VỌNG THÁI SƠN
Hạnh Phương
Thuở ấy,
ở quê nhà, tôi nghe ông bác thường gọi cha bằng eng (anh), thằng Lợi bạn học lớp
năm trường làng với tôi (lớp bốn bây giờ), gọi cha bằng chú, con các chú tôi gọi
bằng ba. Chập chững lớn lên, tôi gọi theo các anh chị, gọi cha bằng cậu và cũng
thật là lạ, khi các ông cha sắp có cháu nội hoặc cháu ngoại, thì lập tức được
đôn lên một chức. Con họ gọi họ bằng ông, trong họ ngoài làng cũng từ đó, lấy
tên người con đầu, con trưởng của họ mà gọi ông nọ, ông kia, v.v… và từ đó cái
tên thường gọi ông nọ ông kia trở thành tên húy kị, chỉ ẩn mật tồn tại trong gia phổ. Tính theo phổ hệ gia tộc
tôi thuộc đời thứ mười lăm trong họ, ngược lên đời thứ mười bốn, tôi còn được
nghe các chú, các bác gọi cha bằng bọ. Theo địa lý vùng miền, thì người miền Bắc
gọi cha bằng bố, người miền Nam ảnh hưởng ngữ âm người Việt gốc Hoa, gọi cha bằng
tía.
Thật kỳ
lạ, với thái độ thật cẩn trọng, cố lắng mà nghe, tôi chưa bao giờ được nghe thấy
bất cứ ai gọi cha mình bằng tiếng gọi thân thương là cha cả. Tiếng cha thiêng
liêng, tiếng gọi thuần Việt hình như đã vắng bóng, đã lẫn khuất đâu đó trong tiếng
nói đời thường.
Công cha
như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ
như nước trong nguồn chảy ra,
Công cha
nghĩa mẹ cao vời…,
Con
không cha như nhà không nóc.
(Ca dao,
Tục ngữ)
Rồi một
hôm nếu về cha hỏi,
Mẹ ở đâu
con biết nói sao,
Con lặng
chỉ cây đào trước ngõ,
Bên cây
tùng rồi đứng lặng yên…
(Thái
Cang)
Tôi
thoáng bâng khuâng nghĩ tưởng, không biết do duyên cớ nào, tại sao tiếng gọi
cha thân thương trong ngôn ngữ đời thường của chúng ta chỉ còn tồn tại trong ca
dao tục ngữ, trong văn học thành văn, nơi những câu văn, câu thơ mượt mà, bóng
bẩy, nơi những dòng chữ biểu cảm lòng biết ơn, nhớ ơn, hiếu đạo, hiếu nghĩa.
Xót xa thay, hình như nó đang sắp vắng hẳn trên khẩu hình biểu hiện tiếng nói đời
thường của người Việt Nam!!! Tôi thèm được nghe những tiếng nói tỉ tê, nũng nịu:
Cha ơi! Giải giúp cho con bài toán khó nầy; Cha ới! chiều nay, cha có đi đâu
không? Hoặc có khi than thở với cha: Cha ơi! Lăn xả vào đời con mới thấy cuộc sống
đúng là vất vả quá cha nhỉ!
Thú thực,
tôi đang bâng khuâng tiếc nuối… Nhưng rồi tôi tự an ủi mình: Có lẽ, do âm hưởng
tiếng gọi cha giữa đời thường trầm lắng xuống, ẩn khuất dần đi nên tính cách tiếng
gọi ấy trở thành mật ngữ, ẩn ngữ thiêng liêng trong tâm thức người Việt mình đó
chăng? Nó đang dần trở thành tiếng Việt cổ, để mai kia các nhà ngữ học nghiên cứu,
mơ màng nghĩ suy về dòng chảy văn hóa chúng ta đang sống bây giờ để họ cũng
bâng khuâng nuối tiếc…
Tu đâu
cho bằng tu nhà,
Thờ cha
kính mẹ mới là chân tu.
Ân cha nặng lắm ai ơi,
Công cha
đức mẹ cao dày,
Cưu mang
trứng nước những ngày ngây thơ.
Trong
kho tàng văn chương Việt Nam từ ngàn xưa đến nay, đã có nhiều nhà văn, nhà thơ
nổi tiếng trên văn đàn viết văn thơ, ca dao, ca tụng về người mẹ. Những hình ảnh
cao quý, hiền hòa của người mẹ được diễn tả như vầng trăng tròn huyền ảo, ngọt
ngào như nguồn suối trong lành… chứa đầy chất lượng yêu thương để nuôi con mau
lớn, trí tuệ thông minh. Có nhiều địa phương dân gian đã khéo vận dụng những
hình ảnh thực tế, chân thực để so sánh người mẹ như chuối ba hương, xôi nếp một.
Có những bài nhạc ca tụng người mẹ dịu hiền, với tình yêu thương con bao la như
biển Thái Bình dạt dào...
Còn những
hình ảnh đẹp đẽ của người cha được các văn nhân, thi sĩ đã diễn tả như thế nào?
Nhiều từ ngữ, câu văn, bài thơ, ca dao trong dân gian diễn tả về người cha cũng
tràn đầy lai láng về tình yêu thương sâu sắc và phong phú đối với các con trong
gia đình thật ngọt ngào, trong sáng như vầng thái dương… nhưng luôn ở một cấp độ
khác.
Vâng,
đúng như vậy, người cha là trụ cột vững chắc trong gia đình, cũng chịu thương,
chịu khó nuôi con khôn lớn và thành đạt. Ngoài ra, người cha còn tỏa ánh sáng rực
rỡ, chăm sóc, lo cho mái ấm gia đình được hạnh phúc. Trước khi ca ngợi công ơn
của mẹ, ca dao Việt Nam cũng ca ngợi công ơn cha cao vời như núi Thái Sơn cao
chất ngất giữa trời xanh, mây trắng. Tuy người cha cũng có trái tim yêu thương
tuyệt vời như mẹ nhưng bao giờ cũng thâm trầm, sâu lắng.
Người
cha là ánh thái dương chiếu sáng khắp vũ trụ, soi đường chỉ lối, là kim chỉ nam
dẫn dắt, dạy dỗ cho các con đi đúng đường, học đúng lối, trọn vẹn cả đức lẫn
tài mới trở thành người con ngoan trong gia đình, học trò giỏi nơi nhà trường.
Đối với đất nước là người công dân tốt để xây dựng tổ quốc được giàu mạnh, sánh
vai với cường quốc trên thế giới. Vì thế, bổn phận làm con phải hết lòng hiếu
thảo, yêu thương kính trọng công ơn cao cả của cha, của mẹ: Một lòng thờ mẹ
kính cha,cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Các câu
ca dao trên tuy ngắn gọn mà diễn tả được nhiều ý nghĩa sâu sắc về tình thương
cao cả của người cha, ngang bằng với tình thương của mẹ đối với con cái trong
gia đình. Câu ca dao đã so sánh công sinh thành dưỡng dục của cha lẫn mẹ đều có
công lao như nhau, tất cả đều hy sinh cho con để trở thành người hữu ích cho xã
hội: Công cha sinh thành dưỡng dục, Nghĩa mẹ chín tháng cưu mang.
Trong
gia đình, cha là thành trì vững chắc, âm thầm che chắn phong ba bão táp bất thường
ập đến. Cha luôn là người đầu tiên sẵn sàng, quả quyết hi sinh cả tính mạng
mình để bảo vệ hạnh phúc cho mái ấm gia đình được yên vui. Con không cha như
nhà không nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi. Còn cha gót đỏ như son… Cha
là người mở đường khai phóng cho con dấn thân, thành công sự nghiệp.
Rất nhiều
câu ca dao, tục ngữ đã thể hiện vai trò và ý nghĩa rất quan trọng của người cha
trong gia đình, là người quyết định tương lai và sự nghiệp nuôi dạy con trở
thành người tài giỏi, có sự nghiệp vẻ vang. Trên bình diện học đường, xã hội,
cha cùng với công đức giảng dạy của người thầy thật cao cả, thật rộng lớn.
Đa số
trong gia đình, người con vẫn cảm thấy gần gũi người mẹ hơn cha, vì rằng người
mẹ thường nâng niu, chiều chuộng, chăm sóc và hay lắng nghe lời tâm sự của các
con. Đồng thời mẹ thường động viên, an ủi con khi gặp rắc rối, ưu tư đã vấp phải
ở trường học, ở ngoài xã hội. Còn người cha thì vốn trầm lặng, nghiêm khắc ít
nói, luôn luôn suy tư nhiều công việc trong gia đình. Cho nên người con ít gần
gũi với người cha, ít khi bày tỏ ưu tư hay khó khăn của cuộc đời cho cha nghe,
để người cha góp ý giúp con vượt qua tất cả khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
Hình tượng
người cha qua phong dao, tục ngữ, qua lăng kính tri thức văn học bác học luôn là hình ành lý tưởng, mẫu mực, mô phạm.
Ngay cả khi cha còn tồn tại giữa đời thường thì hình ảnh cùa cha cũng đã là
hình ành để tôn thờ, ngưỡng vọng. Nghe đến
núi Thái Sơn, dù chưa biết thực tế nó ở nơi đâu, cương vực địa lý, quốc gia
nào, nhưng trong tâm thức đứa trẻ thơ ngây, nó tưởng tượng thấy đó là một ngọn
núi cao vời vợi, cao ngút tận trời xanh…
Ngay giữa
cuộc sống đời thường, mẹ bao giờ cũng thân thương gần gũi với con, ngược lại
cha bao giờ cũng nghiêm khắc, đạo mạo; người cha như một ông thầy mô phạm cho
con cái. Tôi vẫn thường nghe nhiều người, nhất là phái nữ nói về hình ảnh cha
mình, hào hoa phong nhã ở ngoài xã hội, nhưng bước về đến ngõ nhà, con cái nghe
tiếng tằng hắng của cha là đã khép nép sợ hãi. Nhà tôi thường kể cho tôi nghe rằng,
ông nhạc tôi làm sếp ga ở Phò Trạch, Thừa Thiên-Huế, thỉnh thoảng mới về thăm
nhà ở Quảng Ngãi, bất thình lình nghe ông về là anh Hai đang bắt cá ngoài ao
ngoài hồ, hay đang leo cây bắt chim là lo vất bỏ hết, rửa ráy tay chân sạch sẽ,
chạy vụt về nhà, lẻn cửa sau vào vờ ngồi ở bàn học. Oai nghi của ông cha là như
thế đấy.
Cha tôi
vắng bóng giữa cuộc đời quá sớm, ông để lại cho chúng tôi duy nhất một tấm di ảnh
vào khoảng độ tuổi chưa đầy bốn mươi. Thời buổi chiến tranh tang thương đổ nát,
nhà tôi, bom Mỹ dội tan hoang, may sao trên đường chạy loạn tôi còn kịp mang
theo tấm di ảnh duy nhất ấy. Tôi vẫn thường nghe mẹ, nghe các chú thím, các o kể
lại, cha tôi là người nghiêm khắc, mẫu mực… Các o, các thím ở nhà dưới đang làm
việc, hứng lên cười cợt bông lơn vui đùa tí chút, ở đầu nhà trên cha tôi nghe
thấy, tằng hắng một tiếng là ở nhà dưới, mọi người im phăng phắc.
Tôi âm
thầm mang triu trĩu một nỗi đau, là trọn đời mình chưa hề được tiếp xúc với
cha, chưa bao giờ biết gì về cách thế ông ứng xử trước cuộc sống. Vì thế, tôi
luôn như một hành nhân thui thủi giữa đời thường đi tìm một ảnh tượng cao vời
mà biết chắc rằng mình không bao giờ trông thấy được. Và từ đó thao thức lý giải
hình ảnh những người cha của những người thân mình được tiếp xúc.
Kìa là một
người cha kham nhẫn; ông có tới chín người con, vào giai đoạn sau 75, cuộc sống
bình nhật gia đình hoàn toàn bị đảo lộn, một mình ông trăm phương ngàn kế vật
vã cuộc sinh nhai, mua bán ve chai, đồ cổ, rồi viết báo, in sách, v.v… ít khi
tôi thấy ông tỏ ra mệt mỏi, hay càu nhàu con cái, ông luôn có nụ cười dí dỏm, tủm
tỉm trên môi. Tôi quý mến ông, nên hay mường tượng tự hỏi, cha tôi thường có những
nụ cười dí dỏm như vậy không?
Gia đình
tôi truyền thống thờ Phật, vừa độ tuồi học hiểu được đôi điều giáo lý nhà Phật,
mẹ vâng lời ông bà nội dẫn tôi lên chùa, xin thầy cho quy y. Từ đó, cứ mỗi đầu
tháng, giữa tháng tôi theo mẹ lên chùa lễ bái, tụng kinh. Khuôn mặt thầy hiện
rõ nét thuần từ, nhân ái. Tôi thấy hình như thầy có biệt nhãn với tôi, trong
ánh mắt thơ ngây, tôi thấy, thầy có vẻ thương tôi hơn những đứa trẻ cùng trang
lứa; Khi thì trái chuối, lúc trái cam, có khi là cái bánh, thầy thường cho tôi
quà. Dần dần tôi cảm thấy thầy gần gũi như một người cha. Thầy thường giảng giải
cho tôi những bài học giáo lý căn bản, khuyên tôi vào sinh hoạt với Gia Đình Phật
Tử, Thầy cũng thường nhắc nhủ tôi chăm chỉ học tập bài vở ở nhà trường. Được thầy
thương yêu che chở, tôi dần vơi bớt tự ti mặc cảm mồ côi cha, và cũng dần vơi bớt
nỗi buồn tủi trước những định kiến bất công, một chiều của tư tưởng dân gian như:
Con không cha như nhà không nóc.
Trước
kia, nghĩ về cha, tôi thường mơ tưởng tới đỉnh núi Thái Sơn vời vợi. Đỉnh núi
cao ngất ấy tôi không bao giờ vươn tới được, bây giờ tôi đã lớn khôn hơn tí
chút, lại được thầy bổn sư nâng đỡ tinh thần, được thầy dạy cho điều hơn lẽ thiệt,
tôi thấy mái chùa như mái ấm gia đình. Vì vậy, tôi cảm thấy mình vững vàng hơn
trong mỗi bước chân vào đời.
Hạnh
Phương
No comments:
Post a Comment