Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, January 11, 2018

ĐỌC “TRÊN BỤC GIẢNG NGÀY NÀO” THƠ LÃNG UYỄN CHÂU – Châu Thạch

               
             
           Nhà bình thơ Châu Thạch



              ĐỌC “TRÊN BỤC GIẢNG NGÀY NÀO” 
              THƠ LÃNG UYỄN CHÂU 
                                                           Châu Thạch


Hôm nay là một ngày hạnh phúc với tôi. Buổi sáng đọc được bài thơ “Người lính già chống gậy đón xuân” của Dư Mỹ. Cảm động viết ngay lời bình. Buổi trưa nằm trên giường chơi facebook qua chiếc điện thoại. Vừa lim dim muốn ngủ thì chợt tỉnh ngay bởi bài thơ “Trên bục giảng ngày nào” của Lãng Uyển Châu. Bài thơ lạ ở chổ nói về nhà giáo mà chẳng thấy gì là mô phạm, nghĩa là nó không chịu cái chuẩn mực của những bài thơ viết về nhà giáo. Tất nhiên tác giả cũng phải dùng những cụm từ như bục giảng, phấn trắng, sân trường để nói đến quãng đời dạy học. Tuy nhiên những cụm từ đó được đặt trong một lồng kính lạ của những tứ thơ rất mới, thoát cái xác khô cứng đạo mạo của vị thầy và hóa hình họ vào trong những vẻ đẹp thắm tươi đầy thơ mộng và đầy sinh lực. Bài thơ chỉ có ba khổ thơ, khổ thơ đầu đưa ta bước vào một mùa khai giảng:

Dù nhắm mắt lại thật lâu đi nữa 
Vẫn dáng tôi trên bục giảng ngày nào
Của một thời mơ lá gió xôn xao 
Của hoa cỏ đầu thu còn khép nép...

Tôi chưa thấy ai tìm về quá khứ mà nhắm mắt lại. Tôi cũng chưa đọc được cái ý thơ nào đặc sắc như thế. Vào đề bằng hai  câu thơ “Dù nhắm mắt lại thật lâu đi nữa/ Vẫn dáng tôi trên bục giảng ngày nào” cho ta liên nghĩ đến những người đang cầu nguyện,  và từ đó dáng tác giả đứng trên bục giảng ngày nào trở nên lung linh như hình ảnh đẹp của  thiên sứ trên trời. Nhờ nhắm mắt thật lâu, hình ảnh đẹp của qúa khứ  diễn ra như một đoạn phim. Câu thơ cho  người đọc tưởng tượng xuyên suốt  bức tranh đẹp cúa tháng ngày  người thầy đứng trên bục giảng. Rồi thì tiếp hai câu thơ “Của một thời mơ lá gió xôn xao/ Của hoa cỏ đầu thu còn khép nép” cho ta thưởng thức tất cả cuộc rống rộn rịp của quá khứ thân thương và những buổi tựu trường đầu thu êm ái. Quá khứ đó tác giả diễn tả bằng cụm từ “lá gió xôn xao”. Lá màu xanh là màu tuổi trẻ, gió như là tác động của đời. Hình ảnh gió thổi vào cho lá xôn xao làm đại diện cho một thời cô giáo đứng trên bục giảng, cho ta cảm nhận biết bao điều thân yêu, quyến luyến và êm đềm như ngọn gió  mùa thu thổi vào lùm cây tươi tốt.
Khổ thơ thứ hai, tác giả vẻ một bức tranh sống động, có mùa thu ẩn hiện quanh người thầy đứng trên bục giảng và có tiếng thu lồng trong lời giảng của thầy:

Tôi đứng đấy thuở mộng đời ngoan đẹp 
Nét thanh xuân làm bạn áo trắng quen 
Thu đã về bên bảng phấn bao phen 
Cơ hồ tiếng giảng bài quanh cửa lớp 


Thơ thường hay diễn tả người thầy lấm lem phấn trắng và người ta thường tưởng tượng người thầy bán cháo phổi nên ốm o, lộm khộm. Ở đây với hai câu thơ “Tôi đứng đấy thuở mộng đời tươi đẹp/  Nét thanh xuân làm bạn áo trắng quen” Lãng Uyễn Châu đã làm cho hình ảnh người thầy hay cô giáo đầy sức sống, như những đóa hoa nở trong  mùa xuân trên một vùng đất vô cùng thanh khiết, đó là vùng của những “chiếc áo trắng quen”. Rồi thì nhà thơ đã thiên nhiên hóa chiếc bảng đen khi nói “Thu đã về trên bảng phấn bao phen/ Cơ hồ tiếng giảng bài quanh cửa lớp”. Câu thơ làm cho chiếc bảng không còn đen nữa, không còn là phương tiện khô cứng nữa mà nó trở nên thu hút, bởi nó mang hình bóng mùa thu đẹp biết bao trên khung màu đen của nó. Câu thơ cũng làm cho lời thầy trở trên nên nhạc điệu và tồn tại trong thời gian, quanh cửa lớp. Chữ  “cơ hồ” cho ta hiểu tiếng giảng bài đó đã lắng vào trong cõi tỉnh lặng, nhưng nó vẫn hiển hữu ở nơi ấy như một linh hồn.
Qua vế thơ thứ ba mùa thu không còn nữa. Tác giả nói đến mùa hè, mùa xuân và mùa đông nhưng cả ba mùa ấy hình như chủ ý chỉ dùng để tá khách vào mùa thu, là mùa mà nhà thơ  dùng nó làm hình ảnh cho cuộc đời nhà giáo của mình:

Nhắm mắt lại...ôi, một mùa nắng ngợp
Vẫn chói chang cánh phượng vỹ sân trường 
Xuân đã về bao tim ngợp yêu thương 
Đông se lạnh ôm trùm muôn nỗi nhớ !!!

Nhà thơ nhắm mắt lại để thấy mùa hè với “chói chang cánh phượng vỹ sân trường”. Nhà thơ nhắm mắt lại để thấy mùa xuân trong cuộc đời nhà giáo của mình với học trò “bao tim ngợp yêu thương” và nhà thơ cũng nhắm mắt lại để tưởng tượng nỗi nhớ của mình nằm trong mùa “đông se lạnh. Ba mùa trong cuộc đời nhà thơ là ba bông hoa để điểm xuyết cho cánh đồng  mùa thu muôn màu sắt. Cánh đồng mùa thu ấy là không gian, là thời gian của một thời tuổi trẻ làm nghề giảng dạy mà tác giả đã tôn vinh nó ở hai khổ thơ trên. Bốn câu thơ xúc tích và mô tả trọn vẹn một quá khứ vàng son trong nỗi nhớ của mình.

Có những bài thơ hay rất dài như một cánh chim quen thuộc lượn trên bầu trời cho ta nhìn ngắm rồi quên đi. Cũng có những bài thơ hay như một cánh chim lạ vụt bay lên, ngang qua vòm trời làm ta trố mắt ngạc nhiên và sửng sốt  vì vẽ đẹp của nó chấp chới, lung linh làm ta nhớ mãi. Có lẽ  với tôi, bài thơ “Trên bục giảng ngày nào” của Lãng Uyên Châu là cánh chim lạ vụt bay lên có hương và có sắc khiến tôi ngạc nhiên và nhớ mãi ./.
                                                                      Châu Thạch

      Nhà thơ Lãng Uyển Châu


TRÊN BỤC GIẢNG NGÀY NÀO 

Dù nhắm mắt lại thật lâu đi nữa 
Vẫn dáng tôi trên bục giảng ngày nào
Của một thời mơ lá gió xôn xao 
Của hoa cỏ đầu thu còn khép nép...

Tôi đứng đấy thuở mộng đời ngoan đẹp 
Nét thanh xuân làm bạn áo trắng quen 
Thu đã về bên bảng phấn bao phen 
Cơ hồ tiếng giảng bài quanh cửa lớp 

Nhắm mắt lại... ôi, một mùa nắng ngợp
Vẫn chói chang cánh phượng vỹ sân trường 
Xuân đã về bao tim ngợp yêu thương 
Đông se lạnh ôm trùm muôn nỗi nhớ !!!

                             Lãng Uyển Châu

                                     (2003)

No comments: