Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, March 2, 2014

KÝ ỨC TUỔI THƠ - Hoàng Đằng


      

   Ảnh tác giả:
 Thầy Hoàng Đằng (cựu giáo sư trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị và Trung Học Đông Hà Quảng Trị trước 1975)







 KÝ ỨC TUỔI THƠ


Ở quê Lão, trong tiết Lập Xuân năm nay (Giáp Ngọ), mấy ngày đầu trời nắng nóng; đột nhiên, mấy ngày sau, trời rét buốt kèm theo mưa rả rích. Thời tiết thuận lợi cho mấy sòng cờ bạc, thích hợp với quan niệm: “Tháng giêng là tháng ăn chơi ...”; còn Lão, cảm thấy buồn, buồn vì thương Mẹ vừa mất. Buồn khiến nghĩ ngợi lung tung, nên viết ra đây mấy dòng để chia xẻ với bạn đọc. Những chuyện này bây giờ không còn nữa, nên đặt tên bài là “Ký ức tuổi thơ”.  


“Ngồi bếp”
Thuở còn nhỏ, mỗi lần trời rét, lão đi ra ngoài trời về. Có thể là đi học, có thể là đi chăn bò, có thể là đi chơi, Lão thường chạy nhanh vào bếp lửa Mẹ đang nấu ăn. Ngồi “chò hỏ”, lão hơ mặt và hai bàn tay sát vào lửa để sưởi ấm. Trong bếp, không chỉ có lão, mà có cả đàn em lão nữa. Chen lấn nhau vây kín bếp lửa, Mẹ vừa thổi lửa vừa to tiếng cảnh báo: “Xích ra kẻo lốt da!”. May mắn thì được ngồi bên lửa do đốt củi hay “côộc”, tỏa hơi ấm nhiều, ít tro, ít khói, bếp sạch. “Côộc” là từ địa phương quê lão, có nghĩa là gốc cây; những gốc cây trên rú được bới về, phơi khô để đốt. Thông thường là gốc sim vì gốc cây sim vừa chắc cứng, đốt, đượm lửa, vừa nằm cạn trên mặt đất, dễ bới. Tội nghiệp là khi phải ngồi bên lửa do đốt rơm rạ. Chao ôi! Lửa rơm bung khói, bay tro nghi ngút, nhất là khi rơm ẩm do mưa lâu ngày. Phần lớn phụ nữ nông thôn lúc cao tuổi thường bị mờ mắt, chắc chắn một phần do đứng bếp đốt lửa rơm. Lại còn bệnh về đường hô hấp; khói rơm, tro rơm lọt vào phổi mỗi ngày mỗi tí. Qua thời gian, người nấu nướng có nguy cơ cao mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính.
Càng viết càng thương Mẹ - Người đã sống trong giai đoạn quá ư thiếu thốn.

Giành nhau dĩa mứt Tết
Hôm nay, Tết qua đã lâu, thế mà mứt bánh trong nhà còn nhiều. Ba ngày Tết, khách đến thăm, dọn mứt bánh ra, lão mời không ai nếm; con cháu lão đến, lão nài ăn, chúng cũng không ngó ngàng gì. Bọn trẻ con bây giờ chỉ còn dùng hạt dưa; được mời, chúng nhón mọt nhón, vừa “mum” vừa vất. Lão trông mà tiếc của!
Xưa kia, nhà nghèo, đón Tết, Mẹ có mua mứt bánh. Mứt bánh thuộc hàng quý hiếm, không đa dạng như bây giờ. Với tài chánh eo hẹp, Mẹ chỉ mua ít thôi. Mua chủ yếu dùng để cúng quảy. Trên bàn thờ, từ khi cúng “lên nêu” (đón gia tiên về ăn Tết) cho đến khi cúng “đốt vàng bạc” (tiễn gia tiên khi hết Tết), ngày nào, Cha Mẹ cũng dọn thức cúng 3 bữa để mời gia tiên. Bữa sáng, bánh, trái, mứt và chén nước trà. Bữa trưa, bữa tối, cơm, thịt lợn, đồ kho, đồ chiên, đồ xào. Mỗi thứ mỗi ít, cúng xong, dọn xuống, gia đình dùng bữa luôn thể.  
Mứt bánh cúng xong, cất vào hộp, khách đến thăm, Mẹ dọn ra mời, ngoài cau trầu và nước chè. Mứt dọn trong cái dĩa nhỏ xíu bằng cái dĩa đựng chén trà ngày nay (soucoupe). Khách chỉ nhấm nhí vài ba lát; khách cáo từ ra chưa đến cổng, bọn con trẻ như lão chực sẵn đâu đó, “a la xô” tranh nhau tới trút dĩa, vừa reo mừng vừa chạy như thử chiến sĩ thu được chiến lợi phẩm ngoài trận mạc.

Đi “xin lả”
Ngày xưa, mỗi trưa hoặc mỗi tối, mẹ đi làm đồng về, vội vã vo gạo, chuẩn bị thức ăn, sai lão “đi xin lả”. Bây giờ sướng quá, tiện quá! Chỉ bật bếp ga hay găm bếp điện. Cái bật lửa ngày xưa ấy cũng hiếm. Người ta tạo lửa bằng cách đập mạnh 2 hòn đá, 2 thanh tre hay gỗ cứng vào nhau, lửa lóe lên, bắt ngọn vào nhúm “bùi nhùi” – một loại sợi cây khô dễ bắt lửa. Khó lắm! Thành thử, một nhà lấy được lửa, cho nhà khác xin lửa, ấy là gia ân, gia phúc rồi. Lão ra “cơn rơm”. “Cơn rơm” là rơm khô chất đống và đạp chặt quanh nòng cột gỗ hay cột tre, dự trữ quanh năm vừa làm thức ăn trâu bò trong mùa mưa rét vừa làm nhiên liệu những khi không kiếm được củi.  Rút một nắm rơm, xoáy chụm lại, gọi là vày rơm, lão sang nhà hàng xóm, “xin lả” (“lả”, từ quê lão, có nghĩa là lửa). Vào bếp nhà người ta, lão xúc một ít tro nóng bỏ vào lỗ trủng của vày rơm, gắp một cục than hồng bỏ vào trên tro rồi đi nhanh về nhà; may thì đến được bếp nhà mình, không may thì rơm bốc lửa dọc đường; ôi chà là thảm!  Chuyện rơm bốc lửa xảy ra thường xuyên vì quê lão lắm gió: mùa hè gió Lào, mùa đông gió bấc. Đó là mầm gây hỏa hoạn, đã từng thiêu hủy cả xóm hay một phần làng. Bây giờ, chuyện “xin lả” không còn; đại đa số nhà cửa đã thay mái nhà từ tranh qua tôn, qua ngói hay đúc bê-tông. Ở nông thôn, hỏa hoạn hiếm xảy ra mà hỏa hoạn lại chuyển về các khu đô thị và các khu công nghiệp. Do không gian chật chội và bất cẩn trong việc sử dụng điện.

“Ngừa mạ đi chợ về”
Lại chuyện ngày xưa. Cứ năm, bảy ngày, Mẹ đi chợ một lần; mỗi lần đi chợ, mẹ phải sửa soạn hàng bán: rau quả, con vịt, con gà, chục trứng, mũng gạo ... Phụ nữ bây giờ sướng ghê! Chỉ cầm tiền và xách theo cái giỏ, mua hàng xong, kêu xe ôm chở về. Mẹ đi chợ, cực lắm! Bán xong hàng, mẹ đi quanh chợ để mua những thứ cần thiết cho gia đình, mua thức ăn dự trữ đủ, chờ lần đi chợ tới. Mẹ không bao giờ quên kẹo bánh cho đàn con. Thời điểm Mẹ đi chợ về khoảng trên 11 giờ trưa. Giờ này, bọn trẻ con như lão đã đói. Đói do bữa sáng ăn qua loa và do chơi đùa vận động nhiều. Đói thì đi “ngừa” (đón) Mẹ, chị bồng em, anh dắt em ra ngõ, trông về hướng chợ; chờ ở ngõ lâu chưa thấy Mẹ về, đàn trẻ cứ theo dọc xóm mà đi, lắm khi đi đến nửa cây số mới gặp Mẹ. Thấy được Mẹ, mừng ơi là mừng, níu quang gánh mẹ xuống, xáo lục tìm gói kẹo, gói bánh, anh em chị em cố tranh, cố giật cả gói về mình, đứa nào cũng muốn đóng vai chia phần.
“Trông như trông Mẹ đi chợ về”, cảnh ấy không còn nữa, nhưng câu ấy đã biến thành tục ngữ để chỉ một tâm trạng trông ngóng quay quắt cái gì đó hay ai đó.

Chờ “ăn trực”
Trẻ con ngày xưa, vào giờ trưa, đói bụng. Mẹ đi làm hay đi chợ chưa về. Nhà chưa ai chuẩn bị cơm nước, trẻ thường lân la chơi ở nhà hàng xóm không chịu về khi thấy nhà người ta đang dọn bữa. Gia đình người ta ngồi vào mâm, cúi đầu ăn, không đành bụng. Thôi! dù cơm gạo đã lường, thức ăn đã tính, người ta vẫn xúc cho mỗi trẻ “ăn trực” một lưng chén cơm thêm một tí đồ ăn. Mời trẻ “ăn trực”, người mời phần đông mang tâm trạng vui vẻ; nhưng cũng có người tỏ ra bực bội ngầm.
Gia đình nào ngồi ăn mà để trẻ con đứng nhìn, người thứ ba thấy cảnh ấy sẽ lên án gia đình ấy sống tệ; vì vậy, dù muốn dù không, gia đình ấy cũng phải cho trẻ ăn. Họ làm thế chỉ để lừa mắt thiên hạ.
Trẻ con qua nhà hàng xóm chơi, ở lại “ăn trực” do đói hoặc do ham chơi – suy cho cùng - cũng là một nét văn hóa: cộng đồng nhường cơm sẻ áo, nương tựa nhau trong cuộc sống.
Bây giờ, cảnh trẻ con “ăn trực” không còn nữa. Trẻ đói khi chưa tới bữa ít đi vì đời sống mỗi gia đình khá lên và hàng quà, quán xá mọi nơi cần lúc nào cũng có. Lại thêm, trẻ ít còn thì giờ qua chơi nhà hàng xóm. Trẻ đã có cơ hội đến trường đến lớp khi mới lên hai lên ba.

Đầu năm, lão “cà kê dê ngỗng” vài ba ký ức tuổi thơ. Hy vọng một số độc giả tìm thấy được ít nhiều hình bóng mình trong những dòng viết của lão. Còn ai thấy ký ức của lão quá xa lạ, xin thông cảm!

                                                                      14/02/2014
                                                              (15/Giêng/Giáp Ngọ)
                                                                     Hoàng Đằng

No comments: