Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, June 27, 2017

NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (KÌ 21) - Nguyễn Ngọc Kiên



                   Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên


NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ  CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (KÌ 21)  

指鹿为马 [CHỈ HƯƠU NÓI NGỰA]
Các thành ngữ: “混淆是非” “Làm xáo trộn phải trái” hay “指鹿为马” “chỉ hươu nói ngựa” đều có ý không phân biệt trắng đen.
Trong cuộc sống, nhiều người vì ham lợi lộc mà bất chấp phải trái, sẵn sàng đổi trắng thay đen miễn là mọi việc chiều theo ý mình. “Chỉ hươu nói ngựa” chính là một thành ngữ dùng để nói về những chuyện như thế. Ví dụ: Cậu không hiểu cái tính khí thất thường của ông Hữu sao? Ông này sẵn sàng chỉ hươu nói ngựa, cốt làm đẹp lòng ông chủ để mong kiếm chác đấy mà!
Hươu là hươu, ngựa là ngựa. Hươu là thú thuộc nhóm nhai lại, có gạc ở trên đầu, thân hình lớn hơn hoẵng và nhỏ hơn nai. Còn ngựa là thú có guốc, cổ có bờm, chân chỉ có một ngón, chạy rất nhanh (nhanh như ngựa). Vậy mà lại có người nhầm lẫn đó. Có một giai thoại liên quan tới thành ngữ này.
Các bạn chắc biết nhân vật Tần Thủy Hoàng (tên thật là Doanh Chính, 259-210 trước Công nguyên) là vua nước Tần trong thời kì Chiến quốc. Ông chính là người khởi xướng xây Vạn lý trường thành vĩ đại còn tồn tại đến ngày nay. Khi Tần Thủy Hoàng chết, Hồ Hợi lên kế vị, lấy hiệu là Tần Nhị Thế. Nhưng có một vị thừa tướng trong triều lúc đó tên là Triệu Cao có mưu đồ soán ngôi nhà Tần. Rắp tâm thực hiện mưu đồ của mình, Triệu Cao bèn lập mẹo để thử triều thần, xem họ có sẵn sàng thần phục mình hay không. Ông sai gia nhân dắt một con hươu đến sân triều và nói với Tần Nhị Thế: “Bẩm đại vương! Thần có một con ngựa quý muốn hiến cho đại vương”. Nhị Thế ngạc nhiên, nói đây là hươu chứ đâu phải ngựa. Triệu Cao bèn quay hỏi các đại thần, rằng đây là con gì. Nhiều kẻ bợ đỡ, xu nịnh, muốn nhân cơ hội sau này có dịp nhờ vả Triệu Cao nên nhao nhao nói đó là con ngựa. Chỉ có một số ít người khảng khái dám nói đó là con hươu chứ chẳng có gì giống ngựa. Triệu Cao liền bí mật ghi tên những người này vào sổ để sau này có dịp sẽ tìm cách trị họ. Quả là kế hiểm.[Theo Từ điển thành ngữ, điển cố Trung Quốc, Lê Huy Tiêu dịch, NXB Khoa học Xã hội 1993]
Người đời sau dùng tích “chỉ lộc vi mã” (chỉ hươu nói ngựa) để tạo nên thành ngữ nhằm diễn tả một nội dung ngữ nghĩa: Không ít người vì lợi riêng mà nhắm mắt nói sai sự thật. Thật là một thái độ xu thời, cơ hội.
Ngựa kia đâu phải là hươu
Trách người quân tử nói điêu hại người…
(Theo PGS – TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học & Bách khoa thư)

童颜鹤发 ĐỒNG NHAN HẠC PHÁT 
童[Đồng] : nhi đồng, trẻ con. . Đầu bạc trắng như là lông hạc, mặt hồng hào như là trẻ thơ. Người già còn đầy sinh khí, quắc thước. 
Thành ngữ này có xuất xứ từ “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung thời Minh, hồi thứ 15. “Hồng nhan hạc phát, thoáng quá có dáng xuất thế.”
Ví dụ: Một ông lão hơn 70 tuổi, đồng nhan hạc phát, qua  đường đi như bay, khó mà đuổi kịp.

同床异梦  [ĐỒNG SÀNG DỊ MỘNG]
异 [Dị]: khác nhau. Cách nói tỉ dụ: ở gần / cùng  nhau  nhưng cách suy nghĩ , tính toán, chí hướng thì hoàn toàn khác nhau.
Thành ngữ này có xuất xứ từ “Chu Nguyên Hối bí thư thư” của Trần Lương đời Tống. “Đồng sàng nhưng khác mộng, Chu Công không thể học được. Hà tất nhất nhất phải nói đến Khổng Minh?”
Ví dụ: Mọi người cùng nhau làm việc, phải đồng tâm hiệp lực, không thể đồng sàng dị mộng mãi được.

                                                              Nguyễn Ngọc Kiên

No comments: