Cái ánh nắng chiều hoang hoải buổi
cuối năm khiến lòng tôi chộn rộn xuân, tôi khẽ quay đầu nhìn lại thấy cậu đang
trầm ngâm đốt vội điếu thuốc. Năm nào cũng thế, Tết tươi tất bật, nhưng sau
những bộn bề công việc chuẩn bị cho buổi Tết cận kề cậu lại dành những phút
ngồi lặng im như thế. Chỉ là nhìn bâng quơ về cổng, chỉ là thả hồn vô khói
thuốc đang bay. Cậu tôi cai thuốc từ hồi còn trẻ, nghe cậu nói cậu đã có một
lời thề nào đó. Ngày tôi còn bé, tôi còn chọc cậu:
-Hút thuốc như sinh mệnh cậu, mà cậu
đời nào bỏ được?
Cậu chỉ cốc đầu tôi một cái rồi mỉm
cười. Nhưng rồi sau hôm đó tôi không bao giờ thấy cậu đốt thuốc nữa. Được ít
lâu thì cậu dẫn về nhà một cô gái, tay bế một đứa trẻ còn đỏ hỏn và nói với
tôi:
-Đây là mợ tương lai của cháu. Cậu
thiếu mợ một cái đám cưới.
Cậu tôi bề ngoài thì có vẻ lầm lì ít
nói nhưng kì thực lại là một người tràn đầy tình cảm. Tôi còn nhớ ngoại tôi có
bảy người con cả thảy nhưng khi tập họp lại để bàn vấn đề nuôi ngoại thì ai
cũng thoái thác. Vì đều là máu mủ ruột thịt và cuộc sống mỗi người đôi khi
không phải ai cũng là người trong cuộc để thấu hiểu nên tôi không bàn luận, chỉ
có điều trong mắt những đứa trẻ là cháu ngoại lúc ấy, người đàn ông trẻ nhất
nhà đứng ra dõng dạc:
-Anh chị không nuôi ba má thì tôi
nuôi.
Có phần gây ấn tượng mạnh. Và thế là
cậu nuôi ông bà thật. Ông bà tôi khó tính, lại gia trưởng, con cháu đều có phần
xa cách, nhưng cậu luôn lo mọi thứ thật chu toàn, chỉ có điều là cậu lại càng
ít nói hơn nữa vì tính cậu và ông bà đều không hợp. Tôi hay sang chơi với cậu,
tính tôi lại có phần già dặn trước tuổi, hệt cậu hồi nhỏ, nên cậu có phần
thương. Nhiều khi, tôi hỏi cậu:
-Ông bà không ai nuôi vì tính khó,
sao cậu còn dành? Không như các cậu dì khác, gửi tiền về nuôi là được. Tính cậu
với họ lại không hợp, thế mà chung một mái nhà?
-Nhỏ không hiểu chuyện. Hợp hay không
cũng là cha mẹ, con cái phải nuôi mới là thảo hiếu.
Khi đó, cậu tôi mới hai lăm tuổi, cái
tuổi bôn ba tứ phương để nuôi dưỡng ước mơ lại chỉ bó buộc cuộc đời trong một
căn nhà ở quê với hai người già. Những khi Tết đến, trong khi mọi căn nhà ở quê
bắt đầu treo liễn, nhà nhà giăng những dải lụa hồng trang trí, cậu cũng tất bật
hết chạy đồng tới mua đủ thứ mứt quà, rồi bánh trái về cúng cho tổ tiên. Ông bà
tôi có quan niệm “ cả đời đã lao động đủ rồi, già thì để con cháu lo, tuyệt
nhiên không đụng tay vào”. Mẹ tôi nói nhà không có đàn bà thì khổ lắm, nhất là
những dịp Tết tươi, bao nhiêu thứ phải lo, cậu tôi khi ấy vừa là người đàn ông
cáng đáng đủ thứ trong gia đình, vừa là người phụ nữ chu toàn mọi thứ trong dịp
Tết. Mẹ hay sai tôi qua phụ cậu, cậu dạy tôi làm bánh tét, rồi cùng tôi thức
đêm canh nồi bánh chưng. Tôi vẫn còn nhớ là đàn ông trong nhà mà cậu vô cùng
khéo tay, từ việc làm nhân để đổ cho tới việc gói thành những cái bánh chưng
vuông vức trông rất đẹp mắt. Mẹ tôi bảo tôi ráng mà học cậu để trở thành một
người đàn ông tốt, nhưng tốt cách mấy cũng đừng có học cách lầm lì ít nói như
cậu, cậu gì cũng tốt, chỉ thiếu cái ân cần.
Cậu
tôi nghiện thuốc, ngồi canh bánh chưng hết đêm mà cậu nuốt trọn bao thuốc. Vậy
mà ngày ấy khi dẫn mợ về cậu lại tuyên bố bỏ thuốc rồi bỏ thật. Người đàn ông
có thể vì một điều gì đó mà bỏ đi thói quen bấy lâu nay của mình là một người
vĩ đại lắm, bố hay bảo tôi vậy. Hẳn là cậu rất thương mợ. Thế nhưng, khi cậu
dẫn mợ về ông bà tôi lại phản đối ra mặt. Đó là hôm ba mươi tết, cậu dẫn mợ về
nhà để mong cả nhà hoan hỉ nhưng ông vì giận quá trước tình cảnh đột ngột này
mà chặt luôn cả chậu tắc chuẩn bị quả chuyển sang vàng, còn bà thì mâm ngũ quả
vứt lộn xộn cả lên. Tôi khi ấy vẫn không hiểu nổi, tại sao khi cậu đã hiếu thảo
như vậy và khi cậu có một gia đình không một ai mừng cho cậu. Và chẳng phải Tết
là lúc gia đình nên sum họp hay sao mà lại để mọi thứ vỡ tan tành thế này. Ngay
cả mẹ tôi, vốn là người thân và thấu hiểu cậu nhất cũng đột ngột:
-Cậu làm thế thì ẩu quá !
Sau này, lớn lên tôi mới hiểu, mọi
thứ đến quá nhanh vì chẳng ai biết cậu đã yêu lúc nào, thế mà đùng một cái cậu
dẫn về nhà một cô vợ. Dẫn về đã đành, đằng này còn có cả con rồi. Ông bà tôi
trước giờ không chịu nổi cảnh để mọi thứ vượt mặt mình mà không biết, hơn nữa,
sáu người con trước giờ ông bà đều đặt đâu ngồi đấy, không ai tự quyết chuyện
hôn nhân. Tết năm ấy nhà tôi buồn lắm, mợ tôi khóc suốt những ngày Tết, chỉ quỳ
lạy ông bà mà mếu máo:
-Con đã là phận người của anh Li, xin
cho con phụng dưỡng ba mẹ, nếu một thời gian sau vẫn không ưng, con xin từ nhà
mà đi.
Tất nhiên ông bà tôi ưng thuận. Mợ
không hiểu tính ông bà, ông bà thuận không phải vì ông bà cảm động hay thử tin
mợ mà vì ông bà muốn để thời gian sẽ làm mợ nản lòng và nhất là thời gian tới
với mợ sẽ khổ ải lắm. Tôi cũng lựa lời nói với cậu suy nghĩ của mình, cậu cũng
hiểu nhưng giờ con còn nhỏ quá, cậu muốn nó ở với cha. Tôi cũng là người thân
với mợ nhất, khi rảnh rỗi tôi hay tâm sự với mợ, mợ kể:
Mợ không phải người vùng này. Mợ gặp
cậu con vào Tết ba năm trước khi cậu theo mấy người đi tới chỗ mợ bán tắc. Rồi
hai người ưng ý rồi hiểu nhau. Cậu con ít nói nhưng chân thành, rồi mợ thương
cậu rồi ưng về làm vợ.
Mợ còn kể, ngày mợ sinh, sinh khó,
cậu đã nguyện sẽ không hút thuốc nữa để mợ sinh thành, thế rồi đứa bé chào đời
cũng là ngày cậu bỏ thuốc.
Mợ ở nhà tôi ba năm, ba năm mợ khóc
hết nước mắt của mình. Đến năm thứ ba, ông bà tôi đuổi mợ đi vào đúng ngày ba
mươi tết. Vẫn là không chấp nhận được, vẫn là không kham nổi, vẫn là đủ lí do.
Cậu tôi không giữ khi mợ ôm con đi, mợ cũng không oán cậu nửa lời. Điều cuối
cùng cậu nói với ông bà là:
-Tôi để mẹ con cô ấy đi không phải vì
tôi hết thương họ mà bởi vì tôi là con của ba mẹ. Chứ trong lòng tôi, đau đớn
lắm.
Rồi kể từ đó cậu không nói gì nữa,
chỉ vò võ làm lụng suốt ngày. Ông bà tôi cũng có phần suy nghĩ. Và cứ thế, mỗi
năm, cứ đúng ngày tết, khi tát cả đều tất bật, và cậu tôi lại tất bật như suốt
những năm qua, cứ đúng chiều ba mươi cậu lại châm thuốc hút như để nhớ về vợ
con cậu ở phương xa, và cứ đúng chiều ba mươi, thể nào mợ cũng về, lo chu toàn
ngày Tết rồi lại đi vào hôm sau. Mợ nói:
-Tuy ba mẹ không công nhận con nhưng
trong lòng con đều luôn nghĩ mình là con dâu của hai người, nên hãy để con phụ
chồng lo cho dịp Tết đầy đủ rồi con đi. Sẵn để cho cháu gặp ông bà chứ cháu nhớ
ông bà lắm.
Và cứ thế, hi hữu như chuyện tình
Ngưu Lang Chức Nư, hai người chỉ gặp nhau mỗi năm một lần. Chỉ khi nào thật
rảnh, nghỉ vài ngày, cậu lại về quê mợ thăm mợ, thăm con, nhưng cũng không dám
đi quá lâu vì ông bà già yếu ở nhà. Suốt ba năm nữa như thế trôi qua, cậu vẫn
hay kể cho tôi nghe về giấc mơ cậu và mợ và bé em trong một ngày hạnh phúc,
nhưng đó chỉ là những kì vọng trong những câu chuyện kể và khói thuốc chỉ khiến
cậu nhớ về một gia đình chốn nào đó xa xăm. Mẹ tôi cuối cùng cũng nói chuyện
với ông bà:
-Ba mẹ giận nó thì giận ba năm cũng
đủ rồi. Xét cho cùng giờ nó cũng đã là chồng người ta, là cha người ta, tuổi nó
cũng đã lớn rồi, đủ để cáng đáng một gia đình. Nó thương vợ con nó kể gì, ba mẹ
tính để nó độc thân cả đời, rồi cháu ba mẹ không có cha, không có ông bà hay
sao?
Bà tôi có phần mủi lòng, bao giờ cũng
thế, phụ nữ thường dễ cảm thông hơn. Tết năm tiếp theo khi mợ lục tục về bà
ngồi nhai trầu bỏm bẻm:
-Về chừng này có xe về không? Để ít
hôm nữa hãy về.
Đứa bé được bà mở lời nghĩ bà thương
nó cứ quấn lấy bà mặc bà đuổi riết, nhưng nó vẫn cứ bám nên bà phải trông, có
lẽ đâu đó vô thức tình bà cháu khiến bà mủi lòng thêm. Ông thì vẫn có phần
khiên cưỡng. Đó là năm đầu tiên trong tất cả mùa Tết tôi thấy cậu vui nhất, cứ
quấn quýt vợ con mãi thôi. Mẹ tôi tặc lưỡi:
-Khổ, Tết là phải sum vầy mà năm nào
nó cũng phải buồn.
Tôi cũng nghĩ, công nhận cậu khổ
thật, cái hạnh phúc giản đơn mà phải vất vả lắm cậu mới có được.
Đứa nhỏ kháu và giống cậu y hệt, nó
lại khá khéo, tôi khéo mách nước nó:
-Ông là phải cứ bám như bà ông mới
thích, em lại mà chơi với ông, bám ông hoài, nhõng nhẽo vô.
Trẻ con nói gi nghe nấy, ông càng
ruồng rẫy nó, nó càng bám ông, Tôi cũng biết tính ông tôi, cứng rắn thật đấy
nhưng mềm lòng trước con nít. Suốt mấy ngày Tết nó bám ông miết, hết Tết mợ lại
xin phép về, ông có chiều không muốn để nó đi, tự nhiên bật ra hỏi:
-Về thế khi nào quay lại?
Chỉ thế thôi mà cả nhà đều ngỡ ngàng
rồi bật cười, còn tôi, tôi tự thấy mình nên khép lại câu chuyện về cậu ở đây vì
có lẽ nếu kể tiếp thì mọi thứ không còn hay nữa. Tết mà, Tết sum vầy sao lại cứ
chia xa mãi được. Và tình thân mà, dù có xa nhau cách mấy, cuối cùng cũng có
một sợi dây gắn kết không bao giờ rứt ra được. Và cả lòng hiếu thảo nữa, đến
cuối cùng sẽ lại có sự đền đáp xứng đáng mà thôi.
Tôi kháy cậu:
-Thế là ba mươi Tết khỏi hút thuốc
nữa luôn nhé?
Cậu bật cười tràn đầy hạnh phúc.
Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
No comments:
Post a Comment