Phụ lục 1:
TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA KIM VÂN KIỀU LỤC
DẪN NHẬP
Trước khi vào phần phụ lục, chúng tôi xin tóm lược các phần trước đã nói để độc giả dễ theo dõi:
Nguyễn Du dựa vào tích sử triều Minh, Vương Thúy Kiều của Dư Hoài (dài khoảng 3, 4 trang giấy), Tình sử Phùng Mộng Long, và các hý kịch/ hát bộ nhà Thanh - như Thu Hổ Khâu, ông thêm vào các nhân vật đệm sáng tác ra truyện thơ Đoạn Trường Tân Thanh / Truyện Kiều. Xuất hiện sau Đoạn Trường Tân Thanh / Truyện Kiều => Kim Vân Kiều Lục => Các phóng tác Truyện Kiều (văn, thi, phú… tuồng Kim Vân Kiều, Đào Hoa Mộng Ký) => Thanh Tâm Tài Nhân Truyện => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Tử => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân(Duy Minh Thị) => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân (Tàu) – (Xem phần ghi chú ở cuối bài)
Quá trình diễn tiến từ Truyện Kiều đến Kim Vân Kiều truyện và các tác phẩm kế thừa trải qua khoảng hơn 100 năm, kể từ năm 1820, năm cụ Nguyễn Du qua đời, đến năm 1925.
Theo đó Kim Vân Kiều Lục kế thừa Đoạn Trường Tân Thanh, Thanh Tâm Tài Nhân Truyện kế thừa Kim Vân Kiều Lục, Kim Vân Kiều Truyện (Duy Minh Thị) VN kế thừa Thanh Tâm Tài Nhân Truyện và rồi Kim Vân Kiều Truyện (Tàu) kế thừa Kim Vân Kiều Truyện (Duy Minh Thị) VN.
Sơ đồ biểu diễn sau đây cho dễ nhớ:
ĐTTT => KVKL=> TTTNT=> KVKT(.DMT)=> KVKT (.TÀU)
Bản văn Kim Vân Kiều Lục là đứa con song sinh của Nguyễn Du. Đây là một bản văn của một người rất thân cận với Nguyễn Du, ông đã được chính Nguyễn Du chia sẻ từng ý trong từng câu thơ lục bát truyện Kiều của mình, cho nên mới viết được lời văn như thế. Hạo Như và Phạm Quý Thích là hai ứng viên sáng giá.
Theo đó Kim Vân Kiều Lục kế thừa Đoạn Trường Tân Thanh, Thanh Tâm Tài Nhân Truyện kế thừa Kim Vân Kiều Lục, Kim Vân Kiều Truyện (Duy Minh Thị) VN kế thừa Thanh Tâm Tài Nhân Truyện và rồi Kim Vân Kiều Truyện (Tàu) kế thừa Kim Vân Kiều Truyện (Duy Minh Thị) VN.
Sơ đồ biểu diễn sau đây cho dễ nhớ:
ĐTTT => KVKL=> TTTNT=> KVKT(.DMT)=> KVKT (.TÀU)
Bản văn Kim Vân Kiều Lục là đứa con song sinh của Nguyễn Du. Đây là một bản văn của một người rất thân cận với Nguyễn Du, ông đã được chính Nguyễn Du chia sẻ từng ý trong từng câu thơ lục bát truyện Kiều của mình, cho nên mới viết được lời văn như thế. Hạo Như và Phạm Quý Thích là hai ứng viên sáng giá.
Nhưng dù là ai chăng nữa thì Kim Vân Kiều Lục là của Việt Nam, vẫn phải có thời Minh Mạng, trước năm 1825. (Hạo Như Nguyễn Tứ mất trước 1820, vì khi cụ Nguyễn Du chết thì Nguyễn Ngũ – người con trai khác – lo tang ma. Phạm Quý Thích mất 1825)
Vai trò của Kim Vân Kiều Lục, áng văn ngôn viết bằng chữ Hán chỉ là quyển giảng thơ Truyện Kiều, không phải là tiểu thuyết. Duy Minh Thị đã dựa vào quyển này viết dài thêm ra, bằng một thứ văn phong của người kinh doanh chữ nghĩa, dạng bạch thoại chương hồi, ngôn ngữ luận viết theo kiểu Tam Quốc Chí diễn nghĩa, biến Kim Vân Kiều Lục thành quyển tiểu thuyết thương mại tầm thường: Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân A.953.
Trong cuốn văn xuôi diễn nghĩa Kim Vân Kiều Truyện này, Duy Minh Thị thêm hàng chục nhân vật phụ, tình tiết giật gân để thỏa mãn thị hiếu độc giả, mà quên mất tính logic thời gian của cốt truyện:
[… Trong Kim Vân Kiều Truyện: Kiều bán thân ngày rằm tháng tư năm Gia Tĩnh thứ 11 (1532)- bằng chứng là tờ hôn ước làm vợ bé Mã Giám Sinh. 16 năm sau Kiều tái hợp- tức năm Gia Tĩnh thứ 27 (1548). Trong chính sử nhà Minh ta đọc thấy năm Từ Hải chết là 1556 (Gia Tĩnh thứ 35). Vậy thì Thúy Kiều đoàn tụ với gia đình trước khi Từ Hải chết 8 năm? – Lê Nghị].
Chính quyển A 953 này, Hoàng Dật Cầu năm 1958 qua Hà Nội vào Thư ṿiện quốc gia dịch ra Trung văn đem về Trung Quốc, rồi Lý Chí Trung 1981 nói là phát hiện ở thư viện Đại Liên, Trung Quốc quyển Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân (Tàu) như đã nói trong các bài trước. Đổng Văn Thành đã “vơ” Kim Vân Kiều Lục về Tàu, cho nó là bản giản lược của Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân (Tàu); bản A.953 là bản trung và bản Đại Liên là bản đầy đủ, bản phồn - theo Laiquangnam là bản văn họ tự bịa” tút” lại từ A 953 của Việt Nam.
Nhiều người Việt tin ông Đổng Văn Thành, cho Kim Vân Kiều Lục là của Tàu và là bản giản lược Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Tàu). Chính ông Trần Văn Giáp đã từng nói: “đây có lẽ là bản lược thuật lại truyện ở bản Trung Quốc (tức Kim Vân Kiều Tuyện của Thanh Tâm Tài Nhân) rồi thêm thơ văn vào”. (Tìm hiểu kho sách Hán Nôm Việt Nam -Trần Văn Giáp)
Gs Dương Quảng Hàm, năm 1941 dùng cuốn Kim Vân Kiều Lục in năm 1888 để khảo chứng với 2 cuốn Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Tử 1910 và Thanh Tâm Tài Nhân 1924. Giáo sư không biết thời điểm ra đời của Kim Vân Kiều Lục trước khi được in. Nói chung, đối với Gs Dương thì đó là quyển không quan trọng, mục đích chỉ là tóm tắt Truyện Kiều.
Đa số người Việt tin theo Gs Dương, cho Kim Vân Kiều Lục không quan trọng, “đơn giản và bình dân”, không bằng Kim Vân Kiều Truyện. Mời độc giả đọc đoạn trích sau đây của Trần Thị Kim Anh:
[ … Kim Vân Kiều lục là tác phẩm Truyện Kiều viết bằng văn xuôi chữ Hán ở Việt Nam. Tác phẩm được khắc in vào niên hiệu Đồng Khánh thứ 3 (1887), song do sức ảnh hưởng của Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) của Nguyễn Du quá lớn trong độc giả nên tác phẩm này hầu như không được chú ý đến, và cho đến nay vẫn rất ít người được biết.
…
Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm Việt Nam, đã xếp tác phẩm này chung vào mục 343 – Kim Vân Kiều truyện – Phần 6. Các bản Truyện Kiều viết bằng văn xuôi chữ Hán (T2, trang 146), ở đây ông giới thiệu về 3 văn bản tác phẩm này (gồm các ký hiệu AC.561, VHv.1898, AC.521) và theo ông: “Bản truyện chữ Hán này, mỗi giai đoạn có điểm xuyết thêm lời thơ ngâm vịnh, không phải bản Thanh Tâm Tài Nhân của Trung Quốc. Có lẽ đó là bản lược thuật lại truyện ở bản Trung Quốc, thêm thơ văn và là bản riêng của Việt Nam”.
…
Hiện ba văn bản được Trần Văn Giáp đề cập vừa nói trên đều được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tình hình văn bản đều đúng với những điều Trần Văn Giáp đã khảo tả.
Về nội dung, theo Trần Văn Giáp thì đây “có lẽ là bản lược thuật lại truyện ở bản Trung Quốc (tức Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân) rồi thêm thơ văn vào”. Thư mục đề yếu cũng cùng quan điểm như vậy khi đem nhập Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và sách này vào chung một mục.
Theo chúng tôi Kim Vân Kiều lục đúng là tác phẩm riêng của Việt Nam như Trần Văn Giáp nhận xét, song là tác phẩm được tái sáng tác chứ không phải bản lược thuật Kim Vân Kiều Truyện. Vấn đề đặt ra ở đây là tác phẩm được tái sáng tác trên cơ sở Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du hay Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân?
…
Như vậy qua so sánh bước đầu có thể nhận thấy Kim Vân Kiều lục được tái sáng tác từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ngoài ra về phần thơ trong tác phẩm, ở Truyện Kiều của Nguyễn Du, các chi tiết đề thơ đều được ông nhắc đến đầy đủ nhưng phần thơ bị tước bỏ. Chẳng hạn khi Kiều đề thơ ở mộ Đạm Tiên, tác giả viết: “Rút trâm sẵn giắt mái đầu / Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần”, sau đó chuyển ý khác mà không dẫn thơ. Ở những đoạn này tác giả Kim Vân Kiều lục đã đưa các sáng tác thơ của mình vào, chính vì vậy ở Kim Vân Kiều lục , từ bài thơ Kiều đề mộ Đạm Tiên cho đến mười bài trong tập đoạn trường rồi nhiều đoạn đề thơ khác của Kiều đều hoàn toàn khác với Kim Vân Kiều truyện . Chẳng hạn bài thơ Kiều đề mộ Đạm Tiên, ở Kim Vân Kiều lục đúng là một bài thơ “bốn câu ba vần”:
“Tuyền hạ giai nhân tri giã vôHồng nhan thùy thị cánh vô phuLạc nhạn trầm ngư mê khách tứThê phong lương nguyệt xúc nhân sầu”.
Thì ở Kim Vân Kiều truyện là:
“Sắc hương hà xứ dãBằng điếu thống tâm taiMinh nguyệt lãnh uyên bịÁm trần đối kính đàiNgọc tuy hoàng thổ yểmDanh vị bạch vân maiThượng hữu như quy tửuVô nhân điện nhất bôi”.
(Chính vì vậy mà Trần Văn Giáp cho rằng đây là bản lược thuật Kim Vân Kiều truyện rồi thêm thắt thơ văn vào).
Khảo sát nội dung Kim Vân Kiều lục có thể nhận thấy câu chuyện về Kim-Vân-Kiều diễn biến tuần tự theo đúng cốt chuyện của Truyện Kiều:
Mở đầu giới thiệu về gia đình Vương Viên ngoại. Vương Quan – Thúy Kiều – Thúy Vân vào tiết Thanh minh viếng mộ Đạm Tiên. Kiều đề thơ bên mộ Đạm Tiên. Kim Trọng gặp Thúy Kiều. Kiều mộng gặp Đạm Tiên và đề thơ đoạn trường. Kim Kiều gặp nhau và đính ước. Kiều bán mình chuộc cha, rơi vào tay Mã giám sinh và Tú Bà. Bị Sở Khanh lừa. Lấy Thúc Sinh. Bị Hoạn Thư hờn ghen trả thù. Gặp Giác Duyên. Rơi vào tay Bạc Bà Bạc Hạnh. Lấy Từ Hải. Bị Hồ Tôn Hiến lừa. Từ Hải chết. Kiều tự vẫn ở sông Tiền Đường được Giác Duyên cứu. Đoàn viên.
Đại để kết cấu tác phẩm đều theo đúng cốt truyện của Truyện Kiều nhưng nhiều chi tiết bị lược gọn khiến câu truyện trở nên đơn giản, chiều sâu tư tưởng và tính triết lý vốn được thể hiện rất thành công dưới ngòi bút của Nguyễn Du thì ở Kim Vân Kiều lục đều bị tước bỏ. Đồng thời khác với Truyện Kiều, Kim Vân Kiều lục không dừng lại đi sâu đặc tả tâm trạng nhân vật, triết lý về nhân sinh mà mang đậm tính tự sự, kể lướt theo các tình tiết, có xu hướng bình dân hóa. Mặc dù có ý thêm thắt vào các chi tiết cho thêm phần hấp dẫn, nhưng điều đó lại khiến tác phẩm trở nên đơn giản, bình dân hơn.
…
Tóm lại, Kim Vân Kiều lục là tác phẩm được tái sáng tác trên cơ sở Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du nhưng cách kể đơn giản và bình dân hơn. Có thể thấy đây là một diễn biến khá lý thú của Kim Vân Kiều truyện, là minh chứng cho sự trường tồn và sức lan tỏa không biên giới của văn hóa. Chúng ta từng biết truyện về Thúy Kiều được các tác gia Trung Quốc dựa vào một vài sự kiện lịch sử xảy ra vào thời Minh để viết thành, sau đó thi hào Nguyễn Du dùng thể thơ Nôm lục bát tái sáng tác thành Đoạn Trường Tân Thanh trên cơ sở Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân…]
(Kim Vân Kiều lục – Truyện Kiều văn xuôi chữ Hán của Việt Nam – Trần Thị Kim Anh) [*]
Nhận xét của tôi:
– Trần Thị Kim Anh có tích cực trong việc cho: “Kim Vân Kiều Lục là tác phẩm được tái sáng tác trên cơ sở Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du”
Theo chúng tôi – nhóm Tình Tự Dân Tộc - bà nên tìm hiểu thêm về điều này: Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân dựa vào Đoạn Trường Tân Thanh, thông qua Kim Vân Kiều Lục mà viết thành, và nó là một tiểu thuyết chỉ có giá trị thương mại.
Bản nôm Truyện Kiều của Hoàng Gia ở thư viện Anh)
Giờ mời độc giả đọc các bài viết của nhà nghiên cứu Lê Nghị:
TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA KIM VÂN KIỀU LỤC – Lê Nghị
1. Kim Vân Kiều Lục: mục đích bị hiểu nhầm thành nguồn gốc
Gs Dương Quảng Hàm, năm 1941 dùng cuốn Kim Vân Kiều Lục in năm 1888 để khảo chứng với 2 cuốn Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Tử 1910 và Thanh Tâm Tài Nhân 1924. Giáo sư không biết thời điểm ra đời của Kim Vân Kiều Lục trước khi được in. Nói chung đối với gs Dương thì đó là quyển không quan trọng, mục đích là tóm tắt Truyện Kiều.
Về thời điểm xuất hiện Kim Vân Kiều Lục theo gs Nguyễn Tài Cẩn, tuy ấn bản có vào thời Đồng Khánh, nhưng bản gốc để in là rất cổ, sau khi xét kỵ húy. Nhưng cổ tới đâu gs Nguyễn Tài Cẩn cũng không nói rõ. Chúng tôi truy ra nó phải có trước 1872. Nhiều yếu tố trung gian từ sử, sách, Kim Vân Kiều Lục có từ thời Minh Mạng (Xem đoạn sau).
Về mục đích viết Kim Vân Kiều Lục chúng tôi nghĩ khác giáo sư Dương Quảng Hàm. Tóm tắt truyện Kiều là thừa, vì không có cuốn Kim Vân Kiều Lục thì ai cũng có thể tóm tắt được cốt truyện Kiều sau khi đọc xong. Theo chúng tôi mục đích Kim Vân Kiều Lục là giảng Truyện Kiều, minh họa thêm để hiểu cốt truyện nhất quán là phụ, nhưng mục đích chính là để hiểu câu thơ Kiều. Những bài thơ làm thay nhân vật nhằm diễn đạt tâm lý nhân vật trong từng tình huống cụ thể, giúp người đọc nhận rõ câu thơ Kiều. Đến nay vẫn còn nhiều cách lý giải khác nhau về ngữ nghĩa chữ, câu, khổ và cả một đoạn thơ. Và lạ thay cách hiểu khác nhau xuất phát từ những từ ngữ thuần Việt chứ không phải Hán Việt hoặc thuần Hán. Nếu đọc Kim Vân Kiều Lục sẽ hiểu câu thơ Truyện Kiều chính xác hơn. Chúng tôi sẽ có chuyên đề riêng, trong bài này chỉ nêu vài gợi ý.
Về thời điểm xuất hiện, chúng tôi thấy rằng nhắc tới Kim Vân Kiều Lục sớm nhất là Mộng Liên Đường. Ông thọ 86 tuổi, nhưng tài liệu năm sinh tử thì mỗi nhà nghiên cứu ghi có khác: 1795- 1880 hoặc (1800-1885). Chúng tôi nghĩ rằng Đào Hoa Mộng Ký của ông, và Đào Hoa Mộng Ký Diễn Ca (Cấn phong Hà Đạm Hiên có thể là bút danh khác của Mộng Liên Đường hoặc là người cùng thời) nhắc tới Truyện Đoạn Trường và Kim Vân Kiều Lục xuất hiện trong các câu:
Canh khuya nguyệt gác ngàn sươngChị em giở truyện Đoạn Trường xem chơi
Và:
Bao nhiêu cổ tích xem tườngKim Vân Kiều Lục lại càng thích xem
Một tác phẩm nhắc tới một tác phẩm khác, đương nhiên nó phải ra sau tác phẩm nhắc tới. Mặt khác cái nhan: “Đào Hoa Mộng” vốn là chi tiết đặc trưng về thân thế của Kiều kiếp trước trong Kim Vân Kiều Lục. Hội Hoa Đào lại là hội Đoạn Trường của Lan nương (tên của Kiều kiếp sau) trong Đào Hoa Mộng ký. Phối hợp với sự xuất hiện của Đoạn Trường Tân Thanh cho ta thấy hai cuốn song hành từ rất lâu, cho dù Kim Vân Kiều Lục có sau. Vì vậy chúng tôi đoán rằng Kim Vân Kiều Lục ắt có khi Phạm Quý Thích đem Truyện Kiều ra giảng cho học trò (1820-1825).
Đến năm 1884, mới thấy Abel des Michels nói rằng đã nhận cuốn Kim Vân Kiều Lục in năm 1876. Hiện nay bản in còn là 1888, kèm theo 5 dị bản chép tay, trong đó có bản không rõ niên đại. Xem xét Thanh Tâm Tài Nhân Truyện của Duy Minh Thị, có mang nội dung Kim Vân Kiều Lục. Do đó Kim Vân Kiều Lục phải có những bản chép tay từ nam chí bắc trước 1872, và nó chưa từng được in đến 1876. Một hiện tượng giống như Truyện Kiều, các bản viết tay hoặc in Kim Vân Kiều Lục luôn gắn ở đầu chính văn bài thơ Đoạn Trường Tân Thanh của Phạm Quý Thích làm đề từ. Một chỉ dấu cho thời điểm cuốn sách xuất hiện song song với Truyện Kiều.
Chúng ta hiểu rằng, lời thơ súc tich hơn văn, nhiều khi cần thuận vần, sử dụng phương ngữ, do đó đôi khi nghĩa câu thơ mơ hồ. Truyện Kiều ngoài một số điển từ, điển tích của cổ văn, ngay cả tiếng thuần Việt, một từ tùy theo mỗi thi cảnh mà nghĩa lại khác nhau, cần phải có một cách chú giải. Tác giả Kim Vân Kiều Lục thay vì chú giải từng trang, tác giả sử dụng một quyển sách mỏng để chú giải, bằng cách diễn văn xuôi theo câu thơ, chỉ khi cần thiết mới nói thêm những tình tiết mà trong thơ không rõ. Ai đọc xong Kim Vân Kiều Lục có thể hiểu đến 90% những câu thơ Kiều.
Ví dụ ngay đoạn mở đầu:
“Rằng năm Gia Tĩnh nhà Minh” cho đến khi Mã Giám Sinh mua Kiều, ta có nhiều thắc mắc. Kiều và Vân là chị em, nhưng cùng gọi đầu lòng, vậy sinh đôi hay kề nhau? Cụ thể Kiều sinh năm nào, ở tỉnh nào, gặp gia biến năm nào, Lâm Thanh là ở đâu? Đôi chi tiết khác: Lần đầu gặp gỡ, Kim Trọng và Kiều ai chui qua nhà ai, bức tranh cây Tùng là của Kiều hay của Kim Trọng? Mã Giám sinh mua Kiều thật giá bao nhiêu?…
Kim Vân Kiều Lục xác định Kiều và Vân sinh cùng năm Gia Tĩnh thứ 4 (1525). Quê quán ở Lôi Châu. Ba chị em đi chơi Thanh Minh năm Gia Tĩnh thứ 24 (1545) tức tuổi 20, và gặp gia biến cùng năm. Giá mua Kiều là 500 xâu bạc xanh. Suy ra sau 15 năm lưu lạc, Kiều đoàn tụ gia đình năm 1560, (so với sử sau khi Từ Hải chết 4 năm, được xem là hợp lý). Đối với câu “Đầu lòng hai ả tố nga” được hiểu là sinh đôi. Hai chị em cùng đi học với Vương Quan, đến tuổi 12-13 đã nổi tiếng xinh đẹp, sau có người đánh tiếng nhưng cả hai không vội vàng. (Để hiểu khổ thơ: “Phong lưu rất mực hồng quần/ Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê/ Êm đềm trướng rủ màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai”)
Bản Kiều Trương Vĩnh Ký theo hướng đó viết: “Một đôi nghiêng nước nghiêng thành”. Thay vì như các bản sau : “Một hai nghiêng nước nghiêng thành”, khi chú giải, dẫn ý cổ thi Trung Hoa: “Nhất tiếu/cố khuynh thành, tái tiếu/cố khuynh quốc”. Một đôi: nghĩa là cả Kiều lẫn Vân. “Kiều càng sắc sảo, mặn mà” ý nói Kiều hơn Vân ở tài ăn nói chứ không phải hơn nhan sắc. Về nhan sắc cả hai đều nghiêng nước nghiêng thành và: “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Sắc sảo là khi phản biện, mặn mà là khi thuyết phục. Do đó cộng lại tài sắc thì Kiều có phần hơn về tài. Kim Vân Kiều Lục giảng theo nghĩa trên. (1). Kim Trọng chui qua nhà Kiều ban ngày, bức tranh cây tùng là Kiều vẽ, Kim Trọng khen và bảo Kiều đề thơ lên bản phác thảo cho toàn bích, cũng là muốn xem tài làm thơ của Kiều.
Khác với Kim Vân Kiều Truyện phóng tác: Kiều sinh trước thời Gia Tĩnh không rõ năm nào, quê ở Bắc Kinh, bán thân năm Gia Tĩnh 11 (1532), bán thân khoảng 15 tuổi, chỉ giống với Kim Vân Kiều Lục giá 500 xâu bạc xanh. Nhưng ban ngày Kiều qua nhà Kim Trọng, bức tranh cây Tùng là Kim Trọng vẽ, bảo Kiều đề thơ. Kim Vân Kiều Truyện phóng tác Kiều lưu lạc 16 năm đến khi đoàn tụ là năm 1548. (So với sử thì Kiều đoàn tụ trước khi Từ Hải chết 8 năm, tức năm 1556).
Cả hai cuốn truyện không cho ta biết Lâm Thanh là nơi nào hiện nay. Theo lý giải của Kim Vân Kiều Lục thì quê Kiều ở Lôi Châu - Quảng Đông, gần với Lâm Thanh, lưu lạc xa nhất ra hướng Bắc là Lâm Tri. Bị Hoạn Thư bắt ngược vào Vô Tích, rồi bị Bạc Hạnh bắt về Châu Thai, Triết Giang. Kim Vân Kiều Truyện thì ngược lại cho quê Kiều ở Bắc Kinh, lưu lạc dần về phía Nam, xa nhất là châu Thai, thuộc tỉnh Triết Giang. Nhưng cả hai cuốn truyện không cho ta biết Lâm Thanh là nơi nào hiện nay. Phải chăng Lâm Thanh chỉ là tên hư cấu? Vị nào biết xin chỉ giáo thêm.
Thiển nghĩ, theo âm cổ (không phải chữ viết) lẫn âm hiện nay tiếng Việt: Tri là biết, Thanh là âm được nghe chứ không thấy. Rất có thể cụ Nguyễn dựa vào tên Lâm Tri là nơi biết mà gợi ý hư cấu tên Lâm Thanh là nơi chỉ nghe. Có thế mới kể được công Kim Trọng chung tình cho người đi tìm 3 lần 7 lượt:
Biết bao công mướn của thuêLâm Thanh mấy độ đi về dặm khơiNgười một nơi hỏi một nơi
Ba con của Vương ông ai cũng được ăn học, Thúy Kiều lại giỏi soạn nhạc, làm thơ. Trong Truyện Kiều nhiều khi ta muốn biết tài làm thơ của Kiều ra sao. Ví dụ khi gặp mã Đạm Tiên:
Rút trâm sẵn giắt cài đầuVạch câu thơ vịnh bốn câu ba vần
Kim Vân Kiều Lục liền viết 4 câu thơ thay Thúy Kiều:
Tuyền hạ giai nhân tri dã vôHồng nhan thùy thị cánh vô phuLạc nhạn trầm ngư mê khách tứThê lương phong nguyệt xúc nhân sầu
Trong khi Thanh Tâm Tài Nhân Truyện (Sau này thành Kim Vân Kiều Truyện) phóng tác là bài thơ 8 câu 4 vần. Vì vậy năm 1902, Kiều Oánh Mậu dựa vào cuốn Thanh Tâm Tài Nhân Truyện mới sửa câu thơ thứ 100 thành: “Vạch da cây vịnh tám câu bốn vần”.
Những dẫn chứng đôi nét trên, cho thấy rằng Kim Vân Kiều Lục chú trọng giảng thơ Truyện Kiều, lâu dần bị lầm tưởng là nguồn gốc Truyện Kiều. Thanh Tâm Tài Nhân truyện mà truyền bản Kim Vân Kiều Truyện của nó chú trọng phóng tác nên không nhất thiết giống tinh thần câu thơ Kiều. Các cuốn bị nhầm là nguồn gốc Truyện Kiều, nhưng dùng Kim Vân Kiều Lục giảng Kiều là đúng đắn, còn dùng Thanh Tâm Tài Nhân Truyện hoặc Kim Vân Kiều Truyện phóng tác đem chỉnh nguyên bản là sai lầm.
Cuốn Truyện Kiều của Hoàng gia nhà Nguyễn, ra đời trong khoảng 1872-1894 là cuốn đầu tiên dùng Kim Vân Kiều Lục để giải nghĩa truyện Kiều. Soạn giả cung đình mặc nhiên cho cuốn Kim Vân Kiều Lục là nguồn gốc Truyện Kiều, nên khi trích dẫn họ gọi là từ nguyên lục. Ông Abel des Michels thấy trùng tên Kim Vân Kiều, lầm sách Trung Hoa đã đành; nhưng triều đình Huế thời đó, cả Trương Minh Ký, cho đến 1900 đọc mà không thấy nó là sách của người Việt thì đúng là một điều rất lạ, trách chi các học giả đời sau.
Cuốn Kim Vân Kiều Lục nhiều lần trích nguyên văn các câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn, một tác phẩm nổi tiếng bậc nhất trước khi Truyện Hoa Tiên, Đoạn Trường Tân Thanh ra đời, lẽ nào các vị tiền bối trước 1900 không nhận ra. Cho nên không loại trừ thuyết âm mưu do Lê Công Y khởi xướng, tuy có phần cực đoan nhưng cũng có điều khiến ta phải suy nghĩ. Có một sự hợp tác của triều đình Huế với Pháp (theo Lê Công Y) hoặc là có một nhóm qua mặt và nhân danh triều đình Huế (theo chúng tôi) trong việc khuynh đảo nguồn gốc Truyện Kiều.
Trước khi cuốn Thanh Tâm Tài Nhân Truyện ra đời các học giả đã cố tình gọi Kim Vân Kiều Lục là sách của Trung Hoa. Thanh Tâm Tài Nhân truyện ra đời, được các vị tòa soạn báo Đồng Văn xem là nguồn gốc Truyện Kiều. Nhưng nó còn dấu vết mượn chi tiết của Kim Vân Kiều Lục: “Giấc mộng hoa đào”. Vì vậy chỉ trong vòng 3-5 năm, nó được hiệu chỉnh, bỏ luôn “giấc mộng hoa đào”, trở thành A.953 - Thanh Tâm Tài Tử tại Viễn Đông Bác Cổ. Đến lượt A.953 lại lộ ra nhược điểm là văn kỵ húy thời Nguyễn, nên không thể là sách cổ. Nó được hiệu chỉnh lần nữa tránh kỵ húy, lần này đổi tác giả Thanh Tâm Tài Tử thành Thanh Tâm Tài Nhân; đem in vội vàng ở Quảng Đông, dẫn tới lỗi rất nhiều ở trang đầu và trong ruột các bản in nháp. Tuy nhiên, vì lam bản (bản nguồn - NL) Thanh Tâm Tài Nhân Truyện vốn mượn nhiều chi tiết của các tác phẩm ở Đại Nam, nên dù các truyền bản đã chỉnh sửa vẫn còn sót lại những chi tiết của Kim Vân Kiều Lục, Đào Hoa Mộng Ký, Tuồng Túy Kiều.
Trong buổi giao thời Hán- Quốc ngữ, các nhà nho học ở triều đình có cả tàng thư mà còn lẫn lộn chữ “Kim Vân Kiều Lục” với “Kim Vân Kiều Truyện”, huống chi các nhà nho tài tử, các ông đồ làng, vốn là người giảng Kiều cho học trò. Lục là từ sử dụng chung cho mọi loại sách bao gồm cả sách “Truyện”, trừ thuật ngữ “ thực lục”. Thực lục là từ chỉ dành riêng cho cuốn sử một triều đại do chính sử gia triều đại đó ghi lại theo trình tự thời gian. Ví dụ: Lam Sơn Thực Lục chỉ chép việc đời Hậu Lê do Nguyễn Trãi viết. Đại Nam Thực Lục chỉ chép việc xảy ra trong nhà Nguyễn do chính quốc sử quán triều Nguyễn viết. Các loại “liệt truyện” chỉ kể tiểu sử của các nhân vật, không ghi rõ thời gian. Các sách sử chép nhiều triều đại khác nhau gọi là sử ký, quốc sử, thông sử.
Phải đến sau 1925, khi nghe ai nói Kim Vân Kiều Truyện thì người ta mới hỏi lại: – Muốn nói đến cuốn thơ hay cuốn tiểu thuyết văn xuôi? vì 2 cuốn trùng nhan. Nhưng khi nghe cuốn Hán văn Kim Vân Kiều Lục hoặc Kim Vân Kiều Truyện, Thanh Tâm Tài Nhân Truyện, không ai hỏi lại, vì tưởng rằng cùng một cuốn, gọi sao cũng được. Cho nên nhiều người thời sau 1925 cũng hiểu lầm theo: Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã có từ rất lâu. Sự hiểu lầm này được kéo dài đến 2004 khi cuốn “Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều” của Trần Ích Nguyên được dịch. Ông là học giả khảo sát kỹ nội dung của các văn bản Truyện Kiều. Trước đó cụ Trần Văn Giáp chủ yếu là miêu tả hình thức. Đến năm 2015 bản dịch Kim Vân Kiều Lục do Phạm Tú Châu dịch cũng đã ra đời. Nhưng đến nay đại đa số người đọc lại chưa biết những khảo sát này. Mặc khác người đã đọc nghe theo nhận định mà không chính mình so sánh kỹ tư liệu để có nhận định riêng, nên vẫn còn hiểu lầm. Vài người dẫn chứng lại bài viết của tiền bối nho học, hoặc giao thời vốn chưa từng phân biệt ba cuốn, xem là chân lý của tiền nhân, coi ý kiến người hôm nay là ếch ngồi đáy giếng!
2. Tầm ảnh hưởng của Kim Vân Kiều Lục
Về thời gian như đã nói, Kim Vân Kiều Lục song hành Truyện Kiều nhưng không rõ thời điểm cụ thể. Xét ra Kim Vân Kiều Lục mục đích là giảng nghĩa câu thơ Kiều nên nó phải có sau Truyện Kiều và trước các tác phẩm phóng tác Truyện Kiều. Do đó nhiều tác phẩm phú, thơ ngâm vịnh, chú giải Kiều, trường thi, tuồng, chèo, kịch… thỉnh thoảng phản ánh đã tham khảo Kim Vân Kiều Lục. Những tác phẩm nhắc tới Lôi Châu, hoặc “giấc mộng hoa đào”, hoặc trích thơ Kim Vân Kiều Lục thì ta biết là có tham khảo Kim Vân Kiều Lục. Ở đây có thể kể đến: Đào Hoa Mộng Ký, bản Kiều Hoàng Gia, một vở chèo khuyết danh, vở chèo của Vũ Hi Tô, cuốn cải lương của Lê Công Kiên, bản Kiều Ngô Tử Cống, bản Kiều Ngô Đê Mân, Kịch Phong Tình Lục Thúy Kiều Thật sự của Trương Minh Ký 1900… Những tác phẩm này đều ra đời trước 1920 vì viết bằng chữ Nôm. Đó là chưa kể đến các nhà chú giải như Phạm Kim Chi, Chiêm Vân Thị cũng đều nhắc tới Kim Vân Kiều Lục.
Các hiện tượng trên cho thấy Kim Vân Kiều Lục có một bề dày thời gian và bề rộng từ nam chí bắc trong văn học sử Việt Nam. Tất cả các tác giả trên lại không ai nghĩ là cuốn của Việt Nam. Phó Giáo sư tiến sĩ Phạm Tú Châu từng bóng gió: “Không khéo cuốn này mà lọt sang Trung quốc thì nghĩ nó là cổ thư Trung Hoa”. Nhưng phó Giáo sư lại không biết nó đã từng được học giả Trung Hoa Lý Trí Trung đọc và “bịa” là cuốn Vương Thúy Kiều có trong di lục Hồ Khoáng tại thư viện Bắc Kinh, là tiền thân của Kim Vân Kiều Truyện.
Lý Trí Trung đúng một phần: “Kim Vân Kiều Lục là tiền thân Kim Vân Kiều Truyện”. Cái sai là ông nhận bừa nó tên Vương Thúy Kiều Truyện. Thực ra sau này thẩm tra, ông không đọc bản nào cả mà chỉ đọc bản tóm tắt của ông Giản Chi, Việt Nam. Giản Chi đã tóm tắt Kim Vân Kiều Lục (2), lại “bịa” ra tên nó là Vương Thúy Kiều có trong di lục Hồ Khoáng ở thư viện Bắc Kinh. Lý Trí Trung mượn thông tin này mà xem như phát hiện của mình. Báo hại Đổng Văn Thành mừng hụt, tìm chảy máu mắt ở thư viện Bắc Kinh nhưng không tìm ra cuốn Vương Thúy Kiều mà Lý Trí Trung nói năm 1983 (3). Nói cho cùng, Kim Vân Kiều Lục ảnh hưởng tận Trung Hoa đến nay.
Tóm lại trước 1925, thuyết nguồn gốc Truyện Kiều từ một sách Trung Hoa là do hiểu lầm cuốn Kim Vân Kiều Lục khuyết danh của người Việt tồn tại quá lâu mà không rõ xuất xứ. Sau 1925 lại hiểu lầm là cuốn Kim Vân Kiều Truyện. Thực tế này dẫn tới nhiều chuyện hài hước trong văn học sử Việt Nam, chúng tôi sẽ nói thêm ở các bài sau – Lê Nghị
(Bài tiếp: Phụ lục 2, So Sánh 3 Cuốn Sách Hậu Thân Truyện Kiều Dễ Hiểu Lầm)
Nguyên Lạc biên tập
…………….
Ghi chú
– Bài viết Vương Thúy Kiều – Trong tuyển tập Ngu Sơ Tân Chí của Trương Trào (1650-1707), của Dư Hoài (1616-1696)
– Phong Tình Lục (Tình Sử) của Phùng Mộng Long: Bộ tập hợp gồm 804 câu chuyện tình trong cổ thư Trung Hoa; từ Tây Thi đến Chiêu Quân, đến Tiểu Thanh, đến Vương Thủy Kiều, Trác văn Quân Thôi Oanh Oanh … đều có đủ. Sách rất phố thông như Liêu Trai Chi Dị .
– Kịch hài = hý kịch (tuồng hát bộ Tàu) như Thu Hổ Khâu của Vương Long trước tác 1676, và Hổ phách trủy (Thi) (1707). Nguyễn Du được xem khi đi sứ sang Thanh.
Nguyễn Du đã xử dụng những văn bản nguồn trên, thêm thắt chi tiết, các nhân vật phụ như Kim Trọng, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Thúy Vân, Vương Quan… để hư cấu, sáng tạo ra Đoạn Trường Tân Thanh / Truyện Kiều
Chú thích:
[*] Kim Vân Kiều lục – Truyện Kiều văn xuôi chữ Hán của Việt Nam – Trần Thị Kim Anh
http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1513&Catid=475
(1) Nguyễn Du rất chú trọng đến lời ăn tiếng nói của nhân vật. ví dụ, nói về Thúy Vân:” Hoa cười ngọc nói đoan trang”. Hoạn Thư: ”Trộm nghe kẻ lớn trong nhà/ Ở vào khuôn phép nói ra mối giường” hoặc: “ Ở ăn thì nết cũng hay/ Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”. Còn Kiều thì hết chê. Nàng đối đáp với các nhân vật rất nhanh trí, khi bài bác hoặc thuyết phục thì Kim Trọng, Sở Khanh, Thúc Sinh, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến đều thua. Tài ăn nói Kiều chỉ thua mỗi Hoạn Thư. Từ Hải vì yêu Kiều, mong cho Kiều có cơ hội đoàn viên nên:“ Nghe lời nàng nói mặn mà/Thế công Từ đã đổi ra thế hàng”….
(2) Giản Chi nói theo Lý Văn Hùng, bịa bạn của ông ấy thấy cuốn Kim Vân Kiều truyện của Từ Vị bên Tàu bị Benoit vạch trần. Giản Chi tóm tắt Vương Thúy Kiều Truyện của ông không khác gì tóm tắt Kim Vân Kiều Lục. Cái đuôi lò ra rõ nhất là có câu đối của Kim Vân Kiều Lục:
Nhất song ngọc thủ thiên nhân chẩmBán điểm chu thần vạn khách thường(Một đôi tay ngọc nghìn người gốiNửa điểm môi son vạn khách hôn)
Xin tham khảo nguyên văn tóm tắt Vương Thúy Kiều của Giản Chi trong bài “Giản Chi ác quá” trang Facebook “Tình Tự Dân Tộc”, tác giả Lai Quang Nam.
https://www.facebook.com/groups/1141641829504367
(3) Trần Ích Nguyên, “Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều” nxb Lao Động 2004, trang 64.
Mời xem:
- Từ Đoạn Trường Tân Thanh Đến Phát Sinh Kim Vân Kiều Truyện
http://chimvie3.free.fr/baivo/lenghi/lenghi_KimVanKieu.pdf
– 200 năm, hậu thế nhớ Tố Như – Kỳ cuối: Thử ‘giải mã’ lại Truyện Kiều- Lê Nghị
- Từ Đoạn Trường Tân Thanh Đến Phát Sinh Kim Vân Kiều Truyện
http://chimvie3.free.fr/baivo/lenghi/lenghi_KimVanKieu.pdf
– 200 năm, hậu thế nhớ Tố Như – Kỳ cuối: Thử ‘giải mã’ lại Truyện Kiều- Lê Nghị
https://tuoitre.vn/200-nam-hau-the-nho-to-nhu-ky-cuoi-thu-giai-ma-lai-truyen-kieu-20200916201701822.htm?fbclid=IwAR0UvQrKM5yPbCeL8XovA-jp-nkho4KmpA5r6A_jaAfFTRjJn6gi3gYVyQY
No comments:
Post a Comment