Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, June 23, 2017

HÃY CHÌA TAY RA! - Hoàng Đằng


               
                              Tác giả Hoàng Đằng



HÃY CHÌA TAY RA!
(Nói với con cháu)

Nhà lão có một mảnh sân rộng khoảng 30 mét vuông. Sân lão không có mái che như sân các nhà khác trong xóm; lão muốn để vậy cho thoáng nắng, thoáng gió.
Mùa hè, lão bưng ghế ra giữa sân, ngồi, hóng gió, tránh cái nóng hừng hực trong nhà. Mùa đông, lão tựa cửa nhìn ra; bên ngoài, mưa rỉ rả rơi, từng luồng gió lạnh thổi rào rào. Những lúc ấy, lão miên man nghĩ chuyện đời. Ngày xưa, triết gia Descartes (1596 – 1650) viết: “Tôi suy tư, ấy là tôi hiện hữu” (Je pense, donc, je suis); còn ở trường hợp của lão thì “tôi còn hiện hữu, nên tôi suy tư” (Je suis, donc, je pense). Nghĩ cũng nực cười, những suy tư của lão không đem lại ích lợi gì hết; Trời cấp cho lão cái bản tính như vậy; đành chịu!
Nhìn những việc trước mắt, nghe những chuyện bên tai hàng ngày, ngẫm lại những chuyện trong lịch sử cả nhân loại, từng quốc gia, từng dòng tộc và ngay bản thân mình, lão thấy cuộc sống này vô nghĩa. Lão không biết Trời sinh ra con người để làm gì? Để làm đẹp đời ư? Không. Bao nhiêu nền đạo đức thời này dựng lên thời sau đạp đổ, bao nhiêu công trình “vật thể” đời này xây lên đời sau giật sập. Trong cuộc cạnh tranh sinh tồn, loài này huỷ diệt loài kia, ngay cả đồng loại như con người chẳng hạn cũng giành giật, ganh tỵ, giết chóc nhau; trớ trêu là kết cục của mỗi đời sống là gì – chỉ là cát bụi.
*
*       *
- Sao ông cho người ta để đồ choán cả sân, cháu không có đường đi vô đi ra đây này!
Dòng suy tư của lão đang ngon trớn thì đứa cháu gái của lão bới phần cơm trưa tới cho lão; cháu vừa lên tiếng phàn nàn vừa cất cao chân bước lách giữa những đống vật liệu xây dựng nào sắt, nào thép, nào ciment ... nằm ngổn ngang trên sân.
Thay vì sống chung với con cháu như đa số các người cao tuổi khác, lão sống một mình trong một ngôi nhà nhỏ; nhà của các con lão – mỗi đứa mỗi cái - ở chung quanh. Thấy lão già yếu mà ở vậy, ai cũng thắc mắc:
- Sao không ở với con? Ở rứa, đêm hôm lỡ có chuyện rắc rối về sức khoẻ, mần răng?
Lão nghĩ rằng ở với con, chung đụng, không nhiều thì ít mất tự do. Mỗi người cần có một không gian riêng - cái nhà của mình; đó là nơi mình có chủ quyền trọn vẹn: “Nhà ta, ta lết, ta bò, mặc ta.”
Tuy nhiên, dù ở riêng, cuộc sống hàng ngày của lão vẫn tuỳ thuộc vào con cái; lúc bình thường, chúng phải lo ăn lo uống cho lão, lúc ốm đau, chúng phải lo thầy, lo thuốc.
*
*       *
Trời đang giữa tháng 11 Âm Lịch; thời tiết không thuận lợi cho những công việc ngoài trời: một ngày tạnh, năm bảy ngày mưa; thế mà một cặp vợ chồng trẻ đang chuẩn bị xây nhà ở đám đất trống bên cạnh nhà lão.
Vợ chồng này vừa mua đám đất đó. Dư biết thời tiết sẽ cản trở việc xây dựng, họ vẫn quyết định thi công để làm sao nhà xong, kịp dọn tới ở trước Tết. Từ trước đến giờ, vợ chồng này thuê phòng trọ. Người vợ đang mang bầu, cái bụng to kéo cái lưng oằn về phía trước, nghe nói chừng hai tháng nữa ... sinh. Hợp đồng ký với chủ phòng trọ là thuê chỉ để ở, chứ không được sinh đẻ - sinh đẻ mang xui xẻo đến, hại cho việc kinh doanh của họ.
Vợ chồng đã ghé các nhà liền kề đám đất xin sử dụng điện, nước thi công. Không nhà nào cho! Mà bắt điện, bắt nước cần nhiều thủ tục tốn thời gian. Tình hình coi bộ nan giải!
Vợ chồng phủ kín trong bộ đồ mưa, đứng, nhìn đám đất, mặt buồn rũ rượi. Nhà lão ở phía bên kia đường, qua tấm kính cửa sổ, thấy vậy, lão đi ra, xáp mặt, lên tiếng như hỏi thăm làm quen:
- Cô chú làm nhà đây à? Khi mô mới mở móng? Ừ, về đây ở làm xóm làm giềng cho vui. “Bà con xa không bằng xóm giềng gần” đó nghen!
Hai vợ chồng “dạ” một tiếng rất rập. Thấy lão có thiện cảm, một chốc sau, cô vợ vào nhà lão, năn nỉ:
- Thưa ông, chúng cháu làm nhà sẽ có dùng điện nước, mà chúng cháu  xin mấy nhà kia không ai cho, chừ xin ông giúp cho chúng cháu với! Chúng cháu xin được hoàn trả chi phí số lượng điện, nước đã tiêu thụ.
Lão trả lời không chút do dự:
- Điện nước nhà tui đó cô chú cứ dùng.
Cô vợ mừng, mặt tươi rói, cảm ơn ríu rít rồi đi ra báo tin với chồng. Vợ chồng trao đổi với nhau gì đó, rồi ngoái cổ về phía lão, gập đầu lên xuống nhiều lần. Lão đoán cả hai đang bày tỏ lòng biết ơn.
Hết nỗi lo điện nước, vợ chồng tìm chỗ che rạp chứa vật liệu – nhà kho tạm. Cả đám đất đang lắp xắp nước, phủ đầy cỏ dại; dựng rạp cũng khó đây, che ở đâu, che làm sao để việc xây dựng nhà khỏi cấn cái.
Vợ chồng đang chỉ vào góc đám đất có đống rác nham nhở do các nhà lân cận đổ dồn trong thời gian qua; nhìn đống rác mà buồn cho dân mình! Họ suy nghĩ quá đơn giản - rác nhà mình cứ đem đổ sang đất hàng xóm, thế là xong, thế là sạch!
Lão cảm thấy xao xuyến trong lòng; thôi thì phải giúp đỡ vợ chồng đang ở thế bí này thêm chỗ chứa vật liệu. Lão gọi vói:
- Cô chú vô đây, tui nói cho mà nghe này, trời mưa gió rứa mà đặt kho vật liệu chỗ nớ, ướt át mần răng? bảo vệ mần răng? Cứ kêu xe đổ vật liệu vô sân nhà tui đi!
*
*       *
Mưa rơi rền rĩ không ngớt hạt, cái sân không rộng, vật liệu quá nhiều, lại thêm, người vô kẻ ra vấy bùn nhão nhoẹt; cháu lão phàn nàn là phải. Nhưng, biết làm sao giờ; người bên cạnh mình đang đợi bàn tay mình chìa ra, níu họ vượt qua khó khăn. Cháu ơi! Đó là việc nên làm, mình không chịu làm thì lỡ mất một cơ hội làm việc tốt. Ở đời, đừng đợi có việc tốt to tát mới làm; hãy làm những việc nho nhỏ mà mình may mắn được Trời cho gặp!
Lão nhớ lại sau năm 1976, phải sống trong rừng sâu, lão bị sốt rét, mỗi lần lên cơn, lão mê man; nếu người bạn đồng cảnh ngộ không cho mấy viên thuốc hiếm – Fansidar - mà gia đình gởi cho bạn ấy phòng thân, thì liệu lão có còn trên cõi đời này nữa không!
Lại thêm, năm 1979, lão cùng đoàn đội vào miền trung du khai hoang trồng cây lương thực chống đói. Một buổi sáng, ngoài dụng cụ: cúp, rựa, cuốc, lão kéo thêm chiếc “xe kéo”; lão tính chuyện sẽ nhặt các gốc cây đã bới lên đem về làm củi đốt; dạo ấy, lão đang trong hoàn cảnh bi đát: gia đình neo đơn, thiếu thốn mọi bề, phải xoay xở để tồn tại. Rủi cho lão đạp phải gốc sim nhọn vào gan bàn chân, máu chảy lai láng. Củi đã không nhặt được, mà xe, lão lo, không biết nhờ ai kéo giùm khi về. May là một người trong đội thấy được nỗi lo hiện trên mặt lão, tình nguyện giúp lão  kéo xe về.

“Cháu ơi! Trong lúc người hàng xóm của ông đang làm nhà, cháu đi vô đi ra nhà ông có khó khăn đó, nhưng cháu đừng phàn nàn nhé! Ông mắc nợ đời nhiều lắm, cháu thông cảm để ông trả dần được chừng nào hay chừng ấy!”./.

                                                                Hoàng Đằng
                                                   23/6/2017 (29/5/Đinh Dậu)

No comments: