Tác giả Phạm Đức Nhì
TRAO ĐỔI VỚI LA THỤY VỀ BÀI THƠ "HỎI"
HỎI
Hỏi sông tuôn chảy âm thầm
Tri âm có gặp nghìn trăm bến bờ?
Hỏi lòng sao cứ ngẩn ngơ
Người xa xăm ấy bây giờ ... bặt tin
Lá vàng rơi rụng bên thềm
Sao khuya lẻ bóng niềm riêng u hoài
Hỏi trăng chếch bóng non Đoài
Vì sao Cuội vẫn đêm dài tương tư?
Hỏi tình sao cứ ơ thờ?
Hỏi sương nhỏ giọt ... cho thơ ... ướt mềm.
(La Thụy)
Tình cờ đọc được bài thơ "đau tình" hay quá. Chữ nghĩa
gợi hình, trong sáng và đẹp một cách sang trọng. Có chút điển cố (Chị Hằng, Chú
Cuội), nhưng cái điển cố ấy nay đã rất phổ thông và gần gũi với người đọc
nên không cần phải chú thích mà vẫn không ảnh hưởng đến chức năng truyền thông
của bài thơ – nhịp cầu thông cảm giữa thi sĩ và người thưởng thức. Nỗi buồn nhẹ
nhàng, sâu lắng nhưng không bi luỵ, lững lờ theo dòng chảy của tứ thơ từ câu
đầu cho đến câu cuối một cách rất êm thắm. Người bạn La Thụy của tôi cho bài
thơ chấm dứt ở câu thứ 10 nên cái giọng ầu ơ của thơ lục bát chưa kịp lộ diện
thì con thuyền tứ thơ đã đến bến. Bài thơ có vần, đọc lên rất du
dương nhưng lại không có hội chứng nhàm chán vần. Chỗ này gọi là
"khéo" hay "tài" đều xứng đáng.
Nhưng chỗ hay nhất của bài thơ, theo tôi là 2 câu kết:
"Hỏi tình sao cứ ơ thờ
Hỏi sương nhỏ giọt cho thơ... ướt mềm"
Tứ thơ, hình ảnh, ẩn dụ thật tuyệt vời, tạo ấn tượng sâu sắc.
Bài thơ có một lỗi kỹ thuật (không ảnh hưởng đến tứ thơ):
Chữ "Hỏi" ở câu cuối. Mặc dù tác giả đưa
chữ "Hỏi" vào đầu câu, nhưng câu cuối vẫn chưa có vóc dáng của
một câu nghi vấn. Câu này, với kỹ thuật thơ điêu luyện như La Thụy thì có thể
sửa trong nháy mắt.
Ngoài ra muốn nói vui với La Thụy một chút về câu thơ thứ hai:
"Tri âm có gặp nghìn trăm bến bờ"
Đối với người phụ nữ, theo tôi, thì "thuyền tình ghé
bến" một lần là may mắn, hạnh phúc, hai, ba lần là đã "bị"
gọi là "cao số" với nghĩa không được đẹp lắm. Câu hỏi "Tri
âm có gặp nghìn trăm bến bờ" có vẻ hơi "cay đắng"
và hơi "ác".
Dẫu sao tôi cũng rất khoái bài thơ HỎI của La Thụy. So với Trái
Tim Rao Bán của Đinh Thị Thu Vân thì nỗi "đau tình" của La Thụy
"nhẹ" hơn. Nhưng với tôi cả hai bài thơ đều có kỹ thuật thơ điêu
luyện và đều rất Đẹp.
Bạn La Thụy thân mến của tôi ơi! Bạn có quyền ưỡn ngực tự hào về
đứa con tinh thần rất xinh đẹp, rất dễ thương của mình. Và tôi, cũng rất vui
được đóng góp mấy lời bình phẩm chân thật.
PHẠM ĐỨC NHÌ
Thư trả lời của La Thụy:
Tôi đã thêm bỏ thêm dấu cho bài viết của
anh trong 10 phút, gần xong, chỉ còn mấy dòng nữa thôi, thì laptop bị lỗi về
word, vừa click chuột vào một chữ để xóa và thay chữ khác để sửa thì nó nhảy
lên bôi xanh hơn nửa bài, rồi xóa phần bị bôi xanh đó, nên tôi lại phải sửa, bỏ
thêm dấu lại gần như từ đầu, vừa chép trực tiếp vào email thì bị cúp điện (lúc
đó khoảng 14g chiều). Bây giờ mới có điện lại nên tôi chép lại vào email, gửi
cho anh đây. (1)
Anh thật sâu sắc khi nhận định:
- “Mặc dù tác giả đưa chữ "Hỏi" vào đầu câu,
nhưng câu cuối vẫn chưa có vóc dáng của một câu nghi vấn”.
Quả thật, HỎI ở đầu câu cuối như lời cảm hoài để thoát nỗi lòng: “Hỏi sương nhỏ giọt... cho thơ... ướt mềm. Đó cũng là dụng ý của tôi; tất cả chữ HỎI đều thuộc dạng nghi vấn, nhưng HỎI cuối cùng lại là cảm thán.
Quả thật, HỎI ở đầu câu cuối như lời cảm hoài để thoát nỗi lòng: “Hỏi sương nhỏ giọt... cho thơ... ướt mềm. Đó cũng là dụng ý của tôi; tất cả chữ HỎI đều thuộc dạng nghi vấn, nhưng HỎI cuối cùng lại là cảm thán.
- Câu hỏi "Tri
âm có gặp nghìn trăm bến bờ" có vẻ hơi "cay đắng"
và hơi "ác" vì : Đối với người phụ nữ, theo tôi,
thì "thuyền tình ghé bến" một lần là may mắn, hạnh phúc, hai, ba
lần là đã "bị" gọi là "cao số" với nghĩa không
được đẹp lắm.
Lúc đó, tôi tự hỏi chính tôi, chứ không
phải hỏi hoặc trách móc “nàng”đâu.
Dù khi làm thơ, tôi không nghĩ gì đến lời
nhạc của Trịnh Công Sơn, nhưng khi đọc lời anh, bất chợt tôi lại nhớ đến lời
nhạc TCS :
“Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa”
Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa”
Vài lời trao đổi. Rất vui khi anh đang rất
bận rộn vẫn dành thì giờ bình thơ của tôi.
Cám ơn anh nhiều nhé!
Thư của Phạm Đức Nhì:
Nhà thơ La Thụy thân mến,
Lời giải thích của anh về chữ Hỏi ở câu cuối có vẻ
cũng có lý nhưng với tôi vẫn còn một chút lấn cấn. Tuy nhiên, để sòng
phẳng trong văn chương, tôi vẫn chấp nhận cái "lỗi kỹ thuật" mà tôi
chỉ ra là không chính xác. Riêng câu hỏi "Tri âm có gặp nghìn trăm bến
bờ?", theo tôi, dù anh tự hỏi mình hay hỏi để trách móc nàng thì
cái ý ấy cũng có vẻ "cay đắng" và hơi "ác".
Nhưng dù thế nào đi nữa, với tôi, bài thơ cũng xuất sắc và tôi đã
khoái nó sau lần đọc đầu tiên.
Cám ơn anh đã cho phép tôi được cùng anh có một cuộc trao đổi về
thơ rất lý thú.
.......................
.......................
(1) Vì đang ở Việt
Nam, dùng máy lạ gõ chữ không bỏ dấu nên anh La Thụy đã giúp thêm dấu cho
phần đầu.
No comments:
Post a Comment