Nhà thơ Yến Lan tại chung cư Thanh Đa năm 1996
MỘT VÀI TÂM SỰ VỚI CÁC NHÀ THƠ
Từ ngày 24 đến 27-7-1987, Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo thơ miền Trung tại thành phố Nha Trang:
Yến Lan: Vì ở xa, được giấy triệu tập chậm, tôi đến kịp đây, cũng đã may rồi, lòng đinh ninh xin được nghe các bản tham luận, để học hỏi thêm nên không có văn bản đăng ký. Bất ngờ, rất hân hạnh được mời lên phát biểu với lời giới thiệu là một nhà thơ lão thành. Xin các bạn xem đây chỉ là đôi dòng tâm sự. Nhìn quanh sự có mặt của tôi hôm nay bên bục này, là sự có mặt của một thế hệ rất thưa thớt trong hội thảo, sự có mặt của một lớp người đang gói gém hành trang chực đi vào quá khứ.
Tôi rất vui mừng được gặp tại đây một lớp nhà thơ trẻ của bảy tỉnh miền Trung, đều là hội viên hội nhà văn Việt Nam, tiêu biểu cho cái lực lượng đang sung sức xây đắp nền thi ca nước nhà, có Đảng quang vinh lãnh đạo, có nghiên cứu tìm tòi, có năng lực sáng tạo, hậu thuẩn hùng hậu của nền thơ xã hội chủ nghĩa đã được khẳng định là nền thơ ưu việt từ Cách mạng tháng Mười Nga mà chúng ta đang tiếp sức phát triển.
Các bạn đang tự tin ngước mặt hướng về phía trước, về phía tương lai, tất nhiên dù muốn hay không, cũng từ truyền thống làm điểm xuất phát. Mong rằng chưa có ai trong các bạn lại quá nhanh nhẩu cho rằng: dù thẳng bước đi tới thì cần gì phải thỉnh thoảng quay lưng lại phía sau, quay lưng vào quá khứ? Gọi đó là lĩnh vực của những bảo tàng đồ cổ. Tôi sực nhớ lại, trước đây hơn nửa thế kỷ, đã ra đời một giáo lý làm xao động cả các nền văn hóa lưỡng hà, khiến cả thế giới chú tâm. Một thanh niên 18 tuổi tên là Christa-Myrti, được tôn là vị phật sống đã xướng lên và được truyền bá một dạo, cuộc cải tổ Phật giáo. Chủ điểm trong một lý thuyết ông ta là biệt luận quá khứ. Thế rồi thế nào? Nhân loại đã quay lưng vào ông ta, vị phật đã khuyên người đời quay lưng vào quá khứ đó.
Trong hoạt động nghệ thuật cũng vậy. Còn cứ phải quan niệm cho đúng vấn đề cũ, mới. Nhất là chớ lấy tuổi tác, giai đoạn lịch sử mà phân biệt cũ mới. Đó là một sai lầm. Có phải bao giờ cái cỏ hủ cũng thuộc về người già, về thời buổi trước, mà cái tân tiến là sản phẩm đặc trưng của tuổi trẻ?
Một điều đáng phấn khởi là gần đây, thơ đang ngày càng tập họp lại thành lực lượng đông đảo và rầm rộ tiến quân vào những mảnh đất mới, đầy kỳ thú mới khai phá. Tiến quân về những chân trời xa, rất xa. Thơ đi gặt hái và cả gieo trồng. Xin các nhà thơ hãy sáng mắt, sáng lòng để sớm phân biệt được mật hương và gai góc. Đừng nhầm lẫn cái mới với cái lạ. Cái mới là cái phải chắc lọc từ bao nhiêu cái đã có để thay thế. Cái lạ là cái được thấy lần đầu nhưng thường là lạ ở chỗ này lại nhìn quen ở chỗ khác. Hơn nữa thể hiện cái lạ chưa sành thường làm cho nó thành ra lố bịch, lai căn và méo mó. Lại còn có cái dể dãi nữa.
Xin hạn chế sản sinh ra những bài thơ chỉ đọc qua một lần rồi không nhớ gì nữa. Chúng ta đi tìm cái mới, có bạn lứa đông vui. Tất nhiên ở loại hình nghệ thuật nào cũng thế, thường do xu hướng do cảm thụ, có khi do ngẫu hứng nhất thời, đã tự phát nảy ra trường phái. Trường phái chính thống thường nhằm vào mục đích thay đổi hình thức và tư duy của một nền thơ ca nào đó đã thành lý mòn, nhạt nhẽo đối với thời thượng. Có khi chỉ do một số ít người được tài năng ưu đãi, xướng lên rồi thành trường phái. Nói chung lại tôi rất đồng tình thơ có trường phái nhưng đừng biến phái thành bè phái. Mà bè phái như các bạn biết đó, tự bản thân nó đã gây ấn tượng không hay rồi.
Điều này quan trọng lắm các bạn ạ, bè phái vốn là nơi phát sinh ra nhiều tiêu cực mà cũng có lúc khó thấy, tác động vào nội dung tác phẩm, nó gây ra chia rẽ hoặc tâng bốc nhau, dần nghiêng về những việc phi văn hóa, văn nghệ để phục vụ cho lợi ích cá nhân và dần đi xa chức năng tác phẩm. Không nói những chức năng của thơ hiện nay chúng ta làm kim chỉ nam để sáng tác, đã lâu đời, thơ đã được đánh giá là một sản phẩm có bản chất thanh cao, vì vậy mà người dùng thơ để đi dưỡng tính tình để nâng cao phẩm chất. Chẳng lẽ người làm ra sản phẩm có chất thanh cao ấy lại để sa sút phẩm chất của mình.
Sau cùng, chắc chắn trong hội thảo này chúng ta đề cập nhiều đến vấn đề tiêu cực, chống tiêu cực đang là nhiệm vụ bức thiết của văn nghệ mà thơ ca là một vũ khí ứng chiến nhạy bén hơn hết. Nhưng chúng ta cũng phải tự phát động trước. Chống những tiêu cực của bản thân. Có ai dám tự hào mình là người hoàn hảo, mà trong ta có bớt đi tiêu cực, mới nhận rõ những tiêu cực bên ngoài, đánh mới trúng, mới danh chính ngôn thuận, mới được đồng tình hổ trợ...
Và ông Yến Lan quan niệm:
1/- Cuộc sống trên trái đất cần ánh mặt trời, con người cần có tình yêu, còn thơ phải xuất phát từ trái tim và tâm hồn; người làm thơ phải có sự rung động của trái tim và cần có lý trí, tài năng để sáng tác những vần thơ hay, có giá trị nghệ thuật, thiếu một trong hai thì không thể có thơ”
2/-Thơ nuôi dưỡng và thanh lọc tâm hồn : Theo ông một phần tâm hồn và trái tim thi nhân tạo ra thơ, do đó thơ trở thành một sinh thể sống động đồng hành với con người theo suốt chiều dài cuộc sống, như tri âm, tri kỷ. Người làm thơ phải lấy truyền thống làm nền tảng…
Lâm Bích Thủy
No comments:
Post a Comment