Tác giả Lê Hứa Huyền Trân |
MÙA XUÂN ĐẾN MUỘN
(Tặng Chị)
Truyện ngắn
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
Chị xếp vội mớ đồ vô cái túi rồi chần chừ suy nghĩ sao lại lấy
ra, cứ ngồi lấy ra lấy vô mà non hết cả buổi chiều. Con bạn cùng phòng trọ xốc
nhẹ cái túi lên vai quay lại đằng hắng:
"Dù sao mày cũng phải về, mọi năm thấy mày cứ rịt lại
phòng trọ vắng teo tao cũng lo. Có trốn được mãi đâu."
Rồi quảy đi cho kịp chuyến xe cuối ngày. Tết lại cận kề, tết
là ngày đoàn viên nhưng đối với chị
Bỗng trở thành những nỗi lo không lời mà chị biết rõ nguồn
cơn. Chị đã cố gắng ở lì xóm trọ nhỏ cho tới những ngày giáp tết nhưng khi người
cuối cùng rời đi thì chị cũng hiểu đến lúc mình phải đi rồi. Không phải chị
không muốn về quê mà mỗi lần về thể nào cũng sẽ nhận được dè bỉu của hàng xóm
khiến chị rối lòng.
Ba mươi lăm tuổi, chị chưa chồng. Ở phố thì đùa vui là gái “ế”
rồi cũng qua ngày đoạn tháng nhưng ở quê thì việc lỡ thì bỗng trở thành cách
đánh giá một còn người, nhất là ở miền quê nặng thị phi như chỗ chị. Hai mươi
tuổi chị xách ba lô một mình lên phố tìm cơ hội đổi đời, ngày chị đi có người
chắc mẩm sau này về cũng rủng rỉnh tiền, có người lại nói “gái hư” hẳn là đã
vương vấn anh chàng nào nên bỏ chốn mà đi. Lời người ta cũng chỉ là lời ngoài
tai, ngày đó định kiến trong chị đã rất rõ ràng, sống cho mình chứ nào phải cho
người, quan trọng là có thể kiếm được tiền về nuôi ba mẹ. Ngày đó, tuổi còn trẻ
công việc dồi dào, cơ hội đến mau, chị cũng nhanh chóng nhận được việc làm ở một
cửa tiệm chẳng mấy chốc mà cũng dễ dàng tăng lương. Tết năm ấy, chị về lần đầu
tiên mừng tuổi được cha mẹ món tiền lớn. Mấy bác hàng xóm cứ lấy chị làm gương
cho trai gái trong làng khi ấy vẫn còn non tơ ăn bám bố mẹ. Nhưng cứ Tết về thì
thể nào với con gái đến tuổi lấy chồng cũng nghe qua câu nói:
"Nhưng lên phố
kiếm được anh nào chưa? Con gái cũng cần một chốn, đừng lo làm mãi."
"Ôi chao, trai
thành phố thiếu gì, ở phố cũng chẳng như ở quê mình ,toàn lấy chồng muộn. Cứ tạo
dựng cuộc sống cho mình trước làm tiền đề đã ạ."
Người ta cũng ậm ừ cho qua, thực ra khi mình thành công những
lời mình nói ra cũng trở nên giá trị. Vài mùa Tết sau lần nào chị về cũng nhận được câu hỏi
đó, Trai gái trong làng bằng tuổi chị cũng lần lượt kết hôn chỉ mỗi chị vẫn còn
lẻ bóng. Bố mẹ sốt ruột cũng hỏi dò nhưng quả thật những năm qua chị chưa kiếm
được một người nào thuận lòng, từ đó mỗi lần về khi nhìn ánh mắt buồn của họ
nhìn đám nhỏ chạy trước sân nhà chị bỗng trở nên áp lực. Những lí do việc làm
hay sự thành công ban đầu chẳng đủ để khỏa lấp miệng đời. Hai mươi lăm tuổi chị
bỗng trở thành gái ế trong mắt người làng, Cứ mỗi mùa Tết về khi thấy chị trong
nhà người ta lại vờ hỏi ba mẹ chị, nhưng biết là chị nghe:
"Thế con Hoàng chừng nào lấy chồng? Bằng tuổi nó đứa
nào cũng đùm đề cả rồi. Gái lớn mà không lấy chồng người ta cũng điều tiếng,"
"Thì giờ nó đã vậy, ai ép được nó, coi như tùy vậy."
Ba mẹ chị không nói gì nhưng chị biết họ cũng buồn khi con
gái mình lẻ bóng. Họ lo điều tiếng,
Họ cũng thương con họ. Rồi những mùa Tết sau lại qua đi, chị
dần lỡ những mùa xuân. Những đứa bạn năm xưa giờ con cái đã vào tiểu học, Mỗi
năm chị về không tránh khỏi những ánh mắt dè xét, có người không nói chỉ nhìn,
có người lại phao tin đồn chị hẹn hò ông đại gia nào đó rồi bị đánh ghen… Nghĩ
việc không lấy chồng chỉ đơn giản nhưng đúng là cứ Tết về thấy gái chưa chồng
trong nhà hẳn ai cũng buông câu. Từ đó cứ Tết chị hầu như trốn tiệt không về,
hoặc họa hoằn lắm có về thì cũng trốn rịt trong nhà. Thế mà cũng đã ba năm nữa
trôi qua chị không về.
"Lâu rồi không thấy chị."
Giong ồm ồm của một người đàn ông khiến chị quay lại. Trước
mặt chị là một người đàn ông khoảng độ ba mươi, da hơi ngăm và có phần cao ráo. Áo sơ mi
đóng thùng gọn gàng, có lẽ là qua nhà chị chúc Tết nhưng chị vẫn ngờ ngợ chưa nhận
ra ai. Mẹ chị trong nhà bước vội ra:
"Thầy giáo Tạp lại sang ạ? Gớm, đi mãi không nhớ, Tạp
mà ngày xưa vẫn hay đánh đáo cùng mày đấy con ạ."
Đến đó thì chị mới sực nhớ ra thằng cu bé nhỏ hơn chị ba tuổi
năm nào, lúc nào cũng lẽo đẽo theo chị, khi bị ăn hiếp thì về méc chị, trong mắt nó ngày ấy
hẳn chị là một anh hùng. Năm chị đi nó mới mười bảy tuổi, khóc bù lu bù loa giữ
chị lại, chị phải đe:
"Khi nào mày học thành thầy giáo thì chị về."
"Nhưng chị đã không về." – thầy Tạp nói như cắt
ngang dòng suy nghĩ của chị.
Sau khi chị đi, cậu vẫn
nằm lòng lời chị, ba năm sau thi đậu vào đại học Sư phạm và mất bốn năm ở chốn
xa xôi ấy. Anh toàn về sau Tết ăn Tết muộn nên không gặp được chị, anh về là Chị
đi. Tuy nhiên năm nào cũng đều đặn anh qua chúc Tết gia đình chị. Những lần Tết
sau chị ít về dần, anh sau khi tốt nghiệp cũng xin được việc làm ở trường làng,
chẳng mấy chốc mà thành thầy giáo, tuy lần nào đều đặn cũng qua thăm nhưng chẳng
lần nào gặp được chị.
"Thế cũng lâu rồi chưa gặp nhỉ? Cậu đã thành thầy rồi
cơ à? Thế cậu đã lấy vợ chưa?"
"Chưa. Tôi đợi chị."
Chị bật cười trước lời nói đùa của người đàn ông chững chạc
ngồi trước mặt chị nhưng thấy gương mặt nghiêm nghị của anh chị bỗng im lặng.
Còn nhớ năm ấy khi vẫn còn là hai đứa trẻ, được “ người hùng” cứu quá nhiều lần,
có một cậu nhóc đúng vào ngày giao thừa đã nhìn người chị cao hơn mình cả khúc
mà nói :"
"Sau này nhất định em sẽ lấy chị và bảo vệ chị lại."
Nhưng đó chỉ là lời bông đùa khi còn bé, hay ít ra là chị
nghĩ thế. Tim chị bỗng đập thành từng nhịp hơi lỗi khác xa so với nhịp đập bình thường ba lăm năm
qua. Anh cười: "Dù sao cũng đã mười mấy năm rồi, thêm một năm nữa cũng chẳng
sao đâu, tôi chỉ muốn chị biết là có người đang đợi chị thôi”. Những ngày Tết ấy
bỗng nhiên trở nên vui hơn, anh dẫn chị đi thăm lại làng xóm, chơi lại những
trò ngày xưa mà hai người vẫn hay chơi, chị nhớ như in khi ấy chính chị là người
đã ở bên khi anh chào đời…Và sau đó chẳng hiểu vì sao người con gái ấy lại quyết
định ở bên “ chăm sóc” người em hàng xóm nhỏ tuổi suốt từng ấy năm đến khi ra
đi. Hẳn là tất cả đều là số phận sắp đặt, dù đã quá muộn màng.
"Chị xem này, một bông hoa mai nở muộn."
Chị lại gần anh, mùa xuân đến muộn cũng có nghĩa là đã đến.
"Ngày mai chị lại đi rồi. Khi nào chị sẽ lại về?"
Chị ngẫm nghĩ một hồi rồi bỗng mỉm cười:
"Có lẽ lần này tôi sẽ về mau thôi."
Tác giả: Lê Hứa Huyền
Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.
No comments:
Post a Comment