Lê Bá Duy đọc thơ Trương Thị Hằng Nga
Đêm đông
Lạnh
Cầm cập run
Ngoài kia gió bấc,
mưa phùn rơi rơi...
Lần tìm hơi ấm
người ơi!
Lòng nghe mặn chát,
tả tơi lệ nhòa.
Tuột rồi.
Choàng mớ chăn hoa
Ủ cùng
đắp đối
cho qua tháng ngày
Xa rồi.
Đâu hỡi vòng tay?
Xa rồi.
Đâu nữa nồng say
rượu tình!
Bây giờ
cô lẻ một mình
Cầm lòng sao đặng
khi bình minh lên?
Trong bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, mùa nào cũng là đề tài
cho thi sĩ giãi bày tâm trạng. Nhiều thi sĩ viết về mùa Xuân với nhiều cung bậc
tình cảm; nhiều nhà thơ viết về mùa hạ với nỗi nhớ mong cháy lòng và cũng nhiều
tác giả viết về mùa Đông với khát vọng yêu thương ấm áp chân thành. Tôi đã đọc
không ít thơ viết trong mùa Đông, nhưng khi đọc đến bài "Đêm đông"
của tác giả trẻ Trương Thị Hằng Nga, tôi thật cảm động, và những cảm xúc ấy
chợt dâng trào lên mà khó có ngôn từ nào diễn tả cho hết được!
Đêm đông
Lạnh
Cầm cập run
Ngoài kia gió bấc,
mưa phùn rơi rơi...
Hai câu thơ mở đầu với thể lục bát tách ra 5 dòng gợi trường
liên tưởng thời tiết se lạnh của thiên nhiên thường gặp vào mùa đông giá buốt!
Chủ thể tiếp nhận cái lạnh thiên nhiên
thấm vào da thịt, cầm cập, run rẩy đối lập với tự nhiên bên ngoài "gió
bấc" thổi và "mưa phùn rơi rơi". Cái hình ảnh này chúng ta bắt
gặp trong đời thường của biết bao người, nhưng đi vào trong thơ Hằng Nga tự
nhiên như dòng chảy nhẹ nhàng mang cái buốt giá đêm đông. Trong cái lạnh của
thiên nhiên, lẽ thường con người ta tự tìm đến cái ấm để chống chọi với cái rét
khắc nghiệt của thời tiết. Do vậy câu
thư 3 và 4 ra đời như một lẽ tự nhiên vốn có: "Lần tìm hơi ấm người ơi!
Lòng nghe mặn chát, tả tơi lệ nhòa..." Tại sao "mặn chát"? Tại
sao "tả tơi lệ nhòa"? Phải chăng cảnh cô đơn đến xót xa của người phụ
nữ khát khao hơi ấm không tìm được trong cái lạnh. Ngay cả trong cái chăn ấm
người tìm ấp ủ "cho qua tháng ngày" cũng "tuột" ra ngoài.
Nhường cho những hoài niệm, những dòng tâm trạng tuôn trào như dòng sông chảy
về biển cả tình yêu ngọt- đắng:
Xa rồi. Đâu hỡi vòng tay?
Xa rồi. Đâu nữa nồng say - rượu tình!
Tình cảm con người thật kỳ lạ! Những người đang sống bên
nhau thì có thể chưa nhận ra hạnh phúc cạnh mình nên cứ mải kiếm tìm nơi chân
trời góc bể, những người xa nhau mới cảm thấy hết nỗi cách xa thương nhớ, để
tình thương yêu dâng lên với khát khao ấm áp! Thèm cụng nhau chén "rượu
tình" chuếnh choáng men say trong vòng tay say đắm, trao nhau yêu thương nghìn
năm vốn có. "Xa rồi. Đâu rồi hỡi vòng tay?" Hai câu trong một câu
lục, nói lên hai điều: Trước hết là khẳng định "Xa rồi"- Nghĩa là
tình yêu quá khứ đã không còn nữa hoặc có thể "chia xa" - Có lẽ trắc
trở trong tình duyên, một sự trắc trở không ít của các cặp vợ chồng trong cuộc
sống... Nhưng có thể khẳng định rằng nhân vật trữ tình trong bài thơ thật sự cô
độc. Ý thứ hai trong câu này là một câu hỏi tu từ! "Vòng tay" "không còn" không phải hỏi mà khẳng
định! Điệp ngữ "xa rồi" vừa
nhấn mạnh vừa khẳng định kết quả cuộc chia tay, không phải tiếc nuối mà là xót
xa, quặn thắt!
Ý thơ trải dài, lời thơ cô đọng, tình thơ mênh mang pha chút
xót xa chua xót! Hai câu kết khiến người đọc không thể không "cầm lòng" cuốn hút theo tâm trạng tưởng chừng lơ lửng của người
thơ:
Bây giờ cô lẻ một mình
Cầm lòng sao đặng khi bình minh lên?
Lại kết thúc bằng câu hỏi tu từ nhưng lần này khác với tâm
trạng trước. Chính câu hỏi kết bài này giúp bài thơ nâng tầm tư tưởng, hướng
niềm cô đơn khát khao cháy bỏng trở lên tích cực hơn, ấm áp hơn. "Khi bình
minh lên" chính là lúc mặt trời xua đi giá lạnh, mang lại sự ấm áp cho vạn
vật, có cả con người. Và hy vọng ánh mặt trời cũng mang lại ấm áp cho tình yêu!
Bài thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, đằm thắm nhưng để lại trong
lòng người đọc có nỗi buồn xa xót, có tin yêu về tương lai, có hạnh phúc đợi
chờ, có bình minh ấm áp của cuộc sống! Với tôi, đây là một bài thơ hay đáng
trân trọng!
Lê Bá Duy
ĐT: 0169.6506939,
Email: lebaduyph@gmail.com.
Trương Thị Hằng Nga (Moonqt)
sinh ngày 8/4/1974
Quê quán: Gio Việt - Gio Linh - Quảng Trị.
Nghề nghiệp: Giáo viên tiếng Anh
Hiện công tác tại:
Trường tiểu học Hải Dương - Hải Lăng –
Quảng Trị
Điện thoại: 01668830858
Email: agn.moon@yahoo.com.vn
No comments:
Post a Comment