Tác giả Nguyễn Văn Uông
THẰNG LÙN
Trước mặt tôi là một Việt kiều sang trọng trong cái làng hẻo lánh này. Đó mới là điều đáng nói chứ! Giữa đám người quần cộc, áo ngắn nhàu nát màu đất vàng ngoạch quen mắt, hắn nổi lên với cái áo hàng hiệu vải hoa màu đỏ vàng sặc sỡ, tay áo rộng cắt xuống quá cùi chỏ, cái quần bò bó sát cặp giò chắc nịch. Trông hắn sang trọng hẳn ra. Hình ảnh của hắn so với đám dân làng đen đúa, hốc hác, khô kiệt chất mịn màng của những con người vùng quê miền gió cát, nắng lửa vây quanh, có tính tương phản khá cao trong nghệ thuật tạo hình nếu có ai đó bấm máy chợp được cảnh này. Thế đó! Tôi nửa như giả bộ quay mặt lảng tránh cái nhìn của hắn, nửa như cố nhìn thật kỹ cái khuôn mặt đầy đặn, đẹp trai với nước da trắng hồng sáng bóng kia. Hắn nói cười tự nhiên với đám đông như những người thân trong nhà. Cử chỉ thân thiện của hắn làm tôi có cảm tình. Hắn là một Việt kiều thứ thiệt, giàu có từ Mỹ về xây dựng cơ ngơi thờ tự trong cái làng hẻo lánh này. Giọng nói của hắn không Mỹ chút nào cả, tôi nghe thấy quen quen. Mấy lần tôi thấy hắn liếc nhìn tôi. Dầu sao trong cái đám đông quanh hắn trong gian nhà thờ rộng rãi này, tôi cũng có chút tươm tất hơn. Mà hắn là ai? Tôi bắt đầu để tâm tìm hiểu. Ờ! Cái điệu hắn đưa tay cao quá đầu rồi hạ xuống chà vành tai mỗi khi có cái gì khoái chí, tôi thấy quen lắm.
Nhiều mâm tiệc được dọn ra. Hắn có đôi lời mời mọi người ngồi vào bàn. Cái lý do của buổi tiệc là ra mắt bà con trong làng, mừng cho hắn có cái nhà để thờ phụng tổ tiên. Hắn không phải người vùng quê này nhưng cũng là con rể. Tổ tiên hắn là dân vạn đò vùng kinh thành, không rõ gốc tích từ đâu. Hắn làm ngôi nhà thờ này và xin làng cho hắn nhập quê để có chốn đi về mỗi khi về nước. Lời nói của hắn tình cảm, mọi người tỏ ra hoan hỉ chia vui. Tôi ngồi vào bàn tiệc, lơ đãng gắp vài miếng ăn tuy bụng dạ vẫn còn mang máng nghĩ về cái thứ tiếng nói và điệu bộ quen quen của hắn. Hai vợ chồng hắn đi chào từng mâm. Vợ hắn thì tôi biết. Cô là bà con xa của tôi. Trước kia, thời thiếu nữ, cô gầy đét nhưng khuôn mặt có duyên. Bây giờ trông cô đẹp hẳn ra, người đẫy đà, dáng dấp sang trọng. Đến bên tôi, cô cười rất tươi:
- Giới thiệu với anh Minh. Đây là anh Lân, Bùi Bá Lân, chồng em… để hai người làm quen.
Tôi đứng dậy, chưa kịp nói gì. Bất chợt hắn ôm chầm lấy tôi:
- Ừ!... Đúng rồi!...Ờ! Minh đây rồi!... Cố nhớ mãi mà không ra!... Có biết ai đây không?
- Nóng quá!...Buông ra đi! Nhớ rồi!…Là thằng…!...
Tôi gỡ hắn ra, định gọi tên hắn nhưng may kìm lại được. Vợ hắn đã giới thiệu hắn là Lân, Bùi Bá Lân cơ mà!
- Lùn đây! Thằng Lùn đây!...
Hắn vừa nói lại ôm chầm lấy tôi một lần nữa trước ánh mắt ngạc nhiên của mọi người và vợ hắn:
- Hai người biết nhau hả?
- Sao không biết!... Hắn sởi lởi. Thân lắm!...Em biết không? Anh và anh Minh là bạn chí cốt từ bé khi bố anh bỏ vạn chài, theo mẹ lên ở làm nhà trên cạn… Lâu quá! Nhớ mãi không ra!
- Lùn… À… Lân này! Không ngờ gặp lại nhau như thế này. Mình nhìn mãi mà chưa nhận ra. Tưởng cậu mất tiêu đâu rồi chứ! Thôi!... Ăn đã!... Nói chuyện sau!... Chuyện nhiều lắm!...
*
Ngày ấy, tên hắn là Lùn làm tôi thắc mắc mãi. Hắn cùng tuổi với tôi mà tôi chỉ cao quá tai hắn. Tôi không phải loại lùn thì gọi hắn lùn sao được! Hắn là con trai. Giả như hắn là con gái thì còn nại ra được cái cớ tên Lùn của hắn do một tên rất xấu, chỉ giới tính con gái mà cha mẹ hắn gọi khi mới sinh, nay đọc trại ra, thì cũng cho cam. Chuyện cha mẹ đặt tên con quá tục tĩu khi còn bé, lớn lên gọi gượng miệng, đọc trại thành một tên khác là chuyện thường gặp trong giới bình dân quê mùa. Hắn là con trai lại có tên Lùn, tôi không hiểu nổi vì sao. Trong xóm, mọi người gọi cha hắn là ông Lùn theo tên con, nhưng thật ra ông tên là Trọng. Mụ Trọng bán nước chè ngoài chợ. Ông chẳng có việc gì làm, chỉ phụ bà lo cơm nước và những việc vặt cho cái quán nước chè rất đắt khách của mụ. Là con duy nhất, hai vợ chồng ông Trọng rất cưng thằng Lùn, không cho đi trường học. Đã hơn mười tuổi, hắn chưa biết một chữ cái nào. Nhà ông Trọng và nhà tôi chỉ cách nhau một con mương nước giọt giữa hai cái chái nhà. Chái nhà bé tí, con mương chẳng có nước để chảy. Tôi và Lùn thường lợi dụng khoảng cách kín đáo giữa hai tấm phên tre có con mương khô, vừa đủ cho hai đứa ngồi ấy để tổ chức nhiều trò chơi nghịch ngợm, cười khúc khích với nhau. Mụ Trọng cao người, quắc thước trong khi ông Trọng dáng chắc đậm, hiền khô như Bụt. Cái hiền thật thà gần như đến dại của ông trở thành trò đùa cho lũ trẻ trong xóm. Thằng Lùn và bọn chúng mấy lần đánh nhau u đầu, chảy máu mũi cũng vì chuyện ấy. Thuở đó, Ngô Đình Diệm mới về nước chấp chính, chính quyền tổ chức chiến dịch tuyên truyền hạ bệ Bảo Đại, suy tôn Ngô Tổng Thống. Lũ trẻ được kéo vào các cuộc diễu hành cổ động khắp thành phố. Đám trẻ con chẳng biết gì, vui là theo, ai vẽ gì làm nấy. Dọc theo các con phố, người tổ chức hô lên: “Ai bán nước”, đám diễu hành hô vang: “Bảo Đại”; “Ai dâm ô”: “- Bảo Đại”; “Ai trụy lạc”: “- Bảo Đại”. Về trong xóm, bọn trẻ túm tụm thành đoàn nhại theo: “Ai bán nước”: “- Ông Trọng”,... vang cả xóm. Ông Trọng khiếp vía, sợ vạ lây. Sợ quá ông lên cơn đau tim, phải nằm bệnh viện hơn tháng. Khi hồi phục trở về nhà, ông không dám chiền mặt ra ngoài xóm nhìn mọi người. Ông sợ đến khiếp!...
Sau những lần đi diễu hành như thế, Lùn thấy không biết chữ để đọc các truyền đơn như bọn trẻ là một thiệt thòi. Sỉ diện, hắn không dám nói với ai. Hễ có tờ truyền đơn nào, hắn xếp cất kỹ vào túi, khi về nhà, hắn nhờ tôi đọc cho hắn nghe và học thuộc. Cái khoảng cách con mương giữa hai chái nhà trở thành lớp học cho các buổi phụ đạo học vần của tôi dạy cho hắn. Cách dạy và học của tôi và hắn cũng có một không hai. Lúc đầu hắn nhận dạng cả chữ. Mấy chục chữ trong các truyền đơn, hắn nhớ mặt hết. Có một truyền đơn mới là hắn kiểm tra lại các chữ giống như ở truyền đơn trước đã học, hỏi tôi xem có đúng không. Thường thì hắn rất ít sai. Chữ hắn nhận sai phần nhiều là vì các dấu thanh khác nhau, hắn chưa phân biệt được. Một thời gian, hắn nhớ cả hàng trăm chữ. Các truyền đơn cũng chỉ xoay quanh các nội dung như nhau nên có nhiều tờ, hắn đọc được hơn nửa. Tôi lại bày hắn cách nhận mặt chữ cái và đánh vần, tập viết. Nhanh trí và rất khéo tay, hắn biết đánh vần thành thạo và viết chữ khá rõ nét, đều tắp. Thế là hắn biết chữ và viết được.
Tôi với hắn thường lang thang khắp phố chợ. Hắn nhìn lên các bảng hiệu cửa hàng. Đọc; nhìn các hàng chữ kẽ bên hông xe hơi. Đọc; nhìn biển quảng cáo phim mới treo trước rạp chiếu bóng. Đọc…; nói chung, thấy chữ là đọc và hỏi tôi. Mẹ hắn cho tiền, hắn mua kẹo cho tôi ăn, nhưng là thằng ma mánh, hắn bảo tôi “mút cho ngon” trong khi hắn thì nhai ngấu nghiến hết cả phần kẹo mua được. Một đồng năm cái kẹo nougat thơm phứt mùi sữa và đậu phộng, khi tôi mút hết cái thứ nhất, chìa tay ra thì hắn nói: “Hết rồi!”.
Khi tôi vào trường trung học thì hắn đã biết đọc trôi chảy. Hắn nhờ tôi chỉ cách làm toán. Một thời gian, hắn làm được toán cọng, toán trừ nhưng hắn cứ bảo: “Làm toán không bằng tau tính rợ. Tính rợ mau hơn. Tau tính rợ thôi!”
Tôi và hắn lớn lên bên nhau nhưng ngày càng xa cách. Trong xóm dân lao động nghèo, trẻ con đều ở nhà lêu lổng. Nhà tôi khác, bốn anh em tôi đều đến trường. Nhà hắn kín đáo quá, tôi cũng ít sang chơi. Mới qua hết tuổi thiếu niên, hắn đã đi làm công cho xưởng chế biến thuốc lá trong xóm. Đến tuổi thanh niên hắn tình nguyện đi lính trước tuổi quân dịch. Cha hắn chết, mẹ hắn bán nhà chuyển đi nơi khác. Rất lâu tôi không gặp hắn.
*
Lễ lạt thết đãi xong, hắn giữ tôi lại nhà hắn. Căn nhà thờ thênh thang cất trơ trọi giữa một khoảnh đất rộng hơn hai sào trung bộ mới được chuyển đổi từ đất ruộng sang đất thổ cư. Theo tầm nhìn phong thủy, vị trí lô đất thật đẹp: Hướng chính đông nam, địa thế cao như mu rùa, sát đường lớn, cách một cánh đồng nhỏ là dòng sông uốn khúc ôm trọn gò bồi mu rùa. Cái thế cận giang, đại đạo thuận lợi cả hai mặt giao thông thủy bộ không phải là loại đất dễ kiếm. Tường gạch bao quanh khu đất và cái cổng vào ba cửa thiết kế với bốn trụ biểu bề thế khiến cơ ngơi mới của hắn nổi lên giữa ruộng lúa như một thách thức với dân trong làng. Hắn nhận biết được điều ấy mới có bữa tiệc hòa giải chiều nay. Hắn mời nhiều nhưng hạng có máu mặt trong làng chỉ hiện diện mấy người, chưa đúng tầm nhắm của hắn. Hắn bề ngoài vui vẻ nhưng bên trong còn chưa an. Mà sao hắn có được khu đất này? Cũng biết là dọc con đường lớn trải nhựa mới được qui hoạch mở rộng chạy xuyên cánh đồng, nối liền các khu dân cư trong làng, đã có vài cái nhà mọc lên lác đác giữa ruộng lúa. Nhưng đó là đất ruộng của người dân sống lâu đời ở làng, hưởng ơn mưa móc từ qui hoạch có con đường ngang qua. Họ tuy mất một ít đất nhưng bù lại đất ruộng có thể trở thành đất làm nhà. Đằng này, hắn là người đâu đâu. Gia đình vợ hắn đã bỏ làng biệt xứ hơn bốn mươi năm. Dòng họ vợ hắn chỉ còn cô em con chú góa chồng ở trong căn nhà tình thương cất trên nền nhà cũ tận cuối làng với đứa con gái bị di chứng chất độc chiến tranh ngẩn ngẩn, ngơ ngơ dưới mứt bình thường. Thắc mắc này làm tôi thiếu mặn mà khi phải nán lại với hắn đêm nay. Trên vùng quê này, hiện nay tôi cũng là khách xa, một mình về thăm quê, thì giờ không bị ràng buộc. Tuy vậy, tôi cũng kiếm cớ thoái thác. Tôi lo cho hắn:
- Thôi để mình về! Ở lại đêm không tiện đâu!... Mai gặp lại!...
- Không sao cả. Cứ nói chuyện đi! Mai có việc ngày mai!...
Tôi không có cách gì để từ chối. Qua câu chuyện rầm rì suốt đêm, tôi biết rõ thêm cuộc đời của hắn. Gần năm mươi năm rồi, cái chất thằng Lùn ma mánh nhưng tốt bụng của hắn không có gì thay đổi. Khi mới đi làm, thấy cái tên Lùn chẳng ra gì, khai thác cái giấy khai sinh viết tay với những chữ cái rời rạc, hắn móc thêm một nét xuống trước dấu huyền, thêm đầu cho chữ u thành chữ a. Tên Lùn của hắn thành Lân. Giữa họ và tên khoảng cách khá rộng, hắn thêm vào chữ Bá. Hay quá! Bùi Lùn thành Bùi Bá Lân. Hắn chết cái tên Bùi Bá Lân sang trọng từ đó.
Hắn đi lính với cái tên này. Đơn vị của hắn thuộc một binh chủng chiến đấu tinh nhuệ thời đó. Chiến trường ác liệt, đồng đội hắn chết lớp này đến lớp khác. Hắn chỉ vài lần bị thương và mãi được thăng chức. Ngày hắn ra nước ngoài theo đám người di tản, hắn đã là Trung úy Bùi Bá Lân.
Hắn chinh phục vợ hắn cũng thật kỳ công. Mỗi khi đơn vị về hậu cứ, hắn cắm chốt suốt ngày ở cái quán cà phê, giải khát bên ngoài cửa đồn, ở đó có cô giúp việc bán hàng “xinh đáo để!”. Ngồi lì nhìn ngắm “cái khuôn mặt dễ thương, có chúm đồng tiền một bên má khi nàng cười”, là hắn quên hết mọi thứ. Hắn bực bội ra mặt khi thấy nàng không phải chỉ cười riêng với hắn. “Ai vào quán nàng cũng cười, cũng phô cái núm đồng tiền làm duyên… mới tức điên lên chứ!” Hắn đâm ra gây gổ với những khách hàng. Những lần sau “nàng không cười” với hắn nữa. Hắn trở nên lầm lì càng ngồi mãi ở quán nhiều hơn. Chủ quán bực bội nhưng không dám có thái độ gì với hắn, ông đành cho cô gái nghỉ việc. Hắn cho đàn em quậy chủ quán để rồi ra tay trừng trị đàn em lấy lòng ông chủ, biểu lộ uy lực buộc ông chủ để cô gái ấy trở lại bán hàng. Hắn theo cô nàng gần ba năm bằng nhiều đòn “cấm vận những chàng trai mon men tiếp cận với nàng”. Cuối cùng cô nàng đành ngoan ngoãn nghe theo và bây giờ là vợ hắn.
Hai vợ chồng qua Mỹ khi mới có đứa con đầu lòng. “Trông nàng đẹp, hấp dẫn lắm!... Để cho nàng ra ngoài, bọn bạch quỉ tán tỉnh cuỗm mất vợ như chơi!”. Chỗ hắn định cư là một quận mới hình thành của số đông người Việt di tản. Sinh hoạt người gốc Việt không khác mấy so với ở quê. Vợ hắn làm nghề neo tại nhà rồi chuyển sang nghề đồng bóng. Thấy công việc của vợ phát triển thuận lợi, hắn nghỉ việc ở xí nghiệp, cùng vợ khai thác nghề mới nổi. Mỗi lần hắn theo con đường Việt kiều về thăm quê là dịp hắn hốt bạc nhờ buôn bán các dụng cụ hầu đồng cho các xác lính và tín hữu trong hội hầu đồng của hắn. Một vốn bốn lời, hắn giàu lên rất nhanh. Am hầu đồng của hắn trở thành điểm trung chuyển, phân phối, giao dịch “những sản phẩm mang tính nghệ thuật” phục vụ cho việc hầu đồng. Hắn tậu xe, tậu nhà, đánh bóng tên tuổi, vợ chồng hắn trở thành tâm điểm của một nhóm Việt kiều ở nhiều bang có chung niềm tin hầu đồng là số một. Hắn về nước liên kết, tìm hiểu các hội hầu đồng ở quê hương, bắt mối giao lưu. “Đúng là một mảnh đất màu mỡ chưa khai thác hết”. Hắn nghiệm ra điều đó khi thấy ở quê có nhiều người giàu đủ mọi tầng lớp, mê hầu đồng như là một chỗ dựa thần thánh, bảo kê cho đống tài sản kếch sù do tranh thủ bất chính mà có được. Hắn tìm cách tạo cơ sở “khai thác nguồn tài nguyên vô tận này”. Căn nhà này hình thành trong ý tưởng đó.
*
Hôm sau, khi tôi thức dậy, nắng đã chiếu sáng những cành cao nhất của hàng tre là ngà bên kia sông. Buổi sáng mát mẻ nơi thôn trang đem lại cho tôi cảm giác thư thái dễ chịu mà mấy chục năm xa quê tôi đã quên hẳn. Đêm qua tôi chợp mắt rất khuya. Giấc ngủ muộn buổi sáng không đủ xóa hết những mệt nhọc của ngày dài nắng nóng hôm trước. Tôi ra ngoài, tản bộ theo con đường lớn. Lúa đang kỳ trổ bông ngan ngát mùi hương. Trời đất như dung hòa trong cái tĩnh lặng bao la trên màu xanh ngút ngàn hai bên vệ cỏ và cánh đồng. Bầu trời không một cọng mây, không một gợn gió. Đồng lúa lặng yên, những bông lúa mới nhú ra khỏi đòng, chưa ngả độ cong, như muốn hướng lên không trung theo từng lá lúa tua tủa. Nắng xuống dần trên ruộng lúa trải thảm bình yên. Tôi trở vào nhà. Vợ chồng hắn đi từ sáng khi tôi chưa thức dậy. Trong nhà lúc này chỉ còn cô em họ của vợ hắn lọ mọ với những công việc vặt vãnh, thỉnh thoảng cô ra sân đứng nhìn quanh có ý chờ đợi. Vợ chồng hắn về, hai người tươi rói như kẻ bắt được của. Mở cái xách có nắp đậy kín đáo, vợ hắn bày biện bữa ăn sáng còn nóng hổi chị tha về từ các cửa hàng. Hắn nhìn tôi, bô bô cái miệng:
- Đợi lâu sốt ruột không? Buổi sáng phải làm nghĩa vụ với mấy quan xã, quan thôn hôm qua không đến. Vui vẻ cả!... Xong!...
Vợ hắn chêm vào:
- Thời này có cái gì cho không đâu anh! Làm quan thiệt sướng!... ngồi không có người bôi trơn. Quan con đã thế huống gì quan lớn! Thôi! Cho qua! Mời hai anh thưởng thức đặc sản quê mùa làng mình cho biết.
Theo hắn kể thì mảnh đất này hắn có được một cách hợp pháp mà “tiền ngoại tài theo mãi không tính hết được”. “Trâu cột ghét trâu ăn, thằng ăn ít ghét thằng ăn nhiều”… “cả đám cứ xía vào”, bọn chúng xem như đây là kho tiền kếch xù “chọc mãi không rụng hết”… “Ha…Ha… Cái quân láu cá! Mà chả sao!...Thế mà dễ hơn mấy cha cứ im ỉm khó nuốt”. Hắn mua đất, xin làm nhà thờ chỉ là bề ngoài. Hắn sẽ tổ chức cơ sở hầu đồng để cho cô em vợ hắn cai quản. Mọi ngõ ngách chung chi đã “lo tuốt luột”, chỉ còn ngán “mấy ông già hủ trong làng săm soi”. Hắn mời tôi nán lại rằm tháng bảy tham dự lễ khánh thành từ đường nhưng thực chất là buổi hầu đồng khai trương cái “Thủy Linh Điện” ẩn cư trong “Bùi Tộc Từ Đường” này của hắn.
- Anh xem, vợ hắn nói thêm, cả làng này có chỗ đất nào đẹp như ở đây? Không dễ kiếm đâu nghe! Ngày xưa người ta nói: “Đi với bụt mặc cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Em mặc áo cà sa và luôn cả áo giấy. Thế mới “đầu xuôi đuôi lọt”.
Tôi nhìn quanh một thoáng các gian thờ. Đúng như vợ chồng hắn nói, tranh tượng, gươm giáo, cờ xí… chen lẫn các bức hoành phi, câu đối, lư hương, đồ tam sự... Tay bưng tô cháo thơm gậy mùi thịt vịt cỏ chạy đồng, tôi húp từng muỗng nước trôi theo ý nghĩ chợt hiện lên về đôi vợ chồng “đôi lứa xứng đôi” này trong buổi sáng tại ngôi nhà từ đường họ Bùi kiêm Thủy Linh Điện. Mùi vị vừa thấy ngon ngon vừa thấy là lạ. Bất chợt tôi thốt lên rất chân tình:
- Thằng Lùn, bạn chí cốt của tôi ngày xưa không mất đi đâu cả!
- Ông nói mình vẫn ma lanh chứ gì?
Hai đứa nhìn nhau cười ha hả.
Nguyễn Văn Uông
(Ugno.Vn)
No comments:
Post a Comment