Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, July 22, 2015

Giới thiệu tác phẩm mới "Dấu Chân Xa... Miền Ký Ức" của Nhà thơ Trầm Mặc

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI 
"DẤU CHÂN XA... MIỀN KÝ ỨC" 
CỦA NHÀ THƠ TRẦM MẶC


DẤU CHÂN XA... MIỀN KÝ ỨC (thơ), tác giả Trầm Mặc, Nxb. Hội Nhà văn, 2012.

Thơ Trầm Mặc là cả một thế giới ký ức được gọi về. Đó là ký ức về một vùng quê nghèo khó, về những kỷ niệm tuổi thơ, về mái trường xưa yêu dấu luôn neo đậu trong tâm hồn của những người học trò mang theo mối tình đầu yêu dấu ấy. Có khi trong thơ chị chúng ta lại bắt gặp những chiêm nghiệm, suy tư của một tâm hồn nhạy cảm trước cuộc đời, trước sự biến đổi, va đập của cuộc sống. Lại một lần nữa chúng ta thấy Huế - vùng đất trầm mặc nhưng có sức quyến rũ lạ kì đối với những ai còn vương nợ trần gian. Trong thơ Trầm Mặc, Huế không chỉ là một hình ảnh, một hình tượng mà nó đã trở thành biểu tượng. Biểu tượng về đất mẹ, về quê hương... Đối với Viêm Tịnh thì Trầm Mặc “chọn cho mình một con đường không phải được rải hoa để bước đi cùng cuộc sống, bụi phấn đã với chị trôi theo nhiều năm tháng, để lúc dừng lại mới nói được về một nơi chốn đã hằn sâu trong nỗi nhớ không dứt rời...”.  
(Tạp chí Sông Hương số 288 T.02 – 13)



DÂNG ĐỜI MỘT CHÚT HƯƠNG XA

          Với nhan đề và sự sắp xếp thứ tự theo dòng thời gian cuộc sống, tập thơ “Dấu chân xa… miền ký ức” như những dòng nhật ký rời của Trầm Mặc trong mỗi bước đời vô định; đó là tiếng lòng thổn thức – không che giấu, nồng nàn với từng hoài niệm để rồi chuyển hóa thành những vần thơ, mang âm điệu buồn man mác. Tâm trạng người xa quê, tìm vui bên phấn trắng, bảng đen cùng tiếng cười đàn trẻ. Bao năm miệt mài, một ngày giã từ, về vui thú điền viên nhưng vẫn không quên cái nôi ươm mầm văn học, dù chỉ là hồi động một thuở nào của tiếng chuông:

Vẳng nghe vang vọng tiếng chuông chùa
Màn đêm bao phủ vẫn còn khua
Âm vang ngân nhẹ, buồn muôn thuở
Biển vắng thuyền ơi! Đã ngủ chưa? 
            
Hay những lúc nhớ quê nhà, trái tim chợt rung lên khi ngắm nhìn mưa bụi rơi bên Cấm Thành, bỗng giật mình đếm bước:

Chiều mưa Huế sao mãi buồn ảm đạm
Hoàng Thành kia đã phủ kín rêu phong
Ta lặng đi với giọt nhớ mơ hồ
Chuông xa vọng trong buổi chiều cô tịch… 
            
Đọc thơ Trầm Mặc, bắt ta phải quay lại quá khứ: nỗi ám ảnh của một thời hoa mộng, cứ lảng vảng, quẩn quanh rồi nương náu ẩn tàng một góc phố xưa, mái trường cũ, cô giáo ngày nào ánh mắt nhìn trìu mến…sự phân tâm không phải là vô cớ mà có lý. Bởi miền ký ức, điều đó, ngỡ mòn phẳng từng quãng vắng… lại thoáng hiện bằng cơn khát cháy bỏng đam mê, hồi tưởng:

Đồng Khánh ngày xưa buổi tan trường
Ai đâu đứng đợi ở bên đường
Sánh đôi bước nhẹ chiều mưa Huế
Ơi nhớ làm sao, một thoáng hương 
            
Cảm xúc viết về Mẹ không sao nói hết tình thiêng liêng trời biển ấy. Nghe con vào Đồng Khánh, lòng mẹ sung sướng xiết bao. Thời Trầm Mặc được vào ngôi trường danh tiếng chẳng dễ chút nào. Khi mặc chiếc áo dài duyên dáng Cố Đô, mang bảng tên trường mới qua đò Thừa Phủ, khẽ nhìn từng gợn sóng biếc trên dòng Hương Giang chập chờn, tâm hồn cô gái nữ sinh Đồng Khánh liên tưởng đến nỗi vất vả, lo toan của cha mẹ đã hy sinh, gieo neo chống chèo qua ngày tháng. Vẫn mãi đeo đẳng cho đến ngày xa phương, vẫn mang theo hình bóng thân yêu canh cánh bên lòng. Rồi một ngày mẹ biệt đời hiu quạnh. Niềm vui chợt tắt như ảo ảnh sương khói, công danh như trò đời phù phiếm. Những dòng lục bát ở đoạn cuối bài thơ“Nghe con vào Đồng Khánh” trở thành lời Kinh khổ đầy ước lệ:

Bỗng nghe thoang thoảng hương cau
Mẹ về tiếng gió đêm thâu có còn
Mẹ ơi! Đời mẹ mỏi mòn
Thác rồi lời vẫn bên con tháng ngày
Con nghe gió thổi hây hây
Mẹ ơi lời mẹ đâu đây mà tìm? 
            
Bằng cái tâm bày tỏ, sự cảm nhận qua thơ Trầm Mặc, tập thơ đầu tay dẫu còn khiêm tốn, nhưng cũng đã cho người đọc thấy phảng phất đâu đó một chút hoài cổ đằm thắm, gần gũi và luôn tươi mát, nét riêng mà chị đã khắc họa cho ngôn ngữ thơ mình. Mặc dù khi thơ được xem là nét chạm trổ trên mảng kim cương, rất khó. Được đồng cảm, chia sẻ với chị khi tâm trạng đang ngổn ngang, rối bời giữa hai bờ quá khứ và hiện tại, ta sẵn lòng tìm những hạt ngọc quý, rất mong được mở rộng vòng tay đón nhận.
          
Hy vọng những mùa gặt sau chị sẽ đầy hoa thơm, cỏ lạ dâng đời một chút hương xa.

Ngàn Thương                                                                                    
Thu 2012



TIẾNG LÒNG XIN GỞI LẠI
         
Chốn quê xa của những người xa quê luôn là góc thâm trầm trong ký ức, trong hoài niệm khôn nguôi, trong bất cứ lúc nào không bận bịu vì cuộc sống thì dù đang ở trong mùa nào, Xuân Hạ Thu Đông đều chìm vào hồi ức của vọng tưởng những hình ảnh rất gần gũi, rất thân thiết của riêng mình. Con đường làng in lối mòn năm tháng ấu thơ chạy theo chân mẹ vào chốn chợ quê nghèo, cánh đồng ngát mùi rơm mới sau vụ gặt trơ gốc rạ nhặt từng cánh lúa rơi rớt, cơn mưa chiều thu đã làm nỗi buồn vời vợi bên dòng sông sương khói thơm mùi hương thuở xuân thì. Rồi những ngôi trường, những thầy cô giáo của mỗi thời đi học chất ngất lòng ngưỡng mộ, không rời trong tâm tri, đến những màu vôi cổng trường cũng là sắc màu quá khứ…Từ đó rung cảm đã tạo thành những đợt sóng phủ tràn tâm trí để trở thành chất liệu sống nẩy mầm thơ, Trầm Mặc đã bao năm tháng ấp ủ quá khứ của mình như vậy:

Chiều mưa viễn xứ, nhớ quê hương
Nhớ mưa Vỹ Dạ, nhớ chiều sương
Mây mù giăng kín, bên sông nước
Bến cũ, đêm mưa chắc sẽ buồn
          
Quê nhà của Trầm Mặc không có giới hạn trong tư duy của riêng mình, chị đã gửi gắm lại cho thế hệ thứ hai biết cội nguồn từ nơi mẹ cha đã phải xa ngái đến vùng đất mới tạo dựng cuộc sống, tha thiết đến nao lòng:                                                                                                      

Nhớ nghe con thuở khai thiên lập địa
Ba mẹ cùng tạm biệt Vỹ Dạ xưa
Quê hương thứ hai nuôi con khôn lớn
Có lẽ nào con quên được con ơi!

 Nhìn lại nơi chốn được sinh ra, dậy một tình yêu sâu thắm chất ngất lãng mạn để rồi những câu thơ khơi nét riêng trong tâm hồn chị. Chị đau đáu nỗi đau xa quê, nhưng chị vẫn nhìn lạc quan với vùng đất mới, nơi mà chị hiểu rằng sẽ là chiếc nôi cho gia đình mà chị đã chọn lựa. Và sự chọn lựa thật sự mang lại cho tâm hồn chị được rất nhiều, chị có quá khứ và hiện tại đan quyện vào nhau, hỗ tương cho tâm hồn thơ của chị thăng hoa:

Ta lặng đi với giọt nhớ mơ hồ
Chuông xa vọng trong buổi chiều cô tịch
        
Những tháng năm trải biết bao điều trăn trở để vượt qua, chọn cho mình một con đường không phải được rải hoa để bước đi cùng cuộc sống, bụi phấn đã với chị trôi theo nhiều năm tháng, để lúc dừng lại mới nói được về một nơi chốn đã hằn sâu trong nỗi nhớ không dứt rời, tâm hồn chị mang nhiều niềm đau không bộc lộ, chị cam chịu, tự vỗ về mình bằng ngôn ngữ thơ để lòng nhẹ bớt niềm riêng. Chị đắm mình trong thiên nhiên để được nghe cô đơn mình lan tỏa với bạt ngàn rừng nối rừng suốt dãy biên giới miền Đông:

Chiều nay phố núi, lại mưa ngâu
Mắt ướt, mưa chi mãi giọt sầu
Gởi chút giọt mưa miền đất lạ
Về nơi phố cũ chợ Đông Ba
          
Thơ cho tâm hồn bay bỗng cùng thời gian ta có, Trầm Mặc được như thế, chị đi vào thơ bằng một trải nghiệm rất đằm thắm của thời mỗi mùa hoa phượng rực trời với nắng hạ đất Thần Kinh. Những câu thơ nói lời vui buồn của thân phận, ghi lại những phút giây trái tim thanh xuân rung động một nhịp tình, gõ cửa những ẩn khuất đời người. Thơ Trầm Mặc đã trải bày như vậy.

Huế cuối thu 2012
Viêm Tịnh

No comments: