(Kí ức làng)
Làng Liên Chung của tôi nằm bên bờ tả ngạn sông Giăng
– con sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy
dài hết giải đất miền Trung. Vì ở gần sông nước
nên hầu hết trẻ con chúng tôi cả trai lẫn gái đều
biết bơi, biết lặn khá giỏi. Tuổi thơ ngụp lặn thỏa
thích trên dòng sông những buổi trưa hè, nên dẫu đi xa
bao nhiêu năm vẫn nhớ về dòng sông Giăng như một người
bạn tri âm, tri kỉ. Con sông giăng đổ nước ra hòa nhập
với sông Lam cách làng tôi chừng năm cây số. Ở đó
thuộc địa phận xã Thanh Tiên có ngã ba sông đẹp lắm.
Bên tả ngạn sông làng tôi có Bãi Nổi, chúng tôi thường
nô đùa ở đó, dùng đá mỏng ném thia lia trên mặt nước
xem ai ném được nhiều bước đi của viên đá. Bên bờ
hữu ngạn là xã Thanh Liên, có bến xây xi măng, gạch đá
nhiều cấp được xây từ thời Pháp thuộc. Người lớn
kể lại rằng :Thời ông Kiểm Cường ( ông quan kiểm lâm
tên là Cường ) dùng ngân khố để xây bến đó cho tiện
việc kiểm tra lâm sản từ trên nguồn về xuôi theo sông
Giăng, sông Lam về các huyện hạ lưu. Hơn nữa, vùng Đức
Nhuận xưa là địa hạt cai quản của nhiều lãnh chúa có
quyền thế và giàu có như ông Bang Hoành, ông Phượng
Lãm, ông Kiểm Cường…để các ông dễ đi tuần thú qua
sông. Con đò ngang nối đôi bờ từ Bãi Nổi, Chợ Chùa
sang Bến Xây Thanh Liên có từ ngày xa xưa. Cách đây ba
chục năm mới có chiếc cầu treo Chợ Chùa thay thế, nó
mới ngừng hoạt động, đò ngang chỉ còn trong kí ức
quê hương.
Chuyện về dòng sông,
chuyện bên dòng sông Giăng thì nhiều lắm, kể sao cho hết
được. Tôi muốn kể một kỉ niệm mà tôi là người
trong cuộc.
Dạo đó là mùa hè 1966,
tôi và Ngọc cùng rủ Tuấn đi tắm ở bến đò. Tuấn họ
Dương người Nam Định, nghỉ hè lớp 5 vào Nghệ An thăm
gia đình ông bác là ông bà Muối . Ông bà bác thời kháng
chiến chống Pháp từ Nam Định vào đây tản cư từ
1951. Đất lành chim đậu nên sau hòa bình ông bà quyết
định định cư luôn ở đất Chợ Chùa không về quê cũ.
Tôi và Ngọc cùng tuổi mười ba, Tuấn lớn hơn hai tuổi,
người cao, gầy khô.
Là dân phố nên Tuấn
chưa học bơi, không biết bơi. Gặp kì mưa lũ, mạn
thượng nguồn sông Lam lên mạnh, còn mạn sông Giăng lại
không mưa nên có hiện tượng nước óng xẩy ra. Sông
Giăng nước ứ lại dâng cao nhưng trong văn vắt, nhìn
thấy cả cỏ bị ngập dưới nước đến vài mét. Cả
ba thằng vừa cởi xong áo quần vắt lên cành cây bên
bãi, Tuấn nhảy ùm xuống trước, thế rồi làn nước
kéo nó ra xa chới với, chìm dần chỉ còn chỏm tóc lơ
phơ trên mặt nước. Tôi và Ngọc cùng nhảy xuống bơi
ra cứu Tuấn. Ngọc bị sặc nước nên quay vào bờ. Tôi
nhỏ con nhưng nhanh nhẹn, bơi đến gần Tuấn cầm lấy
chỏm tóc của nó và bơi dìu vào bờ từ từ. Tuấn uống
nước nhiều, da tái mét. Từng nghe người lớn bày cách
cứu người đuối nước, tôi và Ngọc ôm hai chân dốc
ngược Tuấn lên, ép vào bụng nó, nước từ miệng nó
chảy ra ồng ộc. Nó thở nhẹ, mếu máo khóc và run cầm
cập. Thương nó quá, chúng tôi lấy áo quần của mình
lau khô cho nó rồi mặc quần áo nó vào. Điều Tuấn sợ
nhất là lộ chuyện trốn đi tắm suýt chết đuối thì
ông bà bác mắng và sẽ không cho nó ở chơi nữa, phải
về Nam Định. Cả ba cùng bàn bạc đi đến nhất trí
giấu đến cùng không cho ai biết sự việc này. Tuấn rủ
chúng tôi đến nhà bà Vân bán kẹo củi mua mấy hào cùng
nhau ăn thề giấu chuyện và mừng chiến thắng Hà bá
sông Giăng.
Hết kì nghỉ hè, Tuấn
chia tay gia đình bác và lũ trẻ chúng tôi về quê tiếp
tục năm học mới. Các hè sau không thấy Tuấn vào nữa.
Chúng tôi biệt tin nhau từ đó.
Mùa hè cách đây hơn mười
năm tôi về quê, khi đó tôi đã ngoài năm mươi tuổi
rồi. Gặp bà Muối bán hàng vặt ở chợ, bà đã hơn tám
mươi rồi. Bà mời tôi vào nhà chơi, có thằng cháu ngoài
quê mới vào có hỏi thăm chú đó. Tôi vào đến nhà găp
một người đàn ông đứng tuổi, tóc bạc trắng đang
ngồi uống nước. Cả hai người đều lạ nhau như lần
đầu tiên mới gặp trên đời này. Người đàn ông tóc
bạc lên tiếng trước : “ Chào bác, mời bác vào nhà
xơi nước với nhà em, em là Dương Tuấn mới ở Nam Định
vào thăm gia đình hai bác và các anh chị”. Tôi định
thần nhìn kĩ xem còn nét nào của thằng Tuấn ngày xưa
không ? À đây rồi, vẫn gương mặt xương xương, dáng
người gầy thuở ấy.
Tôi
mạnh dạn hỏi: Tuấn đấy phải không? Có nhớ ai đây
không? Nhớ bến đò sông Giăng không? Giọng Tuấn nhỏ
đi, chùng xuống : “Có phải anh Lê Đông đó không? Tôi
vẫn nhớ anh, nhớ ân nhân cứu mạng tôi cách đây hơn
40 năm. Tôi cứ ao ước vào đây để một lần được
gặp lại anh đấy.” Tuấn cứ luôn mồm xuýt xoa:
“Qủa đất tròn mà! Tôi tin có ngày gặp anh mà!”
Tuấn kể: sau khi học
hết lớp 7, đất nước chiến tranh, Tuấn lên đường
làm nghĩa vụ quân sự. Mấy năm sau sức khỏe yếu được
phục viên về quê lấy vợ, sinh con, làm ăn lương thiện.
Tóc bạc sớm nên Tuấn có biệt danh là “Tuấn Bạc.”
Tuấn nói với tôi: Tôi
cũng đã kể cho vợ con nghe về người đã cứu khỏi
lưỡi hái tử thần sông Giăng ngày xưa ấy. Tuấn cứ
nằng nặc mời tôi: “Mong anh ra chơi cho biết nhà.
Cứ đến Bến xe Nam Định hỏi Tuấn Bạc thì ai cũng
biết, vì tôi giao lưu xã hội rộng rãi lắm anh ạ ”.
Tôi nói có dịp thuận tiện nào đó sẽ đi, nhưng mãi
đến nay vẫn chưa đáp lại được thịnh tình của Tuấn.
Không biết dạo này tóc Tuấn bạc đến mức nào rồi?
Cách đây hơn một năm
tôi có việc kết hợp đi chơi xuống Vinh gặp Ngọc, vui
vẻ lắm. Ngọc cũng đã về hưu, nay hợp đồng làm thêm
ở Phòng tiếp dân của Tỉnh ủy. Tôi hỏi Ngọc: “Ông
có còn nhớ phi vụ đi tắm với Tuấn Nam Định ngày xưa
ở bến đò Bãi Nổi không? Ngọc cười hiền lành: “Nhớ chứ, quên sao được! Thế từ đó đến nay ông đã
để lộ chuyện đó với ai chưa? ”. Tôi hồn nhiên: “Chưa đâu Ngọc ạ, chỉ ba chúng mình và dòng sông
Giăng biết chuyện đó thôi.”
Đỉnh Sơn, 18 / 8 / 2016
Trường Hải Lê Văn
Đông
No comments:
Post a Comment