Tác giả Lão Gàn
CON TIM TRỞ CHỨNG
Trong cái phòng trọ chiều rộng chỉ 3 mét, chiều sâu chỉ 5 mét, nằm bên cô Diễm, ông Trọng ngáy phì phò, tiếng ngáy to đến nỗi người hàng xóm ở cách đó khoảng 5, 7 mét vẫn nghe được. Tiếng ngáy không đều, thỉnh thoảng ngưng một chốc rồi bao nhiêu hơi trong lồng ngực, trong bụng theo đàng miệng phụt ra thật nhanh, thật mạnh và tiếng ngáy nghe trở lại.
Cả đêm, cô Diễm – vợ ông Trọng - trằn trọc qua về. Nghe ngóng đứa con riêng của mình ở giường bên kia đã ngon giấc, cô nghiêng người, xoay mặt áp sát vào thân ông Trọng, đưa tay nhẹ nhàng vuốt xuôi rồi vuốt ngược trên đầu ông – cái đầu lưa thưa tóc, chỗ có chỗ không. Cô ngồi dậy, trong màn tối, mằn mò mở các khuy áo của ông; bàn tay cô đi một đường nhẹ trên thân mình ông từ cổ xuống ngang rốn, dừng lại đó. Rồi như có cái gì thôi thúc, cô bạo gan, luồn tay vào quần ông, xoa nhiều lần; ông vẫn nằm yên, cô không nhận được một phản ứng gì đặc biệt, cô nằm ngửa lại, thở ra một tiếng thật dài.
Cô Diễm tục hôn với ông Trọng đã mấy tháng rồi. Tuy độ chênh tuổi tác rất lớn, hai người vẫn xưng hô với nhau “anh anh em em” ngọt xớt. Mỗi tháng, sau khi nhận tiền hưu, ông Trọng đưa cho cô Diễm năm triệu bạc phụ vào để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình.
Ông Trọng sinh năm 1921 – tuổi Tân Dậu - tại một làng quê nghèo miền Trung Việt Nam. Thuở ấy, thực dân Pháp đang đô hộ nước ta. Năm 1939, Chiến Tranh Thế Giới II bùng nổ, quân Phát Xít Đức đánh chiếm nước Pháp rất nhanh; thanh niên Pháp, theo lệnh tổng động viên, lên đường bảo vệ chính quốc. Đế quốc Pháp cần lao động làm việc trong các công binh xưởng, yểm trợ chiến trường; thế là thanh niên từ các thuộc địa bị bắt sang Pháp sung vào lực lượng này.
Ở Việt Nam, chính quyền ra quy định là gia đình nào có nhiều con trai trưởng thành phải nộp một người. Gia đình Ông Trọng đông anh em trai; lúc ấy, ông Trọng đã 18 tuổi, thân hình cao to, dáng vẻ khỏe mạnh, được lệnh phải gia nhập vào đoàn quân sang Pháp làm lính thợ.
Tội nghiệp cho hoàn cảnh của ông! Ông đang tính chuyện trăm năm với một cô gái làng. Tuy lễ hỏi, lễ cưới chưa tổ chức, bố mẹ ông đã đôi ba lần sang thăm bố mẹ cô gái, lần thì cặp bánh đường đen, lần thì be rượu, lần thì miếng thịt heo …; thủ tục ấy ở thôn quê được gọi bông đùa là “bỏ nhành nè” – nhánh nè chận lối tấp đường những nhà khác có con trai đừng vào nữa.
Cuộc sống chồng vợ sau lũy tre làng, sáng ruộng chiều nương, đối với ông Trọng, tưởng không còn xa nữa. Oái oăm thay chiến tranh! Vậy là ông phải xa nhà.
Một sáng mùa đông, trời lạnh lắm, mưa lất phất, ông Trọng lên đường, cô gái theo tiễn; chiếc nón ngả màu nghiêng che một nửa khuôn mặt; cái tơi xoay cản rét, che khuất cả quần áo; dáng bước bẽn lẽn; đôi má ửng hồng. Hai người đi cách nhau một khoảng khá xa; ông Trọng đi trước, cô gái theo sau, thỉnh thoảng, ông ngoái cổ nhìn lén người mình yêu.
Gần tới cổng làng, bỗng ông bước chậm lại, cô gái bắt kịp. Hai người sắp chia tay; đảo mắt nhìn, thấy không ai để ý, ông chuồi vào tay cô gái cái gì đó mà từ nãy đến giờ ông nắm chặt trong tay mình. Cô gái bịn rịn, đưa tay lên dụi mắt; hai mắt đỏ hoe, nhấp nháy lia lịa, nước mắt túa ra mấy giọt lăn chầm chậm xuống đôi má, tựa như hai viên ngọc.
Ông Trọng được chở vào tỉnh lỵ, nhập với đồng đội tuyển từ các làng khác trong tỉnh. Dù là lính, cả đoàn thanh niên ngơ ngác, vẻ mặt lo lắng, không lộ một tí gì hào hùng; đúng là dân thuộc địa bị cưỡng bức đi lính bảo vệ chính quốc.
Đoàn tân binh được hướng dẫn lên tàu hỏa. Tàu rời ga vào một buổi chiều, bầu trời xám xịt, tàu hú còi, đầu máy chuyển động, khởi hành. Hàng toa dài kết nối với nhau lăn bánh vang âm thanh “xụt xịt” ồn ào, nghe uất nghẹn như tiếng khóc nức nở của những người con chào từ giã quê hương để đến một nơi lạ lùng, xa lắc xa lơ.
Tàu đến Hà Nội. Trong sân rộng của một doanh trại, mấy chục ngàn lính tân tuyển từ khắp các tỉnh ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ tập trung, phân thành tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn rồi tuần tự xuống cảng Hải Phòng. Tại đây, một chiếc tàu thủy lớn há miệng nuốt vào cả đoàn người không khác chi một con cá mập đang nuốt mồi.
Tàu thủy rít mấy hồi còi dài rồi từ từ ra biển lớn. Tàu lênh đênh trên đại dương. Nhiều lúc, ông Trọng cảm thấy buồn da diết, buồn vì nhớ quê hương, buồn vì nhớ người thân, nhất là nhớ cô vị hôn thê ở làng; ông thường ngồi trệt giữa sàn tàu, hai tay choàng ôm trọn hai đầu gối chống lên, mặt úp xuống, khóc thầm; ông cứ tưởng tượng nếu chiến tranh không xẩy ra, giờ này ông đã cưới vợ; ngày đêm kề vai sát cánh cùng người vợ thân yêu tạo dựng một tiểu gia đình hạnh phúc. Ông che giấu nỗi buồn, không muốn cho ai biết lòng mình như thế nào vì e ngại người ta chê cười mình là thanh niên mà quá yếu đuối về tình cảm.
Bốn tháng sau, tàu cập cảng Marseille – một cảng ở miền Nam nước Pháp bên bờ Địa Trung Hải.
Lúc chia tay, cô gái ở quê nhận mảnh giấy xếp tư có dòng chữ: “Em cố gắng đợi, chắc chắn không lâu nữa anh sẽ về. Dù chân trời góc bể nào, hình bóng em vẫn luôn trong tim anh”. Ông Trọng đã học xong bậc Yếu Lược; hồi ấy, những ai đậu bằng Yếu Lược đã có trình độ tương đối khá, đặc biệt là chữ viết phải ngay ngắn, rõ ràng; vậy mà chỉ chừng ấy chữ, ông Trọng lại viết nguệch ngoạc, nét chữ run rẩy, chắc lúc viết, ông mang tâm trạng bối rối, bồi hồi lắm.
Dù ông Trọng và vị hôn thê chưa một lần trực tiếp nhỏ to tâm sự, qua nhiều lần bố mẹ thăm viếng nhau, tình yêu đã có chỗ dựa để nẩy nở trong con tim của mỗi người. Thời đó, việc dựng vợ gả chồng hoàn toàn do cha mẹ hai bên định đoạt, tình yêu của đôi lứa thường đến sau sự dàn xếp của bố mẹ. Bây giờ thì khác, trai gái tìm những nơi kín đáo, tối tăm, tâm tình trao đổi, tình yêu bùng ra lửa mới cậy bố mẹ đôi bên tác hợp. Ngày xưa ấy, bố mẹ kén vợ, chọn chồng cho con dựa vào khá nhiều tiêu chuẩn: dòng giống, nết hạnh, sắc diện, công ăn việc làm; nhờ được kén lựa kỹ vậy, vợ chồng dễ có cuộc sống hạnh phúc lâu dài, trường hợp đổ bễ ít - ly dị, ly hôn hiếm khi xẩy ra. Còn thời nay, việc tạo lập gia đình là do con tim của trai gái thôi thúc. Trai, gái mới lớn làm sao tránh khỏi bị lèo lái do sự bồng bột của cảm tính, sự mù quáng của con tim.
Đọc những dòng thư nhắn nhủ của ông Trọng, cô gái quê cảm động lắm, ngày đêm thầm thương trộm nhớ. Thân thể hao gầy, phát bệnh và qua đời hai năm sau khi ông Trọng đi xa.
Nhận được tin nhà báo qua vị hôn thê của mình không còn nữa, ông Trọng buồn rũ rượi, cuộc sống mất định hướng.
Rồi Chiến Tranh Thế Giới II kết thúc (1945), lính thợ được lệnh hồi hương, ông Trọng xin ở lại; đối với ông, hình ảnh vị hôn thê chính là quê hương, thúc giục ông sớm trở về để hiện thực hóa những gì trong lời nhắn mà ông viết gởi lại ngày ra đi; nay người ấy không còn, ông trở về làm chi nữa để đối diện với mất mát, buồn đau, lẻ loi.
Ở lại Pháp, ông được giao nhiệm vụ chỉ huy nhóm lính thợ Đông Dương đến khai phá vùng Camargue trồng lúa gạo. Dự án tiến triển tốt, một vùng đầm lầy chẳng bao lâu biến thành đồng lúa phì nhiêu.
Ông lấy vợ người Pháp và sinh được hai người con: một trai, một gái. Gia đình bên vợ thuộc giới trung lưu; hai vợ chồng ông có công ăn việc làm đàng hoàng, tạo lập được cơ ngơi tử tế. Ông đã là dân Pháp, hưởng hạnh phúc bên vợ con; ông muốn quên và, với thời gian, thật sự đã quên nơi chôn rau cắt rốn; ông chưa một lần về thăm cái làng quê nghèo nơi ông sinh ra và lớn lên. Hai con ông trưởng thành, học hành thành đạt; hiện tại, cậu con trai tên Jean đã 67 tuổi là giáo sư đại học, cô con gái tên Sylvie đã 64 tuổi là bác sĩ. Hai người con có gia đình riêng, định cư ở các thành phố rất xa nơi ông bà ở; do công việc, họ cũng ít về thăm ông bà. Trong ngôi biệt thự lọt giữa một vườn hoa bốn mùa rực rỡ, hai ông bà già sống với nhau, cảnh trông vắng lặng đến nỗi người ngoài cảm thấy lạnh lẽo.
Cách đây mấy năm, người vợ Pháp của ông qua đời do tuổi già; ông sống một mình. Con ông hợp đồng thuê người, hàng ngày, tới dọn vén nhà cửa và săn sóc ông bán thời gian. Đêm về, ông nằm gác tay lên trán, suy nghĩ cách giải quyết phần còn lại ít ỏi của cuộc đời. E đằng nào ông cũng phải vào nhà dưỡng lão thôi!
Một đêm nọ, chưa ngủ được, nằm thao thức, bất chợt, ông nảy ra một ý tưởng chưa từng đến trong đầu. Phải về thôi, về Việt Nam, về với nơi chôn rau cắt rốn, về để đến ngày lâm chung mộ chôn được nằm bên cạnh mộ cha mẹ, ông bà … về để có dịp xin lỗi các Ngài vì đã bỏ các Ngài ra đi gần 80 năm rồi không đoái hoài lui tới.
Ở quê nhà, anh em ông đều qua đời hết, chỉ còn đứa cháu trai đã trên 70 tuổi gọi ông bằng chú đang ở trong khu vườn xưa. Các cháu khác đứa thì tha phương cầu thực trong Nam Bộ hay trên Tây Nguyên, đứa thì đã chết trong cuộc chiến dai dẳng mấy chục năm trên quê hương. Mảnh vườn xưa khá rộng, đến 2000 m2 lận. Ông Trọng viết thư về cho đứa cháu, trước là thăm hỏi, sau giải bày tâm nguyện của ông.
“Ngày ….
Cháu thân,
Chú là chú Trọng bên Pháp đây. Cháu nhận thư này chắc lấy làm ngạc nhiên lắm vì lâu nay chú cháu mình chưa hề liên lạc với nhau lần nào. Chú tin là ở quê đại gia đình mình vẫn bình an. Chú gởi lời thăm hỏi gia đình cháu và bà con họ hàng làng xóm .............................. .............................. .............................. .....
Sau đây, chú muốn hỏi ý kiến cháu một việc như sau:
Hiện tại, chú sống một mình. Thím đã mất, hai con của chú thím - em của cháu - định cư xa. Chú muốn về quê, chú đã 95 tuổi rồi – tuổi gần đất xa trời. Chú muốn khi qua đời được chôn bên cạnh ông mệ. “Chim có tổ, người có tông”. Chú như con chim, bay kiếm mồi khắp bốn phương trời, nay mỏi cánh, muốn về tổ ấm nghỉ ngơi.
Chú về. Ở chung với cháu, chú ngại bất tiện, chú sợ phiền cháu vì cuộc sống gia đình cháu nhiều hay ít sẽ xáo trộn, và cũng phiền chú vì chú không được thoải mái.
Chú muốn cháu dành cho chú một khoảnh đất trong vườn, chú sẽ cho xây một ngôi nhà nhỏ, nội thất trang bị đầy đủ tiện nghi. Chú sẽ ở đó, gặp trái gió trở trời, có gia đình cháu bên cạnh chạy qua chạy lại. Mai kia mốt nọ, chú qua đời, ngôi nhà sẽ là nơi thờ phượng chú; và một đứa nào trong số các con của cháu ở đó để lo hương khói cho chú.
Chú mong thư này sẽ đến tay cháu và sớm nhận được hồi âm của cháu.
Chú của cháu
Trọng”
Người cháu nhận được thư, mừng quýnh, đi đâu, gặp ai cũng khoe có ông chú Việt kiều ở Pháp sắp về.
Do hậu quả của chiến tranh, đời sống nông thôn thiếu thốn, ai có bà con thân thuộc sống ở nước ngoài lâu lâu nhận được quà, hãnh diện lắm. Người cháu nghĩ thầm trong bụng: ông chú về ở cạnh mình, các con ông ấy thỉnh thoảng về thăm, nếu không về thăm được, cũng gởi tiền về để nhờ chăm sóc bố của họ, số tiền thế nào cũng khá, chi tiêu cho nhu cầu của ông xong chắc chắn có phần dư. Xa hơn về tương lai, mồ mả của ông ở đây, đời cháu, đời chắt của ông thế nào cũng sẽ quan tâm.
Người cháu viết thư phúc đáp, lời lẽ tha thiết:
“Kính chú,
Cháu rất sung sướng khi nhận được thư chú. Từ trước đến giờ, chú luôn hiện diện trong tâm trí cháu dù ngày chú ra đi cháu còn quá nhỏ dại chưa biết rõ mặt mày chú như thế nào.
…………………………………………………………………………..
Chú sớm sắp xếp về đi, chú không muốn ở chung với cháu, cũng được thôi! Với tiền chú gởi về, cháu sẽ cho xây một ngôi nhà vào vị trí nào đẹp nhất trong vườn để chú dưỡng già. Gia đình cháu sẽ phục vụ chú mọi nhu cầu hàng ngày; cha cháu không còn, người đời nói: “Mất cha còn chú, mất mẹ bú dì.” Chú được coi như cha của cháu.
…………………………………………………………………………..
Cả gia đình cháu và bà con làng xóm đang chờ ngày đón chú hồi hương.
Cháu của chú”
Chiếc Boeing 777 của hãng Air France hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất – Thành Phố Hồ Chí Minh. Cùng mấy trăm hành khách, ông Trọng cùng cô Sylvie – con gái ông – xuống máy bay. Ông Trọng trông rất phương phi, da trắng hồng, râu cằm và râu mép nắn tỉa, chải chuốt tươm tất, đúng là một ông già đẹp lão. Ông bước, một tay có cô Sylvie dìu, còn tay bên kia chống cái gậy. Vào gần cửa ra, để người đón nhận diện, cô Sylvie đưa cao tấm giấy cứng màu trắng có ghi vỏn vẹn 2 chữ: ÔNG TRỌNG. Mới ra khỏi cửa, ông Trọng được người cháu xông tới ôm choàng, hôn vào má thắm thiết nhiều lần.
Gia đình người cháu gồm hai vợ chồng cùng hai con lớn từ quê vào đây để đón ông. Hai người con của cháu ông, mỗi đứa cầm một bó hoa, trao mừng ông và cô Sylvie. Trên đường về quê bằng chuyến bay nội địa, đoàn người râm ran thăm hỏi nói cười; cô Sylvie không biết tiếng Việt, ngơ ngác, ông Trọng phải đóng vai thông dịch.
Nhà xây cho ông Trọng về ở chưa xong, mới hoàn thiện một phòng và cái toilet. Dự toán ngôi nhà là 500 triệu đồng; ba tháng trước, để khởi công, người cháu ông đã nhận, theo đường chuyển tiền Western Union, 12.000 Euos, quy ra tiền Việt Nam là 300 triệu. Lần này, trước khi trở về Pháp, cô Sylvie đã giao nốt số tiền 200 triệu cho ông anh họ.
Trong lúc các kíp thợ đang tiếp tục công việc, ông Trọng vào ở cái phòng vừa làm xong. Trên cái giường lót nệm, trải ra (drap) trắng tinh, tấm chăn và chiếc gối màu nâu nhạt ủ nước hoa, bốc mùi thơm phức; sát tường, cái tủ áo bằng gỗ gụ đánh BU bóng láng; gần giường, cái bàn vừa dùng để dọn ăn uống vừa để đọc và viết phủ chiếc khăn rực rỡ hoa văn; bên cạnh, hai chiếc ghế dựa có lót nệm ở chỗ ngồi và ở chỗ tựa lưng.
Hàng ngày, cứ đúng 7 giờ sáng, 11 giờ trưa và 6 giờ tối, vợ cháu ông bưng phần cơm nước qua đặt lên bàn, vòng tay, cất lời mời:
- Cháu mời chú dùng bữa.
Phần cơm dành cho người cao tuổi, không có chi cao lương mỹ vị, nhưng trông lúc nào cũng sạch sẽ tươm tất: một tô nhỏ cơm, một tô canh khi nấu cá khi nấu thịt, một dĩa đồ kho mặn và một dĩa đồ xào cộng thêm đồ uống là một lọ sữa Ensure.
Tuổi già cộng thêm môi trường sống thay đổi, ông Trọng thường nhức mỏi trong người. Chiều chiều, ông gọi taxi đến, chở ra một khách sạn ngoài phố để mát-xa (massage) cho máu huyết lưu thông.
Cô Diễm, người phục vụ ông, trước đây tốt nghiệp kỹ thuật viên vật lý trị liệu, hiện vừa công tác tại bệnh viện tỉnh vừa tranh thủ làm thêm tại khách sạn. Cô mới khoảng trên 40 tuổi, ly dị chồng, có một con, hai mẹ con ở thuê tại một phòng trọ; khuôn mặt trái xoan, đôi má hồng hồng, miệng luôn nở nụ cười rất tươi, cô dễ gây cảm tình ở người tiếp xúc; cũng vì ưu điểm ấy nơi cô, người chồng cô ghen tuông, hậu quả là hạnh phúc vợ chồng tan vỡ. Cô Diễm có cái duyên ngầm níu kéo khách; nhiều người từng được cô mát-xa (một hình thức tập vận động trị liệu), khi xa cô thì nhớ đến nỗi dù không có vấn đề gì về sức khỏe cũng đến khách sạn chịu tốn một số tiền để được gần cô.
Ông Trọng đến khách sạn, nằm sấp trên giường; hai bàn tay mềm mại của cô vuốt vào hai bên sống lưng của ông từ trên xuống dưới rồi từ dưới lên trên, người ông chuyển từ cảm giác khoan khoái sang ngây ngất. Ông Trọng nằm ngửa, cô khom người lên ông, hai bàn tay cô nắm hai bàn tay ông kéo thẳng vô ra theo chiều ngang, rồi duỗi lên xuống theo chiều dọc. Cô quỳ dưới chân ông, hai tay nắm, nâng đôi chân ông lên xuống, qua về; trong động tác tập, da thịt cô đụng vào da thịt ông, ông cảm nhận như hai dòng điện âm dương chạm nhau; mùi thơm từ mái tóc, thân thể cô bốc lên thoang thoảng len vào mũi tạo ra một cái gì đó kích thích làm cho ông phấn chấn, tươi tỉnh, khỏe khoắn cả người..
Đến khách sạn, cứ mỗi lần, ông Trọng phải tiêu tốn tiền taxi lượt đi lượt về hết 200,000 đồng, lại phải mất thời gian chuẩn bị: thay quần áo, gọi xe … vừa mất công vừa phiền phức. Ông nảy ra sáng kiến, mời cô về phục vụ tại nơi ông ở, cho tiện.
- ÔÔng già rồi, việc đi lại khó khăn. ÔÔng muốn cháu tranh thủ thời gian đến nhà tập cho ôông, được không? Cháu có xe máy, chắc được hi? Ông Trọng gợi ý khi đang nằm trên giường tập ở khách sạn. ÔÔng không để cháu thiệt thòi công lao mô! ÔÔng sẽ thanh toán đích đáng từng buổi tập cho cháu.
Cô Diễm nhận lời. Tới nhà tập cho ông, cô sẽ nhận nguyên tiền, không như ở khách sạn, tiền công của cô bị trích bớt.
Ở nhà ông, trong căn phòng riêng, chỉ có hai ông cháu. Mỗi buổi tập, cô Diễm được ông trả 500,000 đồng – số tiền gấp mười lần số tiền mà cô nhận qua ban quản lý khách sạn sau mỗi lần tập cho khách.
Khoảng hai tháng sau, ông Trọng báo cho cháu ông:
- Chú sống cô đơn quá, chú thấy con kỹ thuật viên vật lý trị liệu đến tập cho chú dễ mến, lại rành việc săn sóc người cao tuổi, chú có hỏi ý nó và nó đồng ý về đây ở với chú làm ôông làm mụ, săn sóc chú trong tuổi già.
Nghe nói vậy, người cháu sửng sốt, không biết xử trí sao. Nếu cô ấy làm vợ ông, khi ông lâm chung, ngôi nhà sẽ do cô ấy thừa kế. Ngồi xuống bên ông, người cháu giải bày thiệt hơn:
- Chú gần đất xa trời rồi, tính chuyện lấy vợ làm chi cho nhọc. Ở đây, chú cần gì đã có vợ chồng cháu lo. Chú không sợ làng xóm cười chú là ôông già mất nết hay răng?
Hai từ “mất nết” đập vào tai, ông Trọng tự ái, đỏ bừng mặt, ông gượng đứng dậy, tay đưa gậy đánh, đuổi người cháu, miệng lằm bằm chưởi bới:
- Cha tổ tụi bây, con cháu hỗn láo với chú bác, đồ ẻ, ba vạn cũng bỏ, nhà tau xây ra đó, còn dang dở, bây tiếp tục hoàn chỉnh đi mà ở, tau không thèm nhìn mặt tụi bây nữa mô!
Ông Trọng lảo đảo bước ra khỏi nhà, hai chân run run, thỉnh thoảng khựng lại. Ông bấm số điện thoại gọi taxi đến chở ông đi.
Ông đến phòng trọ của hai mẹ con cô Diễm. Cái phòng nhỏ nằm trong một dãy ở sâu tận góc một khu vườn um tùm cây cối bên một con đường lớn của thành phố. Phòng có 2 giường; từ trước đến giờ, hai mẹ con cô ngủ chung cái giường lớn, cái giường nhỏ để không. Ông Trọng ra ở cùng, đứa con chuyển qua ngủ trên giường nhỏ, ông và cô nằm trên giường lớn.
Hưu từ bên Pháp chuyển qua, ông giao cho cô lo cơm nước và phục vụ ông.
Mấy tháng nay, sống chung, cô Diễm không ưa ý, nhưng bên ngoài, gượng vui vẻ, biểu tỏ tình cảm nồng thắm. Mỗi lần, cô Diễm đi ra khỏi phòng hay từ ngoài bước vào phòng, quen với tập quán bên Tây, ông Trọng gọi cô tới gần, níu mặt xuống, áp môi hôn một cái “chụt”.
Lấy ông Trọng, cô Diễm đinh ninh rằng cô sẽ ở với ông tại ngôi nhà mới, và sẽ là người thừa kế ngôi nhà ấy khi ông qua đời . Nào ngờ bây giờ ra nông nỗi này!
Sáng nay, sau bao đêm nằm bên cạnh ông già “bất lực”, cô dậy sớm hơn thường lệ, cằn nhằn, cố ý lớn tiếng cho ông Trọng đang nằm có thể nghe được:
- Số chi mình mà cực dữ ri. Thằng chồng trước rượu chè bê tha không lo ăn lo làm, lại ghen tuông bậy bạ, rốt cuộc, vợ chồng phải chia tay. Giờ lấy ôông già này, không được chi hết, mỗi tháng nhận mấy triệu bạc, chẳng qua là tiền ôông đưa cho mình để lo ăn lo uống và thuê mình tập cho khỏi nhức mỏi. Mình là con ở, mình là ô-xin không hơn không kém.
Cô Diễm đẩy chiếc xe máy ra khỏi phòng, đề máy nổ rẹt rẹt, cô phóng xe đi. Đồng hồ trên tường mới điểm sáu giờ sáng. Không biết cô đi đâu vào giờ này; giờ làm việc ở bệnh viện đến 7 giờ 30’ mới bắt đầu lận.
Lời nói và hành vi của cô Diễm đến tai và mắt của ông Trọng, ông thốt lên hai từ “chết cha” não nuột rồi lặng im …
Lão Gàn
26/7/2015 (11/6 / Ất Mùi)
No comments:
Post a Comment