Tác giả Kha Tiệm Ly |
- Cuồng sĩ họ Cao
Năm Quang Tự 23 chiến
tranh Trung Nhựt bùng nổ (1894). Triều Thanh cực kì hỗn loạn. Bên trong thì
quyền thần tranh quyền, thái giám hiếp vua, sơn dã giặc cướp nổi lên như ong,
giang sơn bị chia năm xẻ bảy bởi liệt cường xâu xé. Mỗi địa phương thì cường
hào ác bá mặc sức vơ vét của tiền. Đời sống nhân dân cực kì bi thảm.
Tại kinh đô, bọn cơ hội thì mua tước bán quyền hoặc làm tay
sai cho bọn Nhật để cầu chút vinh hoa.
Lớp trí thức, văn nghệ sĩ, có kẻ hùa theo giặc để an thân, dù đa phần vẫn giữ
được sĩ khí, nhưng lại bóp bụng đứng bên lề nhìn vận nước điêu linh, hoặc mượn
rượu cho qua ngày tháng.
Tại Ngưu thôn- cách
kinh đô vài trăm dặm- có một người không biết từ đâu đến, ban ngày thì ra chợ viết mướn với bầu rượu
bên mình, thỉnh thoảng mở nắp uống suông. Lúc ngà say, mọi việc đều bỏ, bèn lấy
giấy bút làm thơ phú thao thao bất tuyệt, ý tình cao ngất trăng sao, có khi liên
tục mấy mươi bài. Ai thích thì tặng cho, còn không thì để mặc bay theo gió
cuốn. Kẻ sĩ trong thôn trầm trồ thán
phục, cho là kẻ thất thời; còn bọn thất phu lại bảo là cuồng dại. Chiều về,
trước khi chui rút vào cái lều tạm bợ bên miếu Thành Hoàng ở cuối ấp, gã luôn
chia sẻ cho Thành Hoàng một ít rượu thịt trong ngày kiếm được; lại thường xuyên
bày trước bệ thờ mà chén tạc chén thù với… pho tượng, đến khi say khướt mới
thôi!
Một buổi ra chợ, nghe phía bắc bị “giặc lùn” chiếm đóng, gã
liên tiếp nốc cạn mấy bầu, tức giận bừng lên mặt, bèn viết liền một mạch “Biên
Cương Nộ Khí Phú”, rồi sang sảng đọc lên. Bài phú hào hùng, tràn lòng yêu nước.
Hảo hán, sĩ phu đều dừng lại lắng nghe, một lòng thù giặc, tuốt gươm cổ vũ. Có
một khách thương hồ, hiếu kì đến xem, bỗng chạy đến quì trước gã:
- Ôi! Cao ân nhân! Sao ngài lại lưu lạc đến đây!
Rồi nói cùng mọi
người:
- Quí vị ơi! Đây là Cao huyện lệnh Thanh Mai đó! Ngài là
Bao Thanh Thiên của huyện tôi! Chỉ vì
ngài hết mực yêu dân mà phải như thế nầy đây!...
Mọi người sững sờ
nhìn nhau.
Ngày đó gã say mèm. Chiều về, đến miếu Thành Hoàng, chỉ pho
tượng mà mắng:
- Ta thấy bá tánh không tệ với ngươi, ngày ngày khói
hương nghi ngút, hoa quả đủ đầy. Ta cũng quý ngươi là kẻ có công với xã tắc mà
xớt chia phần rượu thịt. Nay biên cương bị giặc hoành hành mà ngươi lại điềm
nhiên ngồi đó mà nhìn, chẳng thẹn hay sao? Thật uổng phí nhang đèn thiên hạ và
rượu thịt của ta!
-
Nói xong, dằn mạnh bài phú trên bệ, rồi huơ tay đùa cả hoa
quả, lư hương xuống đất. Trước khi đi còn mắng:
- Hãy xem đi! Như vậy còn nhẹ cho ngươi! Để ta xem khi
giặc tràn vào đây, hình tượng của ngươi còn không cho biết!
Hôm sau, người Ngưu
thôn không thấy bóng gã nữa.
- Với bọn thư sinh
Đất nước nằm trên miệng hỏa sơn mà kinh đô vẫn ngựa xe nhộn
nhịp. Những chốn ăn chơi cũng chật ních người. Tửu điếm nhỏ năm xưa nay cũng
sáng sủa hơn. Gã chọn một bàn cuối dãy, gọi rượu uống suông. Như thông lệ, khi
rượu tàng tàng, thì chữ trong người lại
tuôn ra ào ạt, phóng bút chẳng ngừng tay. Bên kia, một nhóm thực khách ba nam
một nữ - dáng dấp thư hương- cùng nhìn
gã, xì xào to nhỏ rồi kéo qua, âm thầm đứng bên gã. Một người cung kính nói:
- Đúng là Cao thám hoa tiên sinh đây rồi! Tiểu sinh nay mới
thấy được Thái sơn. Vô cùng vinh hạnh!
Gã nhìn mọi người dè dặt:
- Huynh đệ chắc lầm rồi. Ta chỉ là một hàn sĩ ngông cuồng,
nào phải …
- Tiên sinh chớ khiêm nhường nữa! “Biên Cương Nộ Khí Phú”
của người bốn biển vang danh, trẻ con cũng thuộc làu làu, huống chi là bọn tiểu
sinh thuần việc bút nghiên?
Một kẻ khác:
- Tiên sinh tánh tình hào phóng, vậy có thể cho phép bọn
bất tài nầy được ngồi uống cùng chén rượu được không?
-
Cao (từ đây gọi là
Cao) cười, nhẹ gật:
- Bốn biển đều là anh em. Các huynh đệ cần gì khách khí
như vậy?
-
Thế là thịt đầy mâm, rượu tràn vò, liên tục chén tạc chén
thù. Cao ái ngại:
- Các huynh đệ hôm nay muốn gặp kẻ tầm thường nầy chắc
chẳng phải để uống rượu đó chứ? Có gì xin cứ nói thẳng ra thì hơn.
Như mở cờ trong dạ,
một người vừa đưa cho Cao một xấp thủ cảo, vừa nói:
- Chẳng giấu gì tiên sinh. Bọn tiểu sinh từ còn để chỏm
đã miệt mài kinh sách. Vắt ruột gan, thi phú cũng được ngàn bài, mà tiếng tăm
vẫn chưa ra đầu ngõ! Bèn cùng tâng bốc lẫn nhau, chỉ mong danh thoát ra thiên
lý, mà hiệu quả không như mong đợi; lại còn làm trò cười cho thiên hạ! Nay, nếu
tiên sinh chịu bỏ chút thời gian viết cho lời bạt, thì bọn tiểu sinh sợ gì tên
chẳng vượt chín tầng mây?
-
Cao nhận thủ cảo, lật
vài trang xem rồi trả lại:
- Rất tiếc ta phải phụ lòng các huynh đệ!
Cả bọn nhìn nhau, một
người nói;
- Nếu tiên sinh thuận ý, thì hằng ngày sẽ có rượu thịt ê
hề, áo gấm hài da. Tội tình gì rút trong lều cỏ, uống rượu suông như thế nầy?
Cao cả giận:
- Với ta mà các ngươi còn đem lợi mà dụ ư? Cũng vì lợi mà
bao người đã đánh mất lương tri! Quân tử vì lợi mà hóa tiểu nhân, Hào hán vì
lợi mà thành vô lại. Quan vì lợi mà khổ cho muôn nhà; vua vì lợi mà họa cho lê
dân trăm họ. Ta đã bỏ quan trường thì thiết gì danh, ham gì lợi, mà các ngươi
lại đem ra trao đổi?
Nữ nhân bây giờ mới nói:
- Nhưng tiên sinh
cũng cho biết lý do chứ?
- Hừm!.. Lý do?
(chỉ vào thủ cảo). Những thứ nầy là thơ, là văn đó sao?
Thấy cả bọn không vui. Cao nhẹ giọng:
- Người bình văn có lòng tự trọng không thể viết bừa;
cũng như kẻ trước tác chớ vì lợi lộc, tiếng tăm mà chẳng từ thủ đoạn! Nhưng đã
mấy ai làm được? Hãy xem bọn cầm bút chốn
kinh thành, hằng ngày mặc áo gấm hài thêu, ăn sơn hào hải vị, xuống ngựa
lên xe. Hỏi ngân lượng ở đâu chúng có khi “văn chương hạ giới rẻ như bèo”? Nếu
chẳng phải đành bẻ cong ngòi bút để tán dương phường vô lại, hay kể cả kẻ thù
chiếm lấn biên cương? Đó là phường bồi bút! Hoặc ngoan ngoãn cúi đầu viết theo
vương lịnh. Đó là hạng bút nô tài! Kẻ sĩ chân chính luôn đắn đo từng ý tưởng,
để khỏi muộn màng khi xuống bút, giống như tên bật khỏi dây cung, làm sao bắt
lại? Văn chương cũng không thuần là thứ để kẻ sĩ gởi gấm tâm tư; càng không
phải để mua vui trong buổi trà dư tửu hậu; mà phải có chủ đích hẳn hoi. Dù
chẳng là hùng binh nhưng cũng phải góp phần đánh đuổi giặc thù, dù chẳng phải
gươm thiêng nhưng cũng phải chung vai đập tan cường quyền, bạo lực. Kẻ cầm bút
phải có sứ mạng dẫn quần sinh tới chỗ toàn chân, đưa bá tánh đến nơi toàn mỹ.
“Văn dĩ tải đạo” bao giờ cũng đúng.
Nhìn cả bọn, Cao
tiếp:
- Sáng tác nhiều chưa phải là hay, đó là chưa nói làm tốn
hao giấy mực! Kẻ nào phân biệt được tác phẩm nào hay, tác phẩm nào dở thì cũng
đáng quí rồi; Kẻ biết mình viết tồi, thì một ngày cũng được thăng hoa. Các
ngươi đã dám nhận mình là dở thì rất đáng cho Cao ta bái phục! Chẳng bằng có
hàng ngàn kẻ tự xưng mình là văn nhân thi sĩ, khoe khoang là người của “Khôi
Nguyên Văn Bút”, của “Bách Tú Tao Đàn”,
mà văn viết khô như đơn thuốc, thơ đọc nghe điếc tai hơn tiếng mõ thầy chùa.
Thế mà chưa hề biết dốt, lại xem mình như đỉnh Thái Sơn; dưới mắt không người.
Những kẻ đó so với bọn ngươi, còn thua xa lắm.
Cao đứng dậy cáo từ:
- Ta có tật “rượu vào
lời ra”, Các huynh đệ chớ chấp. Ta đi đây!
- Liêu trai kì ngộ
Trăng thượng tuần lên
cao, ánh sáng vàng vọt cũng đủ xuyên qua
mái tranh rách nát của người hàn sĩ đang uống rượu một mình trên án thư bề bộn
bút mực giấy tờ. Ngọn đèn hiu hắt vận cả
sức tàn để chống chọi lại làn gió nhẹ của buổi tàn thu. Cao lấy tay che gió thì
phát hiện hương thơm phảng phất, rồi ngơp cả phòng làm mất hẳn mùi ẩm mốc. Bèn
nhìn lên thì thấy một bóng hồng đứng trước cửa tự lúc nào! Cao sững sờ. Bóng
hồng thướt tha tiến tới, nhoẻn miệng cười, chấp tay, cúi đầu thi lễ, giọng
trong như suối reo:
- Kính chào tiên
sinh! Tiện thiếp đường đột xin người chớ chấp!
Dưới ánh đèn tranh
tối, nhưng Cao cũng thấy được mỹ nhân áo lụa như mây, mặt xinh như ngọc, mắt
phụng mày thanh, môi thắm như hoa, dung nhan thoát tục. Cao chưa hết bàng
hoàng; nữ nhân bèn tiếp:
- Nghe đại danh như sấm ngang trời, lòng hằng ước ao diện
kiến, ngặt vì quan san cản lối hài hoa. Nay Bắc Đẩu chói lòa ngợp đất Trường
An, lòng hối thúc không sao cầm được, đành đạp tường giáo huấn, bẻ cửa Nho
phong, mong cùng được tiên sinh uống chén Mao Đài, ngâm câu chánh khí, phỏng có
được chăng?
Giọng nàng như oanh hót mà nghi phong xem chừng đáng bậc anh
thư. Cao kính nể đôi phần:
- Ta chỉ sợ mái tranh nầy không đáng tiếp chân nàng!
- Chỉ có kẻ thất phu mới đánh giá trị một người bằng dáng vẻ
bên ngoài. Nhìn bao cẩn ngà thì cứ cho rằng bên trong là bảo kiếm, đó là phường
giá áo túi cơm; nhìn người áo vải lại cho là hạng tầm thường, đó là bọn có mắt
không tròng!Tiên sinh nghĩ thiếp là hạng người nào vậy?
Bèn lấy trong túi gấm, chất đầy mâm sơn hào, mỹ tửu. Cao
chợt nói:
- Ta không thể uống rượu mà không biết người đối diện với
mình là ai. Dám hỏi…
Nữ nhân nghiêm giọng:
- Thiếp là Liên Hà, phụ thân là Trần Viết Bình…
Cao trố mắt, đứng
phắt dậy:
- Trần Án Sát đại nhân? Chứ không phải ngài cùng gia quyến
đã bị đày ra biên ngoại đó sao?
Đôi mắt kiều nữ đượm buồn. Cao ngậm ngùi:
- Cây ngay bị đốn trước! Người trung can nghĩa khí lại
bị hãm hại, tù đày! Đây là thời gì vậy?
Nhưng may mắn nào… tiểu thư lại thoát được về đây?
Liên Hà cắn nhẹ môi như cố nén niềm chua xót:
- Chuyện dài dòng lắm không thể phút giây mà kể hết. Hơn
nữa, thiếp không muốn tiên sinh bận lòng về chuyện của gia quyến thiếp mà mất vui cho cuộc hạnh ngộ
nầy.
Bèn rượu rót tràn tràn. Lời lời châu ngọc. Chén tạc chén
thù., xem chừng tâm đầu ý hợp lắm. Liên Hà
uống rất hào, rượu hâm hồng đôi má làm nàng càng đẹp não
nùng. Dáng mai lả lướt mà mỗi lời bung ra đều mang tánh khí trượng phu:
- “Muốn giục ngựa
hồng tung thẳng vó
Gươm thù khua mà hào kiệt ở nơi đâu?
Kinh điển năm xe đành đứng ngó,
Nhìn giang san mà thẹn với Vũ Hầu!”
Rồi dòng châu lả chả. Cao buốt cả lòng, thương cho kẻ trâm
anh mà lặn hụp chốn phong trần. Liên Hà lại rót tràn, hai người cùng uống. Rượu
vào, văn chương thi phú cứ mãi tuôn ra. Cao cao hứng nói:
- Được cùng tiểu thư uống rượu hôm nay thì thế gian nầy không
còn người cho ta đối ẩm nữa rồi!
Và rượu cũng cạn bầu. Hai người đều say khướt.
Không biết đến lúc nào, nhưng khi nghe bên ngoài tiếng vỗ
cánh của cú ăn đêm và ngọn tàn thu lạnh lùng làm chàng chợt tỉnh. Cao choàng
tay qua lấy chăn; xúc giác là lạ, vội mở mắt ra, kinh hoàng khi thấy Liên Hà
nằm bên với yếm đào lệch lạc đang thiêm thiếp giấc nồng; rồi nhìn lại mình,
mình trần trùi trụi. Cao bưng đầu kêu khổ:
- Ta đắc tội rồi!
Liên Hà cười khúc khích:
- Vậy thì thiếp cũng đắc tội với chàng! Vạn sự tùy duyên, có
chi mà ngại?
Bèn ngồi dậy. Yếm đào rơi xuống. Cao vội nhắm mắt, quay mặt,
để tránh đôi bồng đảo thanh xuân lộ lộ. Liên Hà bảo:
- Biết tháo ra mà không biết buộc vào mới là đắc tội!
Cao chần chừ. Nàng đổi giọng dỗi hờn:
- Không buộc lại giùm thì thiếp để nguyên vậy mà về đó!
Nghe những lời phóng khoáng của Liên Hà, Cao cũng bình tâm
lại đôi phần. Đang run run mân mê dây yếm
thì bất ngờ bị Liên Hà tát mạnh vào tay; lại cười nghiêng ngửa:
- Lại định buộc vào thật à? Ai đời kẻ đã từng to tiếng “mắng bọn tham quan”, thẳng tay
“điểm mặt quân thù”, mà lại khù khờ đến
thế?
Rồi vật Cao xuống. Bây giờ Cao mới thực sự đắm đuối và ngây
ngất bởi hương thơm từ hình hài diễm tuyệt của nàng toát ra. Hiểu được ý Cao;
Liền Hà giải thích:
- Từ khi vừa chào đời, da thịt thiếp đã thơm ngát hương sen.
Phụ thân đặt tên thiếp là Liên Hà vì lẽ đó!
Ngoài trời trăng sao trong vắt mà trong phòng lại “mưa gió”
tơi bời. Gà chợt gáy canh năm, Liên Hà hốt hoảng bật ngưới ngồi dậy, choàng vội
xiêm y, hối hả lược giắt trâm cài mà miệng vẫn tươi cười; ánh mắt bén ngót nhìn
sang Cao, tủm tỉm:
- Tên cuồng sĩ thô bạo nầy làm tiểu thư ta quên mất cả thời
gian! Ngày mai ngươi biết tay ta!
Cao sững sờ, chưa kịp hỏi lời nào thì thoắt một cáí, Liên
Hà mất dạng!
Tối hôm sau quả nhiên Liên Hà đến, mặt hoa rạng rỡ. Cao cả
mừng, vội bế nàng vào phòng. Liên Hà giẫy nẩy:
- Tên cuồng sĩ nầy nay sao hung hãn như giặc phương phương
Đông vậy?
Sau cơn mưa gió, Liên Hà nghiêm nghị nói, giọng sắc như dao:
- Từ nhỏ thiếp sống trong quan phủ, luôn buộc ràng trong
khung phép lễ nghi, chưa hề biết mùi ong bướm. Thế mà nay vì quý chàng là kẻ
tài hoa, trọng chàng là người trí dũng mà cột tự đến tìm trâu. Chớ cho là liễu
ngõ hoa tường, e không phải lẽ!
Cao tha thiết:
- Ta dù chưa chứng huệ nhãn, nhưng cũng tự hào nhìn được
ruột gan của kẻ đứng sau tường! Ta trọng nàng là cân quắc anh thư, khác hẳn với
phường hồng nhan yểu điệu, tối ngày chỉ biết trau chuốt dáng người, tô điểm
phấn son. Ta kính yêu nàng không hết, nàng bất tất nói những lời khó nghe như
thế mà làm tổn thương ta.
Liên Hà ôm Cao vào lòng, vui vẻ nói:
- May mắn cho thiếp đã chọn chẳng lầm người. Được một tri kỉ
như chàng rõ là không uổng một đời má hồng trang điểm, mài miệt bút nghiên.
4. Thành hoàng xuất hiện
Nhưng rồi liên tục nhiều hôm Liên Hà không đến, Cao ban ngày
vào ra trông ngóng, đêm về thì uống rượu đợi chờ cho tới canh hai; mà phương
trời vẫn biền biệt bóng chim. Dung quang lẹ làng héo úa. Một tối đang ngồi nhắm
rượu với lòng buồn vời vợi, nghe ngoài
hiên sương rơi lộp bộp như tiếng bước
chân trên xác lá khô. Lòng khấp khởi mừng thầm. Liếp cửa lay động, nhưng lại là
một hảo hán râu hàm tua tủa, hắn vừa bước vào vừa nói; giọng như chuông ngân:
- Lão bằng hữu nay uống rượu không mời ta sao?
Cao định thần nhìn, hơi chột dạ khi nhận ra mặt hảo hán y
trang như pho tượng Thành Hoàng quen thuộc ở thôn Ngưu dạo nọ! Cao đứng dậy vái
chào; bình thản nói:
- Lâu quá không gặp! Thần nhân có muốn lấy mạng kẻ ngông
cuồng nầy thì cũng đợi uống xong tuần rượu đã!
Thành Hoàng đặt mạnh hai vò rượu lớn xuống bàn; dằn thêm mấy
đùi dê luộc, cười lớn:
- Từ lâu ta đã nợ lão bằng hữu khá nhiều rượu thịt. Nay
không cho ta trả lại, thì ta lấy mạng thật đó! Ha ha! Hừm! “Thần nhân” cái con
quái gì! Cứ gọi nhau là huynh đệ cho dễ nghe hơn: Ta là Ngưu huynh, đệ là Cao
đệ. Được không? Hà hà!
Lời Ngưu phóng khoáng, Cao nghe nhẹ cả ruột gan. Tị hiếm
thần- người phút chốc tan biến mà tưởng chừng như thân thiết tự lúc nào! Ngưu chỉ vào chén rượu trước mặt Cao:
- Uống rượu bằng chén đút sữa cho hài nhi mà đòi “Uống Rượu
Với Tống Giang” sao? Ha ha!
Nói xong cầm đùi dê mà xé, bưng vò mà ực. Rượu tuôn ướt cả
hàm râu tua tủa, cả chiếc áo dày bụi phong trần, dơ bẩn như pho tượng tại miếu
Thành Hoàng cả năm mới được một lần tắm rửa! Cao cũng chẳng vừa, tu liền một
phát. Cả hai lấy tay quẹt miệng:
- Sảng khoái!
- Sảng khoái!
Lúc rượu tàng tàng, bỗng Cao bưng mặt rấm rứt. Ngưu thản
nhiên nói:
- “Giang sơn vô lệ khấp anh hùng”, nhưng anh hùng thừa lệ
khóc giang san!
Cao lau mắt:
- Non sông đang nằm trên chào dầu sôi, mà ta ngày đêm uống
rượu, đệ thấy làm nhục lắm!
- Ta thì có chí hướng của ta. Còn đệ thế nào?
- Thái hậu nắm đại quyền mà mắt mờ như cú ban ngày, lại còn
thích lời ton hót. Quần thần thì đa phần thủ cựu, tham lam. Hoàng đế vì đi theo
biến pháp của Khang, Lương tiên sinh mà phải bị giam cầm (1898- chính biến Mậu
Tuất). Phong trào Duy Tân tan rã, nhưng đã đánh thức lòng kẻ sĩ muôn nơi. Đệ
cũng phải theo con đường đó mà thôi! Bằng không...
- Bằng không khi tổ quốc nằm trong tay giặc thì chúng sẽ làm
thịt tên cuồng ngông “Biên Cương Nộ Khí” mà nhắm rượu đó! Ha ha .
Ngưu nói lớn:
- Vậy phận ai nấy lo. Giờ uống rượu đã!
Cả hai bèn nốc cạn, rồi cùng đập tan bầu. Ngưu dứt khoát:
- Ta đi đây! Hẹn tái kiến!
5. Ba sinh hương lửa
Rồi vù như cơn lốc, mất hút. Cao còn bâng khuâng, miên man
nghĩ ngợi, thì gian phòng bỗng ngợp hương sen. Liên Hà đến. Cao mừng vui ra
mặt, không thốt được lời nào. Liên Hà nhìn quanh, nhăn mặt:
- Y như là bãi sa trường.! Thần nhân uống rượu có khác!
Cao nhìn nàng. Hiểu ý Cao, bèn nói:
- Thiếp đến từ đầu hôm nhưng thấy hai người uống rượu nên
không tiện vào đó thôi.
Bèn tự tay quét dọn tươm tất, rồi lấy một gói thuốc bột pha
vào nước, bảo Cao:
- Đây là “Giải tửu chỉ phong tán”.Phụ thân thiếp thường dùng
khi quá chén đó.
Cao đón lấy, cười cười nói:
- Được thấy mặt nàng thì bao nhiêu rượu trong người ta
cũng tan biến hết!
Liên Hà điểm nhẹ ngón tay vào trán Cao:
- Tên cuồng sĩ nầy biết nói nịnh từ bao giờ vậy? Đừng lắm
chuyện nữa, thời gian chẳng còn bao nhiêu.
Nghỉ sớm đi thôi!
Đêm đó hương lửa càng nồng, nhưng đến canh năm nàng cũng vội
vã ra đi; Cao níu áo nàng:
- Nàng ở lại luôn đây có phải hơn không. Tôi tình gì mà tự
làm khổ mình như vậy?
Liên Hà cười ngất:
- Chứ không phải sợ thiếp không đến nữa à? Mới hay, tình yêu
làm cho trí sĩ cũng hóa dại khờ; anh hùng hảo hán cũng hóa ngu ngơ! Chàng ở
trường hợp nào vậy?
Cao chữa thẹn:
- Còn với hồng nhan thì sao?
Liên Hà liếc dài:
- Thì dám trốn cha trốn mẹ để đến với chàng đây!
Nói xong, vụt ra cửa, để lại hương sen quyện đặc cả phòng.
Rồi đêm nào cũng đến. Có nàng nói nói cười cười, không khí
gian nhà sôi động cả lên. Nhưng một lần mặt hoa lại ủ dột, vóc liễu xanh xao.
Cao hỏi mãi, nàng mới cầm tay Cao đặt trên bụng mình mà rằng:
- Tại cái nghiệp chướng nầy đây!
Cao mừng rơn, nhưng Liên Hà lại châu rơi lã chã. Cao vỗ về:
- Hay là nàng sợ búa rìu dư luận, lễ giáo gia phong đổ ập
xuống nàng? Ta lại để nàng thiệt thòi thế hay sao?
Liên Hà lắc đầu:
- Những thứ tầm thường ấy không làm gì thiếp được đâu! Có
điều chúng ta không còn nhiều thời gian nữa!
- Sao nàng lại nói những điều không hay như vậy?
Liên Hà lau vội mắt,
nghiêm giọng nói:
- “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Nay giặc đã tràn
đến kinh thành. Hoàng đế anh minh đã bị mụ già Từ Hi bức tử. Đất nước đang hồi
điêu đứng mà lại nằm trong tay một đứa trẻ còn bú sữa Phổ Nghi thì thế cuộc làm
sao cứu vãn? Bên ngoài súng giặc ầm ầm mà triều nội quan liêu vẫn còn mê ngủ,
tìm trăm phương ngàn kế để mưu cầu lợi ích riêng tư; tham vị cố quyền cho con
cháu đời đời hưởng lộc! Mà chẳng hề biết “nước mất nhà tan”! Kết bè kết phái mà
củng cố quân quyền, chánh vị, chẳng cần biết “hiền tài là nguyên khí quốc gia”;
bỏ ngoài tai “vạn ngôn biến pháp”. “Biên Cương Nộ Khí” của chàng là lưỡi gươm
đâm nhói dạ quân thù, là bó đuốc thắp sáng lòng yêu nước, thì nơi nầy chẳng
phải là chỗ ở lâu dài. Thiếp đã trộm biết chí hướng của chàng, mà sao giờ nầy
chim bằng vẫn chưa tung gió? Đừng vì chút quyến luyến thường tình mà đắc tội
với non sông.
- Nhưng thân thư sinh trói gà không chặt này, thì ngoài việc
cầm bút để viết mấy bài thơ lếu láo ra, còn làm gì được?
Nàng nghiêm giọng:
- Chàng thử lòng thiếp đó phải không? Những lời chàng nói
với Thành Hoàng, thiếp đã nghe không sót một lời. Hảo hán chẳng cần kẻ vai u
thịt bắp; anh hùng nào tị hiềm người bạch diện thư sinh? Thanh gươm có thể
chiếm được thành trì nhưng không thể vỗ yên trăm họ! “Biên Cương Nộ Khí” của
chàng là tiếng trống thúc quân, là ngọn lửa nấu sôi lòng yêu nước, là ngọn lưỡi
đao chém thẳng vào mặt quân thù, khiến chúng ngày ăn đêm ngủ không yên. Điều
nầy không nói lên sự uy dũng tuyệt vời của ngòi bút hay sao?
Ngưng một lát, bèn tiếp:
- Thân của chàng không đủ cho chúng làm “mồi” một bữa rượu
đâu. Hãy kíp mà lo!
Cao ngần ngừ:
- Ta đã có dự tính rồi, nhưng mà… còn nàng, còn giọt máu của
chúng ta?
Nàng cau mặt:
- Nam
tử anh hùng, đầu đội trời, chân đạp đất thì chớ vướng bận những chuyện thường
tình như vậy! Chuyện an nguy của tổ quốc mới là trọng đại. Phần thiếp, chàng
hãy an tâm, thiếp có muốn chết lần thứ hai cũng chẳng được đâu!
Cao trố mắt , kinh ngạc tột cùng:
- Nàng nói gì lạ vậy? “Chết lần thứ hai”?
Mặt hoa ủ dột nhưng thần sắc cương nghị lạ thường:
- Bây giờ thì không thể giấu chàng nữa được rồi! Thiếp chẳng
phải là người!
- Nàng!
Liên Hà rấm rứt:
- Trần gia bị đày ra biên ngoại. Dọc đường gian thần cho sát
thủ theo giết sạch cả nhà, mà thiếp còn sống được sao?
Chợt nhìn Cao đắm đuối, mỉm cười, miệng vẫn đẹp như hoa:
- Lại sợ con ma nầy móc ruột, moi tim à?
Cao ôm chặt nàng vào lòng:
- Dù yêu tinh quỷ quái ta cũng chẳng sờn, huống chi chỉ là
con ma đáng yêu nầy!
Rồi mây mưa một trận tơi bời, giường nghiêng chiếu lệch. Tàn
cuộc thì sao mai cũng vừa ló dạng. Tiếng gà trong xóm liên tục gáy vang. Nàng
vội kéo Cao dậy, rồi đột nhiên cắn nhẹ vào cổ tay chàng, đoạn nói:
- Để chàng nhớ mãi đến thiếp!
Tức thì ở chỗ vết cắn hiện lên hình một đóa sen hồng, lại
phảng phất hương thơm thoang thoảng. Gà lại gáy rộ. Nàng vôi vàng sửa lại xiêm
y, ngậm ngùi:
- Thời gian không còn nữa. Thiếp đi đây!
Cao nắm lấy tay nàng, buồn đau hiện đầy môi mắt. Nàng xỉ
ngón tay nhẹ vào trán chàng, cười cười:
- Thiếp có… chết đâu mà mặt mày như đưa đám vậy? Ngày trùng
cửu năm Nhâm Tí hẹn nhau tại miếu Thành Hoàng. Chàng chớ quên!
5. Tái ngộ
Cách nạng Tân Hợi thành công (1911), đế chế Thanh triều sụp
đổ, hoàng đế Phổ Nghi thoái vị, bè lũ gian thần kẻ bị giết, kẻ bị tù đày. Qua
năm sau (1912 - Nhâm Tí), nhớ lời Liên Hà, Cao trở lại Ngưu Thôn.
Miếu Thành Hoàng xem khang trang hơn, khói hương nghi ngút.
Hỏi thăm, người trong làng cho biết, “Ngài” rất hiển linh, Ngưu thôn võ thuận
phong điều, bá tánh an cư lạc nghiệp.
Cao nhìn pho tượng được tô son thếp vàng, uy phong ngời
ngợi. Đang kính cẩn rót rượu khấn, thì giọng ồm ồm quen thuộc, tiếp theo là
tiếng cười ha hả:
- Kẻ mời rượu phải uống trước để xem có độc không đã! Ha ha!
Cao giật thót người, nhìn lên. Pho tượng bằng gỗ từ từ
chuyển động rồi uyển chuyển bước xuống bục, vỗ nhẹ vai Cao mà chàng cơ hồ xương
cốt như vỡ vụn ra:
- Hiền đệ! Đã lâu không gặp! Nay phải uống cho thỏa. Ta đang
thèm rượu đây!
Cao cả vui. Thế là thịt bày đầy, rượu rót tràn, rổn rảng nói
cười sảng khoái. Nhìn bộ dạng nốc rượu của Thành Hoàng, Cao cười:
- Rượu bá tánh cúng đầy mà xem chừng Ngưu huynh đói rượu lắm
vậy?
- Hừ! Uống rượu mà không tri kỉ thì có thú vị gì!
Bỗng nghe hương sen thoang thoảng. Cả hai nhìn ra cửa, rồi
cùng đứng lên với một thái độ khác nhau. Thành Hoàng thi lễ:
- Trần công nương giá lâm!
Cao nghẹn ngào:
- Hiền thê!
Liên Hà tươi cười, vừa thư thả bước vào, vừa chỉ đứa bé dẫn
theo:
- Hãy xem có đáng là hậu duệ của Cao gia không nào?
Nhìn đứa bé dáng thông minh đỉnh ngộ, Cao tràn hạnh phúc:
- Thật vất vả cho nàng! Ơn Thái Sơn nầy…
Thành Hoàng nôn nóng, ngắt lời:
- Chuyện ơn nghĩa không phải nói lúc nầy! Giờ uống rượu đã!
Còn nhiều chuyện vui hơn mà hiền đệ chưa biết được đâu.
Theo lời Thành Hoàng, Đại nhân Trần Án Sát đã được phong
hầu. Tử tôn đời đời hưởng lộc. Cao ngùi ngùi nhìn vợ:
- Dù sao, nơi dương gian nầy nhạc phụ cũng không người nói
dõi. Hay là ta cho con mang họ Trần, và đặt tên là Bảo Bảo, nghĩa là vật quý
nhất của vợ chồng ta. Hiền thê nghĩ thế nào?
Liên Hà rưng lệ, lặng thinh. Thành Hoàng cười lớn:
- Ha ha! Vậy mới gọi là NGHĨA chứ! Được cùng đệ kết nghĩa
anh em, đời ta không phí! Ha ha! Hãy uống mừng sum họp đi nào!
Bèn dốc cả bầu, rượu tràn ra miệng, tuôn xuống ướt cả râu,
cả áo. Vài mươi bận như vậy thì giọng lè nhè:
- Không có gì vui bằng vợ chồng đoàn tụ. Hiền đệ và đệ tức
(em dâu) cứ xem đây là nhà của mình. Ta có tật khi say trời gầm cũng không
biết. Chớ lo!…. Hề hề!
Rồi ôm Bảo Bảo Vào lòng:
- Cháu ngoan! Tối nay ngủ với bá bá nhé!
*
Trong đời lang bạc, ta thượng được nghe những chuyện li kì.
Mùa xuân năm Bính Ngọ có dịp hồi kinh, ta bèn đem chuyện trên kể cho ân sư là
La thượng thư. Nghe xong, người bảo: “Đây cũng là chuyện lạ, ngươi hãy viết
tiếp vào “Tứ Phương Kì Truyện” cho hậu thế mua vui”.
KHA TIỆM LY
(KTNN SỐ 840)
No comments:
Post a Comment