chông chênh của người
đi biển trước hiểm họa của giông gió, bão bùng.a
Những câu thơ tưởng ngắn nhưng biên
độ gợi mở của chúng không hề ngắn như lời thưa của chính tác giả: “Tôi xin gửi
đến quý độc giả những bài thơ ngắn… như những lời tự sự gọn gàng. Nội dung có
thể nằm hoặc không nằm ở những câu chữ”. Đó là những dòng thơ được cất lên từ
những suy ngẫm về thế sự: “trong những đống tro tàn / phủ giấy hoa / đám con
gián đỏ, đen / cặm cụi” (bài số 6); hay những quan sát rất thực từ những điều
tưởng như vụn vặt trong đời sống hàng ngày: “chiếc cầu / gãy / chạm được dòng
sông”.
Bên cạnh những vần thơ giàu tính thế
sự, ta vẫn tìm được những ý, tứ lắng sâu trong lòng người bởi cảm xúc, bởi hồi ức
tràn về. Một tuổi thơ đầy kỷ niệm cùng những trưa trốn học, đuổi chim dồng dộc,
chèo bẻo trên cánh đồng đầy nắng, gió cùng ước mơ bay bổng với trời xanh: “chim
chèo bẻo / cánh đồng không, đầy gió / gặt tuổi thơ tôi” (bài số 36); “cầm trên
tay / trận cười vàng thuở nhỏ / tôi gửi hồn tôi trên cánh chim” (bài số 49). Những
câu thơ lay động hơn cả là khi Đinh Tấn Phước viết về cha mẹ trong nỗi lòng của
một người con tuổi đà xế bóng: “gió bấc se lòng / khát một nụ cười của cha /
thèm một bát cơm của mẹ”. Vần, ý chất chứa một thông điệp, nhằm gửi gắm đến tất
cả chúng ta về sự trân quý, nâng niu hạnh phúc giản dị, thường ngày…
Chính vì nắm giữ và lý giải được quy
luật cuộc đời nên người thơ Đinh Tấn Phước xác định một tâm thái an nhiên,
thanh thản. Người đọc luôn ấn tượng với những câu thơ cô đúc, anh viết cho
riêng mình: “mai kia / hết cuộc lầm than / trừng con mắt mỏi / liếc ngang đời
mình” (bài số 17). Càng về cuối tập, thơ anh càng man mác một nỗi buồn, phiêu
diêu, mơ hồ như gió, như sương. Phải chăng, đó là nỗi lòng của một con người nhận
ra mình là “ngọn đèn dầu hao”, là “tiếng đàn khuya”, “cuối cánh rừng” khi “đường
đã khuya, vườn đã khuya”? Nhưng ở con người ấy biết vượt thoát lên sầu bi để “cầm
trong tay chút lửa”…
Những bài thơ ngắn của thi sĩ đến từ
vùng đất Quảng Ngãi, có hơi hướng thơ hai-ku của Nhật Bản nhưng hồn cốt Việt
Nam lại đậm vị trên từng câu chữ. Bằng lối đi riêng, Đinh Tấn Phước lưu lại những
dấu ấn sâu bền trong lòng độc giả không chỉ ở cái lạ ở hình thức, thể loại thơ;
thi ảnh có tính biểu trưng, ngôn từ giàu hình tượng, dùng phép song trùng, đối
lập để khơi gợi liên tưởng… mà còn ở những suy tư, triết lý, trải nghiệm về quy
luật cuộc đời, nhân tình thế thái. Dĩ nhiên, đi suốt những đoản khúc rời của
nhà thơ, vẫn còn đôi khúc trừu tượng, không hề dễ hiểu nếu độc giả thiếu thiện
chí; song “đó là loại thơ thứ thiệt, có địa chỉ sẻ chia, đồng vọng và trú ngụ
được trong lòng người” (Nguyễn Phan Hách). Mong rằng, con người thơ ấy luôn
tràn đầy nhiệt huyết với thơ ca để độc giả được tiếp tục thưởng ngoạn những vần
thơ cực ngắn nhưng độ sâu lắng mênh mang cả lòng người.
NGUYỄN THỊ THU THỦY
No comments:
Post a Comment