Vườn hoa bên cửa sổ
Nghe tin tôi nhận công tác tại thị xã Phan thiết
ba mẹ tôi rất lo. Con gái, cất thân dặm
trường trong hoàn cảnh chiến tranh đã là điều làm cha mẹ không ai là không lo.
Hơn nữa cái thị xã nắng cát nầy rất xa lạ đối với ba mẹ tôi, dù ba tôi trong
quá trình công tác cũng đã từng thuyên chuyển qua nhiều tỉnh từ miền Trung đến
miền Nam. Nhưng Phan thiết thì ông chưa đến bao giờ. Vì vậy khi biết tôi đã nhận giấy công tác tại tỉnh Bình
thuận, cha tôi có vẻ không vui, ông hỏi: Không còn nhiệm sở nào nữa sao?
Tôi trả lời giọng tin tưởng:
-Phan thiết cũng là một thị xã ven
biển đẹp mà ba, nơi ấy có nhiều thắng cảnh lắm, như Chùa Ông Hoàng, tháp nước
ngọt của ông hoàng xứ Lào xây cất…
-Nhưng đường đi từ Huế vào đó trắc
trở lắm. Con phải đi máy bay từ Huế vào Nha trang hay vào Sài gòn rồi từ đó mới
sang máy bay để về Phan thiêt. Đường bộ thời gian nầy ít ai đi. Đoạn đường qua Sông Mao nghe nói rất nguy hiểm.
Ba tôi nói thêm về cái nơi tôi sắp
đến nầy: Bình thuận từ xưa không phải là
vùng đất lành chim đậu. Đấy là đất của người Hời. Có hai vùng đất mà người xưa
rất sợ, là hai tỉnh Khánh hòa và Bình thuận. Cọp Khánh hòa, ma Bình thuận. Con
có nghe bao giờ chưa?
Tôi cười:
-Ma cọp là chuyện đâu xa xưa kia.
Giờ Khánh hòa là một tỉnh giàu có và văn
minh nhất nhì miền Trung. Về kinh tế còn
hơn cả Huế mình nữa. Bình thuận cũng thế. Người Hời để lại những công trình
kiến trúc cổ độc đáo đẹp mất hồn đấy ba ạ.
Ba tôi im lặng không nói gì trước
ý kiến của tôi. Có lẽ ông nghĩ điều tôi
nói cũng đúng phần nào.
Chuyện ma quỷ như ba tôi nói không biết có hay không nhưng chuyến đi từ
Huế vào Bình thuận thì quả thật quá nguy hiểm. Theo lộ trình chuyến đi, tôi
phải bay từ Huế vào Nha trang, sau đó đi tiếp chuyến bay Nha trang – Bình thuận.
Nhưng đến Nha trang thì tôi mắc kẹt tại đó, Vì
Nha trang – Bình thuận mỗi tuần chỉ có hai chuyến bay mà chuyến đầu
tuần mới cất cánh sáng hôm qua. Nghĩa là tôi phải đợi đến ba bốn ngày
nữa mới có chuyến tiếp theo. Tôi quyết định đi xe đò vì sợ trễ ngày trình diện
ở nhiệm sở.
Ngồi trên xe tôi thắc thỏm không yên. Thỉnh
thoảng tôi lại thấy xác một chiếc xe khách hoặc một chiếc xe nhà binh lật bên
đường vì trúng mìn. Có chiếc nát cả cabin, có chiếc gãy đôi ở giữa. Đi một đoạn lại thấy một cái
miếu thờ. Có cái khói hương còn nghi ngút. Tôi ớn lạnh xương sống. Đi mà như
thể chẳng khác gì mình đã phó thác mạng sống cho bom đạn dọc đường. Tôi ân hận.
Biết thế nầy thì tôi không đi nữa. Liệu có tới được Phan thiết để nhận việc
không hay bỏ xác dọc đường. Nghĩ vậy tôi chảy nước mắt. Những người ngồi trong
xe tất cả đều im lặng, không một ai chuyện trò. Có lẽ trong tâm tư họ cũng đang
trĩu nặng mối lo âu không nói ra như tôi. Chợt một người đàn bà ngồi cạnh tôi quay
sang tôi nói nhỏ, dù tiếng xe ù ù tôi vẫn nghe rõ giọng nói của người khách :
Sắp đến Sông Mao rồi. Tôi nhìn người đàn bà không hiểu ý bà ta nói gì. Tôi hỏi:
Sông Mao thì sao cô? Người đàn bà nhìn tôi
không trả lời.. Hình như xe chạy chậm hơn. Có gì chăng? Tôi tự hỏi. Sông
Mao là ở đâu? Đến Sông Mao thì xẩy ra chuyện gì? Tôi thắc thỏm bởi những câu
hỏi như thế từ lời nói không rõ ràng của người đàn bà. Chính vì bà ta không
giải thích làm cho câu nói của bà trở nên bí ẩn. Ma Bình thuận! Tôi nhớ lại câu
nói của ba tôi. Tất nhiên tôi không tin Sông Mao là nơi có ma. Trong đầu óc tôi
lóe lên một ánh sáng. Đúng rồi, có thể là như thế. Vậy là tôi sợ đến run lên.
Sao mình lại liều lĩnh đi bằng xe đò nhỉ. Nếu mình bị họ bắt đi rồi thì ba mẹ
mình biết tìm mình ở đâu. Mình có chết đi thì cũng chẳng ai biết. Trời đất! Sao
mình không nghĩ đến điều nầy trước khi có quyết định lên xe nhỉ.
Bác tài xế cho xe chạy chậm hơn rồi quay lui
dặn:
-Ai đưa gì thì lấy nấy. Không được
từ chối. Muốn đọc thì đọc, lúc nào tôi bảo thả ra ngoài xe thì thả ra, nhớ
không ai được giữ lấy trong người đấy.
Nhớ chưa?
Tôi chẳng hiểu gì cả. Sao mọi
người trên xe nầy đều có những câu nói bí ẩn như vậy ?. Tôi quay sang người đàn
bà bên phải tôi. Đến bây giờ tôi mới có một nhận xét là những người ngồi trên
chiếc xe nầy đều là đàn bà, tất nhiên trừ bác tài. Tôi hỏi:
-Bác tài xế dặn gì vậy chị?
-Ông ấy dặn sao thì cô cứ làm đúng
vậy.
Xe dừng lại bên đường. Đây là nơi
nào mà hai bên đường cây cối um tùm. Có thể xe đang đi qua một đoạn đường xuyên
rừng. Chợt bác tài xế nói lớn:
-Đến Sông Mao rồi. Cứ ngồi yên
trên xe không ai được xuống.
Hình như có ai đó đang bước ra từ
bụi rậm. Một người, hai người. Họ mặc
quân phục, đội mũ tai bèo, lưng mang súng. Tôi nhận ra ngay hai người đều là
nữ, còn rất trẻ. Trên tay họ mỗi người mang một xấp giấy gì đó, chừng như là
giấy báo. Tôi hiểu họ là ai rồi. Tôi cố giữ cho hai tay mình khỏi run. Cả hai
bước lên xe, và chen vào các băng ghế, lần lượt phát cho khách đi đường mổi
người một tờ giấy in đậm chữ mực đen. Một người đến trước mặt tôi và chìa ra
cho tôi một tờ truyền đơn. Tôi cầm tờ giấy và cúi xuống giả bộ tháo chiếc giày.
Tôi ngẩng lên và bắt gặp người nữ quân nhân đang nhìn tôi mỉm cười. Vẻ sương
gió không làm mất đi nét trẻ trung linh hoạt trên khuôn mặt của hai nữ chiến sĩ
quân Giải phóng. Tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Người ấy nói:
-Có gì mà chị sợ dữ vậy. Chúng tôi
đánh Mỹ cứu nước, chị là người dân lương thiện chẳng có gì phải sợ cả. Tôi gởi
đến chị lời kêu gọi của Chính phủ Cách mạng. Hãy đọc đi và cùng chúng tôi đứng
lên chống Mỹ.
Khi phân phát xong truyền đơn cho
khách trên xe trước khi hai nữ quân nhân bước xuống bác tài xế lôi trong cabin ra một cuộn báo
lớn trao cho hai người. Tôi nhận ra đấy là mấy tờ báo phát hành dưới chế độ Sài
gòn. Bọc ngoài tập báo là tờ Tin Sáng. Hai nữ quân nhân nhận báo rồi bước xuống xe.
Xe tiếp tục chuyển bánh. Tôi không dám ngang
nhiên lấy tờ truyền đơn ra đọc, chỉ lén nhìn lướt qua, tuy vậy tôi cũng hiểu
được. Nội dung truyền đơn vạch tội ác của Mỹ và kêu gọi người dân đứng về Cách
mạng. Đọc xong tôi bối rối. Mình phải làm gì với tờ truyền đơn trên tay đây.
Nhìn quanh, tôi làm theo mọi người.Tôi cẩn thận xếp tờ truyền đơn xuống đáy
chiếc túi xách. Xe đi được một đoạn chừng năm sáu cây số, bác tài nói:
-Thả ra ngoài xe đi.
Nhiều người thả truyền đơn ra khỏi
xe đúng vào khoảng đường mà xa xa có nhiều
nhà dân ở. Tôi làm theo. Về sau,
nghĩ đến sự việc nầy tôi hiểu ra một điều thật lí thú. Chính bác tài xế cũng là
một người đang làm công tác tuyên truyền cho Cách mạng. Bác ấy đã khôn khéo nhờ hành khách trên xe mang
truyền đơn đến thả tận những khu dân cư mà quân Giải phóng chưa đến
được. Xe chạy thêm một quãng nữa thì dừng lại. Một chiếc lô cốt giăng đầy kẽm
gai chình ình hiện ra bên đường. Tôi hiểu tất cả mọi chuyện. Chúng tôi vừa ra
khỏi vùng kiểm soát của Chính quyền Cách mạng và đang đi vào vùng kiểm soát của
Chính quyền Sài gòn. Tất nhiên chúng tôi không thể giữ tờ truyền đơn trong
người. Có lẽ bác tài và những người trên xe đã làm những động tác lúc nãy một
cách thành thuộc bởi họ đi lại trên tuyến đường nầy nhiều lần. Chỉ có tôi là bỡ
ngỡ trong những cách xử trí vừa rồi. Một vài người lính thủy quân lục chiến đi
quanh xe, mắt láo liêng nhìn vào xe. Chừng như không thấy gì khả nghi, một
người khoát tay ra dấu cho xe chạy.
Cuối cùng tôi cũng đã đến thị xã Phan Thiết an toàn. Đúng như câu nói
của ai đó: Mặt đất là nơi nguy hiểm nhất của con người.
Gia đình mà tôi đến trọ trong những ngày đầu là gia đình chú Danh,
bạn của ba tôi. Lúc ra đi ba tôi đã viết một lá thư gởi gắm tôi cho chú.
Chú Danh là một doanh nhân lịch
thiệp và chu đáo. Đọc thư ba tôi, chú
rất vui. Chú dành cho tôi một phòng
riêng trên gác, bên cạnh phòng
đứa con gái duy nhất của chú kém tôi chừng vài tuồi. Cô bé tên Loan, đang học
năm cuối trung học và đang ôn thì. Loan cũng dễ thương, hiền lành có khuôn mặt
giống mẹ. Mẹ Loan, thím Lan còn rất trẻ.
Duyên dáng, có một vẻ đẹp thuần hậu. Khi hai mẹ con ngồi gần nhau, nếu không
biết thì ai cũng tưởng là hai chị em. Nhận xét đó tôi có được khi gặp thím Lan
trong bửa cơm tối đầu tiên với cả gia đình. Có một điều lạ là vẻ mặt của
thím có một nét gì u uất. Thím ít nói. Chỉ hỏi tôi vài điều rồi cười nụ cười
thật hiền hòa dễ gây cảm tình. Buổi đầu gặp chú thím và bé Loan tôi hoàn toàn
yên tâm và nghĩ rằng mình có thể lưu lại nhà chú thím một thời gian, không vội
đi tìm nơi ở trọ. Chính thím Lan cũng đã nói ý đó với tôi. Tối đó tôi đã viết
thư cho ba tôi kể về những cảm nghĩ của mình lúc đến nhà người bạn của ba để ba
mẹ tôi yên tâm. Ở lại nhà chú Danh được một ngày, buổi sáng hôm sau, chú dùng chiếc lambretta hai bánh chở tôi đi tham quan vài thắng cảnh
ở Phan thiết. Trước hết là tháp nước hình bát giác dựng ở một vị trí đẹp đẽ
trên đường ra biển. Chú giới thiệu cho
tôi biết tháp nầy do hoàng thân nước Lào là
Xu Pha Nu Vông thiết kế lúc ông sang học kỷ sư ở nước ta. Chú Danh còn chở
tôi đi tham quan lầu Ông Hoàng. Nơi thi
sĩ Hàn Mặc Tử và người yêu là Mộng Cầm có một thời lui tới ở đó. Nói là tham
quan thực ra chúng tôi phải đứng xa lầu đến vài cây số phóng mắt nhìn xem.
Không rõ hình dạng lầu Ông Hoàng ra sao, chỉ thấy một vệt đen mờ mở nhô cao
trên một ngọn đồi không cao lắm.
Sau đó chúng tôi ra bãi biển Phan
thiết xem dân nghề biển đi đánh cá về. Chú mua về một ít cá bò bảo là loại cá
nầy chỉ có biển Phan thiết mới có.
Chú Danh đưa tôi về nhà đã hơn mười giờ trưa. Chú vội vã chở thím Lan
đi chợ.
Tôi bước lên thang gác, nửa chừng chợt khựng lại khi nghe có tiếng người đàn ông gào lên đâu
đó:
-Đói quá, đói quá, nó không cho tôi ăn. Nó
muốn giết tôi.
Rồi có tiếng con gái:
-Ba làm thinh đi đừng gào lên như thế. Con sẽ mang cơm vào
ngay.
Tiếng của bé Loan! Thế nầy nghĩa là sao? Tiếng gào của người đàn
ông và tiêng năn nỉ của cô gái phát ra từ đâu? Trong căn nhà nầy có phòng nào
nữa mà tôi không thấy? Rõ ràng ở tầng trệt có một phòng khách, một phòng ngủ có
lẽ của chú thím, và sau cùng là phòng ăn chung với nhà bếp và toa let. Tầng
trên có ba phòng, một tôi đang ở, một của bé Loan còn phòng trước là để thờ tự.
Tôi mới có dịp ghé vào phòng của Loan còn gian thờ thì tôi chưa vào. Tôi vốn có
thói quen kỳ cục. Đến nhà nào tôi cũng thích xem gian thờ cúng. Xem họ theo tôn
giáo nào và xem mặt những người quá cố. Vào nghĩa trang viếng mộ ông bà thế nào
tôi cũng dạo quanh những ngôi mộ gần đó để xem người chết họ tên gì, sinh năm nào,
chết lúc mấy tuổi, mặt mũi họ ra sao. Có lần vui miệng tôi nói cái ý thích kỳ
cục của mình cho mẹ nghe và bị mẹ tôi tát cho một cái đau điếng cùng cái nhìn
nghiêm khắc mà chẳng nói gì cả.
Chẳng lẽ những tiếng ấy phát ra từ
gian thờ cúng? Tôi rón rén bước lên gác
và hé mắt nhìn qua gian thờ sực nức mùi hương khói. Nhìn quanh dưới gầm thờ, tôi chẳng thấy ai cả. Tiếng gào
của người đàn ông lại vang lên.
-Đói quá, nó quyết giam không cho
tôi ăn.
Nhưng lần nầy thì không nghe tiếng
của Loan. Tôi nhận định, hình như tiếng nói ấy phát ra từ bên ngoài ngôi nhà
nầy. Tôi chợt nhớ ra, hình như ở bên hông nhà có xây dôi ra một bức vách, rộng chừng ba mét hoặc hơn một chút. Nhưng
không phải là cái phòng vì tôi đâu thấy cửa, dù là cửa sổ. Hay có cửa quay lui
phía sau, ở ngoài đi vào không thấy? Có lẽ thế. Vậy thì người trong phòng ấy là
ai mà bé Loan gọi bằng ba. Chú Danh
không phải là cha của bé Loan vậy là gì của cô bé? Mà mình cũng chưa có dịp
nghe cách xưng hô của bé Loan với chú Danh. Mình đến nhà nầy mới có hai ngày
nên chưa kịp hiểu gì về những thành viên
trong nhà cả.
Tính tò mò trỗi dậy trong tôi. Tôi xuống tầng trệt. Thấy chú Danh và thím Lan đi chợ chưa về, tôi giả
vờ tản bộ qua phía bức vách và vòng lui phía sau. Giống như mình vô tình đi
tham quan quanh nhà. Thế nhưng tôi đi chưa hết bức vách đã thấy bé Loan từ phía
sau trở ra, đôi mắt đỏ hoe. Tôi định hỏi nhưng Loan đã nói:
-Chị đừng lui sau đó.
Nghe Loan nói tôi bước trở lại.
Tối hôm ấy thấy bé Loan không ngồi học bài như mọi hôm,
cô bé ra lan can đứng một mình, tôi đến cạnh. Giọng tâm sự không làm ra vẻ tìm hiểu, tôi hỏi Loan:
-Có chuyện gì trong cái phòng kín
ấy em kể chị nghe được không? Không phải chị tò mò, lúc trưa tình cờ chị nghe
tiếng đàn ông gào thét làm chị sợ quá.
Loan lặng im một lát nói rồi nói:
-Không có gì đâu chị, nhà em có
người bệnh phải nuôi cách li sau phòng ấy.
Người nhà của bé Loan là ai, mắc
bệnh gì mà phải cách li? Mà rõ ràng tôi nghe Loan gọi bằng ba kia mà. Tôi nghe
có nhầm không?
Thấy Loan có ý giấu, tôi chưa vội
hỏi. Nhưng tôi nghĩ thế nào mình cũng phải hỏi cho ra, lỡ người ấy mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì
liệu tôi ở trong nhà có ảnh hưởng gì không?
*
Chưa có dịp nào thuận tiện để hỏi
Loan. Và hai hôm tiếp đó tôi không còn nghe tiếng gào thét của người đàn ông
nữa. Tôi đoán chừng có lẽ hôm ấy người nhà của người bệnh cho ông ta ăn cơm trễ
nên ông đói mà gào lên như vậy.
Sáng nầy thứ hai nhưng tôi không
đi dạy bởi nhà trường cho nghỉ mấy ngày sau khi đến trình diện để tôi thu xếp
chuyện ăn ở. Tôi đóng cửa phòng nằm trên
gác đọc sách. Có lẽ chú Danh và thím Lan tưởng rằng tôi đã đến trường, hai
người đã nói với nhau những điều riêng tư mà không giữ ý. Dù không tò mò nhưng
trên gác tôi không thể không chú ý đến lời qua tiếng lại giữa hai ngừoi.
Giọng thím Lan không to lắm nhưng
có cái âm hưởng hơi khác với những lúc thím trò chuyện ở nhà:
-Khi anh ngỏ lời với em thì em đã
nói, em không thể bỏ anh ấy trong tình trạng sức khỏe như thế được. Anh ấy dù
đã mất trí, nhưng vẫn còn sống. Trong
lúc con Loan thì chưa đủ điều kiện để săn sóc cha nó. Nhưng anh nói em cứ lo
săn sóc anh ấy, cũng như nuôi nấng con Loan anh không có ý kiến gì. Sao giờ anh
lại tỏ ra khó chịu mỗi khi anh thấy em ra vào săn sóc cho cha con Loan?
Giọng chú Danh vẫn như mọi khi:
-Đúng là anh đã nói như vậy. Nhưng
em nghĩ anh đã chịu đựng cảnh nầy mấy năm rồi em biết không? Đã gần bốn năm
trời rồi, quả thực anh không thể chịu đựng thêm nữa trước cái cảnh em dành gần
như toàn bộ thời gian nghỉ ngơi để lo săn sóc cho cha con Loan mà không quan
tâm gì tới anh. Em, nghĩ co` người đàn ông nào chịu đựng được mãi như thế
không. Mà bây giờ anh có cấm em đâu. Anh bảo em đi thuê một căn phòng riêng cho
anh ấy và giao bớt việc lại cho con Loan. Con Loan giờ cũng đã lớn rồi. Em nghĩ
em sẽ cột chặt đời mình vào với một người không còn trí nhớ như vậy cho đến hết
đời sao? Anh nói hết đời là hết đời của em đấy. Anh biết em sống giờ nầy cho anh ấy chẳng qua là vì
trách nhiệm và nghĩa cũ, nhưng điều nầy
anh có cấm em đâu. Anh sẵn sàng đi thuê một chỗ tiện nghi sạch sẽ hơn chỗ anh
ấy đang nằm đây, nếu cần thì thuê một người để săn sóc cho anh ấy. Anh đâu có
ngại chuyện tốn kém. Còn em phải có thời gian để sống cho mình và. anh nữa chứ.
Em thực sự không quan tâm gì đến anh sao?
-Là người dưng thì không ai có thể
lo cho anh ấy được chu tất cả anh ạ. Ngay cả việc giao cho con Loan em cũng
không yên tâm. Thì biết làm sao?
Hai người lặng thinh một lát, sau
đó nghe tiếng thím Lan:
-Anh Danh à. Em hiểu tấm lòng của
anh. Những gì anh dành cho anh ấy cũng xuất phát từ chỗ anh yêu thương em. Và
những gì anh nói ra hôm nay cũng không phải là anh ghen tuông gì. Không ai đi
ghen với người xem như đã không còn tồn tại trên mặt đất nầy nữa. Tất cả anh đã
làm được cho anh ấy trong mấy năm nầy cũng vì em thôi. Em hiểu điều ấy. Hay là
thế nầy, đây là lần cuối cùng em đề nghị lại, thôi chúng ta quên nhau đi để em
trở về với trách nhiệm của em. Nó như là cái nợ của em đã vay rồi, không thể
không trả được.
Hai người lại lặng thinh. Một lát
rồi có giọng của chú Danh:
-Nếu vậy thì anh không phải chịu
đựng đến mấy năm thế nầy đâu. Thôi để
anh gọi con Loan xuống đây nói cách giải quyết của chúng
ta như vậy xem ý kiến nó thế nào.
-Em xin anh nó đang lúc chuẩn bị
thi cử, đừng làm bức xúc mà ảnh hưởng
đến chuyện học của nó. Thôi anh cứ nghe theo lời em đi. Chúng ta đã không duyên nợ, khiến trời ra tay ngăn cản thì
thôi.
Lại im lặng. Lần nầy thì sự im
lặng kéo dài thật lâu. Cho đến lúc tôi nghe tiếng xe máy đi ra ngõ. Vậy là chú
Danh đã ra khỏi nhà và có lẽ câu chuyện
của hai người cũng không có hướng giải quyết. Và cũng có thể đây không phải là
lần đầu chú Danh và Thím Lan nói với nhau những điều như vậy.
Sau nầy tìm hiểu ra tôi biết được
chú Danh và thím Lan đã yêu nhau từ thời học sinh, nhưng do hoàn cảnh hai người
đã không đến được với nhau. Thím Lan lấy chồng. Sau khi sinh Loan
chồng thím là một sĩ quan trong chế độ cũ đã bị thương ở đầu và bị loạn trí. Biết được hoàn cảnh của người
yêu cũ, Danh đến gặp Lan và bày tỏ mình
muốn chia sẻ gánh nặng cho Lan. Ngày tháng đã làm nẩy nở lại tình cảm trong
lòng hai người và họ đã đến lại với nhau.
Danh bằng lòng để Lan đưa người chồng cũ của mình về nhà xây một căn
phòng bên cạnh khá tiện nghi để săn sóc.
Một tuần sau khi biết rõ hoàn cảnh trong gia
đình chú Danh, tôi xin phép chú thím dời sang ở nhà của một cô bạn gái đang độc
thân cùng dạy trường với tôi.
Cứ hàng tuần tôi đến thăm Loan và
hai vợ chồng chú Danh. Hình như chú thím cũng biết tôi đã hiểu rõ hoàn cảnh của hai ngườ nên không cầm ở lại.
Tôi dạy học ở Phan thiết cho đến
những ngày cuối tháng tư năm 1975. Tình hình chiến tranh lúc nầy đã đi vào giai
đoạn của ngọn lửa bừng lên trước khi dập
tắt. Tôi không liên lạc được với gia đình ngoài Huế.
Phan thiết là thị xã vùng biển
đang chộn rộn lên với những đoàn người trong bộ máy chính quyền SG tìm cách
vượt biên. Tôi tìm đến nhà chú Danh để xem chú có dặn dò gì tôi không vì chú
Danh là người rất có trách nhiệm hơn nữa lại được sự gởi gắm của ba tôi. Đến nơi thì chú Danh cho biết chú đã chuẩn bị
xong cho chuyến vượt biên và định cho Loan sang tìm tôi. Tôi nhất định không
vượt biên, trước hết là ba mẹ tôi còn ở
Việt Nam, ra đi như vậy biết có gặp ba mẹ lại được không. Sau nữa là qua chuyến
đi từ Nha trang vào Phan thiết vừa rồi, tôi đã thấy được sự thực, không giống
như những gì tôi đã nghĩ trước đây. Nhưng chú Danh nhất định không chịu cho tôi
ở lại. Chú hỏi tôi một câu đơn giản nhưng thiết thực: Cháu ở lại thì lấy gì mà
ăn trong những ngày loạn lạc tới đây. Cả thím Lan cũng khuyên tôi nên đi. Vậy
là tôi đành phải theo ý kiến của chú thím ấy.
Tối đó, tôi cùng chú Danh và Loan
lên tàu. Thím Lan không đi theo. Tôi hiểu lí do vì sao.
*
Tôi sang Mỹ và tìm việc làm tương đối thuận lợi bởi tôi dạy
tiếng Anh. Sống ở Mỹ một thời gian tôi bắt liên lạc được với gia đình. Trong
thời gian nầy tôi có bạn trai là thanh niên
người Miền Trung du học theo diện
tự túc ở Mỹ. Tôi vẫn thường liên lạc thường xuyên với chú Danh và Loan. Loan
cũng đã có chồng. Chú Danh thì vẫn ở vậy. Chú kể: Sắp đến chú sẽ làm thủ tục
bảo lãnh cho thím Lan sang Mỹ. Tôi có hỏi Loan thì biết ba của em đã mất.
Phải gần sáu năm sau ngày xa quê hương, tôi và bạn trai về nước để tổ chức đám cưới. Bạn trai tôi là con
của một gia đình có công Cách mạng nên sau khi đất nước thống nhất anh xin về
nước dễ dàng hơn những người khác. Đám cưới xong tôi vào Phan thiết để thăm
thím Lan. Gặp lại thím Lan, hai thím cháu vui mừng đến thế là cùng. Cứ tưởng
hoàn cảnh loạn li chắc thím cháu chẳng thể nào có dịp gặp nhau. Thím Lan già
hơn trước nhưng vẫn giữ được nét thùy mị đoan trang. Tôi để ý thấy căn phòng
trước đây dành để chăm nuôi ba Loan giờ
đã được phá hết không còn dấu tích nào.
Thay vào đó là một vườn hoa nho nhỏ. Ở phòng khách, mới thông thêm một cửa sổ
nhìn ra khu vườn. Hồi tôi mới đến đây
cửa sổ nầy chưa có. Qua khung cửa, tôi thấy những cánh hồng tươi thắm
rung rinh trong gió sớm.
Tôi nghĩ có lẽ thím Lan trồng vào
vị trí căn phòng ấy những khóm hoa là để xóa đi cái hình ảnh sẽ gợi lên trong thím những kỷ niệm đau buồn.
Qua đó thím cũng muốn tìm một chút thanh thản cho lòng mình trong tháng ngày
còn lại. Mà sao lại không làm như thế. Thím là người xứng đáng được hưởng hạnh
phúc.
Tôi hỏi thím:
-Ước muốn của thím sau khi được
sang bên Mỹ là gì hở thím?
Thím Lan cười:
-Cũng chẳng có ước muốn gì lớn
lao. Chỉ mong có dịp bù đắp những gì chú Danh của cháu đã hy sinh cho thím.
Thím Lan nói và nhìn ra vườn hồng.
Trong mắt thím, tôi thấp thoáng
thấy bóng dáng cả vườn hoa.
Viết theo chuyện kể của Bích Liên
Nguyễn Bá Trình
Nguồn: nguyenbatrinh.com
VNQT đăng lại với sự đồng ý của tác giả.
No comments:
Post a Comment