Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, June 23, 2016

LỜI BÌNH NGẮN (Tập 1) - Phạm Đức Nhì


         
                 Tác giả Phạm Đức Nhì




       LỜI BÌNH NGẮN (Tập 1)

1/ Tô Đông Pha Sửa Thơ Vương Thạch
2/ Chọn Thơ Để Bình
3/ Anh Bằng Sửa Thơ Yên Thao
4/ Ý Tưởng Trong Thơ TTKH
5/ Ý Tưởng Trong Bài Thơ Ngọn Cỏ
6/ Anh Em Trong Ngậm Ngùi
7/ Một Mong Ước Thật Đáng Thương
8/ Phân Biệt Tứ Và Ý
9/ Tiếc Cho Nguyễn Bính
10/ Trạng Quỳnh Nỡm Vua

Lời Nói Đầu
Đây là những Lời Bình Ngắn, đứng riêng rẽ, nhắm vào một câu, một đoạn, một ý thơ riêng biệt. Đôi khi cũng bàn đến một điểm nhỏ (rất nhỏ) liên quan đến Thơ nói chung. Lời Bình Ngắn cũng có khi được trích từ một bài bình thơ hoặc một bài tiểu luận bàn về Lý Thuyết Thơ. Mục đích của việc “cắt nhỏ” như vậy là để “vừa miếng” cho những người mới làm quen với thơ, đang bước đầu tìm hiểu cách thưởng thức một bài thơ, đang tìm cách trả lời câu hỏi “Thế nào là một câu, một đoạn, một bài thơ hay?” Và “Thế nào là một câu, một đoạn, một bài thơ dở?” Một đôi khi cũng có Lời Bình Ngắn hơi “dài”. Lý do: người viết muốn bàn sâu về một điểm đặc biệt nào đó của lý thuyết thơ hay một tiêu chí quan trọng để thẩm định giá trị nghệ thuật của bài thơ.

Xin nhắc các bạn trẻ - đối tượng chính của những bài viết như thế này – nên luôn để mắt vào Cái Đẹp Tổng Thể Của Bài Thơ. Có những câu thơ đứng riêng một góc trời thì rất hay, rất tuyệt. Nhưng khi đưa vào bài thơ thì lại không hợp, có khi còn trở thành vật cản đối với dòng chảy của tứ thơ. Nhận biết được một câu thơ, đoạn thơ hay là một bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, phải đặt câu thơ, đoạn thơ đó vào khung cảnh bài thơ, cân nhắc, xem xét những tiêu chí khác - đặc biệt là dòng chảy của tứ thơ, hơi thơ và hồn thơ - để sau cùng đi đến kết luận chung cuộc, có tính tổng hợp về giá trị nghệ thuật của bài thơ.

1/ TÔ ĐÔNG PHA SỬA THƠ VƯƠNG AN THẠCH
 Vương An Thạch trong lúc du học ở đảo Hải Nam đã làm một bài thơ trong đó có hai câu rất lạ:

Minh 
Nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng 
Khuyển ngọa hoa tâm

Dịch nghĩa:
Trăng sáng hót đầu núi
Chó vàng nằm (trong) lòng hoa

Thi hào Tô Ðông Pha 
tình cờ đọc được, thấy “sai” (trăng sáng làm sao hót trên đầu núi và chó vàng làm sao nằm trong lòng hoa được) nên đã sửa lại hai chữ cuối cho đúng nghĩa hơn.

Minh nguyệt sơn đầu chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm

Dịch nghĩa:
Trăng sáng rọi đầu núi
Chó vàng nằm (dưới) bóng hoa

Chuyện sửa thơ đến tai Vương An Thạch 
(lúc ấy đang là Tể Tướng) nên họ Vương đã bổ nhiệm Tô thi hào một chức quan ở Hải Nam. Sau đó Tô Ðông Pha mới khám phá ra ở địa phương này có loại chim tên là Minh Nguyệt, hay hót trên đầu núi, và có một loại sâu tên là Hoàng Khuyển, chỉ thích nằm trong lòng hoa! Và người kể chuyện kết luận “Lúc ấy Tô Ðông Pha mới biết là mình xớn xác, bồng bột và thấy được cái thâm trầm của Vương An Thạch.
Theo tôi, việc Tô Đông Pha sửa thơ không có gì là “xớn xác, bồng bột” hết. Người đọc thơ, bình thơ – trong thế giới thơ rộng lớn - không thể biết và không có bổn phận phải biết những chi tiết, sự việc chỉ có, chỉ xảy ra ở một địa phương nhỏ bé. Chính thi sĩ - để hoàn thành chức năng truyền thông của bài thơ - phải chú thích để người đọc biết, hiểu những chi tiết, sự việc có tính chất địa phương ấy. Lỗi và trách nhiệm ở đây nằm trên hai vai Vương An Thạch chứ không phải Tô Đông Pha.
                                                                      Phạm Đức Nhì
                                                                nhidpham@gmail.com

2/ CHỌN THƠ ĐỂ BÌNH
Người bình thơ phải tự trả lời 3 câu hỏi:
     1/ Bài thơ có đủ hay, đủ tiếng tăm, đủ hấp dẫn để có thể “mời gọi” độc giả đến với bài bình thơ của mình hay không?
      2/ Bài bình thơ của mình – phân tích, giải thích cái hay, cái dở (nếu có) của bài thơ dựa vào những Tiêu Chí thẩm định giá trị nghệ thuật thơ ca - có đem lại điều gì mới, bổ ích (về thơ) cho độc giả hay không? Lập luận của mình có đủ sức thuyết phục những độc giả hiểu biết, khó tính và cả giới phê bình không?
       3/ Nếu đã có những bài bình trước rồi thì liệu bài bình của mình có đem lại điều gì mới hơn những bài bình đó hay không?
Thơ được chọn bình hầu hết là thơ hay (theo nhận định của người bình) hoặc ít nhất cũng có một điểm gì đó nổi bật như tứ thơ, ý thơ mới lạ, khả năng diễn đạt ý tưởng của tác giả điêu luyện, ngôn từ trong sáng, sang cả, hình ảnh đẹp, được đặt đúng chỗ, đúng lúc làm tăng sức hấp dẫn của bài thơ. Bên cạnh đó có thể còn có sự xuất hiện của những “cầu thủ siêu sao” – những câu, đoạn thơ độc đáo – cách kết thúc đầy ấn tượng, phép ẩn dụ ý nhị, thủ pháp Show, Not Tell khéo léo, cảm xúc dạt dào. Đây là chỗ mà người yêu thơ đọc đi, đọc lại để thưởng thức, còn người bình thơ giải thích, phân tích để chia sẻ cái đẹp ấy với mọi người.
Đã bình thơ là phải có khen chê. Dĩ nhiên, cũng có (nhưng rất ít) những bài thơ toàn bích, còn thì đại đa số thơ được lưu hành thế nào tác giả cũng có một chút “không khéo” ở chỗ này, chỗ khác; người bình thơ cũng phải chỉ ra để độc giả (trong đó có rất nhiều thi sĩ khác) rút kinh nghiệm khi viết những bài thơ sau. Thấy khuyết điểm mà lờ đi vì những lý do không liên quan đến thơ thì, theo tôi, là hành vi “thiếu lương thiện trong văn chương”. Hơn nữa, bình thơ mà bài nào cũng khen tuốt luột từ đầu đến chân thì, nói như nhà văn Châu Thạch, là “nịnh thơ” chứ không phải bình thơ.
                                                                       Phạm Đức Nhì

3/ ANH BẰNG SỬA THƠ YÊN THAO

Tôi đứng bên này sông 

Bên kia vùng giặc đóng

là 2 câu mở đầu trong bài thơ Nhà Tôi của Yên Thao.

Khi phổ nhạc bài thơ nhạc sĩ Anh Bằng sửa lại:

         Tôi đứng bên này sông

         Bên kia vùng lửa khói

Nhà Tôi là tâm trạng hồi hộp, lo âu của một người lính trước giờ nổ súng mà mục tiêu của trận đánh lại chính là ngôi làng bên kia sông, có căn nhà nơi những người thân yêu nhất của mình, bà mẹ già và cô vợ trẻ, đang cư trú. Trước hết, đưa cụm từ “vùng lửa khói” vào không ăn khớp với thực tế trận địa; chưa nổ súng thì làm gì có “lửa khói!” Hơn nữa, chi tiết làng tôi là “vùng giặc đóng” khiến việc đánh bật trại giặc để chiếm lĩnh mục tiêu trong một trận đánh có cả pháo binh sẽ rất nguy hiểm cho căn nhà và những người sống trong đó. Điều này làm nỗi lo của người lính thật hơn, khơi dậy nơi người đọc cảm xúc mạnh hơn. Anh Bằng đã làm tứ thơ dở đi rất nhiều khi thay cụm từ trên.
(Trích trong bài Khả Năng Hiểu Cảm Câu Chữ, Phạm Đức Nhì, t-van.net)

4/ Ý TƯỞNG TRONG THƠ TTKH

Ý tưởng chính, đề tài của bài thơ là một tiêu chí quan trọng để người phê bình đánh giá bài thơ. Ý tưởng hay sẽ nâng giá trị của bài thơ lên rất nhiều. Tôi tạm chia Ý TƯỞNG TRONG THƠ làm 4 hạng (từ cao xuống thấp):

     1/ Nhân bản, cao đẹp, khai phóng, thăng hoa tâm hồn con người, hoàn toàn mới lạ, độc đáo. (Điều này có thể đạt được nhưng rất khó và rất hiếm)

     2/ Tác phẩm xuất sắc nhất đại diện cho một hiện tượng, một lối sống, một cách nghĩ của một giai đoạn lịch sử (đã lác đác có người viết đề cập đến nhưng chưa có tác phẩm nào xuất sắc).         

     3/ Lách, thoát hẳn (hoặc ngược với) dòng thơ Phải Đạo (những suy nghĩ đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong tâm hồn con người).

     4/ Viết theo phong trào, xu hướng chính trị, theo thị hiếu của đám đông, chọn những đề tài muôn thuở chung chung (tình yêu, quê hương …), những con đường đã có hàng triệu dấu chân.

 Vào thời TTKh viết Hai Sắc Hoa Ti Gôn (và 3 bài thơ khác) con người VN còn sống bó buộc trong cái khung của lễ giáo phong kiến: “Liệt nữ bất canh nhị phu” nghĩa là gái chính chuyên chỉ có một chồng. Sự chung thủy là một đức tính, một nguyên tắc ứng xử - chỉ áp dụng cho phái nữ - được hết mực ca ngợi. Đã “đeo gông vào cổ” rối mà còn “tơ tưởng đến ông láng giềng” hay bất cứ người đàn ông nào khác là đã “ngoại tình trong tư tưởng”, là đã phạm một điều đại cấm kỵ, bị xóm làng nguyền rủa, xã hội lên án. Những bài thơ của TTKh đã đạp đổ cái luật lệ khắt khe bất nhân ấy, đã gột rửa lớp son phấn giả tạo của Khổng Giáo trên thân thể người phụ nữ, để lộ ra trước xã hội, trước cuộc đời một Con Người có trái tim, biết yêu thương, nhung nhớ, biết khổ đau. Ý tưởng của mấy bài thơ, lúc ấy, được coi là vô cùng táo bạo, không những thoát khỏi mà còn chảy ngược với dòng thơ phải đạo.

 Trước TTKh chắc cũng có nhiều bậc thức giả đã nhận ra khía cạnh bất nhân trong cái gọi là “tam tòng tứ đức” của đạo Khổng - đã ép buộc nhiều phụ nữ phải gạt nước mắt chia tay người mình hết lòng thương mến, để vì lễ giáo, vì môn đăng hộ đối, vì lệnh của song thân, phải lấy, rồi ăn ở suốt đời với người mình không hề yêu thương - nhưng họ hoặc không dám nói ra hoặc chỉ than thở lén lút và những lời than thở ấy cũng thoảng bay theo gió. Tuy vậy, thi đàn nước Việt có ít nhất 2 tác phẩm đề cập đến sự coi thường tình cảm của phụ nữ trong hôn nhân vẫn còn được lưu truyền: Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều và Cảnh Làm Lẽ c ủa Hồ Xuân Hương.
Tôi có mấy nhận xét sau đây:

     1/ Đối tượng của CONK nhắm vào những cung nữ trong cung đình, chỉ là một bộ phận nhỏ trong cộng đồng phụ nữ của dân tộc. 

     2/Thể thơ song thất lục bát đã không còn được ưa thích và ngày càng ít xuất hiện trên thi đàn.

     3/ Khi tôi viết những dòng chữ này (2016) chế độ phong kiến đã cáo chung từ lâu. Không còn tam cung lục viện, không còn hàng ngàn cung phi, mỹ nữ, có người phải lén rải cỏ non trước cửa phòng với ước mơ xe dê của vua ngừng lại và tấm thân trong trắng ngọc ngà của mình được ngài đoái hoài đến. Ý tưởng chính của tác phẩm - “Tiếng thét oán hờn của trang nữ lưu” - đã không còn tính thời sự, không còn thôi thúc, không gây được ấn tượng mạnh như thời Nguyễn Gia Thiều.

Có lẽ vì thế mà CONK dù vẫn có vị trí trong văn học sử, giá trị và ảnh hưởng của nó phải xếp phía sau mấy bài thơ của TTKh.

 Cảnh Làm Lẽ
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
Năm thì mười họa, hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần, có cũng không ...
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Thân này ví biết dường này nhỉ,
Thà trước thôi đành ở vậy xong.

 (Hồ Xuân Hương)

 Đối tượng của Cảnh Làm Lẽ cũng chỉ là một thiểu số phụ nữ - vì một lý do nào đó - chấp nhận làm lẽ. Thể thơ đường luật chật hẹp quá, gò bó quá nên chỉ mới chạm vào lớp vỏ ngoài của nỗi khổ phải “lấy chồng chung”. Bài thơ gợi được mối thương cảm nơi người đọc nhưng mối thương cảm ấy không lớn, không sâu sắc.

 Trong khi đó đối tượng của mấy bài thơ của TTKh là toàn thể giới phụ nữ. Độ phủ sóng ở đây lớn hơn gấp bội. Thêm vào đó hôn nhân ép buộc kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” đang xảy ra trước mắt mọi người, đang là một vấn nạn lớn của xã hội nên mấy bài thơ ấy – có thể nói mà không sợ bị cho là quá lời – đã góp đặt nền móng cho việc đạp đổ lễ giáo phong kiến của Khổng Tử, làm cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ sau này.
Thể thơ mới phóng khoáng, tự do hơn nên TTKh đã trải tâm sự của mình một cách thoải mái, đầy đủ, sâu sắc. Hơn nữa đội quân chữ nghĩa của bà thế trận chặt chẽ hơn, chia thành 4 đạo quân bao kín trận địa (4 bài thơ) và đã chinh phục hoàn toàn tim óc của người đọc thời bấy giờ.
Dưới cái nhìn của thơ ca hiện đại thì mấy bài thơ của TTKh – dù nhỉnh hơn CONK và Cảnh Làm Lẽ - chỉ ở mức khá hoặc trên khá một chút - nhưng nhờ có ý tưởng nhân bản và táo bạo – đòi lại  quyền làm chủ trái tim mình cho toàn thể phụ nữ - nên chúng, tuy chưa phải là tuyệt tác, vẫn có một vị trí đặc biệt trong văn học sử, trở thành cột mốc quan trọng trên chặng đường tiến hóa của dân tộc.


Ý tưởng trong thơ của TTKH có thể xếp vào hạng 1 và hạng 2 - vừa nhân bản, vừa có giá trị lịch sử.

(Trích trong bài Tản Mạn Về Vai Trò Của Ý Tứ Trong Thơ, Phạm Đức Nhì, t-van.net)

 5/ Ý TƯỞNG TRONG BÀI THƠ “NGỌN CỎ”

Ngọn Cỏ
Tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra

Phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa.
(Nguyễn Thị Hoàng Bắc)
Bài thơ đóng góp một lời kêu gọi mạnh mẽ cho cuộc cách mạng nữ quyền. Phụ nữ hãy vùng lên đòi quyền “đứng đái đàng hoàng” như nam giới. Tứ thơ mới lạ một cách táo bạo. Kỹ thuật thơ vững, nhuyễn, thể thơ có thể nói đã vượt qua thơ mới về số chữ trong câu, vần tự nhiên nhưng hơi “ngọt” (một chút thôi).  Tiếc là câu kết quá dở, “trật bàn đạp”, ngược với dòng chảy của tứ thơ.
Riêng về Ý Tưởng Trong Thơ có thể xếp vào hạng 1 và hạng 3.
(Trích ý trong bài Ngọn Cỏ: Một Bài Thơ Hay?, Phạm Đức Nhì, t-van.net)

6/ ANH EM TRONG NGẬM NGÙI

Ngậm Ngùi do Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Huy Cận rất được dân miền nam và sau này, ở hải ngoại, ưa thích. Cả nhạc sĩ lẫn người thưởng ngoạn đều tưởng rằng đó là bài thơ, bản nhạc tình; hai kẻ yêu nhau, khi bóng đã xế tà, đang tình tự trong một khu vườn hoang vắng. Khi hát, nam ca sĩ thì hát đúng lời của bài thơ, bản nhạc, còn nữ ca sĩ thì tự động hoán chuyển “anh” thành “em” và ngược lại.
Đến năm 2006 “trong chương trình âm nhạc cuối tuần của Đài RFA cũng như chương trình văn học nghệ thuật của Đài RFI, anh Hà Vũ (Cù Huy) khẳng định lại, bài thơ Ngậm Ngùi được viết cho người em gái ruột của nhà thơ mất khi còn nhỏ, độ tuổi trăng rằm, khi nhà thơ đến thăm mộ.” (1)
Và tôi đã viết lời bình cho đoạn cuối bài thơ:
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ
Hồn anh đã chin mấy mùa thương đau
Thế rồi bóng cây đã dài, trời đã sắp tối, nỗi đau thương trong hồn đã chín, trái sầu đã trĩu nặng, thi sĩ vẫn nán lại để cùng cô em gái “sống” một giấc mơ, một kỷ niệm sau cùng trước khi từ giã. Cảnh và tình kết hợp, quyện lẫn với nhau thành một bức tranh thơ rất buồn, rất đẹp.
Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi
Và chàng mơ thấy em tựa đầu lên tay mình như ngày xưa còn bé, mắt nhắm, giấc ngủ bình yên. Ôi! Đúng lúc ấy trái sầu trĩu nặng trong hồn chàng bấy lâu bỗng đứt cuống rụng rơi, biến mất. Người chàng nhẹ nhàng bay bổng; hạnh phúc ập đến choáng ngợp tâm hồn. (1)
Em ở đây không phải người yêu mà là “hồn ma bóng quế” của đứa em gái trong tâm tưởng của nhà thơ. Cho nên khi nữ ca sĩ hát mà tự động hoán chuyển giới tính, thay “anh” bằng “em” thì … trật lất. Thế mà thỉnh thoảng xem TV các chị ca sĩ vẫn cứ ung dung “Tay em anh hãy tựa đầu”, chẳng cần biết “trời trăng mây nước” gì hết thì quả là đáng … sợ thật.

                                                                   Phạm Đức Nhì
                                                            nhidpham@gmail.com

1/ Ngậm Ngùi: Trái Sầu Trĩu Nặng, Phạm Đức Nhì, t-van.net

7/ MỘT MONG ƯỚC THẬT ĐÁNG THƯƠNG

Theo lời kể của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khi đến thăm Xuân Quỳnh thì:
Nhà thơ Xuân Quỳnh rất cảm xúc khi nghe ca khúc “Thuyền Và Biển”. Chị chỉ mong ước giữ nguyên văn câu thơ: “Nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố!” Mong các ca sĩ đừng đổi lại: “Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố”. Chị không muốn xóa đi kỷ niệm buồn đau của mình trong cuộc tình đã qua, và theo chị chắc gì nam giới đã có được tình yêu đằm thắm, đắm say và có lúc bão tố như phụ nữ”(http://vannghenamchau.net/thuyen-va-bien-moi-luong-duyen-giua-nhac-va-tho-huu-du/)
Tôi rất đồng cảm với Xuân Quỳnh về điều mong ước trên. Có điều theo tôi, tại sao lại để chị phải thốt ra những lời mong ước đó? Các ca sĩ nếu có một chút khả năng “hiểu cảm câu chữ”thì phải biết bản nhạc phổ thơ là tâm trạng của người phụ nữ trong chuyện tình của Thuyền Và Biển, thuyền là nam và biển là nữ. Bản nhạc này để nữ hát là đúng nhất, là hợp tình nhất. Nhưng nếu nam thích thì cũng vẫn có thể hát được, miễn là phải hiểu rằng “giọng nam của mình đang được mượn để chuyển tải tâm tình của một phụ nữ”nghĩa là phải hát đúng nguyên văn:

Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố

Chứ nếu đổi lại:

Nếu phải cách xa em
Anh chỉ còn bão tố

thì sai bét. Anh là thuyền chứ có phải là biển đâu mà bão với tố!
Tôi đã vào Youtube nghe vài nam ca sĩ hát Thuyền và Biển. Đáng buồn là nghe 5 ca sĩ hát thì cả 5 đều hát sai.(3) Rất mong các nam ca sĩ xem lại để hát cho đúng. Trước hết, để tỏ lòng tôn trọng Xuân Quỳnh, một nữ sĩ tài danh đã mất, thứ đến để chứng tỏ đẳng cấp nghệ sĩ của mình, có thể hiểu, cảm tâm trạng của tác giả và thả hết tâm hồn vào lời ca, nốt nhạc chứ không phải là người vô trách nhiệm, tự động sửa lời bản nhạc của người ta theo ý mình, chẳng cần biết đúng sai, và cứ thế nhắm mắt hát bừa, hát bậy.

Dưới đây là 5 ca sĩ:
(https://www.youtube.com/watch?v=OlDLsnO4gIE, nam ca sĩ Nguyên Trường)
(https://www.youtube.com/watch?v=zKgiych7wPw, nam ca sĩ Quang Lý)
(https://www.youtube.com/watch?v=hseI9n78c9k, nam ca sĩ Trung Đức)
(https://www.youtube.com/watch?v=zrF1tNqLcvg, nam ca sĩ Cao Minh)
(https://www.youtube.com/watch?v=2-4yQ-EVlEY, nam ca sĩ Ngọc Sơn)
(Trích trong Thuyền Và Biển - Ngọt Bùi Cay Đắng Của Tình Yêu, Phạm Đức Nhì, t-van.net)

8/ PHÂN BIỆT TỨ VÀ Ý

Nếu nói thơ có phần xác và phần hồn, trái với nhận định của một số người, tôi cho tứ thơ thuộc về phần xác. Khi đã có chủ đích viết về cái gì (ý) thi sĩ sẽ chọn cách tiếp cận, cách truyền đạt ý của mình đến đọc giả. Công việc lựa chọn ấy - tìm tứ thơ – sẽ đóng góp lớn cho giá trị của bài thơ nếu tác giả chọn được tứ hay, mới lạ. Dù có vai trò quan trọng như vậy nhưng việc tìm tứ thơ lại do lý trí đảm nhiệm; tứ thơ, và cả ý, đều là sản phẩm của lý trí.

Ý: Điều tác giả muốn nói đến
Tứ: Cách để tiếp cận, diễn đạt ý

Khi tác giả chọn cách nói trực tiếp, nói thẳng vảo điều muốn nói, bài thơ có ý và tứ giống nhau. Ý là tứ, tứ là ý, ý với tứ là một.
Thí dụ:
Anh Lái Đò của Nguyễn Bính
Ý và Tứ là một: Anh lái đò nói về mối tình tuyệt vọng của mình.
Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác
Ý và Tứ là một: Hào khí của một sĩ phu trước cảnh đất nước điêu linh

Khi tác giả không muốn nói trực tiếp, không muốn nói thẳng vào điều muốn nói mà mượn một hình ảnh khác, một sự kiện khác để thố lộ lòng mình, bài thơ có ý và tứ khác nhau. Ý là điều muốn nói; tứ là hình ảnh mượn để thố lộ lòng mình.

Thí dụ:
Ông Đồ của Vũ Đình Liên
Tứ: Ông đồ ngồi bên phố viết câu đối thuê cho khách du xuân. Nay xuân đến, không thấy ông đồ nữa, nhiều người tiếc nhớ.
Ý: Tác giả muốn nói đến nền nho học đang lụi tàn.

Nhớ Rừng của Thế Lữ
Tứ: Con hổ trong vườn bách thú tiếc nhớ những ngày còn là chúa sơn lâm, tự do vùng vẫy nơi rừng sâu núi cao- giang sơn của mình.
Ý: Tác giả mượn lời con hổ để nói đến hào khí, ước mơ của chính mình.


9/ TIẾC CHO NGUYỄN BÍNH

Mỗi lần đọc lại hoặc ngâm nga bài Giấc Mơ Anh Lái Đò trong đầu tôi lại hiện ra một câu hỏi: “Tại sao một tài thơ hiếm có như Nguyễn Bính lại vô ý đến độ đưa chữ “to” rất “thô”, rất vô duyên ấy vào bài thơ?” Chữ “to” ấy đã làm đoạn thứ 3 mất đi danh hiệu “đoạn thơ bày tỏ không kể lại” (show, not tell) và đáng tiếc nhất là do đó, ông đã để vuột khỏi tay chiếc huy chương dành cho thi sĩ có Thi Phẩm Hoàn Toàn Show, Not Tell.


GIẤC MƠ ANH LÁI ĐÒ
Năm xưa chở chiếc thuyền này
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều

Để tôi mơ mãi, mơ nhiều:
“Tước đay se võng nhuộm điều ta đi
Tưng bừng vua mở khoa thi,
Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng
Võng anh đi trước võng nàng
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò.”

Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn…

Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người giả chín quan tiền, lại thôi!

Dẫu sao Giấc Mơ Anh Lái Đò vẫn là một bài thơ rất hay. Đặc biệt là 2 câu kết tuyệt vời, mở cửa đổ cả một dòng thác cảm xúc làm ướt đẫm tâm hồn người đọc và đã lưu lại trong lòng họ rất lâu cái cảm giác đau buồn tê tái của anh lái đò. Tuy không có tuyệt chiêu “thi hóa thân thành họa” như Ông Đồ của Vũ đình Liên nhưng bài thơ có những ưu điểm khác (đặc biệt là đoạn kết) tạo thành một thi phẩm độc đáo, góp phần đưa Nguyễn Bính vào hàng những nhà thơ được yêu mến nhất trong thời kỳ Thơ Mới.

Nói Với Các Bạn Trẻ Yêu Thơ

Show, not Tell là một thủ pháp nghệ thuật ở đó tác giả tránh không nói thẳng ý mình mà cung cấp dữ kiện, chi tiết để người đọc tự suy gẫm tìm ra. Nó tạo cho câu thơ, bài thơ cái vẻ đẹp “lung linh sương khói” và cho người đọc cơ hội tham gia tích cực vào tiến trình đọc và khám phá tứ, ý của bài thơ. Trong GMALĐ Nguyễn Bính đã áp dụng thủ pháp này một cách tài tình. Ông thành công ở 3 đoạn, nhưng ông đã đưa vào bài thơ chữ “to” rất vô duyên làm lộ ý của đoạn 3.
Đoạn kết của bài thơ hay tuyệt
.

10/ TRẠNG QUỲNH NỠM VUA

Ông Trạng mời vua đến nhà chờ ăn món mầm đá rồi sau cùng khi vua thật đói thì đưa ra đĩa rau muống luộc và một cái lọ sành.Vua hỏi thì Trạng Quỳnh trả lời: Đó là món “đại phong”.
Đại phong là gió lớn
Gió lớn thì đổ chùa
Đổ chùa thì tượng lo
Tượng lo là lọ tương.
Và vua ăn cơm với rau muống chấm tương ngon lành.

Tôi có lần kể cho vài người bạn Mỹ nghe thì họ phán thẳng thừng: “Stupid joke.”(truyện cười ngu xuẩn).
Chúng ta thử xem cách liên tưởng của Trạng Quỳnh.
1/ Đại phong là gió lớn: đúng, không có gì bàn cãi.
2/ Gió lớn thì đổ chùa: gió lớn có thể gây ra hàng trăm thứ thiệt hại. Lý lẽ nào bắt óc liên tưởng của người đọc dừng ở chỗ “đổ chùa”?
3/ Đổ chùa thì tượng lo: đổ chủa cũng có hảng trăm hậu quả. Lý lẽ nào để bắt óc liên tưởng của người đọc dừng ở chỗ “tượng lo”?
4/ Tượng lo liên tưởng đến lọ tương thì tạm hợp lý, có thể chấp nhận.

Tôi không hiểu sao cái truyện cười vô lý và ngờ nghệch đến thế mà vẫn được truyền tụng trong nhân gian từ đó đến nay.

Nếu thi sĩ ở đoạn kết của bài thơ có thể mở ra trước mắt người đọc một khoảng không gian rộng lớn để mỗi người có thể nhờ óc tưởng tượng của mình “thả hồn vào mênh mông” – thì, với tôi, là hạnh phúc lớn cho người đọc, cho thi ca. Nhưng để đến được cái chỗ có thể như Nguyễn Khắc Phước:

… chép giấc mơ vào con thuyền giấy
thả trôi vào mênh mông
(Mắt Bồ Câu, Nguyễn Khắc Phước, Văn Nghệ Quảng Trị)

cho hồn thi sĩ bềnh bồng theo dòng nước ra tận tít mù khơi, người đọc phải “vịn” vào mỗi câu thơ để tìm đường đi. Khi bài thơ chưa đến đọan kết, đừng tạo quá nhiều ngã rẽ mà không có lời chỉ dẫn kỹ càng. Xin đừng gợi trí tưởng tượng của người đọc qua những liên tưởng quái đản kiểu Trạng Quỳnh:

Gió lớn thì đổ chùa
Đổ chùa thì tượng lo

có hai điểm dừng, mỗi điểm có hàng trăm ngã rẽ. Người đọc chắc chắn sẽ đi lạc – không bắt được tứ thơ – và bài thơ thất bại. Viết kiểu đó người biết chuyện sẽ cười vào mũi thi sĩ cũng như người ta (có cả người ngoại quốc) đã cười vào mũi Trạng Quỳnh.

                                                                    Phạm Đức Nhì
                                                             nhidpham@gmail.com


No comments: