cứu trợ đồng bào bị bão lụt tại miền Trung.
Ảnh từ báo Pháp Luât - plo.vn
THỔN THỨC MIỀN TRUNG
Mùa mưa lũ từ tháng 7 đến tháng 10 ở miền Trung là chuyện thường kỳ hàng năm, song năm nay mưa lũ quá lớn ngoài sức tưởng tượng, chịu đựng của con người. Bão đổ dồn liên tiếp từ cơn số 4 đến số 9; mưa lớn như trút nước gần nửa tháng ròng rã. Sông suối, đồng ruộng, đường sá nước ngập mênh mông, hoa màu bị nhấn chìm trong nước biển nước. Đồi núi sũng nước sạt lở kinh hoàng.
Trước đây hộ đê mùa mưa lũ làng xóm vang lên tiếng mõ, tiếng kẻng, tiếng trống ngũ liên dồn đập thúc bách mọi người, mọi nhà. Ngày nay loa truyền thanh làng xã phát liên tục cập nhật tình hình, diễn biến mưa bão để khắp nơi đều biết rõ và chuẩn bị phương án phòng tránh.
Người ta thường nói “Thiên tai, địch họa”, để nói lên sự khốc liệt, nguy hiểm, khó lường mà con người phải đối mặt chống đỡ và chịu đựng. Cuộc sống phập phồng từng nhịp thở khi lắng nghe, theo dõi tin tức truyền thông hàng giờ qua ti vi, các phương tiện truyền thông khác. Tin sạt lở kinh hoàng làm nhiều cán bộ, công nhân bị mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3 còn nóng hổi, chưa tiếp cận được hiện trường thì lại nhận hung tin đoàn sĩ quan, chiến sĩ Quân khu 4 và cán bộ huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đi cứu hộ, cứu nạn bị sạt lở núi vùi lấp hi sinh 13 người. Thật bàng hoàng đau xót trước sự mất mát lớn lao này. Chưa kịp nguôi ngoai đau thương thì lại có thông tin kinh hoàng khác là có 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế quốc phòng Quân khu 4 đóng ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị núi sạt lở vùi lấp. Các tỉnh miền Trung gánh tiếp mấy cơn bão số 8, 9, 10 sạt lở núi kinh hoàng ở Quảng Nam hàng mấy chục nóc nhà, mấy chục người bị vùi lấp thiệt mạng ở huyện Nam Trà My, huyện Phước Sơn. Trận đại hồng thủy sau cơn bão số 9 nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà, làng xóm ở các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên...của tỉnh Nghệ An. Rải rác các tỉnh miền Trung đều có nhiều người mất tích và thiệt mạng vì lũ cuốn và sạt lở đất vùi lấp. Không khí tang thương bao trùm lên các tỉnh miền Trung và cả nước. Đâu đâu người dân cũng nói về chuyện mưa lũ. Đỉnh lũ năm nay cao hơn các đỉnh lũ lịch sử trước đây từng ghi nhận, nước lại rút chậm hơn, đời sống người dân khốn khó lại càng khốn khó hơn.
Tin lũ lụt dồn dập, nóng bỏng như tin chiến sự trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, chống quân xâm lược biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc trước đây. Mọi người hồi hộp nghe ngóng, sẻ chia từng giờ, từng phút. Truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta được khơi dậy khắp nơi. Tiếng loa kêu gọi ủng hộ vang lên khắp nơi làng trên xóm dưới. Nhà nhà, người người chung tay quyên góp ủng hộ tiền bạc, vật chất và tinh thần một cách thiết thực. Nhiều nơi ở Nghệ An, người dân tình nguyện đóng góp nếp, đậu, thịt, củi và thức thâu đêm gói bánh, nấu bánh chưng để tiếp tế cho đồng bào bị ngập lụt nặng ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Từng đoàn xe vận tải chở hàng trăm thùng mỳ ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, áo quần và các loại nhu yếu phẩm khác phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân nối đuôi nhau vào miền Trung yêu thương. Có người thuộc hộ nghèo, cận nghèo bán từng bó rau, con gà để có tiền ủng hộ; học sinh các trường học bớt tiền ăn sáng, mua sách vở để góp phần nhỏ bé ủng hộ khúc ruột miền Trung.
Miền Trung thổn thức nhiều đêm không ngủ, lòng người xa xót thương cho đồng bào vùng lũ lụt, mong đóng góp được nhiều nhất, kịp thời nhất cho người đang gặp hoạn nạn. Đáng quý nhất là các tổ chức, Bộ ngành, địa phương đều phát động ủng hộ cho Miền Trung. Đáng trân quý các Mạnh thường quân, các nghệ sĩ giàu lòng nhân ái đóng góp, dầm mình trong nước lũ đi giúp đỡ đồng bào thân yêu của mình.
Thổn thức vì Miền Trung những đêm không ngủ. Khó khăn hãy còn dài với địa phương và người dân miền Trung bị lũ lụt; chúng ta hãy tiếp tục chung tay giúp đỡ, cứu trợ Miền Trung.
Cuối Thu 2020
Trường Hải Lê Văn Đông
No comments:
Post a Comment