Cứ đến hè và gần ngày Lễ hội Thắp đèn
Thadingyut, tôi lại mong được về thăm làng của anh Hai Khant.
Thời học sinh, tôi thường về đó vào
những dịp nghỉ lễ.
Cũng giống như những làng khác ở
Mianmar, nhưng vì có anh Hai Khant nên
ngôi làng này trở nên tuyệt vời. Ngay cả
dưới nắng hè rộp da, tôi cũng được cười suốt vì những câu chuyện thú vị của
anh.
Anh là một nông dân thô kệch bình thường
nhưng đứng đắn, vui vẻ, thân thiện và có khiếu hài hước. Người làng mến anh và
gọi anh là “Anh Hai (1) Khant” hoặc “Chú Khant” tùy trường hợp. Anh là người độc
thân thứ thiệt và là người lớn tuổi nhất chưa vợ, cho nên anh trở thành người
lãnh đạo không chính thức của đám trai làng (2). Cho đến khi tôi viết bài này,
anh đang ở tuổi bốn mươi, vẫn chưa vợ, bố đã mất và anh sống với mẹ. Anh nói:
“Mẹ tui biểu tui còn độc thân thì nên đi chơi cho vui vẻ, vậy nên tui phải đi,
nhưng thực ra tui không còn trai trẻ nữa, ngay cả thị lực của tui cũng đã yếu rồi.”
Anh và tôi thường đi cà rỏng trên đường
làng để ngắm các cô gái đi gánh nước, đặc biệt là những cô đẹp. Anh tán tỉnh, gọi
họ là “em” hoặc “cháu” tùy theo tuổi. Không ai tỏ vẻ bực mỉnh. Họ giỡn lại, hoặc cười
và liếc mắt nhìn anh. Sao anh quen lắm
cô thế này nhỉ! Số may thiệt! Tôi đâm ghen với anh. Nhưng không phải tất cả đều
tử tế với anh.
“Này anh, coi chừng đó nhé,” một cô nói khi gặp anh.
“Ê, chuyện gì vậy, em? Anh có nên kể
cho mọi người trong làng nghe không, hở?
“Thách anh đó! Đố anh dám! Tui sẽ cho
anh biết tay!”
Cô này là người duy nhất tỏ vẻ giận dữ
với anh. Tên cô là Ma Hla Aye, con gái ông U Thudaw, trưởng xóm. Tôi không hiểu
sao một người được nhiều cô mến như Hai Khant lại bị cô này mắng như thế. Tôi hỏi
anh thì anh trả lời ngượng ngùng: “Thôi, mầy biết làm chi.”
Câu trả lời của anh khiến tôi thêm tò
mò.
“Anh Hai Khant này, hé mộtchút thôi,
được không?”
Anh cứ cười cười, vẻ bí mật.
“Không có gì đâu, nhóc. Tao không muốn
cho chú mầy biết đâu. Chỉ một từ cũng lộ cả câu chuyện."
“Một câu chuyện lận hả? Kể đi, kể cho
em nghe đi. Bí mật, chỉ mình em thôi.”
Anh chẳng chịu kể nhưng cứ vừa đi vừa
cười cười. Tôi tiếp tục van nài anh đến nỗi cuối cùng anh nói:
“Thôi được, nếu chú mầy tha thiết muốn
biết thì tao sẽ phá lời hứa mà kể cho chú mầy nghe.”
Anh dừng lại để đốt tẩu thuốc, sau đó
hai chúng tôi ngồi dưới bóng những cây Thabye mọc thành một vòng.
“Chuyện xảy ra vào Lễ Té Nước năm
ngoái,” anh bắt đầu kể.
Anh ngậm tẩu và rít mấy hơi. Tôi nóng
ruột chờ đợi.
“Trong thời gian lễ hội, như mầy biết,
tất cả dân làng đều đến các thiền viện để ăn chay và giữ giới nhà Phật. Người
ngồi thiền, người lần tràng hạt và cầu nguyện, do đó, không còn ai ở làng. Bọn
trai làng chúng tao đi từ thiền viện này sang thiền viện nọ có vẻ như là mộ đạo
lắm, nhưng thực ra để được các nhà sư và người cúng dường mời ăn, rồi sau đó,
khi đã no nê, bọn tao tìm một bóng cây râm mát và ngủ trưa.
“Năm ngoái mẹ tao đi đến tu viện quá
sớm nên tao nấu cơm và mang đến cho bà. Sau đó, tao nhác mang lồng cơm về nhà
nên định đến nhà trọ trong tu viện để nghỉ trưa. Nhưng chỗ đó đông người quá
nên tao định mượn sư một chiếc chiếu và mang ra chỗ bóng cây để nằm ngủ. Thấy
tao, sư tưởng tao đến ăn chay nên vui vẻ, nhưng khi tao nói mượn chiếu thì sư
không vui. Sư nói: ‘Vậy là anh định ngủ khò như cái xác, phải không? Không có chiếu đâu, kiếm chỗ ngồi và lần tràng
hạt đi. Nếu thấy anh ngủ thì thầy sẽ đánh đòn anh đấy nhé.’
“Tao chẳng biết làm gì nữa. Tao nói
đã bỏ quên tràng hạt ở nhà rồi và ngỏ ý mượn của sư. Sư vui vẻ cho mượn ngay và khen tao. Không có chiếu nên biết làm gì đây? Tao cũng không muốn chọc sư giận đến nỗi phải
đánh tao nên tao quàng cái tràng hạt vào cổ và bước đi. Tao tìm một chỗ cách xa
thiền viện; vì nếu thấy tao ngủ, có thể sư sẽ đánh tao, sư biết tao từ hồi còn
bé nên tao không dám liều. Thế là tao cứ đi mãi đến cái ao phía đông nam của
thiền viện, chú mầy biết cái ao đó chớ?
“Chú mầy có nhớ mấy cây Thabye rậm rạp
mọc trên bờ và vươn cành trên mặt nước không? Tao định ngủ dưới bóng
cây nhưng thấy cái gì đó màu vàng nên tao trèo lên một cành to xoải trên mặt hồ.
Chỗ này kín lắm, khó ai mà thấy. Tao dựa
lưng vào thân cây, treo cái áo mới lên một cái cành để nó khỏi nhăn và kéo gọn
cái xà rông mới quanh đùi. Cha chả! Gió mát ơi là mát. Tao thử đếm tràng hạt
nhưng sợ nó rớt vì buồn ngủ nên lại quàng nó vào cổ. Quá êm ái và thoải mái nên
tao chỉ có việc…”
Anh kể đến đó thì Ma Hla Aye lại đến múc nước. Khi đi ngang qua
chúng tôi, cô dậm mạnh và liếc nhìn Hai Khant. Anh nhìn đuổi theo cô và nói thầm,
“Tao muốn tát cái con bé đó,” và rồi cười một mình.
“Kể tiếp đi, Anh Hai Khant ơi,” tôi dục.
“Khi tao chỉ mới chợp mắt thì nghe ai
đó bước xuống ao,” anh tiếp tục kể. “Tao nhìn xuống thì thấy con bé ở đó, thì
Ma Hla Aye chớ ai nữa, hi hi…”
Anh hút pập pập và cái tẩu kêu rít
rít, lấy bàn tay nắm tẩu, xoay cái cán, và sau đó, tháo rời ra.
“Mọi người đều được tắm ở đây? Không
phải ao của thiền viện, hở?” tôi hỏi anh.
“Không, đây là cái ao khác, ai cũng tắm
được; hôm đó mọi người đi hết nên ao vắng vẻ. Ao lấy nước uống ở gần thiền viện
hơn.”
“Được rồi, kể tiếp đi,” tôi nói.
“Tao nhìn xuyên qua lá và thấy hình
như nó không mang váy phụ,” anh nói.
“Thiệt vậy, hở? Rồi sao…?”
“À, thì không khó gì, cứ việc từ từ
kéo váy lên khi xuống nước, và khi nước đã đến vai thì kéo váy để lên đầu, thế
là váy vẫn khô,” anh nói. “Cũng có thể ném nó lên một cành cây. Nó nghĩ không
có ai khác nên làm thế và bơi quanh. Tao sợ nó thấy tao nên không dám động đậy,
thế nhưng một con kiến lửa cắn chân tao!”
“Chu cha, rắc rối rồi!”
“Tao cố phủi con kiến đi nhưng không hiểu sao
tao bị tuột khỏi cành cây và rơi tỏm xuống nước. Cái xà rông của tao vướng mắc
vào cành nên tao trần truồng như nhộng.”
Tôi cười to. “Rắc rối rồi! Rắc rối rồi!”
“Đúng vậy, tao gặp rắc rối rồi. Nó đứng
yên không nhúc nhích và tao cũng không thể lội lên bờ.”
“Rốt cục thì anh làm sao?”
“Trời ơi… Tao biểu nó hụp đầu xuống
nước để tao trèo lên lấy xà rông nhưng nó nói không thể nín thở lâu được. Tao
nói tao sẽ hụp đầu xuống nước khi nó lấy váy thì nó không tin tao không nhìn.
Thực ra thì tao không muốn hụp đầu xuống nước tí nào, mầy biết chứ?”
“Vậy anh làm gì?”
“Lúc ấy tao nghe tiếng sư la mắng mấy
đứa nhỏ và tao sợ sư đến và bắt gặp…”
Anh lại tỉ mỉ đốt tẩu.
“Thế rồi nó bắt đầu tố tao trèo lên cây để xem
nó tắm, dù tao nói là tao đến trước. Cái con bé đó hét vào mặt tao, dù tao cố
giải thích mấy nó cũng không chịu, và tao đành đứng dầm nước với cái tràng hạt
quanh cổ. Tao muốn cười nhưng không dám. Tao không biết làm sao để lấy áo và xà
rông mới của tao và khi tao định quay đi để nó lấy váy của nó thì nó hét biểu
tao đứng yên … thế nên tao chẳng dám động đậy.”
Câu chuyện đến đây thì Ma Hla Aye trở
lại với chum nước đầy trên đầu. Tôi không nghĩ rằng cô ấy biết chúng tôi đang
nói chuyện gì nhưng tôi buồn cười đến nỗi phải quay mặt đi và cười thầm. Ngay lập
tức một màn gây gổ nổ ra giữa hai người.
“Hoàn toàn không, bọn mình đang nói
chuyện khác.” Hai Khant chống chế khi cô
ấy buộc tội anh.
“Anh thề đi!. Anh thề cái gì sẽ bị
cái đó! Anh sẽ bị rắn cắn và sét đánh!”
Ma Hla Aye hét to.
Ma Hla Aye nhờ trang điểm bằng bột
Thanakha (4) nên trông khá xinh. Cô bối rối đến nỗi trượt chân và để chum nước
rơi khỏi đầu. Cô nổi điên và bắt đầu ném mảnh chum vào chúng tôi khiến chúng
tôi phải bỏ chạy.
Ngay khi chúng tôi về đến nhà, dì tôi
cho tôi xem lá thư của mẹ tôi nói tôi phải về nhà ngay vì vợ chồng bác tôi từ
Mandalay đã đến.
Tôi vội vàng bỏ đồ vào ba lô và lập tức
đến ga xe lửa cách đó 5 dặm. Tôi muốn nhờ Hai Khant chở tôi đến ga bằng xe lôi
để nghe anh kể nốt câu
chuyện nhưng anh nói “để sau”, thế nên tôi rời làng mà chưa được thỏa mãn lắm.
Sau đó, tôi không gặp lại anh. Mãi cho đến năm ngoái, khi anh có việc phải lên
phố, tôi hỏi anh, “Làm ơn cho em biết anh đã ra khỏi ao bằng cách nào?” khi anh
đang nói chuyện với ba mẹ tôi nên anh chỉ mỉm cười và nói, “Còn nhớ chuyện đó,
hở? Kỷ niệm đẹp lắm đó!” rồi chẳng nói gì thêm.
Với tôi, câu chuyện anh Hai Khant và
cô Ma Hla Maye đứng trong nước vẫn còn dang dở và nếu tôi có chết thì không phải
là một cái chết dễ dàng.
***
Nguồn: Bản tiếng Anh đăng trên trên
trang web:
Things Myanmar
(https://sites.google.com/site/thingsmyanmar.); mục: Selected Myanmar Short
Stories; tên truyện: Pleasant Pond; tác giả: Htin Lin.
No comments:
Post a Comment