Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 16, 2013

NƠI CUỐI BỜ KÈ - truyện ngắn Hoàng Đình Chiến




Không ai nhận ra Cu Đen. Nó lớn tộc ngộc. Còn nó, nó nhận ra hết xóm. Bà Hai cháo lòng, ông Bảy bánh mỳ, chị Tư bánh ít… cả nhỏ Dím phụ bán cà-phê đều có quà của nó. Ai cũng khen thằng nhỏ biết ăn ở.
Rời xóm Nhà Lá bên kênh Nhiêu Lộc, Cu Đen xuất cảnh. Ba của Đen, hồi chiến tranh là lính không vận Mỹ ở sân bay Biên Hòa. Ba bảo lãnh cho hai mẹ con nhưng má không đi, lấy cớ phải nuôi bà ngoại. Má ngon ngọt dụ Đen sang sống với ba… Mới đấy mà đã hơn sáu năm. Khoảng thời gian đó, má kêu là dài mút mát, Đen về hai lần. Lần đầu, Đen khóc ngất từ đầu hẻm khi nghe lũ con nít, trong đó có nhỏ Dím, í ới gọi: "Cu Đen về! tụi bay ơi!”. Ở bển, Ba kêu Đen cái tên lạ hoắc, đọc trẹo cả lưỡi. Đen quen cái tên mà mọi người trong xóm vẫn gọi. “Nó thân thương từ thuở lọt lòng” như má quen nói. Thế rồi từ đầu hẻm, nơi có ngã ba quen thuộc đến cuối bờ kè, mọi người rần rần chạy ra đón Đen.
Lần này, vô tận nhà, không ai biết. Má đứng sững, thấp hơn Đen cái đầu. Một hồi, má ôm chầm lấy Đen mà khóc. Đen cười khoe hàm răng trắng bóc:
-Má còn hổng nhận ra Đen huống chi mọi người. Con về tận giường má mới biết. Má khỏe không! -Má vói tay chỉ vô trán Đen mắng yêu:
-Tổ cha bay. Có giỏi thì đi luôn. Về ít bữa lại đi, chỉ tổ nhớ thêm, ích gì.
***
Ngọc là cô gái không đẹp. Khóe miệng ưa nhìn, có duyên. Xóm nghèo Rạch Sỏi xa lắc chỉ lưu lại chút đắng cay của tuổi thơ cơ cực. Cuộc sống phiêu bạt đưa Ngọc lên Sài Gòn và biến cô thành vũ nữ khi vừa tuổi biết mắc cỡ. Xóm Nhà Lá cưu mang từ khi cô chân ướt chân ráo bước vô nhà bà Bảy cô đơn. Ngày cô thành “me Mỹ”, cư dân trong hẻm không ghét bỏ mà còn thương hơn. Cô là người gặp nạn dưới mắt họ. Tình xóm giềng cứ thế mà dầy lên như phù sa theo năm tháng. Khi Cu Đen ra đời, mọi người đón nhận và nuôi nấng bằng cái tình thiêng liêng ấy. Ngọc không muốn rời nơi đây xuất cảnh cũng bởi sợi dây gắn kết đó. Xa con rứt ruột nhưng Ngọc nghĩ: Lúc này kiếm tiền khó quá. Ở bển, ba hắn có tiền, lo cho hắn học hành có ngành có ngọn. Người mẹ nào cũng sẽ chịu thiệt một cách vui vẻ như thế. Vả lại, Ngọc luôn nghĩ mình mắc nợ cái xóm nghèo này quá nhiều. Bỏ đi không đặng.
Còn tình nghĩa vợ chồng? Chưa khi nào Ngọc coi mình đã lấy chồng. Tờ hôn thú chỉ là nỗi oán hận không thể nguôi ngoai. Ông chủ trong tờ hôn thú chỉ là biểu hiện của sự chiếm đoạt bằng mọi giá. Ý nghĩ ấy như vết nhớt loang trong suốt thời gian chung sống. Khổ nỗi, Ngọc càng lẩn tránh, y càng si tình, càng ráng chiếm đoạt, bất kể phải dùng thủ đoạn thấp hèn. Cái tình nó trớ trêu là thế. Kẻ si tình ấy có điều khác lạ : khi đã chiếm đoạt được, y không hề thỏa mãn mà xem chừng còn khao khát hơn. Năm lần bảy lượt, y quì lạy xin Ngọc rời ngôi nhà rách, thuê nhà ở chung nhưng đều bị cự tuyệt. Y sắm đồ, tu sửa nhà khang trang, Ngọc cũng chối từ. Ngọc muốn sống như bà con, với bà con. Hàng tháng, Ngọc cũng chỉ lấy đủ số tiền lo cho con. Trước khi mãn hạn về nước, Y về lôi Ngọc và Đen đi cùng nhưng không thành.
Linh tính mách bảo, Đen về lần này, Ngọc thấy con mình như có điều gì khó nói. Tuy sống xa con nhưng không ai hiểu con bằng mẹ. Ngọc đọc được trong đầu con điều đó. Có thể, Đen đã có người con gái nào chăng? Học xong, có việc làm ổn định, lo vợ con là vừa. Suy nghĩ giản đơn của bà mẹ có con trai lớn ai cũng như nhau…
Cu Đen thả bộ dọc bờ kè. Nơi đây, trước là những căn nhà lá lụp xụp, nằm tạm bợ trên dòng nước đen hôi thúi. Giờ hai bên đã kè đá sạch sẽ. Nước kênh chưa phải xanh trong nhưng thoáng đãng. Gió thổi nhẹ mơn man dễ chịu… Cảm giác ấy bỗng nhiên tắt lặng khi Đen nhìn thấy hai đứa trẻ dìu nhau lê bước một cách khó nhọc. Đứa con trai với đôi chân khẳng khiu, vẹo nghiêng. Đứa con gái đôi mắt lòi tròng trắng dã. Đôi môi sứt, trơ hàm răng sún xỉn màu ngằn ngặt. Đen ngồi xuống bồng đứa gái và hỏi đứa trai:
-Nhà em ở đâu? Anh đưa hai đứa về nha -Thằng bé không nói, chỉ tay về phía cuối hẻm. Ba anh em chui vào ngôi nhà tôn thấp tè. Bên trong, một người đàn ông ở trần khoe vết sẹo dài ngang bụng. Sau màn chào hỏi, Đen nhìn chủ nhà:
-Chú ở đây lâu chưa? Sao con không biết chú?
-Chú mới dọn về. Trước chú đi chủ lực miền, dính miểng pháo bể bụng. Lấy vợ mới biết dính thêm chất da cam. Cháu coi, hai con chú không đứa nào lành lặn. Chúng đã chín mười tuổi mà nhỏ thó vậy đó - Ông dừng lại, mắt ầng ậng nước, vỗ vô vết sẹo ngang bụng rồi chỉ ba đứa con so sánh:
-Vết thương này không chảy máu nhưng đau đến mấy đời. Cháu ơi!..
Về nhà, Đen ngồi trầm ngâm. Hình ảnh cha con người cựu chiến binh nơi ngôi nhà tôn cứ quay mòng mòng, không buông tha. Rồi như không chịu nổi, Đen lại bên má ngập ngừng:
-Má, con có chuyện thưa với má. Mà má phải bình tĩnh nha.
-Gì mà làm má hết hồn vậy. Rồi, con nói đi. Có bồ rồi, đúng không?
-Hổng có chuyện đó đâu. Mà chuyện buồn lắm má. Ở bển, ba có vợ nhưng không sanh được em bé. Ba dính chất độc da cam. Hồi chiến tranh, ba là lính không vận ở Biên Hòa, bốc xếp chất độc lên phi cơ. Má nhớ hông?
-Ờ, ờ… má có nghe. Mà bị vậy cũng đáng. Ai bảo làm cái chuyện thất đức ấy. Nhưng sao hồi đó lại có con?
-Vậy mới nói, thà hổng có thì hơn.
-Bậy nào. Bộ con không muốn làm con má sao? Con không được nghe ba nói tầm bậy.
Im lặng một hồi, Đen vò đầu bứt tai rồi buông một câu:
-Giờ con cũng như ba, con cũng dính chất da cam.
Một tiếng sét sẹt ngang trời. Ngọc ngồi chết trân. Cái hố sâu hoắm, toang hoác dưới chân như hút Ngọc xuống. Niềm hy vọng cuối cùng đổ sập.
Rồi Đen kể : sau khi biết bị nhiễm chất da cam, ba đưa Đen đi xét nghiệm. Khả năng ảnh hưởng sang Đen là có nhưng rất nhỏ. Dù được bồi thường một khoản khá lớn nhưng ba buồn lắm. Người vợ cùng màu da hai lần mang quái thai đã bỏ ba. Ba hay đi biểu tình đòi bồi thường cho những người đồng cảnh ở Việt Nam. Ba nói làm vậy là để chuộc tội lỗi và cầu Chúa cho con khỏi như ổng. Ba mua bộ máy ảnh và camera xịn cho Đen về nước lấy bằng chứng.
Sáng hôm sau, Đen mang theo “đồ nghề” quay lại ngôi nhà lợp tôn. Chỉ có chú thương binh ở nhà.Trước khi tìm đến Trung tâm nuôi dưỡng hai đứa trẻ, Đen gởi chú một bì thơ nhờ lo cho chúng. Đen dự tính chuyến tìm nhân chứng kéo dài khoảng một tháng. Đen đã có một danh sách nạn nhân của cái chất độc quỉ quái. Đen háo hức lên đường với bước chân ngập tràn hy vọng…
***
Chưa đầy năm, Đen trở về xóm Nhà Lá với tư cách là thành viên của Tổ chức phi Chính phủ, mang tên rất dễ thương: “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Nóng lòng gặp má, xuống sân bay Đen tạt qua nhà mà không cùng Đoàn về khách sạn. Dù đã được báo trước nhưng Ngọc không khỏi ngỡ ngàng ngắm nhìn con, một cái nhìn chất chứa tự hào xen đầy chua xót.
Ngọc được biết ba của Đen đã mất khi chất độc phát tác tàn phá cơ thể. Trong nỗi đau tột cùng của thể xác và tâm hồn, y trăng trối với đồng sự cho Đen tiếp tục công việc của mình: đòi công lý cho những nạn nhân cùng cảnh ngộ. Khi xem những bức ảnh, video clip Đen mang về, một tâm trạng khủng khiếp đè nặng lương tâm người cựu binh Mỹ không một lúc nguôi ngoai. Những đứa trẻ vô tội dị dạng : Đứa không chân, đứa không tay. Đứa khuôn mặt méo xẹo. Đứa đầu to đít teo, mắt lòi tròng. Đứa mọc đầy lông trên cơ thể còm cõi…Những quái thai muôn hình vạn trạng ấy đều từ một tội ác man rợ không thể tha thứ, trong đó y là kẻ tiếp tay. Những đôi mắt thơ ngây ám ảnh trong từng giấc ngủ, trong từng bữa ăn và ngay cả khi hạnh phúc bên đứa con duy nhất, đứa con đang mang mầm bệnh do chính y gieo. Hối tiếc và ân hận, vì không còn thời gian cho ước nguyện cuối đời, y hiến hết tài sản cho Quĩ nhân đạo “Vì nạn nhân da cam Việt Nam”.
Hôm nay, Ngọc làm bữa tiệc nhỏ chia tay bà con xóm Nhà Lá. Sau bao năm tháng cùng mọi người chung vui sẻ buồn, Ngọc bịn rịn không muốn rời xa. Nhưng giờ, Ngọc còn có Đen, phải về sống và lo cho nó. Trong mắt người mẹ, đứa con lúc nào cũng còn nhỏ dại

Phía cuối bờ kè, dòng kênh như sáng bừng lên bởi một đôi trai gái ăn mặc thiệt đẹp. Họ nắm tay nhau, mắt ngời hạnh phúc. Đó là Đen và Dím, cô gái phụ bán cà-phê đầu hẻm ngày nào, giờ đã là cô giáo./.
                                                         Hoàng Đình Chiến

No comments: