Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, April 18, 2016

KA SÔ LIỄNG MỘT ĐỜI THAO THỨC CÙNG SỬ THI - Cao Vĩ Nhánh




Ka Sô Liễng 
Một Đời Thao Thức Cùng Sử Thi

“Ngọn giáo treo trên vách như rừng cây e-le
Lưỡi mác giắt trên cột như gai cây trim
Lưỡi đao sáng quắc như ánh nắng tháng sáu
Con gái nhiều như hoa pơ - lang nở tháng mười
Con trai nhiều như hoa khơ đo nở tháng ba
Con gái đi đường sông như gió lùa tháng giêng
Chim ghen tiếng hát gái buôn
Gió ghen trai làng tiếng hú
Rầm rập tiếng chày giã gạo
Ục ục tiếng cồng
Tạc tạc tiếng chiêng
Phùm phùm tiếng trống
Đêm không cho rừng ngủ
Ngày không để sông yên”.

Trong tiết trời giao hòa những ngày cuối năm nhà nghiên cứu dân gian Ka Sô Liễng hứng khởi thể hiện đoạn mô tả sự giàu có của nhà Chi Lơ Kok trong sử thi Chi Lơ Kok mà ông tâm đắc. Ở tuổi 80 song ông vẫn còn dáng vóc khỏe khoắn và giọng nói trầm hùng – hình mẫu của một già làng Tây Nguyên. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà những sách và sách giữa vườn rừng lộng gió ở thôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) ông hoạt bát hẳn lên khi nói về sử thi. Ông tâm sự, 17 tuổi ông nhập ngũ vào Trung đoàn 84 rồi tập kết ra Bắc, theo học Trường lý luận nghiệp vụ văn hóa Hà Nội, rồi khoa đạo diễn trường Đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội. Thời gian này ông đã bén duyên một cách mê mẩn với những bộ sử thi Bài ca chàng Đam San, Xing Nhã, Đăm Di của đồng bào Ê Đê; Đẻ đất đẻ nước của người Mường và sử thi Đăm Noi của đồng bào Ba Na. Nhưng phải đến khi Phú Yên tái lập tỉnh, được chuyển về công tác, giữ chức Phó Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Phú Yên ông mới có điều kiện đi điền dã, dành trọn tình yêu hơn cho sử thi (hay còn gọi là trường ca). Có thể nói giai đoạn huy hoàng nhất mà ông toàn tâm, toàn trí, toàn hồn cho loại hình văn hóa dân gian này là khi về nghỉ hưu ở Ea Chà Rang. Không đổ mồ hôi như cày cuốc, gieo trồng trên nương rẫy, thế nhưng công việc tìm kiếm, sưu tầm sử thi qua lời kể của những già cũng vất vả không kém. Ông chia sẻ, các nghệ nhân dân gian còn nhớ và kể sử thi cứ lần lượt về phía bên kia núi. Lo sợ điều ấy, ông lặn lội đi tìm người già để nghe kể lại bằng các hình thức thu âm và ghi chép. Càng làm ông càng say. Có buôn, ông trở đi trở lại nhiều lần mà vẫn chưa ghi chép xong một bài trường ca. Có khi quay lại thì nghệ nhân đã qua đời. Ka Sô Liễng còn lưu giữ nhiều cuốn sổ tay đã ngả vàng với những ghi chép còn chưa đến đoạn kết. Ông cất công lặn lội về các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, các xã vùng cao Sơn Hòa và các buôn làng xa xôi ở Tây Nguyên. Nhớ nhất là chuyến ông đi bộ cả trăm cây số, lang thang tận Đắc Lắc, Gia Lai rồi ngã bệnh luôn ở trên đó, người nhà phải đi tìm, chở về Tuy Hoà điều trị. Nhưng rồi, khỏe lại, ông lại lên đường, tiếp tục cần mẫn với công việc gìn giữ vốn quý cho muôn đời sau này. Từ năm 1995 đến nay, ông đã có các tác phẩm khảo cứu đạt giải thưởng từ tỉnh đến Trung ương. Những bản trường ca tên tuổi sưu tầm được của ông đã khơi dậy tình yêu đồng bào, con suối, ngọn núi, cái rẫy, nhà sàn như: Chi Lơ Kok; Trường ca Chi-Liêu; Chi Bri, Chi Brit

Ông Ka Sô Liễng đang dạy chữ Chăm Hroi cho các em học sinh.

Tiến sĩ Nguyễn Định, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên, người có nhiều năm dày công nghiên cứu về sử thi đánh giá, Phú Yên có trữ lượng sử thi tương đối lớn. Trong hơn 10 năm, với tinh thần làm việc say mê, tâm huyết, nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng đã cho công bố đến 6 sử thi: Chi Lơ KokXinh Chi Ôn (tập I), Xinh Chi Ôn (tập II), Hơbia Tulúi Kalipu, Trường ca Chi blơng, Tiếng cồng ông bà Hbia Lơđă… Sử thi sưu tầm ở Phú Yên, hầu hết là sử thi anh hùng với đề tài chiến tranh, trong đó, phổ biến và tiêu biểu hơn cả là sử thi Chi Lơ Kok. Chi Lơ Kok phản ánh nhiều mặt về vùng đất, con người và xã hội của các tộc người Êđê, Bana, Chăm. Vùng người Êđê, Bana, Chăm sinh sống trên mảnh đất phía Tây Phú Yên từ bao đời nay là một xứ sở xinh đẹp, giàu có.

Tin vui trong dịp đầu năm mới, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng được vinh dự nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là phần thưởng cao quý của Nhà nước dành tặng cho tài năng và cống hiến lớn lao trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa dân gian của những người như ông. Trong chiều sâu cội nguồn văn hóa, tầm vóc và đóng góp của ông được nhiều người ví như cây kơ nia vươn cao trước gió, như cánh chim kơ tia không mỏi, như con ong cần mẫn giữa đại ngàn… Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian và văn nghệ các dân tộc thiểu số Phú Yên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên ghi nhận: “Ông Ka Sô Liễng có thể nói là đấng bậc đặc biệt của Việt Nam về lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. Chúng tôi rất trân trọng vốn hiểu biết văn hóa dân gian sâu rộng của ông. Ông cả một đời cống hiến tận tụy cho cách mạng, cho việc lưu giữ sử thi. Khi trở về là trở về với quê hương, bản quán, có ý thức sâu sắc về việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Ông Ka Sô Liễng luôn khiêm nhường về những đóng góp của mình, là tấm gương sáng khó kiếm về nhân cách, ông luôn đối xử vô cùng thân ái và nhân ái với những người cộng sự, những người trên, kể cả người dưới”.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng tâm sự, mong muốn lớn nhất của ông là các cộng đồng dân tộc đọc được, nhất là lớp trẻ đọc được để thấy được cái hay, cái đẹp của dân tộc mình chứa đựng trong các bộ sử thi. Để thấy rằng tự bao đời dân tộc mình cũng có mơ ước chinh phục thiên nhiên, chinh phục xã hội mà làm ăn giàu có, sống cuộc sống văn minh. Điều ông luôn trăn trở là làm sao để lớp trẻ yêu quý, gìn giữ giữ văn hóa dân tộc mình. Ông lo lắng, hiện nay, do ảnh hưởng của văn hóa hiện đại nên không còn nhiều người có nhu cầu nghe kể sử thi như trước đây. Các nghệ nhân biết hát, kể sử thi đã già yếu, nhiều người đã mang theo “kho báu” về với ông bà tổ tiên mà chưa kịp truyền dạy lại cho thế hệ sau. Đội ngũ trí thức tâm huyết với công việc sưu tầm, nghiên cứu sử thi của các dân tộc có sử thi đang thiếu hụt nghiêm trọng.
CAO VĨ NHÁNH


Địa chỉ: CAO VĨ NHÁNH
Đài Truyền thanh – Truyền hình Sơn Hòa
Huyện Sơn Hòa, Phú Yên. 


No comments: