ĐẠI HỌC FULBRIGHT VIỆT NAM: NHỮNG TRĂN TRỞ BƯỚC ĐẦU
Bài viết của Hoàng Đằng
Ngày 25/5/2016, trong một buổi lễ tại TP. Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Nguyễn Thành Phong trao quyết định thành lập Đại Học Fulbright Việt Nam cho ông Bob Kerry, Chủ Tịch Hội Đồng Tín Thác (President of Trustees Board) của Đại Học Fulbright Việt Nam dưới sự chứng kiến của Bí Thư thành ủy Đinh La Thăng và Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry.
Việc thành lập trường là kết quả của một quá trình thương thảo lâu dài giữ phía Mỹ và phía Việt Nam – từ những năm đầu thập kỷ 1990.
Nhiều người Việt Nam đang có ước muốn gởi con em vào học trường này mong, sau khi tốt nghiệp, với vốn hiểu biết tầm cỡ quốc tế, có được tương lai tươi sáng hơn.
Tôi tìm đọc tài liệu và viết ít điều về trường này với mong muốn cung cấp một số thông tin và nói lên vài ý kiến riêng của mình về trường đại học này.
Tại sao trường có tên Fulbright?
Fulbright là tên một nhà lập pháp Mỹ (1905 – 1995). Năm 1942, ông được bầu vào Hạ Viện Mỹ, tham gia Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện.
Ngay từ năm 1943, ông đã nổi tiếng trên toàn nước Mỹ nhờ thái độ ủng hộ các sáng kiến gìn giữ hòa bình và vận động Mỹ tham gia thành lập tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Năm 1944, ông được bầu vào Thượng Viện và tại vị suốt 5 nhiệm kỳ - mỗi nhiệm kỳ 6 năm. Năm 1949, ông vào Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện. Đến năm 1959, ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện cho tới cuối năm 1974; ông trở thành người giữ chức vụ này lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Chương trình Fulbright được lập ra năm 1946 do sáng kiến của ông và được Quốc Hội Mỹ phê chuẩn thành luật nhằm thăng tiến sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân nước Mỹ và nhân dân các nước khác thông qua trao đổi con người, kiến thức, kỹ năng. Tài trợ Chương Trình có Bộ Ngoại Giao Mỹ (Phòng Giáo Dục & Văn Hóa Vụ), chính phủ một số nước và tư nhân. Chương trình này hiện hoạt động trên hơn 155 quốc gia, hàng năm cấp mới khoảng 6,000 học bổng.
Chương Trình Fulbright triển khai vào Việt Nam từ năm 1992 bằng các hình thức cấp học bổng cho các học giả Việt Nam qua Mỹ và các học giả Mỹ qua Việt Nam giảng dạy, trao đổi kiến thức; cho các sinh viên Việt Nam qua Mỹ và các sinh viên Mỹ đến Việt Nam học tập, nghiên cứu …
Theo thời gian, bang giao giữa Việt Nam và Mỹ nâng cao dần. Xét rằng chỉ có việc du học thì người hưởng lợi phần nào bị hạn chế; thế nên hai bên Mỹ và Việt Nam quyết định mở trường Đại Học mang tên Fulbright ở ngay Việt Nam để người hưởng lợi được nhiều hơn.
Đại Học Fulbright sẽ dạy gì?
Cơ sở Đại Học Fubright được xây dựng trên đất do chính phủ Việt Nam cấp ở thành phố Hồ Chí Minh, còn vốn xây cất và trang bị do phía Mỹ đầu tư.
Theo các quan chức Mỹ, đây không phải là một đại học của Mỹ mà là một trường đại học của Việt Nam hoạt động theo kiểu của đại học Mỹ: độc lập, tự chủ, phi lợi nhuận.
Đại Học Fulbright Việt Nam có liên hệ gần gũi với Đại Học Havard bên Mỹ; tuy nhiên, để sát hợp với hoàn cảnh Việt Nam, trường, dù mang tham vọng xây dựng những chương trình đào tạo chất lượng cao nhất, sẽ vận hành với mức chi phí thấp nhất.
Theo bà Đàm Bích Thủy, Hiệu Trưởng của trường, cấu trúc của Đại Học Fulbright ban đầu sẽ bao gồm 3 trường thành viên:
Trường Quản Lý và Chính Sách Công sẽ cung cấp các chương trình đào tạo sau đại học trong các lĩnh vực như chính sách công, MBA (Master of Business Administration – Cao Học Quản Trị Kinh Doanh), luật, nghiên cứu môi trường và tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực đào tạo khác song song với tiến trình phát triển của trường.
Trường Kỹ Thuật và Khoa Học Ứng Dụng sẽ cung cấp các khoá đào tạo cử nhân và sau đại học trong các ngành như kỹ thuật điện, kỹ thuật máy móc, khoa học máy tính, công nghệ sinh học...
Trường cuối cùng là Trường Fulbright College, nơi sẽ giảng dạy các ngành khoa học xã hội, nhân văn, thậm chí các môn nghệ thuật tự do (liberal arts) như mô hình đại học Mỹ.
Đại Học Fulbright Việt Nam sẽ khai giảng bậc cao học vào mùa thu 2016 với việc mở đơn vị “Trường Quản Lý và Chính Sách Công Fulbright”, sau đó, theo dự kiến, bậc đại học sẽ mở năm 2018.
Chủ Tịch Hội Đồng Tín Thác của trường là ông Bob Kerry, một chính trị gia và một nhà giáo dục Mỹ – người đã có công vận động mở trường. Hội Đồng Tín Thác Đại Học Fulbright Việt Nam đã chọn và bổ nhiệm bà Đàm Bích Thủy làm Hiệu Trưởng trường – người trước đây đã nhận học bổng qua Mỹ học theo chương trình Fulbright; nghe nói Hội Đồng nhà trường chủ yếu là người Việt Nam.
Tranh luận về tư cách Chủ Tịch Hội Đồng Tín Thác của Bob Kerry
Ô. Bob Kerry được Quỹ Tín Thác Sáng Kiến Đại Học Việt Nam (TUIV- Trust for University Innovation in Vietnam ) chọn làm Chủ Tịch Hội Đồng Tín Thác Đại Học Fulbright – cơ quan giữ vai trò gây quỹ, điều hành, quản lý tài chánh của trường.
Quỹ Tín Thác Sáng Kiến Đại Học Việt Nam do Ô. Thomas J. Vallely làm chủ tịch là một tổ chức phi lợi nhuận có sứ mạng thúc đẩy những sáng kiến thể chế cho giáo dục đại học Việt Nam. Quỹ Tín Thác Sáng Kiến Đại Học Việt Nam hỗ trợ sáng kiến Trường Đại học Fulbright Việt Nam bằng cách huy động nguồn lực tài chính và trí thức, quản lý phần đóng góp của chính phủ Hoa Kỳ và tiến hành giám sát dự án.
Hội Đồng Tín Thác nắm tài chánh (controls the financial affairs), mà trong một tổ chức, người nắm tài chánh sẽ có quyền lực mạnh nhất. Chính vì vậy, hiện tại, dư luận đang dấy lên chiến dịch tranh luận sôi nổi về tư cách của ông Bob Kerry khi giữ chức vụ này.
Ông Bob Kerry (sinh năm 1943) là một chính trị gia (từng làm thống đốc tiểu bang, từng làm thượng nghị sĩ, từng ra tranh chức ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ Mỹ 1992), cũng là một nhà giáo dục có kinh nghiệm (Chủ Tịch Đại Học New School, tham gia dự án lập Đại Học Minerva), có uy tín ở Mỹ; chỉ chừng ấy thôi thì quá tốt. Tiếc một điều là trong chiến tranh Việt Nam, năm 1969, ông đã chỉ huy một trung đội đặc nhiệm quân đội Mỹ đột kích vào ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre giết chết 24 người trong số ấy có cả người già, phụ nữ và trẻ con. Chuyện được phanh phui ra năm 2001 bên Mỹ, ông đã thú nhận, đã hối hận, đã xin lỗi nhân dân Việt Nam và tham gia không mệt mỏi vào quá trình vận động bình thường hóa và nâng cao bang giao giữa hai nước.
Khi hay tin ông được chọn giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng Tín Thác Đại Học Fulbright Việt Nam, bà Tôn Nữ thị Ninh (một nhà ngoại giao, một nhà giáo dục Việt Nam) lên tiếng phản đối và gây ra cuộc tranh luận: Chấp nhận hay không chấp nhận Bob Kerry làm lãnh đạo đại học Fulbright Việt Nam. Tuy không có thống kê chính xác, qua các phương tiện truyền thông xã hội, phe chấp nhận có vẻ chiếm đa số.
Về phía nhà nước Việt Nam, ngày 02/6/2016, ông Lê Hải Bình, Phát Ngôn Viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, tuyên bố rằng trong chiến tranh, những đau thương, mất mát của người dân Việt Nam rất to lớn và không gì có thể bù đắp được. Với truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, và trên tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, Việt Nam luôn nỗ lực hợp tác, tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ. Một số cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong nhiều lĩnh vực như ngoại giao, văn hóa, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh để thúc đẩy quan hệ 2 nước và hàn gắn vết thương chiến tranh. Với tinh thần đó, phía Mỹ và lãnh đạo Đại Học Fulbright sẽ có quyết định đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển quan hệ đang rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ, mang lại những lợi ích thiết thực và cụ thể cho nhân dân cả 2 nước. Ngày 05/6/2016, Bí Thư thành ủy Hồ Chí Minh Đinh La Thăng trả lời báo chí: “… Trong vấn đề liên quan đến ông Bob Kerry, chúng ta nên được soi sáng bởi cách xử lý và truyền thống tự trọng, nhân ái, vượt qua thù hận, vị tha và hướng tới tương lai của ông cha ta …”
Về phía nhà nước Mỹ, ngày 08/6/2016, Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius bày tỏ quan điểm ở Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS – Center for Strategic and International Studies) tại thủ đô Washington rằng tranh luận như vậy là lành mạnh, tích cực và Đại Học Fulbright Việt Nam mở ra phần nào để có những cuộc tranh luận lành mạnh như vậy về quá khứ và tương lai mà Việt Nam muốn hướng tới …và ông đại sứ tin rằng cuối cùng người Việt Nam sẽ hướng tới tương lai và thể hiện sự khoan dung. Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam cũng cho biết thêm Đại Học Fulbright là tổ chức độc lập; ban lãnh đạo không phải do chính phủ Mỹ hay chính phủ Việt Nam lựa chọn.
Về phần ông Bob Kerry, trong chương trình Here & Now (Ở đây & Bây giờ) ở đài WBUR – FM của Đại Học Boston, bang Massachusetts ngày 07/6/2016, phát biểu rằng những phản ứng dữ dội về việc bổ nhiệm ông làm Chủ Tịch Hội Đồng Tín Thác Đại Học Fulbright Việt Nam sẽ không thể ngăn ông tiếp tục phát triển trường đại học này.
Chúng ta chờ xem ý kiến của phe không chấp nhận rốt cuộc có hiệu ứng gì không.
Quan điểm của người viết bài này là bỏ qua tội giết người trong khi ra trận năm 1969 của ông Bob Kerry; việc trong quá khứ đã định hình vĩnh viễn, không thể thay đổi được, việc quá khứ chỉ được dùng làm kinh nghiệm để định hình việc hiện tại và tương lai; hơn nữa, giữa chiến trường, súng đã nổ thì thường dân và địch thủ khó phân biệt, người lính không có thời gian để phân biệt. Tuy nhiên, sự phản đối ông Bob Kerry giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng Tín Thác Đại Học Fulbright, suy cho cùng, vẫn có, dù ít hay nhiều, ý nghĩa tích cực. Thời bây giờ, với chủ nghĩa khủng bố và trong các nhà nước cai trị không dựa trên luật pháp, thường dân đang bị chết oan uổng thỉnh thoảng đó đây. Đưa ra tì vết hoen ố lý lịch ông Bob Kerry trong chiến tranh giết hại thường dân được xem như gởi một lời cảnh cáo tới những chế độ, những phe nhóm, những cá nhân xem nhẹ mạng sống con người!
Còn tương lai của Đại Học Fulbright thì sao? Trường học là đào tạo con người giúp ích cho xã hội; giúp ích được nhiều hay ít không chỉ tùy thuộc vào mức tài giỏi của sinh viên tốt nghiệp mà còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ở Việt Nam, hiện nay đã có quá nhiều trường đại học và cao đẳng (700 trường), việc tuyển sinh không theo một kế hoạch nào, số sinh viên tốt nghiệp không tìm ra việc làm hay phải làm những việc không phù hợp với ngành nghề đào tạo của mình quá nhiều; không phải sinh viên tốt nghiệp từ các đại học trong nước không có người giỏi, nhưng Việt Nam hiện thiếu công ăn việc làm, thiếu môi trường làm việc thuận lợi; người làm việc lại thiếu điều kiện và hoàn cảnh trau dồi, phát huy tài năng.
Sinh viên mới ra trường như cây giống; cây giống tốt mà đất trồng không tốt, thời tiết không tốt, chăm bón thiếu thì, khi thành cây lớn, không thể nào cho hoa thơm quả ngọt. Thành thử, Đại Học Fulbright, trong chương trình giảng dạy dự kiến, có những môn, những ngành mà các trường đại học trong nước xưa nay từng dạy thì sợ rằng sinh viên tốt nghiệp Fulbright Việt Nam sau này vẫn không tránh khỏi tình trạng của các sinh viên trong nước hiện nay là khó tìm được việc làm xứng hợp .
Muốn giải quyết khó khăn về việc làm của sinh viên ra trường, ước gì các trường đại học chỉ tuyển sinh theo nhu cầu xã hội và điều quan trọng là Nhà Nước có viễn kiến trong dùng người, trong xây dựng và phát triển đất nước để những người tài giỏi Việt Nam đi du học tìm về, tốt nghiệp đại học trong nước phát huy khả năng; được thế, tiến trình hiện đại hóa đất nước sẽ nhanh hơn và Việt Nam sẽ góp được phần nào vào kho tàng kiến thức của nhân loại với những nhà lập thuyết, những nhà sáng chế, phát minh.
Hoàng Đằng
15/6/2016 (11/5/Bính Thân)
No comments:
Post a Comment