Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, February 10, 2017

Nguyễn Xuân Dương bình thơ Nguyễn Ngọc Hưng: GIẤC MƠ PHÙ SA


Nhà thơ Nguyễn Xuân Dương
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng


GIẤC MƠ PHÙ SA

Như sực tỉnh giấc kê vàng hối hả
Anh lên tàu giáp Tết ngược miền Trung
Chưa hết “mồng” lại ra đi vội vã
Tiễn bước tha phương gió cũng ngại ngùng
Một con mắt hút chân trời trước mặt
Một mắt còn thăm thẳm phía sau lưng
Thương dáng mẹ trăng chiều nhen bếp lửa
Sợi khói lam vờn tóc bạc rưng rưng
Quên sao được mùi rạ rơm thơm thảo
Giun dế mùa tha thiết gọi bình yên
Tai ù đặc bốn phương đời bão nổi
Còn vẳng đâu đây một tiếng chim chuyền
Sao đành bỏ những bờ xôi bãi mật
Nơi hồn cây vía cỏ rất ngoan hiền
Đến bắp ngô non cũng tròn căng sữa
Hôi hổi chờ tay ngỏ ý trao duyên
Xuân ngơ ngác giữa cao tầng, cao tốc
Mắt nhà quê bạc trắng khói thị thành
Vào mê lộ mãi loanh quanh tìm kiếm
Chưa thấy vàng đã mất nửa đời xanh
Dùng dằng gió quật anh về hai phía
Lại cuốn vào cơn lốc xoáy miên man
Nghiêng bóng tháng Giêng đổ vào tháng Chạp
Mơ phù sa sinh nở những mùa màng!
Nguyễn Ngọc Hưng


Đây không phải bài thơ duy nhất và chắc cũng chưa phải bài thơ cuối cùng và nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng cũng không phải là người duy nhất viết về những thân phận, những kiếp người cứ lũ lượt rời bỏ quê hương đi tìm “Giấc Mơ Phù Sa” nơi đô thành phố thị. Tôi xin gọi đây là nạn chảy máu lao động.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh cũng đã viết về đề tài này trong bài Trên chuyến xe khách: “Những truyền thống tiềm năng không níu được chân người ở lại”. Còn Nguyễn Ngọc Hưng cụ thể hóa những truyền thống tiềm năng đẫm tính nhân văn: 

“Đâu cũng cau héo trầu khô cũng sương gió dãi dầu
Sao không dắt nhau về sống tươi lại những tháng ba hoa gạo
Xơ xác cỡ nào quê hương cũng là chiếc nôi thơm thảo
Đủ nồng nàn cho vạn dấu môi hôn” 

(Nhặt lại một làn hương)

Nhưng những con người vẫn cứ lũ lượt rời xa thôn ổ, đất nước này, Tổ quốc này, phiêu dạt xứ người để mưu sinh không ngừng không nghỉ. Nhà thơ đã từng ước vọng:
“Cố thổ dẫu nghèo nhưng đẹp lắm
Đi đâu cũng nôn nả quay về” 

(Xương Rồng)

Có thể là như thế! Nhưng là đối với thế hệ xa xưa, xa lắm rồi, xa lắc xa lơ từ đời kiếp nào. Cái thời mà quê hương xứ sở: “Mảnh vườn đây – nơi chôn rau cắt rốn của mình đây” đang là một điều gì đó thuộc về sự thiêng liêng cao cả. Thế nhưng thời đại bây giờ làm gì còn nơi chôn rau cắt rốn nữa khi rau thai nhi không được mẹ cha chôn vào những gốc khế, gốc mít trong vườn của mẹ như ngày xưa cũ.

Dù nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng có biện minh bao nhiêu đi chăng nữa, có dẫn dụ bao nhiêu đi chăng nữa những truyền thống:
“Tiễn bước tha phương gió cũng ngại ngùng
Một con mắt hút chân trời trước mặt
Một mắt còn thăm thẳm phía sau lưng
Thương dáng mẹ trăng chiều nhen bếp lửa
Sợi khói lam vờn tóc bạc rưng rưng
Quên sao được mùi rạ rơm thơm thảo
Giun dế mùa tha thiết gọi bình yên
Tai ù đặc bốn phương đời bão nổi
Còn vẳng đâu đây một tiếng chim chuyền”

Những cơn gió cũng phải ngại ngùng tiễn bước người đi. Nơi quê hương yêu dấu ấy vẫn mang nặng một tình thương “Thương dáng mẹ trăng chiều nhen bếp lửa” và còn bao điều khác nữa vẫn không thể níu kéo bước chân người ở lại.

Những tiềm năng Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng muốn nói là tất cả những gì đã gắn bó máu thịt ngàn đời nay với người nông dân:
“Sao đành bỏ những bờ xôi bãi mật
Nơi hồn cây vía cỏ rất ngoan hiền
Đến bắp ngô non cũng tròn căng sữa
Hôi hổi chờ tay ngỏ ý trao duyên”
Vẫn không níu kéo được chân người ở lại.

Nguyễn Ngọc Hưng nhiều trăn trở, nhiều cảm thông với những thân phận ra đi tìm kiếm Giấc mơ phù sa, giấc mơ bạc vàng:
“Xuân ngơ ngác giữa cao tầng, cao tốc
Mắt nhà quê bạc trắng khói thị thành
Vào mê lộ mãi loanh quanh tìm kiếm
Chưa thấy vàng đã mất nửa đời xanh”

Đời người là thế, thân phận là thế nhưng sao cứ phải biện minh để ra đi. Thực ra không phải là một sự biện minh mà chúng ta những người ngoài cuộc hãy làm một phép toán so sánh. Dù có là bờ xôi ruộng mật. Dù có những bắp ngô non căng sữa gọi mời. Thế nhưng muốn có được bắp ngô, hạt gạo thì phải quần quật với bờ xôi ruộng mật ba bốn tháng trời. Trong khi đó vài ngày lương ở thị thành đủ mua gạo cho cả nhà ăn trong cả tháng. Một ngày công có thể mua vài kg thịt loại ngon trong khi đó muốn có con gà thịt được cũng phải nhọc nhằn ba bốn tháng. Ở nhà muốn may bộ quần áo là phải bán thóc, bán lợn, bán gà. Ra thị thành sau giờ làm có thể rủ nhau bù khú rượu bia… Rất, rất nhiều điều cám dỗ trước mắt cứ thế con người ta bị cái guồng xoáy cuộc đời quăng quật:
“Dùng dằng gió quật anh về hai phía
Lại cuốn vào cơn lốc xoáy miên man
Nghiêng bóng tháng Giêng đổ vào tháng Chạp
Mơ phù sa sinh nở những mùa màng!”

Những câu thơ như cái cật nứa cứa xót tim ta đến rớm máu. Thảm họa này không chỉ ở quê hương của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng mà của tất cả những miền quê nghèo khổ ở miền Trung. Và không chỉ của miền Trung...

Các bạn có nghĩ gì khi đọc những bài thơ viết về thảm họa chảy máu sức lao động, tuổi lao động ở nông thôn Việt Nam hiện nay không? Còn tôi, tôi đã nghĩ đến thảm họa này cách đây khá nhiều năm khi tôi về thăm quê cũ ở xã Võ Liệt, Thanh Chương – Nơi đã vang lên tiếng trống đầu tiên của Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tôi đến thăm nhà những người bạn cùng trang lứa chỉ thấy hai vợ chồng già trông nhau còn con cháu thì đã vào Nam ra Bắc kiếm miếng cơm manh áo. Tôi cứ nghĩ không bao lâu nữa đâu, ở những vùng quê nghèo khổ khi có người nằm xuống không biết lấy ai đẩy cái xe tang đưa tiễn người đã khuất về nơi an nghỉ cuối cùng. Rồi nữa, các lớp mầm non mẫu giáo, các trường học không tồn tại vì có còn trai trẻ gái ngoan nào ở lại sinh cơ lập nghiệp nên vợ nên chồng ở những vùng quê mà người ta cứ tự ngợi ca, tự huyễn hoặc là giàu truyền thống tiềm năng. Tất cả rồi sẽ xác xơ bần cùng 

Không phải đến Giấc Mơ Phù Sa mà cách đây lâu lắm rồi Nguyễn Ngọc Hưng cũng đã viết về điều này trong bài Dì Tôi:
“Các em đủ lông đủ cánh
Mỗi người chọn một đường bay
Còn tổ chim xưa trơ trọi
Hắt hiu dì đếm tháng ngày”

Hoặc nữa, trong bài Chốn về:
“Bao nhiêu cánh chim bay biệt xóm làng
Rơi tiếng hót nơi nào không biết nữa”

Tất cả đã ra đi. Tất cả đã bay đi tìm Giấc mơ phù sa. Phù sa đâu chẳng thấy, bạc vàng đâu chẳng thấy và tiếng hót của đời mình cũng đánh mất đâu không biết nữa. Chỉ còn lại:
“Dùng dằng gió quật anh về hai phía
Lại cuốn vào cơn lốc xoáy miên man”

Cơn lốc xoáy ấy cứ xoáy mãi cho những GIẤC MƠ PHÙ SA tan nát tả tơi.

Bắc Ninh Ngày Thơ Nguyên Tiêu Đinh Dậu
11/02/2017 

NGUYỄN XUÂN DƯƠNG.


No comments: