Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, January 24, 2016

LỜI TỰ SỰ CỦA NGƯỜI ĐƯA GIÓ - Đông Hà





LỜI TỰ SỰ CỦA NGƯỜI ĐƯA GIÓ

Đông Hà đọc tập thơ Người Đưa Gió của Bùi Viết Anh.


Một ngày nào nọ, Bùi Viết Anh bảo tôi rằng anh làm thơ. Tôi cười nghĩ đấy là lời nói đùa. Thời nay thơ không phải là model dành cho người trẻ tuổi. Rồi cũng một hôm nào nọ, Bùi Viết Anh bảo tôi rằng anh in thơ. Tôi bật cười và sau đó là sự tò mò. Tại sao một người trẻ tuổi, làm việc ở một lĩnh vực không liên quan gì đến văn chương nghệ thuật, lại kiên quyết đến với thơ nhường vậy?

Nhưng giờ cầm trên tay tập Người Đưa Gió, những băn khoăn của tôi đã vỡ tan. Bởi ở đó tôi không còn thấy một Bùi Viết Anh của tuổi trẻ bồng bột hay đùa cợt hay đại loại gì đấy mà là một người đàn ông chững chạc đang bắt đầu nói lên tiếng nói của chính thân phận mình.

Với 65 bài trong tập thơ đầu tay của mình, Bùi Viết Anh viết về tình yêu, về cuộc đời, về quê hương như một lẽ tất nhiên. Thơ Bùi Viết Anh không hướng đến sự mới mẻ về hình thức hay nội dung như những người làm thơ trẻ hiện nay đang cố gắng đạt đến. Người đọc khi đến với tập thơ này chỉ được cảm nhận một tấm lòng thơ trong những cung bậc cảm xúc rất đời thường của một con người bình thường. Đó là yêu thương hờn giận, đó là khao khát say mê và đó cũng là xót xa ray rứt trước tình đời, tình người. Trong câu chữ ấy, người đọc có thể thấy được sự si tình của một chàng trai mới lớn trong cách tỏ bày rất riêng:

Em đến phương trời xa tít tắp
Lãng quên
Anh
Một bóng hình lay lắt
Đêm em!
(Đợi)

Thông thường với những người ngoại đạo khi làm thơ với tâm thế “giãi bày cho vui”, người viết hay rơi vào cách thể hiện bằng lối mòn dễ dãi nhưng ở đây Bùi Viết Anh đã biết cách rút chữ đến kiệm lời. Nên câu chuyện tình day dứt nhưng không rơi vào sáo rỗng. Hai từ trong câu kết “Đêm em” như mở ra một không gian thời gian toàn vẹn của nỗi nhớ với nhân vật trữ tình duy nhất là “em” choán đầy. Điều này khiến thơ Bùi Viết Anh mới mẻ và hiện đại không ngờ.

Ở bài “Mối tình đầu”, anh lại trở nên già dặn một cách đáng kinh ngạc. Từ cách chọn lối thơ lục bát truyền thống đến cách dùng từ cho đến cả cách cư xử trong tình yêu đều như thể là một người qua lắm trải nghiệm cuộc đời:

Khóc than cho mối tình đầu
Câu thơ rớt giữa bờ sầu chia ly
Ngậm cười gặp gỡ làm chi
Thiêng liêng môi mặn dành khi đắng lòng

Ba câu thơ đầu là lời than chung cho những kẻ thất tình, nhưng câu cuối bật ra khiến người đọc nhận thấy ở đây một tấm lòng nhân hậu thủy chung. Thất tình mà còn để dành khi đắng lòng thì quả thật, trái tim yêu này mang một tình yêu đẹp kiểu … cổ điển!

Trong “Lạy Kiều”, chàng trai ba mươi tuổi đã có những câu thơ đắng chát nỗi nênh sự tình sự đời:

Kính thưa một kiếp đoạn trường
Kiều ơi xin lạy một đường tình duyên
Ba mươi năm một lời nguyền
Vô duyên! Hẹn gặp ngọc tuyền người ơi

Cái duyên cái tình như thể của người đời xưa. Không những vậy, chữ duyên trong câu thơ còn nghe xót xa như định mệnh “Lỗi duyên hỏi tại trời xanh”. Thời nay, những người trẻ tuổi thường không nặng lòng tin vào duyên kiếp. Mà thơ Bùi Viết Anh vẫn tin vào duyên nợ cuộc đời. Như thể đã qua quá nhiều trầm luân và đạt đến sự giác ngộ của tình trường trong tâm hồn của một con người trải qua nhiều cay đắng.

Nhưng hơn cả trong tập thơ đầu tay này, tôi quý nhất ở Bùi Viết Anh là sự chân thành mộc mạc mà rất thâm trầm da diết trong chất tự sự trữ tình về một cái tôi cá nhân riêng biệt. Đó là giọng điệu của một người trẻ tuổi sớm từng trải trong cuộc đời, sống nhiều để từ đó chắt chiu lên từng vần thơ đầy xúc động:

Tôi là một thằng con trai
Sinh ra vốn gầy gò ốm yếu
Ba mươi tuổi bốn mươi cân chưa vượt nổi
Nên gọi tôi: Một thằng nhãi nhẹ cân.

Một thằng nhãi nhẹ cân
Nên tôi sống với tâm hồn bé nhỏ
Chỉ dám yêu ngôi làng bên dòng sông không chảy
Yêu cây tre đã gãy ngọn tự bao giờ

Những câu thơ như một bản tường trình về sự bé nhỏ của thân phận, sự bé nhỏ của tâm hồn nhưng quả thật, với hai câu: “Chỉ dám yêu ngôi làng bên dòng sông không chảy/Yêu cây tre đã gãy ngọn tự bao giờ” thì quả thật chàng trai nhẹ cân này có một trái tim không hề bé nhỏ. Tình yêu ấy sao mà bao dung, đằm thắm và trìu mến đến vô cùng. Dòng sông thì phải chảy, cây tre thì phải cao ngọn. Vậy mà Bùi Viết Anh đã chấp nhận tất cả những sự thật ngược lại của lẽ tự nhiên đó. Như các một người tình yêu tình nhân của mình thì hẳn nhiên yêu luôn những thói xấu của người ấy. Yêu bằng một tình yêu không cân phân lựa chọn, đó mới chính là tình yêu đích thực, nhân ái và đầy bao dung. Nên thơ Bùi Viết Anh đã vượt lên cái tầm thường để bộc lộ một tâm hồn lớn lao không mấy ai dễ hồ có được.

Ở góc nhìn khác, Bùi Viết Anh đã khiến tôi giật mình khi anh chạm vào một đề tài quá quen thuộc cho biết bao thi nhân tự cổ chí kim, đó là vẻ đẹp của con sông Hương thơ mộng xứ Huế. Nhưng hãy xem cách nói của người làm thơ trẻ tuổi này:

Chiều nay nâng chén ngang mày
Cụng ly sông nhé muôn ngày lại không
Ly này chúc tụng mùa đông
Con sông nằm ngửa nhìn không thấy nhà

Ly này nhấm nháp mùa qua
Văn Lâu giờ vắng tiếng là đà buông

Ly này uống thật, nói suông
Ngàn năm sông vẫn trần truồng đấy thôi
(Uống rượu với sông Hương)

Viết về sông Hương quá nhiều, thơ hay cũng vô kể. Nhưng dòng sông trong cái nhìn của một lần “uống thật, nói suông” mà buột miệng “Ngàn năm sông vẫn trần truồng đấy thôi” khiến tôi quá đỗi bất ngờ. Khó cắt nghĩa câu thơ. Nhưng cảm giác thân thuộc, yêu dấu, gần gụi quá chừng. Không còn khoảng cách, không làm dáng, không “nịnh”, người thơ đang nói với sông như nói với một người nằm trong tình yêu dấu của mình. Thật đấy. Thật thế. Thì cái tình Huế của chàng trai này đã nồng nàn sâu đậm biết bao. Mà cũng táo bạo xiết bao.

Như lẽ thường tình của những người trẻ tuổi, ở tập này, Bùi Viết Anh chọn in nhiều những bài thơ tình. Tuy nhiên tôi lại thích những câu thơ chiêm nghiệm về sự đời của một chàng trai mới lớn nhưng đã kịp trải qua những dâu bể cuộc đời để từ đó viết cho riêng mình những lời thơ tự sự. Đó là cảm giác của  những hư và thực: “Tuổi trẻ qua thời ngông/ Tâm tư đầy thổn thức/ Giật mình mơ và thực/ Âu như là chiêm bao” (Xưa). Hoặc đôi lời của một người đi bước quá dài giờ ngồi ngoảnh lại: “Tuổi người đã ngậm cười/ Còn gì mà mong mỏi/ Những buồn vui trong cõi/ Chỉ còn lại như là…” (Chào thu). Đây là cảm giác của sự từng trải. Và với tuổi đời còn quá trẻ, thì Bùi Viết Anh phải tinh tế để thu nhặt từng cảm giác sống của mình mới có thể có được những ý niệm về cuộc đời như thế.

Đọc Người Đưa Gió, tôi không có ý phẩm bình về tác phẩm này. Bởi thời buổi này người làm thơ nhiều quá, nhưng người trẻ tuổi miệt mài làm thơ thì không nhiều. Và một lẽ dĩ nhiên, với tập đầu tay (và có thể rất nhiều tập về sau, của rất nhiều người làm thơ khác nhau) không thể gọi là hoàn hảo. Một đôi chỗ này nọ, một vài khiếm khuyết thế kia, dăm ba điều chưa ưng ý. Nhưng vẫn có cái cho người đọc thích, thì tôi nghĩ, người làm thơ đã đạt được một cái gì đó trong câu chữ của mình.

Như Bùi Viết Anh đã nói: “Viết sự thật trên đời quá khó/ Trên tình yêu và nhịp con tim” nhưng tôi tin tâm hồn anh sẽ không thỏa hiệp với cái khó mà văn chương bắt đầu dẫn dụ anh đi.
  
                                                                       Đ.H

No comments: