Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, October 4, 2016

ĐỌC "MỘT BUỔI TRƯA", THƠ BÙI GIÁNG - Lời bình của Châu Thạch


                
                         Nhà bình thơ Châu Thạch



  ĐỌC "MỘT BUỔI TRƯA" - THƠ BÙI GIÁNG
                                            Lời bình của Châu Thạch

Một Buổi Trưa” thơ Bùi Giáng là một trong những bài thơ được xếp vào “những bài thơ tỉnh táo của Bùi Giáng”. Đọc thơ không ai là không thấy nó hay nhưng thật sự nếu hỏi là nó hay chổ nào? nó hay cái gì? thì chắc không ai là không lúng túng. Lúng túng vì toàn bộ bài thơ có 20 câu, mỗi câu như một xâu chuổi ngọc, và mỗi xâu chuổi ngọc đó lung linh một màu sắc khác lạ mà chúng ta không đoán ra đó là thứ ngọc gì. Đọc bài thơ nầy không mấy ai dám nói rằng tôi hiểu hết bài thơ nhưng cũng không mấy ai dám bảo rằng nó nói lung tung, mơ hồ, điên loạn. Trong chừng mực nào đó tôi xin mạo muội lấy cái trí óc non dại của mình để thảo luận về bài thơ, mong khám phá một chút ít mùi hoa trong thứ hương thơm bí hiểm mà nhà thơ Bùi Giáng cống hiến cho đời.
Xin hãy đi vào vế thơ đầu tiên của “Một Buổi Trưa” để ta thấy ngay cái buổi trưa của nhà thơ thật là kỳ diệu:

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Mây trên trời xuống phủ ở trên vai
Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc
Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai.

Một buổi trưa mà “Mây trên trời phủ xuống ngang vai” phải là một buổi trưa ở trên đỉnh núi cao, bởi vì chỉ có ở nơi đó thì mây mới xuống ngang vai được. “phương cảo” là pho sách thơm (đúng hơn là pho sách hay). “Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc” hiểu một cách nôm na là cảnh vật ở đây có những nét lung linh đẹp như ngọc. Màu ngọc đó phơn phớt màu của những pho sách hay. “ Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai” Hiểu một cách nôm na là mộng mà không thành, mộng đi mộng lại hay là lơ mơ lúc tỉnh lúc mơ.
Vế thơ cho ta cảm giác gì? một cảm giác nằm lim dim giữa bầu trời cao rộng. Và cho ta cảm nhận được gì? Cảm nhận một chốn đẹp thần tiên đầy ắp màu sắc thiên nhiên và mùi thơm của tri thức trong kho sách nhân gian lan tỏa ở đây. Có thể tác giả đương nằm trên núi cao mà cũng có thể tác giả nằm dưới thấp nhưng đang mơ một khung trời tuyệt vời trong ước muốn của ông.
Bây giờ xin vui lòng bước qua vế thứ hai của bài thơ để thấy một “em” rất vô hình trong giấc mơ Bùi Giáng:

 Em có định sẽ cùng ai kể lể
Một nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao
Vừng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ
Một mùi hương nồng tụ ở nơi nào

“Em có định sẽ cùng ai kể lể” là một câu nghi vấn mà không có dấu hỏi, nó có công dụng cho ta biết tác giả không trực tiếp hỏi em mà tự nhủ trong lòng mình. Câu thơ nầy cũng cho ta một phỏng đoán có thể em đang ở đó và cũng có thể em không có đó, nghĩa là tác giả đang một mình giữa bao la suy nghĩ về em. “Em” trong ba câu thơ còn lại như là một bóng ma. Bóng ma có một cuộc đời “hư huyễn giữa chim bao”, sống ở một vùng “hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ” mà nơi đó là một nơi có thể hiểu là nơi vô định vì nó có  “một mùi hương nồng tụ” mà tác giả không biết  “ở nơi nào”.
Vế thơ nầy cho ta cảm giác gì? Cảm giác một bóng người lãng đãng trong một khung trời ảm đạm. Và cho ta một cảm nhận gì? Cảm nhận đây là linh hồn của tác giả. “Em” ở đây không ai khác là tâm thần của người nằm mộng. Cái tâm thần đó đã trãi qua bao hệ lụy của cuộc đời, nay nó bước ra từ tâm tác giả và hóa hình vào trong  cơn mơ  ấy. Cái tâm thần đó u ám trong lòng tác giả, nay nhân dịp thể xác êm ái trong giấc trưa, nó hiển hiện trong cơn mơ làm nên một bóng dáng của bao điều hệ lụy.
 Hãy qua vế thứ ba của bài thơ. Ta sẽ thấy trong vế thơ nầy người con gái câm lặng đi trong cô đơn, trong khung trời buồn thảm:

Câu chuyện ấy một lần em đã rõ
Để bây giờ không thể lại phanh phơi
Đường đi xuống khung trời sương lổ đổ
Hờn dung nhan em có sợ bên người?

“ Câu chuyện ấy một lần em đã rõ/ Để bây giờ không thể lại phanh phui” nghĩa là em dấu kín “một nỗi đời hư huyễn”, “một vùng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ” là uẩn khúc của đời em trong trái tim câm nín của mình. Và rồi “Hờn dung nhan em có sợ bên người?”Bên người” là người nào?. Là Bùi Giáng hay bên người là loài người? Có thể cả hai. Linh hồn đau thương đó không muốn ở với thể xác “người” thi sĩ, một người hứng chịu đắng cay. Cũng có thể linh hồn đau thương đó chán nản loài người, một loài người đã đày đọa linh hồn thi sĩ. Để rồi “em” hay chính cái linh hồn đau thương đó âm thầm trên con “Đường đi xuống khung trời sương lổ đổ”.
Vế thơ nầy cho ta thấy một hình bóng nhẩn nhục trong sự đắng cay tận cùng và nỗi cô đơn của bóng người tìm đi trong một ‘khung trời sương lổ đổ’
Vế thơ thứ tư miêu tả “em” như tất cả sự rã rời:

 Con mắt ấy vì sao em khép lại
Làn mi kia em thử ghé lên nhìn
Vòng tay đẹp như cành xuân thơ dại
Ngón la đà sao chẳng chịu đưa tin

“Em” ở đây ta cứ hình dung là một người con gái. Người con gái “ đi xuống khung trời sương lổ đổ” với dáng dấp khép con mắt, đóng làn mi, vòng tay ôm ngực. Phải chăng dáng dấp đó buồn não nuột.
Vế thơ nầy cho ta hình dung một mỹ nhân với con mắt,với làn mi tuyệt vời, với “Vòng tay đẹp như cành xuân thơ dại” nhưng hầu như không còn sức sống nữa. Nàng đã thể hiện cho một linh hồn chán chường cuộc sống. Linh hồn đó một lần bỏ đi đánh động trang đời thi sĩ và đánh động cả mùa thu làm rơi bao nhiêu lá úa:

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Lùa chân mây về ở dưới chân trời
Bước vội vã một lần nghe gót ngọc
Dẫm trang đời lá rụng uá thu phai

Bây giờ mây không “xuống phủ trên vai nữa” mà mây “về ở dưới chân trời”. Bước chân người “ngại ngùng” bước vào “nẻo mộng” trong câu thơ ở vế một trở thành “bước chân vội vã” của hiện thực. Gót ngọc của em đã dẫm lên trang đời, làm “lá rụng úa thu phai”. Như vậy mơ ở phút ban đầu trở thành hiện thực trong phút cuối. Đúng hơn là mơ y như thật, vì không phải chỉ là tâm hồn mà cả con người đã hóa thân vào cơn mơ đó. Em trong thơ vẫn là em nào đó, nhưng em mang trọn vẹn tâm hồn Bùi Giáng trong thơ.
Nói về hình thức thì đây là một bài thơ tiết tấu trầm bổng, âm điệu lôi cuốn làm cho người ngâm thơ thỏa sức trình diễn làn hơi của mình, khiến cho người nghe thơ say đắm theo âm thanh mà chẳng cần chi hiểu ý vẫn thấy thỏa lòng. Nói về nội dung thì đây là một bài thơ đầy chất thơ mộng, sâu nhiệm ý thơ và cấu tứ khác lạ làm cho bài thơ khó hiểu được tường tận mà vẫn cảm nhận được cái hay của nó. Tác giả đưa mình đi vào trong mơ và biến linh hồn mình thành hình bóng trong mơ. Người thơ thường lồng nỗi buồn trong mưa, trong gió nhưng Bùi Giáng lồng nỗi sầu bi trong khung cảnh đẹp tuyệt vời khiến cho nỗi sầu thấm thía ấy trong khung cảnh ấy làm thăng hoa bài thơ. Người nữ huyền ảo trong mơ là người yêu của tác giả? hay là linh hồn của tác giả? Điều đó tùy theo nhận xét của mỗi người nhưng đọc thơ, ai cũng cảm nhận được khối đau thương vô vàn ấy, như một trái tim hồng tươi đựng trong chiếc bình bằng ngọc. Bình bằng ngọc ấy là bài thơ của Bùi Giáng./.

                                                                             Châu Thạch


                       Thi sĩ Bùi Giáng


MỘT BUỔI TRƯA

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Mây trên trời xuống phủ ở trên vai
Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc
Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai.

Em có định sẽ cùng ai kể lể
Một nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao
Vừng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ
Một mùi hương nồng tụ ở nơi nào

Câu chuyện ấy một lần em đã rõ
Để bây giờ không thể lại phanh phơi
Đường đi xuống khung trời sương lổ đổ
Hờn dung nhan em có sợ bên người?

Con mắt ấy vì sao em khép lại
Làn mi kia em thử ghé lên nhìn
Vòng tay đẹp như cành xuân thơ dại
Ngón la đà sao chẳng chịu đưa tin

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Lùa chân mây về ở dưới chân trời
Bước vội vã một lần nghe gót ngọc
Dẫm trang đời lá rụng uá thu phai

                              BÙI GIÁNG

No comments: