Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Câu ca dao được trao truyền từ hàng ngàn năm ấy, cho chúng
ta thấy một nền tảng văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam . Tình nghĩa
hiếu trung được đặt tuyệt đối lên hàng đầu trong tư tưởng và giữa trái tim.
Đọc lại cho nhau nghe câu ca dao ấy hôm nay chính là để
chúng ta cùng niệm nhớ ân đức sanh thành của Cha mẹ, thắp sáng tâm linh ta ý
thức tình nghĩa và hạnh phúc giữa cuộc đời mà ta đang có.
Tượng cha, thân trúc thẳng
Hình mẹ, nhánh mai gầy
Trúc mai cùng sóng sánh
Bát thơ con thêm đầy.
Tượng cha núi non cao
Hình mẹ biển dạt dào
Biển non xanh bất tận
Đời con ngời sáng sao.
Hình bóng người cha bao giờ cũng thế: nghiêm trang, chuẩn
mực đàng hoàng, cương nghị.
Ở giữa cuộc đời, hình bóng cha luôn sừng sững như ngọn núi
cao, vững vàng như trụ cột, tiết trực như trúc, như tre, chẳng yếu mềm như lau
như lách. Đối với cuộc sống gia đình hàng ngày, có thể cha chẳng bận tâm bao
nhiêu đến việc nuông niu bú mớm, ẵm bồng… khi con thơ ấu. Nhưng chính cha là
ngọn đuốc soi đường cho con đi tới. Chính cha là người tạo dựng niềm tin, trao
truyền dũng khí, sinh lực làm hành trang cho con vào đời dựng xây cuộc sống.
Bao giờ cha cũng
nghiêm khắc, đạo mạo, ít cười, ít nói; bản thân con thơ ngây, hời hợt nên thật
khó nhận ra tình thương trân quý, tấm lòng nhân hậu, trầm lắng sâu thẳm trong
trái tim cha.
Chúng con chưa hề biết lúc mẹ vặn mình đớn đau trong cơn
vượt cạn, chính là lúc cha cúi đầu cắn cỏ, gặm đất. chỉ một niềm duy nhất là nguyện cầu cho con trẻ
lọt lòng, mẹ tròn con vuông.
Làm sao chúng con với con mắt thịt ơ hờ, lại có thể thấy
được những giọt nước mắt âm thầm cố nén trong lòng cha. Chiều nay khi con có
lỗi, cha bảo không vâng. Nên đã phải
đang tâm dùng roi vọt.
Thực sự ở đời con chưa đủ trí khôn, chưa dày cảm xúc để có
thể dễ dàng hiểu hết, cảm nhận được hết
tình thương trầm lắng, ngữ ngôn ẩn dụ, mắt nhìn xa vắng thường có nơi cha. Và
đôi khi, có thể, cha vắng bóng rồi, con mới hiểu thấu tình thương của cha. Chỉ
khi nhìn thấy anh em bất hạnh mồ côi cha quá sớm, con mới thấm thía ý nghĩa câu
nói: Con không cha như nhà không nóc. Ngày xưa thơ ngây khờ dại, cha còn có
mặt, con cứ tưởng câu nói ấy là để cho ai, chứ đâu có để cho mình. Chỉ đến khi
cha khuất non Tây. Con mới nghe ra trong tràn trào nước mắt. Nỗi bất hạnh lớn
lao của những con người thất niệm chính là chỗ ấy. Lắm lúc chỉ vì thờ ơ, chúng
ta trở thành người phản bội tình thương.
Có cha, có mẹ còn hơn
Không cha, không mẹ như đờn đứt dây.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn, vâng nói đến mẹ chính là nói
đến suối nguồn tình thương dạt dào vô cùng vô tận. Nói mẹ là chuối ba hương, là
xôi nếp một… như nhiều thế hệ bình dân Việt Nam đã nói, quả là một cách nói rất
hay, rất ngọt ngào. Cách nói cụ thể hóa, hình tượng hóa tình thương bao la vô
bờ vô bến của mẹ.
Hơn ai hết, mẹ là
người đã thấu nỗi đau “Đi biển lẽ loi một mình”. Đau đớn biết là bao khi
mẹ vặn mình quằn quại cho đứa con thơ cất tiếng chào đời. Tấm thân mẹ còn bê
bết vây va máu mủ, thế mà chỉ cần nghe thấy tiếng đầu đời con khóc là môi mẹ đã
nở nụ cười, lòng mẹ đã vui tươi hớn hở và tình mẹ cho con đã khơi nguồn cuộn
suối dạt dào. Con mẹ vuông tròn đủ đầy tay chân, mặt mũi là thế. Nhưng nhỡ bất
hạnh rằng con mẹ mù què, mẻ sứt, eo ngẳng tay chân, dị hình dị tướng… tình
thương của mẹ vẫn cứ tròn đầy như thế.
Đất trời thiên nhiên đã truyền thừa, phó chúc cho mẹ tình
yêu như thế: khi nao cũng vành vạnh tròn đầy. Từ bầu vú mẹ, từ bàn tay mẹ, bú
mớm, nuông niu, ẵm bồng… con đã như đóa hoa tươi thắm nở giữa vườn đời.
Cha nghiêm khắc cang cường bao nhiêu, mẹ lại hiền lành rộng
lượng bấy nhiêu. Thương con, bao giờ mẹ cũng hồn nhiên bộc lộ, không cần tế
nhị, kín đáo, dấu che khuất lấp. Chẳng khi nào mẹ sợ thương con mà để con hư.
Mẹ cứ như con gà mái nuôi con, bươi quào được hạt lúa, hạt ngô hay con sâu, cái
kiến là túc túc, túc túc gọi hết đàn con mà chia cho nó.
Trong ánh mắt nhìn của mẹ, tất cả các con đều như nhau trong
biển tình thương bao la: không vì con trai mà quên con gái, không vì đứa nhỏ mà xao lãng đứa trưởng thành. Cha mẹ
thương con thương đến tận cuộc đời, ngay cả lúc đã tàn hơi kiệt sức “Mẹ già
trăm tuổi còn thương con tám mươi”.
Khi con thơ dại thì
nuông niu bồng ẵm, buổi con đau ốm chạy vạy thuốc thang, thức trắng đêm
dài quạt nồng ấp lạnh, ru hỡi ru hời, không hề than thở.
Khi con tập tễnh vào đời mẹ dõi mắt trông theo chân con từng
bước một, mong sao con đừng vấp ngã. Và ngay cả khi con cái trưởng thành, lớn
khôn; đôi mắt mẹ vẫn cứ mãi nhìn con như là tấm bé, nhỏ dại, thơ ngây. Cho dù
con cái lớn năm, sáu bảy chục tuổi đời
cũng không làm sao lớn được với mẹ.
Kinh Phổ Môn của đạo Phật có chữ: “Từ nhãn thị chúng sanh”,
ý nói các vị Phật, các vị Bồ Tát như Bồ Tát Quan Thế Âm, bao giờ cũng thế, luôn
luôn như thế: dùng đôi mắt từ bi mà nhìn ngắm chúng sanh, nhìn ngắm cuộc đời.
Chữ ấy mà đem dùng
cho ánh mắt của mẹ, cách nhìn của mẹ, thì quả thực không còn chữ nào hay hơn
được nữa: “Mắt thương nhìn đàn con”. Đã là mẹ, khi nào mẹ cũng lấy đôi mắt
thương mà nhìn con. Con tưởng con khôn ngoan láu lỉnh, khi thất bại giữa đường
đời, bạn hữu gần xa lảng tránh, bơ vơ cay đắng một mình, trở về với mẹ là sẽ
thấy ngay. Mẹ dang đôi cánh tay hiền ôm lấy vai con, vò đầu rờ trán, áp sát mặt
con lên ngực mẹ rồi mẹ vỗ về an ủi: “Tội nghiệp con tôi, sao con tôi ra nông
nỗi thế này”. Nước mắt mẹ già sẽ sưởi ấm lòng con. Và giả thiết, đứa con hoang
đàng chi địa, bất kể hiếu trung, bất tuân lễ nghĩa, phạm phải tội hình rồi ra
sẽ chết. Pháp luật thế gian không hề cho phép, nhưng nếu mẹ được chết cho con
sống mẹ vẫn sẵn sàng. Có vượn mẹ kia, đứng ở trên cây, đã nhầm tên độc, ruột đã
đứt rời, biết mình sắp chết vẫn cứ ôm lấy vượn con cho đến khi trao trút hơi
thở cuối cùng.
Tình cha mẹ thương con trên khắp cả thế gian này đều là
như thế. Chính nhờ nền tảng tình thương
của mẹ của cha ta mới học được bài học thương yêu người khác. Chính nhờ tình
thương của cha mẹ mà ta học yêu thương cuộc đời, tình yêu và lẽ sống chan hòa
quyện lẫn với nhau.
Hằng năm, nhân ngày Vu Lan, chúng ta đã cùng nhau quy tụ
dưới mái chùa. Ngày lễ Vu Lan chính là ngày nhắc nhở chúng ta học về hạnh hiếu
và làm hạnh hiếu. Noi gương Đại hiếu Mục kiền liên, ròng rã bao nhiêu năm tinh
cần tu học, vừa mới chứng được sáu thần thông là đã dùng ngay thần thông mắt
dõi khắp ba cõi trời người tìm cho ra mẹ. Đã thấy mẹ đang chịu đói khát khổ đau
liền bưng cơm dâng nước cho mẹ, mẹ không dùng được thì trở về khóc lóc thiết
tha nhờ Phật chở che cứu hộ. Đức Phật chỉ bày phương pháp thì tận tâm tận lực
làm theo cho đến khi mẹ bình an thoát khổ Ngài mới an tâm thỏa dạ.
Có một nếp sinh hoạt hôm nay đã trở thành một phần nghi lễ trong
ngày Vu Lan. Chúng ta cùng đứng trước ngôi Tam bảo mà cài hoa hồng cho nhau. Đây
chỉ là đóa hoa làm biểu tượng. Người còn mẹ sẽ được cài một đóa hoa hồng .
Người mất mẹ sẽ được cài một đóa hoa trắng. Người được cài đóa hoa hồng cảm
nhận ngay một nguồn ân sủng lớn lao: mẹ cha mình đang còn đó. Mình đang sống
bình an trong vòng tay cha quý, mẹ hiền. Cha mẹ
đã già yếu, mình phải ý thức sớm chăm sóc an ủi, vỗ về. Phải học lấy
cách cha mẹ thương mình ra sao thì mình thương cha mẹ như thế ấy. Cha mẹ có vô
tình xao lãng, nên khéo nhắc cha mẹ tu trì niệm Phật. Thậm chí mẹ cha đã lẫn đi
rồi thì mình nên dành nhiều thì giờ kê miệng vào tai niệm Phật cho cha mẹ mình
nghe. Đó chính là cách báo hiếu chân chính. Và nhìn lại đóa hoa được cài trên
ngực áo chư vị hôm nay mới thực tràn đầy ý nghĩa.
Đối với những người đã vắng bóng mẹ cha, hôm nay, sẽ được
cài một bông hoa màu trắng. Cúi nhìn đóa hoa tang trắng mình thắp sáng lên ý
thức này: mẹ cha mình hôm nay không còn có mặt ở giữa cuộc đời. Mình không nhìn
thấy được con người thịt xương tứ đại của mẹ cha, không nghe được tiếng nói của
mẹ cha, không thấy được hơi ấm bàn tay cha mẹ rờ lên mặt mình, trán mình.
Nhưng đã là Phật tử chân chính mình phải tập, phải vượt qua
nhận thức đau khổ hiện tướng thường tình. Cha mẹ đã cho mình thấy ân sủng lớn là
được làm người. Thân thể con người mình đây là do cha mẹ sinh thành. Mình còn
đây thì cha mẹ vẫn còn đây. Và đúng như Pháp Phật đã chỉ bày, mình phải nhất
tâm chú nguyện cho mẹ cha. Ngày chư tăng Tự Tứ, mình tùy theo hoàn cảnh gia
đình, không nhiều thì ít, căn bản là tấm lòng thành, sắm sanh lễ vật, cúng
dường tự tứ. Thỉnh cầu mười phương hiện tiền chư Tăng Ni chú nguyện cho linh
thức mẹ cha thoát khỏi u đồ, siêu sanh lạc quốc. Đó là cách báo đáp công ơn cha
mẹ đúng chánh pháp nhất và hiệu quả cao nhất. Có như thế nhìn lại đóa hoa được
cài trên ngực áo mình hôm nay mới thực sự có ý nghĩa.
Bông hồng hình ảnh mẹ
Lặng lẽ vào chiều sâu
Bình minh nhân loại hé
Ánh kim cương nhiệm mầu.
HẠNH PHƯƠNG
1 comment:
Tuyệt hay .
Post a Comment