Tác giả Hoàng Đằng
NÓI SAO CŨNG "PHẢI"!
Sáng
nay, trời dịu mát sau một thời gian dài mưa rét. Cụ Cử thức dậy, cảm thấy trong
người khoan khoái, bấm điện thoại rủ bạn là cụ Nhân đi thăm bạn bè ở một thị xã
xa nhà đến gần 20 km.
Dù
đã hết tháng giêng Âm Lịch, chuyến thăm cũng xem như thăm Tết, vì từ đầu năm
đến giờ, do thời tiết và sức khỏe kém, cụ Cử chưa đi mô xa ra khỏi nhà.
Cụ
Cử năm nay 86 tuổi, cụ Nhân 70. Hai cụ đều là người có học – tốt nghiệp đại học
thuở còn thanh niên. Cụ Cử là cựu chủ tịch xã, còn cụ Nhân là thầy giáo về hưu.
Tuổi già, rảnh việc, hai cụ thường xem TV, đọc sách báo để biết thời sự, hiểu
chính sách đường lối của Đảng và Nhà Nước. Hai cụ còn biết sử dụng Internet, có
lập trang facebook riêng. Trường hợp như hai cụ rất hiếm trong cộng đồng dân
cư; thế nên “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, hai cụ kết bằng hữu
vong niên, thân thiết với nhau.
Hai
cụ quyết định khởi hành sớm để, khi gặp, có thời gian nhiều ngồi chuyện trò với
các cụ bạn trong ấy. Chuyện của các cụ già thì nhiều lắm: chuyện gia đình,
chuyện nghề nghiệp, chuyện làng xóm, chuyện quốc gia, chuyện thế giới ... kể cả
những chuyện tiếu lâm hoang nghịch.
Lớp
trẻ nhìn lớp già, cứ tưởng người già chỉ có chững chạc, khoan hòa, nghiêm túc;
thật ra, người già cũng là người, có đủ thất tình (bảy thứ tình cảm của con
người): mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét, muốn. Người mà không còn những thứ
tình cảm ấy thì đã hóa đá, tim ngừng đập, máu không chảy, não chết; thành thử,
đừng lấy làm lạ thấy người già ngồi với nhau cũng đùa giỡn, rộn vang tiếng nói,
cười.
Cụ
Nhân chở cụ Cử vào Quốc Lộ 1 rồi xuôi Nam. Xe chạy chầm chậm, cụ Nhân gợi
chuyện:
- Trước đây, đoạn đường này vừa hẹp vừa nham
nhở, đầy ổ gà; nay Nhà Nước cho mở rộng, đổ nhựa bóng láng. À mà phải rứa thôi!
Hệ thống đường sá phải đàng hoàng mới có thể làm điểm tựa đưa nước ta sớm thành
một nước hiện đại.
Nghe
hai từ “hiện đại”, cụ Cử nói dông nói dài như muốn trổ vốn hiểu biết của mình:
- Mấy năm trước, các phương tiện thông tin đại chúng
cho biết đến năm 2020, nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại; mục
tiêu ấy hình như không thể đạt được, cho nên Báo Cáo Ban Chấp Hành Trung Ương
khóa XII do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đọc trong lễ khai mạc Đại Hội Đảng
ngày 21/01/2016 chỉ nói: “… Sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp
theo hướng hiện đại …” Nói “sớm” thôi chứ không khẳng định lúc nào.
Chú Nhân coi, nước ta đang đối mặt
với nhiều vấn đề khó mà không phải một sớm một chiều giải quyết được. Ngoài vấn
đề hiện đại hóa để nước ta sánh vai với
các nước tiên tiến trên thế giới, bây giờ còn phải chờ! Còn lắm vấn đề, chẳng
hạn vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng người lãnh đạo cao nhất là Tổng Bí Thư
Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu ý kiến nhận xét về Lời Nói Đầu Dự Thảo Sửa Đổi
Hiến Pháp 1992 ngày 23/10/2013: “… Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ
nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam
hay chưa? …” Thế nghĩa là vẫn phải chờ! Vấn đề thu hồi lãnh thổ bị Trung Quốc
cưỡng chiếm: quần đảo Hoàng Sa mất năm 1974, một phần quần đảo Trường Sa mất
năm 1988; trước mắt nước ta chưa đủ thực lực, nên Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam đã
phát biểu rõ ràng trong buổi đối thoại với các nhà khoa học Việt Nam ngày
17/5/2014 : “Hoàng Sa là của Việt Nam …
Nhất định chúng ta phải đòi lại. Đời tôi, đời các bạn chưa đòi được thì con
cháu chúng ta tiếp tục đòi.” Vậy cũng phải chờ! Vấn đề phòng chống tham nhũng;
tham nhũng là căn bệnh phá đất nước từ trong ra, phải diệt cho được! Ở buổi
tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 06/10/2014, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã dùng
hình ảnh bình hoa và con chuột để minh họa cái khó khăn trong việc chống tham
nhũng: “ … Đánh con chuột đừng để vỡ bình; làm sao diệt được chuột mà bảo vệ
được bình hoa; tức là giữ cho được cái ổn định …” Do đó, diệt tham nhũng phải
làm từ từ, cần thời gian lâu dài; thế nghĩa là cũng phải chờ!
Thời gian chờ lâu hay mau tùy thuộc
vào cái tầm và cái tâm của các nhà lãnh đạo đất nước.
Nếu phải chờ đến các thế hệ sau,
vẫn tốt thôi! Con, cháu, chắt, chút,
chít làm được những việc mà cha ông không làm được, để lại thì đáng được khen
quá đi! “Con hơn cha là nhà có phúc”, chú nờ!
Cụ
Cử nói một mạch, lưu loát, không khác chi một cán bộ tuyên giáo tốt nghiệp từ
một trường chính trị cao cấp được học tập bài bản, chẳng dành khoảng trống thời
gian nào cho người nghe góp ý, trong khi cứ choàng hai tay ôm chặt vào hông cụ
Nhân kẻo sợ xe xốc vượt trên đường gợn đầy sóng do kỹ thuật đổ nhựa chưa tốt,
có thể bị té ngửa. Thật thế, đường, tuy rộng và trông bóng láng, do xe rouleau
compresseur đằn không đều, không phẳng, tạo thành những vồng ngang nhìn bằng
mắt khó thấy, nhưng dễ cảm nhận khi chạy xe. Té ngửa, nguy hiểm lắm; ở người
cao tuổi, não teo đi, tách khỏi vỏ sọ, lúc lắc, giao động chứ không bám chặt
vào thành trong vỏ sọ như não ở người trẻ; nếu đầu va đập, mạch máu não dễ đứt,
gây chấn thương nặng dẫn đến tử vong.
Chiếc
xe máy qua cầu để đến thị xã, cụ Nhân muốn khoe tay lái vững của mình với cụ
Cử:
- Bác thấy chưa? Em lái tà tà, bác ngồi sau
khỏe re, êm re, phải không?
Cụ
Cử chưa kịp trả lời, cụ Nhân ba hoa tiếp:
- Em chạy như rứa khoảng 40 km/giờ. Đoạn đường
này dài khoảng 19 hay 20 km gì đó. Trước kia, xe máy chạy chậm hơn, mất đến 45
phút. Nếu chạy với tốc độ như em hôm nay, có thể bị công an giao thông núp đâu
đó bắn tốc độ rồi chận bắt đòi nộp phạt. Nhưng kể từ 01/3/2016, văn bản mới của
bộ Giao Thông Vận Tải quy định xe máy được phép chạy với tốc độ 40 km/giờ; nhờ
thế, em chạy chỉ mất 30 phút.
Ông
Cử khen:
- Chú mi cập nhật thông tin, giỏi rứa à!
Xe
vừa tới khúc quẹo ở ngã ba Quốc Lộ 1 rẽ trái vào đường xuống thị xã. Đèn đỏ. Cụ
Nhân dừng xe. Quốc Lộ 1 sau nhiều lần chỉnh trang, rộng, chia thành hai luồng,
ở giữa có xây giải phân cách; mỗi luồng có 3 lối chạy (lane), hai lối dành cho
ô tô và một lối dành cho xe máy, xe đạp. Ở luồng chạy vào Nam, nhiều xe ô tô và xe máy dừng
bên cạnh và sau xe cụ Nhân; bên kia, ở luồng chạy ra Bắc, cũng nhiều xe ô tô và
xe máy. Đèn xanh. Cụ Nhân lên ga cho xe rẽ trái để vào đường xuống thị xã, xe
cụ Nhân đến ngang giải phân cách, phải dừng, đợi cho ô tô và xe máy ở luồng
chạy ra Bắc qua xong, cụ mới vào được đường xuống thị xã.
Cụ
“nói trạng” với cụ Cử:
- Bác thấy chưa, em lái xe an toàn không chê
vào đâu được! Bọn trẻ liều mạng, xe tải, xe khách chạy trên đường trường nối
đuôi nhau như thế mà chúng dám lạng lách băng qua trước các đầu xe, có đứa còn
vừa cua xe vừa nghe điện thoại; chúng liều mạng quá, nhanh một vài giây được gì
mà có thể bị tai nạn.
Tuýt
… tuýt … tuýt! Một hồi còi ré lên, một công an giao thông đưa bâton, chận xe cụ
Nhân lại. Anh công an trẻ lắm, khoảng trên 20 tuổi. Anh đưa tay chào trước mặt
cụ Nhân – thế chào làm cho có chứ không nghiêm chỉnh lắm – rồi ra lệnh:
- Bác cho kiểm soát giấy tờ xe!
Cụ
Nhân vẫn ngồi trên yên xe, còn cụ Cử trụt xuống; cụ Cử nghĩ bụng thế nào cụ
Nhân cũng không đem theo giấy tờ. Ở những thị xã nhỏ như ở đây, ít người già có
bằng lái xe, mà dù có, người già lái xe máy đi đâu, thường hay quên hay không
bận tâm mang theo giấy tờ. Hầu hết cư dân quen nhau, người già thường được
kiêng nễ : “Nhất có râu nhì bầu bụng”, và họ lái cẩn thận, chạy chầm. Chưa hề
nghe trường hợp nào người già bị nộp phạt vì vi phạm luật lệ giao thông. Có lẽ
trường hợp của cụ Nhân bây giờ là trường hợp đầu tiên.
Cụ
Cử sờ túi xem có đem tiền theo không. Túi trống không. Hồi sáng, nghe xe cụ Nhân
bóp còi gọi ngoài cổng, cụ Cử, trong lúc vội vàng, đã quên lấy cái bóp luồn
giấu trong bao gối; cụ Cử có thói quen cất bóp tiền trong gối, đêm nằm kê đầu
lên; hiện cái bóp của cụ đang căng đầy, có đến mấy trăm ngàn lận! Tết vừa rồi,
con cháu tới thăm, đứa này lì xì hai chục ngàn, đứa nọ lì xì mười ngàn, cụ chưa
tiêu chi hết. Cụ đưa tay vò đầu, băn khoăn: “Để chú Nhân trả tiền phạt, mình ôốc dôộc lắm! Chú đi chuyến này là bởi
mình rủ; chú ấy đổ xăng, mình đứng nhìn, giờ xe bị phạt vô lý, chú nộp tiền, mình
cũng đứng nhìn, hóa ra mình là kẻ vô trách nhiệm, vô liêm sĩ, không biết tự
trọng.” Trong đời sống, cụ Cử luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, lòng tự
trọng; người mẫu mực phải vậy thôi! Làm việc gì, thành công thì mình hưởng
thành quả, thất bại thì mình chịu hệ quả, chứ không phải việc gì hỏng thì mình
đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. “Quýt làm cam chịu” sao được!
Cụ
Cử đang miên man nghĩ ngợi thì cụ Nhân lôi từ trong túi ra một bì nhựa trắng
nhỏ, trong ấy đựng đủ các giấy tờ tùy thần, cụ thủng thẳng nắn rút, xuất trình
từng giấy một: giấy đăng ký xe, bằng lái xe, giấy bảo hiểm xe. Anh công an chăm
chú xem, cố tìm cho ra một cớ gì đó để bắt phạt; anh dành nhiều thời gian vào
giấy bảo hiểm, hình như hy vọng giấy quá hạn. Nhưng không, hạn bảo hiểm đến cuối
tháng 6/2016.
Cụ
Nhân mỉm cười, đưa tay ra định nhận lại giấy tờ, chào anh công an để đi. Hỡi
ôi! Mô được! Anh công an quay mặt, bước lên vỉa hè, chuyển giấy tờ sang cho một
anh công an khác, rồi nghiêm giọng:
- Bác dắt xe lên vỉa hè, tới gặp anh kia để
làm việc.
Cụ
Nhân và cụ Cử ngạc nhiên, nhìn nhau, không biết tại sao mình còn phải “làm
việc”.
Cái
yên xe mô-tô phân khối lớn – loại xe dùng rượt đuổi những kẻ phạm pháp bỏ chạy
– dùng như cái bàn “làm việc”, một anh công an cũng còn rất trẻ, đang hí hoáy
lập biên bản thu tiền những người đi xe bị chận trước đó. Cụ Nhân, cụ Cử đứng
chờ, nóng ruột vì giờ hẹn với mấy ông bạn đã quá.
Anh
công an ngẩng mặt lên, nhìn cụ Nhân, nói:
- Tôi lập biên bản về trường hợp của anh.
Anh
dùng từ “anh” – từ chuyên dùng trong công việc – chứ tuổi tác cụ Nhân biểu hiện
trên vóc dáng thì cụ có thể ngang trang với ông nội, ông ngoại anh công an.
Cụ
Nhân lịch sự hỏi:
- Trường hợp gì, anh?
- Anh vượt đèn đỏ. Anh cảnh sát tỉnh bơ trả
lời.
Cụ
Nhân phân trần, giọng hơi bực bội:
- Anh nói như thiệt, tôi đã dừng xe bên kia
chờ lúc đèn đỏ tắt, đèn xanh bật, tôi mới cho xe rẽ về đây; anh còn thanh niên
mà mắt kém dữ rứa à?
Anh
công an im lặng. Cụ Nhân đưa tay nhón 3 cái giấy xe của cụ từ trên yên xe - “
bàn làm việc” - của anh công an bỏ vào túi áo. Anh công an bặm mặt, ra lệnh:
- Tại sao anh tự động lấy giấy tờ trên “bàn
làm việc” của công an. Chú trả lại các giấy tờ ấy xuống đây gấp!
Anh
công an mất bình tĩnh, khi thì dùng từ “anh” khi thì dùng từ “chú” để gọi cụ
Nhân. Cụ Nhân vừa nói vừa cười – nụ cười lạnh nhạt:
- Giấy tờ tôi anh đã xem xong, tôi lấy lại.
Anh
công an gằn giọng:
- Giấy tờ chú tôi giữ, chú chỉ nhận lại khi
nào tôi giao. Tôi chưa giao, anh không được phép lấy. Anh tự động lấy, hành vi
ấy có thể quy vào tội “chống người thi hành công vụ”. Tôi sẽ lập 2 biên bản đối
với trường hợp của chú: biên bản 1 là vi phạm luật giao thông, biên bản 2 là
chống người thi hành công vụ.
Cụ
Nhân nổi giận, nói to:
- Tôi vi phạm luật giao thông chỗ nào, tôi
chống người thi hành công vụ chỗ nào? Anh cậy quyền, vu oan cho tôi, tôi sẽ
phản ảnh việc này lên thủ trưởng của anh ở công an tỉnh.
Nói
xong, không chờ phản ứng của anh công an như thế nào, cụ Nhân bước xa ra, bấm
điện thoại di động, áp lên tai, đi lui đi lại; từ miệng cụ, thỉnh thoảng vang
rõ lên những tiếng: “Ờ”, “vâng”. Cụ không đem theo tiền, cụ thông báo tình cảnh
cụ bị giữ cùng xe cho một số con cháu ở gần đây biết. Cụ trở lại chỗ anh công
an đứng. Có lẽ anh công an tưởng cụ đang liên lạc với con cháu đang giữ chức vụ
gì kha khá trong ngành công an để nhờ can thiệp trường hợp này, anh công an dịu
giọng:
- Anh đưa giấy tờ xe lại cho tôi, tôi sẽ cho
anh đi.
Cụ
Nhân mừng, cười, thân mật nói:
- Anh nói, tôi tin anh giữ lời nhé!
Cụ
Nhân đưa 3 cái giấy lại cho anh công an; nào ngờ anh chuồi những giấy tờ ấy vào
trong cặp rồi nói lạnh lùng:
- Anh đi đâu thì cứ lái xe đi; xong việc, anh
ghé lại đồn công an thị xã giải quyết.
- Giải quyết cái gì mới được chứ? Cụ Nhân
to tiếng.
- Bác vượt đèn đỏ 2 giây, vi phạm luật an toàn
giao thông. Anh công an giải thích, run giọng.
Cụ
Nhân thắc mắc:
- Anh có bằng cớ tôi vượt đèn đỏ hai giây đâu.
Nếu anh trưng bằng cớ, tôi sẽ chấp hành ký biên bản nộp phạt ngay; nếu không,
anh phải để tôi đi, kẻo trễ hẹn công việc của chúng tôi chứ! Buồn cười!
Xung
quanh đã vắng người, anh công an rút giấy tờ xe của cụ Nhân từ trong cặp ra,
cầm nơi tay, vừa đưa lên đưa xuống vừa giảng luân lý với cụ Nhân:
- Bác đáng bậc cha mẹ, bậc chú bác của cháu;
bác lẽ ra phải xử sự để làm gương cho những người trẻ tuổi; đằng này, bác giở trò
làm càn, cướp giấy tờ từ “bàn làm việc” của cháu. Thôi, giấy tờ đây, xe đó, bác
đi đi!
Nghe
anh công an nhỏ tuổi dùng những từ “làm càn” và “cướp” để đánh giá mình, cụ
Nhân nổi giận, không kiềm chế được mình nữa, cụ đưa tay chỉ trước mặt anh công
an, nói to trong nhịp thở hổn hển:
- Sao anh láo xược với tôi thế, anh có biết
một trong sáu điều bác Hồ dạy người công an là: “Đối với nhân dân, phải kính
trọng, lễ phép” không. Anh không biết hay cố tình không thực hiện lời dạy ấy,
anh là công an dổm à!
Sắc
mặt anh công an xanh nhợt; anh không ngờ trạm của anh hôm nay lại gặp rắc rối
đến thế - kiểm soát giấy tờ một ông già quá đa sự. Anh đã được thủ trưởng phân
công nhiều lần đứng đường kiểm soát giao thông, anh cũng chận xe, yêu cầu nộp
phạt, đa số răm rắp thi hành, họa hoằn lắm mới có một vài trường hợp nài xin bỏ
qua. Còn sáng nay, không biết “phòng long” gì xui anh gặp phải ông già này.
Không
muốn để câu chuyện giằng co kéo dài vô ích, cụ Cử nắm tay cụ Nhân vừa kéo đi,
vừa ôn tồn khuyên giải:
- Thôi, anh đã cho đi, chúng ta cảm ơn và đi
cho rồi; mục đích của việc nói lui nói tới hồi nãy đến giờ chỉ là làm sao được
đi, đừng bị phạt oan; cãi lý với nhân viên công quyền, ôi, mệt lắm, ích gì!
Thế
là một giờ trôi qua. Bực bội, phiền toái. Lên xe rồi, cụ Cử phân trần với cụ
Nhân:
- Chúng mình đi đúng luật; ở Quốc Lộ 1, đèn
xanh bật, xe chúng mình mới chạy; chỉ việc chú cẩn thận quá, cho xe chạy chậm
để tránh luồng xe chạy thẳng từ Nam ra Bắc ở Quốc Lộ 1 đang ùa tới, vì thế khi
chúng mình rẽ vào đường xuống thị xã thì cũng là lúc đèn đỏ vừa bật lên chận
đường ấy. Công an đứng ở phía đường ấy nhìn và thấy đèn đã đỏ mà mình còn chạy,
họ quy tội mình vi phạm 2 giây. Chúng mình cũng “phải” mà công an cũng “phải”.
Tuy nhiên, việc xử sự ở đời phải vừa dựa theo lý vừa dựa theo tình; anh công an
do sự hăng say của tuổi trẻ hay do áp lực phải thu tiền phạt cho đủ chỉ tiêu
trong ngày công tác mà thiếu thông cảm, đòi phạt tội xe chúng mình, người hành
sử công vụ như vậy quá cứng nhắc. Chả lẽ chú phải liều mạng lách vào giữa luồng
xe đang chạy đường trường, bất chấp nguy hiểm hay sao!
Cụ
Nhân vừa cầm tay lái vừa nghe, không nói gì, có lẽ cụ thấm mệt do đã nói nhiều
với anh công an.
Cụ
Cử nói đùa:
- Sáng nay chúng mình thật là xui xẻo; hồi
đêm, tui không có mụ, khỏi nói; còn chú chắc có tháy máy nhiều ít với thím,
phải không?
Cụ
Nhân thở ra một tiếng dài, chối:
- Ôi chà …! Mụ nơi tui đi thăm con trong Sài
Gòn cả tháng nay rồi, có chuyện nớ mô bác!
Chuyện
không vui xảy ra trong ngày; tuy nhiên, hai cụ không buồn mà đồng ý với nhau
rằng dù sao đó cũng là một trải nghiệm quý hiếm để hiểu thêm mặt trái của cuộc
đời. Ở đời, không phải lúc nào lẽ phải cũng chiếm ưu thế; đời là vậy, lắm bất
trắc.
Còn
đối với cụ Cử, chuyến xuất hành “mè xưa” đầu năm không xuôi ngót; chả sao! “Qua
cơn bỉ cực, đến hồi thái lai”, từ giờ trở đi, chắc chỉ gặp chuyện hanh thông
thôi./.
Hoàng Đằng
13/3/2016 (05/2/Bính Thân)
No comments:
Post a Comment