Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, March 2, 2014

LÃO SỬU - truyện ngắn Hoàng Đình Chiến


                              
            Lão Sửu có con thừa tự rồi. Cả xóm truyền miệng nhau. Ai cũng mừng cho lão và cho chính họ. Bởi lão có con, lão tu chí, lão sẽ hiền, bớt quậy xóm phá làng. Nhân chi sơ, tính bản thiện  mà. 
           Chẳng ai biết Sửu con cái nhà ai. Nhà Tước chuyên trồng rau, vào một sáng đầu hạ, nhặt được đứa trẻ đỏ hỏn ở luống cải đã lên ngồng . Ăn ở với nhau năm sáu năm, không có con, họ đinh ninh do ăn hiền ở lành nên trời thương. Vợ chồng quí cậu con  như cục vàng, lấy tên một trong mười hai con giáp đặt cho con. Lúc Sửu gần bốn tuổi, bà Tước sinh thêm thằng Trễ. Mong mãi chẳng được, giờ thêm đứa nữa, lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Bà Tước giờ mới hé với chồng:
          -Tôi coi thầy. Thầy phán phải có con nuôi trước con đẻ. Giờ trúng phóc. Gì thì cũng ơn trời, nhờ thằng Sửu, không thể hắt hủi nó được.
           Ông Tước thấy vợ nói phải. Dẫu vắt mũi không đủ đút miệng, nhưng  Sửu vẫn ngày hai bữa . Không cơm thì khoai, sắn. Nhà lại sẵn rau nên Sửu không  đói bữa nào. Nói trộm vía, nó ăn được, lớn nhanh như thổi. Thằng Trễ thì dặt dẹo. Không thịt cá thì cấm chịu nuốt. Bát cơm, Sửu chỉ và hai ba cái, còn Trễ thi lay lắt cả buổi.
            Sửu chiều em và sẵn sàng ăn thua đủ mỗi khi Trễ bị bắt nạt. Bà Tước thấy vậy cũng vui vui, tính đẻ thêm đứa con gái cho có nếp có tẻ. Nào ngờ, người tính không bằng trời tính. Bà cứ ngày một béo ra và tịt luôn không thèm đẻ nữa.
            Vào năm thằng Sửu lên chín, bỗng nhiên nó biến mất. Cả xóm nháo nhào  đèn đuốc sáng cả góc sông . Ông Tước bảo hồi chiều nó còn ăn nửa rổ khoai rồi đi tắm sông. Những tưởng nó đi chơi đâu đó, rồi về ngủ. Ai ngờ trên giường chỉ có thằng Trễ nằm chèo queo. Có người nói, hồi tối thấy nó lên thị trấn, chắc mai nó về. Nhưng mai rồi ba ngày, bảy ngày cũng không thấy. Bà Tước vật lên vã xuống. Ông Tước vò đầu bứt tai, chẳng nói chẳng rằng, ngồi uống rượu suông. Thằng Trễ đòi anh Sửu, khóc váng nhà.
                                                 ***
            Ấy vậy mà Sửu về. Nó về giữa lúc chẳng ai mong đợi. Cả xóm hầu như đã quên nó. Phải dăm năm rồi. Không ai nhận ra nó. Đầu nó sùm sụp cái mũ lưỡi trai rằn ri che gần hết mặt. Một vết sẹo dài chạy từ đuôi mắt trái xuống ngang má. Nhìn nó dữ dằn. Nó vào thẳng nhà Tước, ngồi xuống bậu cửa nói trỏng:
            -Thằng con nuôi về rồi đây. Cho ở không thì bảo - Chỉ có bà Tước ở nhà:
            -Con đi đâu mà giờ mới mò về. Thày u tìm mày khắp cả. Cứ tưởng mày làm mồi cho hà bá rồi.
           -Thằng này khó chết lắm. Hà bá cũng chê. Nhà này có chê không? Chê là không xong nhá! Rồi nó nằm lăn ra tấm phản giữa nhà đánh một giấc.
            Chiều tối, ông Tước và thằng Trễ đi ăn giỗ về. Bà vợ chạy ra thầm thì:
            -Thằng Sửu nó về.  Hãi lắm. Nó bảo không cho nó ở thì không xong đâu.
            Thực ra, ông đã nghe tin Sửu về lúc đang ăn giỗ. Ông còn nghe nói Sửu bỏ nhà đi khi biết thân phận con nhặt. Giờ nó về phải sao đây. Dù gì ông cũng nuôi nó từ khi còn đỏ hỏn. Người sinh không bằng kẻ dưỡng. Nó hung hăng thật đấy nhưng lại dễ mủi lòng khi nghe lời ngon lẽ ngọt. Thằng Trễ đã lớn, biết Sửu là con nuôi. Con nuôi, con đẻ dễ đâm chém nhau không chừng. Cứ nhìn tướng mạo chúng nó ông nẫu cả ruột. Phải tách hai thằng. Một nước không thể có hai vua....
            Thì ra, Sửu nghe lỏm được chuyện gốc gác về nó. Nó lặng đi khi biết mình chỉ là đứa con nhặt. Tủi thân, cả ngày hôm sau nó như một cái bóng. Chiều xuống nó tới thị trấn, chui lên chiếc xe tải chạy về thị xã. Mãi tháng sau, nó nhập vào băng vừa cửu vạn vừa ăn cắp vặt ở ga. Ngót sáu năm trời, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu đã tạo nên một thằng Sửu lì lợm, ngang tàng. Vết sẹo trên mặt là dấu tích cuộc thanh toán giữa hai băng nhóm. Nó bị bắt và tống vào trại giáo dưỡng. Ở đó nó được một cô gái hơn nó hai tuổi chăm sóc. Vết thương mới lên da non, hai đứa rủ nhau trốn trại. Trên đường bị truy đuổi, mỗi đứa một phương. Sửu đành lại về xóm cũ.
            Xuôi theo dòng sông Lục vài trăm mét về phía hạ nguồn có một ngôi đền. Dưới sông nhìn lên, ngôi đền uy nghi giữa vùng sông nước. Nhà Tước nhiều lần ra đền thắp hương cầu tự khi vợ mãi chẳng đẻ đái gì. Sau khi đẻ thằng Trễ, ông vẫn thường lui tới làm công quả. Ông Từ coi đền là chỗ thân tình. Ngoài ông Từ còn có chú tiểu. Năm ngoái, chú tiểu bỗng dưng bỏ đền. Cảnh đìu hưu càng thêm vắng vẻ. Chợt nhớ, có lần ông Từ nhờ ông tìm cho một người làm tiểu. Giờ, ông Tước không ngần ngại, nhắm Sửu.
            Buổi tối cơm nước xong, ông vòng vo kể lể từ ngày nhờ chăm đi cầu tự nên trời cho thằng Sửu. Ông thương Sửu như con đẻ. Ông nhắc đến ngôi đền bên  sông nơi có thể ngồi câu cá, ngắm sóng nước. Công việc phụ với ông Từ chẳng nặng nhọc gì mà lại được mọi người nể trọng….Ông không ngờ,  Sửu chịu ngay . Đối với nó, việc hệ trọng lúc này là tư do. Tự do muôn năm.
            Ông Từ không hài lòng lắm nhưng tin vào khả năng cảm hóa của mình  nên nhận. Khi tiễn khách, kéo ông Trước lại, nói:
           -Nếu không được tôi trả về đó ! - Sửu nghe được, đánh ngay một câu: Vẽ chuyện! Lúc còn một mình, Sửu nghĩ : tính gạt thằng này khỏi nhà đây. Rồi biết!
           Sông Lục mùa nước cạn trong văn vắt, nhìn rõ cả ghềnh đá, cát sỏi. Thỉnh thoảng những đàn cá mương, cá trôi, cá chép đuổi nhau làm mặt sông xao động, lấp lánh như dát bạc. Sửu khoái lắm. Nó đứng hàng giờ ngắm dòng sông đùa giỡn cùng đàn cá. Nó thửa hai cái cần câu và ngồi miết tới chiều nhưng chả được con nào. Giữa lúc thất vọng tràn trề, Sửu thấy từ giữa dòng một chiếc mủng rẽ nước. Trên thuyền,  một cô gái hai tay thoăn thoát bơi chèo rồi dừng lại ở đoạn sâu nhất. Sửu thấy cô loay hoay thả câu rồi rê rê hai tay. Một lúc sau, tay cô giật liên tiếp. Những chú cá lóng lánh nhảy vào mủng. Sửu thích thú trố mắt như lần nó đi xem xiếc trên thị xã. Bỗng nó thấy chiếc mủng chòng chành rồi lật úp. Theo quán tính, nó lao xuống nước, sải tay bơi về phía cô gái. Chưa tới nơi, Sửu thấy cô gái chao chao chiếc mủng cho nước ra hết và trở lại khoát mái chèo. Bỗng dưng nó  thấy ngường ngượng:
          - Tưởng bị lật mủng… Có sao không? -Sửu vừa nói vừa thở.
          - Con gái thuyền chài dễ chết thế hả? - Cô gái hỏi lại với ánh mắt nghi nghi.  Sửu đã vào ngưỡng một chàng trai. Sức vóc như một đứa trai trưởng thành. Ngượng ngùng, nó bơi vào bờ. Sải tay nó mạnh mẽ và quyết liệt. Cô gái nhìn theo cảm nhận được sức mạnh ấy. Cô cười mỉm, gò má bỗng dưng ửng đỏ.
            Nhà Thắm bên kia sông, con gái ông Đỏ, một gia đình làm nghề chài lưới ba đời. Thắm là con thứ hai, bơi rất giỏi và rất sát cá. Dưới  tay cô,  lũ cá như bị thôi miên. Ngược lại với tài thu hút cá, cô không đẹp mà có duyên. Nước da bánh mật nâu ròn. Cặp mắt lúng liếng và má lúm đồng tiền đủ làm bao trai làng xao xuyến. Cô không mảy may xúc động trước hành động ”anh hùng cứu mỹ nhân” mà nghi Sửu lấy cớ tán tỉnh. Cô cũng không có ý định phải tìm hiểu chàng trai kia là ai. Điều duy nhất đọng lại là những đường bơi và thân trai vạm vỡ.
            Hôm nay chợ phiên, Thắm ra chợ bán cá. Xưa nay người ta thường ác cảm với ”hàng tôm hàng cá” nhưng với Thắm thì ngược lại. Lúc nào, với ai cô cũng đằm thắm như cái tên của mình. Lứa tuổi Thắm nhiều cô đã chồng con. Nhưng Thắm vẫn dửng dưng với những lời tỏ tình pha chút ong bướm của đám trai làng.
           Khác với Thắm, vụ lật mủng, Sửu bị ám ảnh mạnh. Lần đâu tiên trong đời nó nhìn thấy hình hài một cô gái trong bộ quần áo ướt sũng, bó sát những đường cong huyền bí. Cơ thể phụ nữ luôn là điều bí ẩn đối với các chàng trai mới lớn. Nằm mãi, không ngủ được, cơ thể nó nóng bừng. Nó nhảy ùm xuống sông bơi mấy vòng. Dục vọng tuổi mới lớn mau đến cháy bỏng nhưng cũng chóng tàn.
           … Trong cái bảng lảng của sớm đầu thu,  Sửu thấy mình trên chiếc mủng đang giật lia lịa. Cá, toàn là cá. Nó san bớt cá cho cô gái. Nó mang cá về cho ông bà Tước…ước mơ thật hiền và giản dị. Thức giấc, nó quyết tìm gặp bằng được cô gái. Không phải để tìm lại những đường cong hút hồn mà là học cách câu cá. Chiều tới, khi thấy cô và chiếc mủng, từ trên bờ nó vừa vãy tay vừa gọi to:
          -Chị ơi! ghé bờ cho hỏi cái này, chị ơi! -Thắm nghe tiếng gọi khẩn khiết phỏng đoán anh chàng “chíp hôi” lại tính chuyện thả lời ong bướm chi đây.
          -Nào, hỏi gì? - Cô dừng mủng một cách điệu nghệ.
          -Chị chỉ cho tôi…à em cách câu cá được không? em câu mãi mà chẳng được con nào - (còn bóng gió nữa. Con gái luôn đề phòng, cả khi người ta thật lòng) - Cô ép sát mủng vào bờ:
          -Cậu em ơi. Mồi dỏm này cá nào thèm cắn - cô đáp lại bằng câu ẩn ý không kém. Con gái vẫn hơn con trai ở khâu đối đáp- Nhưng vẻ thật thà làm Thắm dịu lại-  (chắc không đủ trình độ để bóng gió). Cô trở nên nghiêm nghị:
          -Cho xem mồi và cần câu rồi tôi chỉ cho - Sửu thấy lưỡi câu một chùm ba cái, hường về ba phía. Thật lợi hại. Hèn gì thấy cô giật liên hồi.
           -Mồi phải thơm để nhử cá đến. Phải giật liên tiếp, cá đi đàn không dính con này thì dính con khác. Nhưng có mủng chưa? - Sửu gãi tai:
           - Ngồi trên bờ không câu được hả chị? - Chưa bao giờ nó lễ phép như thế.
          - Cũng được. Nhưng ngồi lâu mà được ít cá.
            Sửu thật sự bị thuyết phục. Nó cám ơn Thắm rối rít. Lần đầu tiên trong trong đời nó làm vậy.
           Sửu về nhà ông Tước xin mấy cây tre bánh tẻ chẻ nan và nhờ ông dạy đan mủng. Công việc trét mủng kỳ công và mất nhiều thời gian nhất. Nó không ngờ cái thứ phân trâu hòa với mật lại có ích đến vậy.
                                                              ***
          Ông Từ không hài lòng cho Sửu sát sinh. Ông gọi Sửu vào giáo huấn cho một hồi rồi nói:
          -Con không được bắt cá. Nếu không thuận, ta đành phải trả con về.
           Sửu không nói gì nhưng trong bụng không chịu. Đó là ý thích của riêng nó. Mà đã thích thì đố ai cấm cản. Nó âm thầm nghĩ cách để vừa được ở lại đền vừa được bơi mủng câu cá.  Vốn cạnh đền có mảnh vườn trồng chuối. Nó sẽ xin ra đó dựng lều ở. Vậy là vừa lòng cả hai. Nó nhờ bố nuôi nói với ông Từ. Mọi việc sau đó êm ả với yêu cầu của ông  Từ : Sửu phải chu tất công việc hàng ngày.
          Nhưng, giờ nó không yêu ông Từ nữa. Nó như cái bóng, lặng lẽ làm việc. Chỉ trả lời khi ông Từ hỏi. Xong việc nó chui vào lều tìm sự yên tĩnh cho riêng mình. Khi bơi mủng trên sông nó mới thực sự vui vẻ, hoạt bát.
           Mùa lũ năm nay đến sớm hơn mọi năm. Sông Lục vốn lơ thơ giờ sôi sùng sục. Dân hai bờ thi nhau vớt củi. Có nhà đủ củi đun cả năm. Ông Đỏ chọn một bụi tre già tính cột cái vó bè rồi cùng con vớt củi. Đang loay hoay cuốn vó, bỗng Thắm thấy càng vó chao nghiêng. Bụi tre cột vó bật tung gốc. Chiếc vó bè bị dòng nước cuốn phăng  ra giữa dòng. Ông Đỏ ngã dụi lăn tõm xuống nước. Thắm ném vội dây thừng cho cha. May, ông Đỏ túm được. Thắm kéo cha vào bờ. Nước chảy xiết, Thắm cố hết sức nhưng không kéo nổi. Kéo mạnh lần nữa. Sợi dây đứt phăng. Mất đà Thắm bật ngửa rơi khỏi bè. Ông Đỏ buông sợi dây lao đến con. Thắm bơi giỏi nhưng bị mắc kẹt dưới bè không thoát ra được.  Cái bè không chủ lao phăng phăng theo dòng nước. Vô vọng, ông Đỏ gào lên: ”Thắm ơi! con ơi! c..o..n… ơi!”
           Lúc ấy Sửu ở bên kia sông vớt củi. Buộc vội một đầu dây thừng vào bụng, đầu kia cột vào gốc cây, nó nhảy xuống nước, sải như tên bắn sang chiếc vó bè. Hai người nắm chặt sợi dây lựa theo dòng nước, lái bè xuôi vào bờ. Ông Đỏ nhìn xuôi ngược, không thấy con. Sửu xải dọc bè thấy một cánh tay mắc kẹt giữa bè. Nó lao đến vừa nắm lấy cánh tay vừa hét gọi ông Đỏ. Hai người lấy hết sức bẩy hai cây nứa, kéo Thắm lên. Sửu nắm hai chân Thắm dốc ngược lên vai. Không thấy nước ộc ở mồm. Sửu dùng hai tay ấn ngực Thắm theo nhịp thở. Không kịp, Thắm chỉ còn là cái xác nhợt nhạt vô hồn. Ông Đỏ ôm chầm lấy xác con khóc ngất. Sửu đứng chết trân. Hai hàng nước mắt tự dưng tuôn chảy. Nó chưa khóc ai bao giờ.
                                                         ***
           Thấm thoát lão Sửu đã ngoài ba mươi. Người ta gọi là lão không phải kính trọng mà cho đỡ ngượng mồm, chả lẽ cứ gọi mãi là “thằng”. Sau cái chết của Thắm, lão Sửu trở nên ngang ngạnh. Mới đây, lão thêm tật nghiện rượu. Cứ rượu vào là quậy phá, chửi làng, chửi xóm như Chí Phèo. Hàng đêm cả xóm khổ sở vì lão. Có nhà đang ngủ bỗng bật dậy vì bị đập cửa xin tiền uống rượu. Không cho không xong, lão đập cửa tới sáng. Lão đi chợ bán vài con cá nhép, ai hỏi mà không mua là mang vạ. Đã hỏi là phải mua. Phải trả theo giá lão đưa ra. Không ư, sẽ rắc rối to. Một gói phân người không cánh mà bay sẽ rơi vào đầu một lúc nào đó. Không bán cho lão cũng không xong. Bán cho lão thì rẻ như cho. Lão muốn trả bao nhiêu thì trả, có khi quịt luôn. Chả ai muốn dính vào lão. Ông Thiểu, người làm đậu phụ nổi tiếng hiền lành. Khi lão hỏi mua thì đậu đã hết. Ông cứ nơm nớp lo bị trả thù, hôm sau phải biếu không hai bìa đậu nóng hổi.
          Trẻ con nhìn thấy lão đã chạy từ xa. Mấy đứa mải đánh khăng, lão tới không chạy kịp, liền bị tịch thu. Đánh đáo, chỉ mấy ngàn lẻ, lão cũng không từ. Người già trái ý, lão chửi. Bị chửi ai mà chịu được. Dần dà lão trở thành cái gai. Lão tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Chỉ một người duy nhất lão nể là ông Đỏ, bố Thắm, người đã dạy nghề mà nhờ đó lão sống được. Vì thế ai có việc gì phiền toái dính đến lão, lại đến nhờ ông Đỏ nói cho một tiếng.
           Cái xóm nhỏ gần đây chộn rộn khác thường. Người ta bỏ trồng rau, bán đất, mở khách sạn, nhà nghỉ, xây nhà cho thuê, mở công ty… Không ít nhà có con đi xuất khẩu lao động, gởi tiền về mở cửa hàng. Cái xóm vốn ngủ sớm như gà bây giờ ti-vi, đầu máy và  karaoke ầm ĩ đến khuya. Người người thi nhau làm giầu. Đã làm giầu, người ta rất cần sự may mắn. Và tìm sự may mắn đó ở khói nhang. Tuần rằm, mùng một hay cả ngày thường ngôi đền khói hương nghi ngút. Lão Sửu có lộc nhiều hơn. Lão còn nhận lời bảo kê cho một quán karaoke ôm. Chủ quán chuộng cái tính lỳ lợm và ngang tàng của lão cho việc đòi nợ và dằn mặt những kẻ chịu chơi mà không chịu trả tiền. Được trả thù lao khá hậu, lão chẳng màng gì đến cái mủng câu nữa.
              Lão Sửu có vợ. Cái tin động trời ấy từ miệng cái Liếng , cái con nhiều chuyện nhất xóm. Nó một mực rằng nhìn thấy lão dắt một cô vào túp lều bên vườn chuối. Ngay sáng đó, mọi người thấy cặp đôi ấy dắt nhau đi chợ. Lão tỉnh queo trong những ánh mắt tò mò. Người đàn bà đi bên lão, mặt rỗ chằng chịt nhưng dáng người thon thả và cái miệng đong đưa. Nghe nói hai người quen nhau từ ngày lão ở Trại giáo dưỡng và là ân nhân của lão. Gặp ai, người đàn bà cũng cười cầu thân. Gái mới về nhà chồng có khác.
            - Ở như vậy là không được. Phải thay người khác.
             -Như vậy là làm ô uế nơi thờ phụng. 
            -Phải ra khỏi đền. Ông Tước, ông có nhất trí vậy không?
            Cuộc họp Hội Phụ lão xã đến hồi bức xúc. Các cụ nhất trí soạn lá đơn gửi  chính quyền. Chính quyền mời lão lên trụ sở bằng một tờ giấy có dấu đỏ chót. Lần đầu tiên trong đời lão được trọng vọng đến vậy. Lão hỏi vợ:
            -Đằng ấy bảo có nên đi không? dính tới mấy ông xã tôi chả thích.    
            -Ơ hay! sao lại không đi. Tính giỡn mặt hả. Lên xem họ nói sao - Đàn bà vốn chuộng sự yên bình, nhất là với các nhà chức trách. Vả lại, thị là người tứ chiếng, hai người lạc nhau từ đận trốn trại giáo dưỡng, nên hiểu biết hơn anh nhà quê bạt mạng. Nghe vợ, đúng ngày giờ ghi trong giấy, lão lên xã. Đích thân ông Chủ tịch rót nước mời:
           -Mời uống nước…  -một chút ngập ngừng. Ông Chủ tịch không biết xưng hô thế nào cho phải. Gọi là lão như mọi người, thì còn trẻ. Gọi là anh thì thế nào ấy. Ông tìm cách nói trỏng, bắt đầu từ việc vợ chồng là phải đăng ký kết hôn, phải có giấy chứng chưa từng kết hôn…Lão nghe thấy ù cả tai. Nhưng đến đoạn sau thì lão nghe rành rọt:
          -Đền là nơi thờ phụng, tôn nghiêm. Có vợ rồi, nên dọn ra ngoài với bà con cho phải đạo. Ông Tước hứa lo chỗ ở rồi.
           Hôm sau lão dắt vợ về ra mắt bố mẹ nuôi. Ông bà Tước nghĩ: mấy ông xã nói phải. Làm cái chuyện vợ chồng ở chốn tôn nghiêm ấy là không được. Chi bằng cho nó mảnh đất cuối vườn cho gần gụi, phòng khi trái gió trở trời. Con nuôi vẫn hơn người dưng. Chỉ thằng Trễ là hầm hè: Vợ với chả con, rắc rối.
          Thế là vợ chồng Sửu có nhà, hơn hẳn cái lều cuối vườn chuối. Vợ Sửu không thích chung đụng nên xin ông bà Tước cho ăn riêng. Thị có ít tiền bỏ ra sắm sửa cái giường, nồi niêu, bát đĩa. Bà Tước cho đôi gối, tấm chăn bông gọi là quà mừng. Ông Tước khuân xuống cho bộ bàn ghế cũ, bỏ xó nhưng còn tốt chán. Xem ra cũng khá tươm cho cái tổ ấm. Lão nhìn vợ cười ”chỉ còn thiếu thằng cu, đằng ấy nhỉ”.    
           Từ ngày có vợ, lão Sửu ít quậy phá, ít uống rượu hẳn. Cái giống đàn bà thật tài. Cứ như có phép thần thông. Huê, vợ lão ăn nói dễ nghe, lại chiều chồng rất mực. Nghe vợ, lão không làm bảo kê nữa. Bán xong mớ cá, thị lại xách chai mua cút rượu và cái bánh đa. Có khi là cả một xâu lòng lợn. Người ta bảo cái tình của thằng đàn ông là cái dạ dày cấm có sai. Lão chăm chỉ cùng cái mủng. Vợ lão chạy chợ, cũng kiếm được. Mới có mấy tháng mà thị đỏ da thắm thịt . Gái phải hơi trai có khác. Lão Sửu thì phong độ trông thấy. Việc bán mua sòng phẳng của thị làm mọi người nhanh chóng quên đi kiểu mua giựt bán cướp của chồng lúc trước. Thị như cái cầu nối chồng với mọi người. Với bố mẹ nuôi, thị được lòng cả  ông lẫn bà. Thỉnh thoảng thị còn lên đấm lưng cho mẹ khi trở gió. Có mớ cá ngon thị không  quên mang biếu bố nhắm rượu. 
           Bẵng đi cả năm trời, cái xóm nhỏ sống trong yên ả. Người lớn trẻ con không phải lo đối phó với lão Sửu. Ông bà Tước như trẻ ra. Có tiếng trẻ con nữa là mái ấm đủ đầy.
           Bỗng nhiên một tối như mọi tối, láng giềng nhà ông Trước nháo nhào vì tiếng la thất thanh:
          -Ối làng nước ơi! thằng vũ phu nó đánh chết tôi. Ăn cho lắm, uống cho nhiều rồi sinh sự. Có giỏi thì đánh chết bà đi, thằng súc sinh kia. Đừng hòng bà đẻ cho mày, nhà mày sẽ tuyệt tự.
          -Gái đĩ già mồm này! cái đồ thối tha không biết đẻ này! -Cứ mỗi cái “này” là nghe huỵch huỵch, là nghe bát đĩa loảng xoảng, là nghe tiếng chu chéo. Mụ vợ đầu tóc rũ rượi, quần áo tả tơi chạy ra giữa sân. Lão Sửu hầm hầm đuổi theo, túm được mái tóc kéo giật lại:
           -Ối làng nước ơi, nó giết tôi - Vừa la thị vừa giẫy đành đạch như chết đến nơi. Lão Sửu đè ngấu đè nghiến và giang tay tát lấy tát để vào cái mặt rỗ. Không ai dám vào can. Hai ông bà Tước đóng cửa, lánh mặt coi như vắng nhà…Cho tới khi chỉ còn tiếng khóc rấm rứt, tiếng rên chỉ còn ư ử trong cổ họng, mọi người ngao ngán thở dài trở lên giường tìm lại giấc ngủ trong âu lo.
           Sáng hôm sau rồi vài ba hôm nữa, không thấy Huê đi chợ. Bà Tước xuống nhà thấy Sửu nằm chùm chăn kín đầu, gọi mãi chẳng thưa, chỉ ừ hữ. Bà thở dài lắc đầu quay ra. Tìm quanh quất không thấy thị Huê, bà vội chạy lên nhà nói cho chồng biết. Hai người thì thào cho rằng Huê đã bỏ Sửu đi mất rồi. Ngoài chợ người ta kháo ầm lên chuyện vợ Sửu bỏ đi ngay trong đêm bị chồng đánh. Có người còn quả quyết nhìn thấy thị đang giúp việc cho hàng phở Quế Béo trên thị xã. Ai cũng bảo Huê bị đánh là do không biết đẻ. Hai người chung đụng hơn năm rồi chứ ít gì. Bà Lành cứ xuýt xoa: ”con vợ tốt tính vậy mà khổ.  Thằng chồng thèm con, chẳng coi vợ ra gì”. Bà Tước nghe thấy hết, lòng quặn đau, không dám than thở nửa câu. Vừa về tới nhà, bà thấy chồng ngồi hút thuốc lào, chưa kịp nói với ông chuyện ngoài chợ đã nghe thủng thẳng:
          -Ngựa quen đường cũ, lại khăn gói ra lều rồi.
                                            ***
          Lại vẫn là cái Liếng. Nó phát hiện ra lão Sửu ốm.
          Hôm rằm, Liếng vào đền thắp hương. Tính nó hay la cà, kiếm chuyện để buôn. Nó tính vòng qua lều xem lão Sửu, có chuyện gì hay hay mai tám với mấy bà ngoài chợ. Vừa nhìn vào lều, nó giật mình thấy lão ngồi quấn chăn rên ư ử. Nó đặt tay lên trán. Trán lão nóng hổi. Sẵn có cam, nó bổ từng múi đưa tận mồm lão . Nó tất tưởi ra chợ mua mấy viên cảm sốt về bắt lão uống. Trưa đó, nó mang cho lão bát cháo hành, tía tô. Lúc về, nó thấy khóe mắt lão đỏ hoe. Không biết có phải lão khóc không. Khóc cho thân phận mình, cho sự ân hận bị vợ bỏ hay khóc vì cái tình xóm nghĩa giềng mà lão vừa nhận ra từ Liếng.
            Để lão nằm một mình thấy tồi tội. Liếng vòng về nhà ông bà Tước. Đúng lúc thằng Trễ lù lù dẫn xác về. Hai đứa chạy vội đi tìm võng và đòn rồi hối hả chạy ra lều, khiêng lão Sửu về nhà ông Tước. Bà Tước khóc lên khóc xuống :
           -Ối giời ơi! khổ thân con tôi. Đang yên ổn thì không chịu. Giờ ốm đau ra đấy có khổ không cơ chứ. Ai bắt tội con tôi thế này - Ông Tước không nói gì, tức tốc ra chợ, đến hiệu thuốc bắc của ông Dìn, cắt liền mấy thang thuốc.
           Sức vóc có thừa lại được Liếng và bà Trước chăm bẵm, chưa đầy tuần lão đã khỏi. Lão lại nằng nặc đòi ra lều. Ông Trước không nói gì. Bà Trước dỗi vào buồng nằm. Muộn gằn hắt:
           -Ông đi, lúc nằm liệt đừng về nữa.
           Lão Sửu cắm cúi đi. Chưa ra khỏi ngõ, lão đụng cái Liếng tay xách một xâu lòng lợn, nách kẹp cút rượu tất tả đi vào:
           -Ông đi đâu đấy ? mới khỏe vài ngày đã “ta đây” phải không. Vừa nói nó vừa lôi tay lão trở lại. Nó liến thoắng:
           -Ông bà nỡ lòng nào để con bệnh chưa khỏi đã ra lều nằm một mình sao. Bị lại không cứu nổi đâu. Nếu không chê, Liếng này xin rước của nợ về cho.
          Ông bà Tước cười trong bụng vì con bé thẳng ruột ngựa, mau mắn:
          -Nào có cấm cản gì. Ông ấy muốn sao chúng tôi phải chiều thôi. May có cô mới lôi được ông về đấy. –Không biết lão quay lại vì xâu lòng và cút rượu hay vì cái Liếng. Có lẽ cả hai. Dù gì, quay về là tốt rồi.
          Từ hôm đó, Liếng ghé thường xuyên. Lần nào cũng mang cho lão khi lạng thịt,  khi thì nải chuối, chục trứng... rượu thì thi thoảng mới một cút. Tài tình nhất là Liếng ép lão ăn nhiều hơn uống. Xem chừng lão ngoan ngoãn nghe. Con ngựa bất kham chịu đóng cương. Thi thoảng, Liếng nấn ná ở lại với lão nửa buổi, có khi cả ngày, rồi cả đêm. Ông bà Trước như mở cờ trong bụng : có khi thằng này ăn về hậu vận.
             Liếng vẫn gọi lão bằng ông. Nhưng xưng hô thì không “tôi” nữa mà bằng “em”. Lão Sửu cười hiền, như quên hẳn rượu. Ông Tước bảo: “Sửu hết say rượu rồi, đang say thứ khác”. Bà Tước tủm tỉm cười khi chúng bên nhau. Cha mẹ nào cũng vui vì hạnh phúc con cháu. Thế rồi một chiều nọ, bà Tước để ý thấy cái lưng Liếng thẳng đượt, cái bụng lùm lùm nhô cao, bà cười  bằng cả mắt lẫn miệng. Tối, bà xuống nhà  nói với hai người :
          -U mừng lắm. Anh chị tính sao để thày u lo cho. U định thế này có được không. Mình làm mâm cơm cúng ông bà cho phải đạo. Hai con gá nghĩa vợ chồng, bá cáo với họ hàng, chính thức về ăn ở với nhau.
          Cả hai im lặng. Lão Sửu mặt dãn ra, trẻ lại. Bà Trước biết là đã thuận:
          -Để mai u đi coi ngày, gặp ngày tốt làm luôn nhé.

                                                   HOÀNG ĐÌNH CHIẾN
                                            (Hội Nhà Văn TP. Hồ Chí Minh) 


No comments: