Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, May 20, 2014

ĐỌC “THAO THỨC CÙNG VỚI BIỂN”, THƠ LÊ HÀO - Châu Thạch

            
                                             
THAO THỨC CÙNG VỚI BIỂN

Tiếng còi tàu ngoài khơi lay động
đêm nay sóng vỗ cả trong lòng
Đêm xuống dần sao buông trên mặt nước
hạt cát trở mình đau buốt vết thương 

Ghềnh đá thổn thức kể chuyện xưa
sóng không kìm lòng được
vài cơn sóng cuồng nộ thét gào
như thuở trước mấy trăm năm

Có con sóng trầm ngâm bên bãi đá
lao xao lời dặn dò của biển
làm sao hiểu được bóng mây về ?
Trên đồi cát hiền lành
hàng dương xanh thổi điệu kèn xung trận
trời về khuya gió càng mạnh dần thêm

Đêm nay Mẹ Âu Cơ không ngủ
hướng về biển nhìn vầng trăng tròn
bầu trời cao mắt sao hôm nhấp nháy

Từng hạt cát cựa mình hát lên khe khẽ
biển dát vàng
trăng thao thức thâu đêm.  
                                Lê Hào
                            (15/05/2014)

Lời Bình: Châu Thạch

Tôi từng là một người lính, tôi biết sự thao thức trước giờ xung trận. Đọc bài thơ “ Thao thức cùng với biển” của Lê Hào tôi cảm nhận được tất cả cái giờ thao thức thiêng liêng đó, cái giờ thao thức để ngày mai hoặc chiến thắng hoặc chết trước mũi súng quân thù. Chỉ với bốn câu thơ đầu, Lê Hào đã cho tôi thấy đến cùng tận đáy lòng sự thổn thức của cả quê hương và dân tộc:

Tiếng còi tàu ngoài khơi lay động
đêm nay sóng vỗ cả trong lòng
Đêm xuống dần sao buông trên mặt nước
hạt cát trở mình đau buốt vết thương 

“Tiếng còi tàu ngoài khơi lay động” chắc chắn không phải là tiếng còi tàu của quân địch mà đó là tiếng còi tàu của ta canh giặc. Bởi vì tiếng còi tàu đó như tiếng gọi tha thiết của quê hương, của tổ quốc đang lâm nguy mới khiến cho lòng ta lay động, khiến cho tiếng thơ mang nét trầm buồn. Nếu đó là tiếng còi tàu của địch thì tiếng thơ tắt nghẹn trong uất ức hoặc hùng tráng trong khí thế sẳn sàng xung trận. 

“Đêm nay sóng vỗ cả trong lòng” là nỗi trăn trở  với biết bao nhiêu bi thương vì nỗi đau của dân tộc. Đừng nghĩ nhà thơ chỉ viết cho người lính thôi đâu. Nhà thơ viết cho tất cả, vì “hạt cát trở mình đau buốt vết thương” nên hạt cát cũng đang chờ ngày mai xung trận.

“ Đêm xuống dần sao buông trên mặt nước” là hình ảnh buồn và đẹp vô tận vì nó đang nằm trong thời khắc của tai ương. Hình ảnh nầy làm cho ta thấm thía vô cùng nỗi thắm thiết của ta với đất mẹ của ta, và khiến cho lòng ta se thắt lại khi thấy đất ta đau như mẹ ta đau.

Tiếp theo với bốn câu thơ, nhà thơ tả cảnh sóng bên bờ biển mà cũng chính đó là tiếng sóng trong lòng tác giả khi thổn thức, khi cuồng nộ thét gào xảy ra suốt cả trong đêm :

Ghềnh đá thổn thức kể chuyện xưa
sóng không kìm lòng được
vài cơn sóng cuồng nộ thét gào
như thuở trước mấy trăm năm

Ghềnh đá bây giờ là gì? Đó là tấm bia ghi lịch sử bốn ngàn năm bất khuất của dân tộc. Sóng bây giờ là gì? Đó là bao lớp người chuẩn bị đối địch với quân thù. Ghềnh đá kể cho sóng nghe là những suy tư đang diễn biến ngay trong lòng tác giả với tình yêu thắm thiết từ ngàn xưa để lại, đang lưu truyền trong dòng máu tác giả, hay chính ra đang lưu truyền trong dòng máu mọi con dân đất nước chúng ta.

 Trong sáu cầu thơ kế tiếp Lê hào đã dùng hoàn toàn cảnh vật để nói lên hết tiếng nói của quê hương. Tiếng nói không ồn ào nhưng lắng sâu vào lòng người  biết bao lời nhắn nhủ, phủ dụ vô cùng êm ái, thân thương. Đó là tiếng nói của mẹ, của cha, của linh hồn bốn ngàn năm văn hóa mang tinh thần ung dung, tự tại, thiết tha mà cương quyết đến vô cùng:

Có con sóng trầm ngâm bên bãi đá
lao xao lời dặn dò của biển
làm sao hiểu được bóng mây về ?
Trên đồi cát hiền lành
hàng dương xanh thổi điệu kèn xung trận
trời về khuya gió càng mạnh dần thêm

Tôi rất thích hai câu thơ “trên đồi cát hiền lành/ hàng dương xanh thổi điệu kèn xung trận”. Đây không phải là câu thơ yếu đuối mà là câu thơ bày tỏ đầy đủ tính chất của dân tộc chúng ta mà tự ngàn xưa cha ông ta đã thể hiện nó. “Hàng dương” là hình ảnh kiên cường trước bão táp. Hàng dương nằm “Trên đồi cát hiền lành” thể hiện tính nhu hòa của dân tộc chúng ta. “Hàng dương xanh thổi kèn xung trận”. Là quyết định rất bình tỉnh của con người quân tử, chửng chặc tiến quân và tiến quân với tấm lòng “xanh” bao dung và tha thứ. Cũng chính nhờ đó dân ta không vì căm thù mà trở nên hiếu sát như bọn quỷ xâm lăng.  Chúng ta khâm phục đức độ của tổ tiên chúng ta khi ban lương thực cho quân thua trận quay về xứ sở.  “Hàng dương xanh thổi kèn xung trận” cũng nói lên chí quật cường của dân ta còn mãi muôn đời đến cây lá cũng không quên.

 Ở hai vế thơ cuối, không gian thanh bình êm ái vô song trùm lên phong cảnh, tác giả quên đi niềm đau của cát, thổn thức của ghềnh và thét gào của sóng mà chỉ nghe tiếng hát, tiếng trăng thao thức thâu đêm:
 
Đêm nay Mẹ Âu Cơ không ngủ
hướng về biển nhìn vầng trăng tròn
bầu trời cao mắt sao hôm nhấp nháy

Từng hạt cát cựa mình hát lên khe khẽ
biển dát vàng
trăng thao thức thâu đêm.  

Đây là giờ phút đã hạ quyết tâm của người chiến sĩ. Giờ phút mà không còn đau đáu với  với vô vàn suy tư nữa, chỉ còn lại trong giờ phút nầy sự yêu đời đến vô cùng, muốn tận hưởng hết để có thể ngày mai không có nữa. Lúc nầy biển không ngủ, trăng không ngủ, cát cũng không ngủ và hát cùng lòng người chiến sĩ đang được dát vàng bởi tình yêu quê hương.

“ Thao thức cùng với biển” tất nhiên không chắc là thao thức của một người mặc áo lính, nhưng chắc chắn là thao thức của một tâm hồn yêu quê hương như người chiến sĩ sẳn sàng chết cho quê hương. “Thao thức cùng với biển” đương nhiên cũng không phải là bài thơ để sáng hôm sau người thơ xung trận ngay” nhưng, nhà thơ Lê Hào dùng bài thơ “ Thao thức cùng với biển” không chỉ để diễn tả nỗi thao thức cho chính tác giả mà còn diễn tả cho tâm tư của cả dân tộc, của cả thế hệ ngày nay đang trong thời gian như đêm dài thao thức chuẩn bị cho một ngày gần đây quyết tử với quân thù xâm lược.

 Có nhưng bài thơ như tiếng trống thúc quân, như tiếng kèn xung trận đem hào khí đến cho người, nhưng cũng có những bài thơ êm ái khiến hồn ta cảm nhận đầy đủ tình yêu tha thiết khi đứng trong chiến hào trước giờ xung trận, để rồi chúng ta xông lên khi tiếng kèn thúc trận và chiến đấu vì bài thơ đó nung nấu trong lòng. Đó là những bài thơ như “Thao thức cùng với biển” của Lê Hào ./.

                                                                                          Châu Thạch

No comments: