Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, July 20, 2017

TỪ ĐƯỜNG MÒN ĐẾN ĐƯỜNG XUYÊN Á - Phạm Xuân Dũng





TỪ ĐƯỜNG MÒN ĐẾN ĐƯỜNG XUYÊN Á

Phạm Xuân Dũng


Hơn một lần người viết bài này đã tâm sự với bạn bè nhiều lúc cảm nghĩ có những con đường mang số phận giống với con người. Điều này như đã vận vào con đường 9, con đường trăm năm chất chứa nhiều biến động lịch sử quốc gia và quốc tế dù chiều dài có 82 cây số tính từ Đông Hà lên cửa khẩu Lao Bảo của tỉnh Quảng Trị.
Trong một lần nói chuyện về con đường 9, thạc sĩ sử học Yến Thọ (Lê Đức Thọ), PGĐ Trung tâm Di tích và Danh thắng Quảng Trị đã chia sẻ dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu với khái quát khá thú vị, rằng : “ Con đường 9 là con đường công cụ, con đường muối từ Đông sang Tây, con đường hương liệu theo chiều ngược lại. Nó cũng là con đường nối miền xuôi với miền ngược, nối biển, đồng bằng với miền núi; nối Kẻ Biển, Kẻ Ruộng, Kẻ Chợ với Kẻ Mọi; nối đồng bào người Chăm, người Kinh miền xuôi với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Trị”.
Khởi thủy con đường 9 không phải xuất phát từ Đông Hà mà từ Ngã Tư Sòng thuộc huyện Cam Lộ, nay giáp với Đông Hà, ấy là con đường thượng đạo xuyên sơn. Thưở xưa nó chỉ là con đường mòn, chủ yếu dành cho người đi bộ lên vùng thượng du Cam Lộ như cách gọi của Lê Qúy Đôn, rồi đi tiếp sang tận nước Ai Lao (Lào). Chính nhờ vị thế con đường thương đạo xuyên sơn chạy dọc theo con sông Hiếu mà một thời đã tạo nên chợ phiên Cam Lộ nổi tiếng một tháng sáu phiên : mồng 3, mồng 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch. Nơi đây ngày xưa từng được mệnh danh là “Tiểu Trường An” với câu hò vang vọng: “Đò về bến Đuồi bùi ngùi nhớ cảnh/Chạnh tâm tình nhớ núi Lãnh, sông Hương”. Bến Đuồi ngay sát chợ phiên, còn núi Lãnh chính là núi Mai Lĩnh (Quảng Trị) còn sông Hương xứ Huế thì được thông thương bằng sông đào Vĩnh Định dưới thời nhà Nguyễn, nối kinh sư với Quảng Trị bằng sông Thạch Hãn và sông Hiếu. Hàng hóa từ kinh kỳ có mặt tại chợ phiên Cam Lộ theo đường thủy, rồi lên với miền ngược theo con đường tiền thân QL 9 bây giờ. Cũng xin nói thêm rằng, cách đây hàng trăm năm, chợ phiên Cam Lộ không chỉ có tiếng ở miền Trung với vai trò đầu mối nội thương mà còn là một trung tâm ngoại thương tấp nập trên bên dưới thuyền. Tàu bè Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… từ Cửa Việt lên chợ phiên mua bán, rồi voi từ xứ Ai Lao thồ lâm đặc sản như trầm hương, ngà voi xuôi theo con đường xuyên sơn về trao đổi hàng hóa. Mà nhìn lại lịch sử, nước ta với Lào có biên giới hàng trăm năm hòa hiếu, ngay cả Bảo Trấn Lao (đồn trấn giữ biên giới giáp Lào) cũng chỉ là đồn nhỏ dù trấn giữ phên dậu nơi biên ải. Hãy nghe Lê Qúy Đôn miêu tả trong Phủ biên tạp lục: “hai bên tả hữu phía trên sông Hữu Giang dân các động sách ở, cày cấy chăn nuôi rất nhiều, người buôn ở các xã thường mang muối, mắm, cá khô, đồ sắt, nồi đồng, thoi bạc, hoa xuyến, đồ lặt vặt, đến đất người Man đổi lấy các hàng hóa: thóc, gạo, gà, trâu, gai, sáp, mây, gió, vải man, màn man, thuê voi chở về Cam Lộ. Người Man cũng có lấy voi chở hàng hóa xuống chợ Cam Lộ để bán, một con voi chở được 30 gánh, mỗi gánh được 20 bát. Cũng có một phiên chợ lùa trâu đến 300 con để bán, giá một con trâu không quá 10 quan, giá một con voi chỉ hai hốt bạc và một khẩu súng nhỏ”. Ông còn nhắc đến Tuần Ba Giăng còn gọi là Sở Tuần hay đồn Hiếu Giang, một nơi triều đình lập ra thu thuế buôn bán ngày xưa. Vậy thì truyền thống nội thương và cả ngoại thương của Quảng Trị đã có từ khá sớm và rất đáng tự hào dù chỉ dựa vào một con đường mòn xuyên Á và mấy con sông. Tôi từng đến quá nhiều lần với chợ phiên Cam Lộ và tần ngần trước đồn Hiếu Giang thưở trước nay cách nhau gần hai mươi cây số dọc theo con đường 9 không chỉ một đôi lần. Không biết tiền nhân ngày xưa có mơ hồ dự cảm gì không về một hậu vận xuyên Á khi theo con đường mòn xuyên qua rừng núi men theo sông Hiếu, kể cả với một nhà thông thái như Lê Qúy Đôn. Lịch sử của một vùng đất, một quốc gia nhiều khi khởi đầu và duyên nợ dài lâu với một lối mòn.
Người Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX khi khai thác Đông Dương đã chú trọng đến giao thông và chính họ đã khai sáng con đường 9 dù mục đích ban đầu vì lợi ích thực dân của chính quốc, chính vì vậy lúc mới khai sinh còn có tên là Con đường Thuộc địa số 9. Điểm đầu tiên của đường 9 chấm trên bản đồ thuộc làng Tây Trì, phường 1, Đông Hà ngày nay, nơi gặp gỡ giữa QL9 và QL1.A nên còn được gọi là Ngã ba Đông Dương. Đường 9 băng qua làng Đông Hà (phường 3 ngày nay) lên gần chợ phiên Cam Lộ thì gặp mặt con đường mòn thượng đạo xuyên sơn rồi nhập làm một chạy thẳng một mạch đến biên giới Việt- Lào. Ngay tại điểm khởi đầu đường 9, đầu thế kỷ trước, người Pháp cho xây dựng ga Đông Hà phục vụ cho con đường sắt Bắc-Nam. Chính nhà văn lớn Nguyễn Tuân, tín đồ của “chủ nghĩa xê dịch”, người luôn muốn “trước bạ đời mình vào những địa dư trên trái đất”, một hành giả văn chương đã từng viết về những chuyến đi khi đến Đông Hà, xuất phát điểm của con đường số 9 bằng đủ các phương tiện giao thông lúc bấy giờ : “Tôi đi bằng tàu lửa, tôi đi bằng tàu biển, tôi đi bằng ô tô hàng”. Cũng chính tại ga Đông Hà trong phong trào Mặt trận bình dân Pháp 1936-1939, hơn ba vạn dân Quảng Trị đã tập trung biểu tình ở đây đòi cải thiện dân sinh, dân chủ. Đường 9 lúc Pháp mới mở còn khá thô sơ, đường hẹp khoảng hai mét rưỡi đến ba mét rưỡi, độ dốc lớn, chủ yếu vẫn dành cho người đi bộ và một số ít xe đò, xe nhà binh.
Chuyện làm con đường 9 cũng lắm đau thương. Ngày xưa ngược lên phía tây Quảng Trị là chốn rừng thiêng nước độc, không chết vì lao lực, đòn roi thì cũng chết vì sốt rét. Tình cảnh ấy đã rơi lệ vào những câu vè than thân của phu lục lộ : “Hai hàng nước mắt nhỏ tuôn/Cả năm phủ huyện kéo lên nguồn, trời ơi/Cực chi da diết hỡi trời/Ai không có chiếu trải tơi mà nằm”.Khi thực hiện ký sự đường 9, tôi may mắn gặp được nhân chứng cuối cùng là cu-ly đường 9 nay tuổi đã 90. Ông tên Lê Văn Đen, trú tại thôn Cam Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ông là phu làm đường vào năm 1940 vì con đường này làm nhiều thời kỳ khác nhau mới hoàn chỉnh kéo dài sang đến tận biên giới Lào-Thái Lan ở sông Mê Kông. Thưở ấy cách đây hơn ¾ thế kỷ, ông chỉ là cậu thanh niên mới lớn, phải đi làm thay cha mẹ theo lệnh của người Pháp và quan lại Nam triều. Ông lão râu tóc bạc phơ kể lại : “Thời Pháp thuộc làm con đường 9 từ Đông Hà sang Lào dân mình cũng khổ lắm. Mỗi thôn phải cử ra 5, 6 người đi làm phu, làm từ sáng đến tối, làm cả tuần, cả tháng, cả năm, chủ yếu làm bằng tay, người đào đất, kẻ gánh đất, cực lắm. Người lớn làm đường hay bị đánh đập, tui mới lớn đỡ bị roi vọt hơn. Hồi đường mới làm sơ khai đoạn trên ni (km 25, QL9) bề ngang khoảng chừng hai mét thôi, về sau mở rộng dần ”. Hai bên đường 9 hồi ấy bạt ngàn đồn điền cà phê từ Cam Lộ lên đến Hướng Hóa thuộc quyền chủ Tây. Cũng chính ông kể lại chuyện bà vợ Việt mang tên chồng Alar, người Nam Kỳ lục tỉnh giàu có đến mức có cả mấy rương vàng, giao cho chó và khỉ độc to khỏe hơn cả lực điền mà dữ tợn không ai bằng giữ của. Dân làng và cu-ly làm đường cũng như kẻ ăn người ở trong nhà không dám bén mảng. Rồi khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, chủ Tây bỏ chạy nghe đâu về nước, bà Alar nhờ đầy tớ gánh của quý chạy vào đường Cùa, rồi gia nhân cũng bỏ chủ chạy luôn mang theo vàng bạc. Bà vợ Tây trắng tay về lại chợ phiên Cam Lộ buôn bán nhì nhằng sống qua ngày. Đúng là của thiên trả địa ! Mãi đến gần đây cư dân đường 9 nơi ông Đen sinh sống vẫn đào được vàng mà nhiều người cho là của quý mà ông bà chủ đồn điền cà phê cất giấu. Vậy là “giấc mơ vàng” lại trỗi dậy râm ran trong câu chuyện của dân làng sống cạnh một con đường trăm năm dâu bể.
Trong kháng chiến chống Pháp có một sự kiện đáng nhớ, đó là sự ra đời của một đơn vị quân đội đặc biệt, gọi là “Biệt động đội đường số 9” do nhà văn, nhà báo, nhà lý luận phê bình Hồng Chương người Quảng Trị tham gia chỉ huy. Đơn vị này đã đánh nhiều trận từ Khe Sanh, Rào Quán về Đầu Mầu rồi Đèo Đá, Cầu Đuồi (Cam Lộ). Vừa đánh giặc vừa sáng tác thơ văn, Hồng Chương cho ra đời một bài thơ dài về chinh phu mới của cách mạng thời kỳ đầu quân đội Việt Minh. Những câu thơ mang âm hưởng tráng ca hào sảng ra đời trong khói lửa đường 9 một thời kháng Pháp : “Thưở đất nước mịt mù khói đạn/Thân nam nhi dày dạn phong sương/Tuốt gươm cắp súng lên đường/Âm thầm chính khí, hào hùng nước non/Xót quốc biển gia vong lắm lúc/Tím bầm gan sùng sục uất đầy/Vứt đe, quẳng bút, xếp cày/Đoàn quân biệt động từ nay ra đời/Người chiến sĩ ra nơi chiến đấu/Gót rỗ nhăng in dấu hành binh/Sẹo ghi từng trận chiến chinh/Mắt hoe lửa giận, trán khinh hiểm nghèo…”
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, có thể số phận con đường 9 đã rẽ sang một lối khác nếu không có sự can thiệp của các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc. Một vấn đề mang tính chiến lược được các bên tham gia hội nghị Genever quan tâm là vĩ tuyến nào làm giới tuyến tạm thời và theo đó con đường 9 sẽ thuộc về ai ? Tác giả người Pháp Frangcois Joiaux, nhà báo, tiến sĩ văn chương thuộc Viện nghiên cứu sử học, Đại học Sorbonne, một chuyên gia nghiên cứu uy tín trong cuốn sách “Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất” (Genever 1954) đã bạch hóa điều này. Theo đó, thì “ tác giả nhận xét là tiếp đó, với nội dung Mendès France chỉ thị cho đoàn Pháp thương lượng với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (tập kết quân, đường ranh giới ở vào vĩ tuyến 18…) thì “kể từ nay việc chia cắt Việt Nam đã trở thành mục tiêu chính của đoàn đại biểu Pháp”. Từ đó, phía Trung Quốc “đóng vai trò nổi bật” trong việc giải quyết những vấn đề tồn tại của hội nghị, với những nhượng bộ “có ý nghĩa quyết định" của phía Trung Quốc đối với đòi hỏi của Pháp, và việc gây sức ép đối với phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong những vấn đề then chốt. Về giới tuyến: trong khi phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vẫn giữ ý kiến vĩ tuyến 16 thì Chu Ân Lai nói “thực tế là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyệt đối không cần đến con đường số 9” mà phía Pháp coi đó là con đường ra biển của Lào. Sau đó tự ý khẳng định với phía Pháp là đã làm cho Việt Minh chấp nhận” ý kiến của Trung Quốc”. Và vĩ tuyến 17 đã được thỏa thuận làm giới tuyến tạm thời và đường 9 thuộc về chính quyền Nam Việt Nam. Một cuộc chiến đằng đẵng đang chờ đợi cả dân tộc này ở phía trước con đường thống nhất non sông.
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc chống Mỹ cứu nước thì chiến dịch Lam Sơn 719 (tháng 9 năm 1971) đã đi vào lịch sử và sách báo cũng đã nói đến nhiều. Chỉ xin nhắc lại và lưu ý một sự kiện sau đó một năm cạnh con đường 9, đó là sự trở về của trung đoàn bộ binh 56 thuộc sư đoàn 1, quân đội Sài Gòn. Năm 1972, khi bị bao vậy ở cao điểm 241 còn được người Mỹ gọi là căn cứ Carroll, sau khi cân nhắc đã chịu đầu hàng để tránh đổ máu, trung tá trung đoàn trưởng trung đoàn 56 Phạm Văn Đính, người xứ Huế đã đầu hàng. Đó là quyết định không đơn giản trong cuộc đời của một sĩ quan chuyên nghiệp, hẳn nó được manh nha ấp ủ từ lâu. Có thể hiểu thêm phần nào tâm tư khi đọc cuốn hồi ký của ông xuất bản ngay sau đó mang tên”Bến đò cây đa”. Đó là biểu tượng nhân văn trong chiến tranh khốc liệt theo tinh thần đồng bào lấy đại nghĩa, tình thương làm trọng mà sau này BCT đã thể hiện thành nghị quyết về hòa hợp, hòa giải dân tộc. Có người bảo, chiến tranh đã đi qua, không cần phải quá nhấn mạnh chủ trương “nối vòng tay lớn”. Tuy nhiên, nói như một bậc thức giả nếu coi sự hợp quần là chiến thuật thì đó là bá đạo, còn nếu coi đó là chiến lược thì chính là vương đạo. Cố kết lòng người, thu phục nhân tâm thì luôn phải thực lòng và luôn là chiến lược hàng đầu, phải thực hiện bền bỉ dài lâu. Đây vẫn là vấn đề thời sự nóng hổi.
Còn nhớ sau năm 1975, từng đoàn xe vận tải mang biển số quân đội sang Lào. Nếu không chạy từng đoàn thì ít ra cũng từng tốp năm bảy chiếc, tuyệt đối không chạy đơn lẻ. Trên buồng lái luôn có súng trường AK hoặc thường là M.16 chiến lợi phẩm gác chéo. Không phải để lấy lệ mà để tự vệ khi xe chạy sang đất Lào theo con đường 9. Vào những năm đầu sau ngày thống nhất, tàn quân phỉ Vàng Pao vẫn phục kích trên đường chặn đánh bộ đội Việt Nam. Lực lượng Vàng Pao dù không còn đông đến hơn ba vạn như thời được CIA o bế làm mưa làm gió ở Tam Giác Vàng nhưng cũng vẫn là nỗi lo của nước bạn, chúng chỉ ngán bộ đội Việt Nam. Cánh lính vận tải Trường Sơn vốn đã dạn dày trận mạc, luôn sẵn sàng đương đầu với thổ phỉ khi làm nhiệm vụ vận tải. Đã có đụng độ đương nhiên phải có thương vong, dù cả hai đất nước đã thống nhất và hòa bình. Kể thêm điều này để hiểu thêm một đặc điểm của lịch sử đường 9 còn ít được biết tới.
Rồi một ngày đẹp trời con đường xuyên Á đã được gọi tên trên hành lang kinh tế Đông-Tây, gọi tắt là EWEC tại Hội nghị các bộ trưởng tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng được tổ chức tại Manila (Philippines). Hành lang này được chính thức thông tuyến vào ngày 20/12/2006, cách đây đúng 10 năm. Đây là con đường dài 1450 cây số kéo dài từ Mianmar qua Thái Lan, Lào và đi vào Việt Nam từ tỉnh Quảng Trị thông qua con đường 9. Một vận hội lớn đã mở ra cho nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó miền Trung nước ta.
Lịch sử thường được được hiểu là dài rộng, lớn lao nhưng đôi khi lại dồn tụ trong vài chục bước chân. Sau lưng nhà ông Lê Văn Đen là con đường 9 do Pháp xây dựng, còn trước mặt nhà lại con đường 9 được người Mỹ cấp tốc làm nên vào 1971. Hay nếu ai dừng chân ở cầu Đầu Mầu sẽ thấy có đến ba chiếc cầu chính thức mang bóng dáng lịch sử: một do Pháp xây, một do Mỹ xây và một (đúng ra được xây hai lần) do nhà nước ta xây sau ngày thống nhất. Câu chuyện trăm năm quần tụ bây giờ hiện rõ một nơi mặc cho bao nhiêu con nước Hiếu Giang đã chảy qua cầu…
Đổi thay dọc theo và nhờ con đường 9-đường xuyên Á thì có nhiều. Riêng tôi vẫn nhớ Lê Qúy Đôn viết rằng từ xã Cam Lộ (như đoạn chợ phiên) lên Tuần Ba Giăng phải đi hết một ngày đường, đủ biết con đường mòn băng qua núi rừng quanh co, hiểm trở. Thời Pháp thuộc, ông Lê Văn Đen và bà con vùng này còn đi bộ về chợ phiên, đi từ khi trời chưa sáng, đi cả đoàn nối nhau đòn xóc chỉa lên trời để tránh bị cọp vồ. Thời bao cấp sau năm 1975 vẫn có những đoàn người rồng rắn đi phiên. Nay sau xuất phát chỉ cần chưa đầy mười phút, ô tô đã đến nơi thong thả, chén trà mới pha còn chưa kịp nguội, đâu cần đợi cả ngày trời.

Có một con đường mòn đã thành đường xuyên Á, đi từ quá khứ đến tương lai

No comments: