Mỗi người giải bày tình yêu
theo cách của riêng mình. Nhưng có lẽ đóng dấu lên thời gian bằng ngôn ngữ trái
tim thì thơ là ấn chỉ khóphai mờ nhất. Trên dặm dài nắng mưa mở lối, người thơ
nhận ra cõi nhân gian lạ lẫm mà thao thiết, xa xôi mà nồng mặn. Hồ như những
vui buồn, ngọt đắng đem chưng cất thành men để tìm tới sự ấm áp. Đấy là thứ men
tình ngấm sâu trong cốt cách sinh hạ nên một Đậu Trung Thành thi sĩ.
“Tôi sinh ra ở một làng quê
thuần nông ven biển như bao làng quê xứ Nghệ - Miền Trung, miền đất ngập tràn
ánh nắng và lộng gió đại dương, ngực đất ưỡn ra biển Đông che chắn bao mùa bão
tố”. Chỉ chừng mấy dòng tự bạch ấy thôi đủ thấy cái “chất Nghệ” can trường
trong giòng sống cuộc đời của một con người. Và dễ hiểu vì sao chàng trai trẻ
thuở nào không ngại ngần tạm biệt khung trời in “dấu thời gian”:
Tạm
biệt nhé, mái nhà tranh bé nhỏ
Dưới
chân đồi nham nhở hố bom
Tạm
biệt nhé, con đường đất đỏ
Dấu
chân ta năm tháng in mòn.
(Lên
đường)
Năm tháng ở bộ đội đã tôi rèn
thêm nghị lực, bồi thêm bản lĩnh vừa mạnh mẽ vừa dí dỏm, hài hước (humour)
trong anh. Điều dường như trở thành lợi thế của công việc cần đến sự quyết đoán
trong hài hòa, cân bằng trong xô lệch của nhà quản lý sau này.
*
Nếu trong đời sôi nổi, dào
dạt sóng trùng bao nhiêu thì trong thơ anh lại thấm đẫm nỗi niềm bấy nhiêu. Đọc
“Dấu thời gian”, ta thấy ảnh hình Mẹ, Quê nhà trầm sâu, ám ảnh trong thế giới
thơ Đậu Trung Thành.
Trình làng 53 bài thơ, 1/3
trong số ấy anh viết về mẹ hoặc thấp thoáng bóng hình mẹ.
Nắng tròn rọi mắt rổ thưa
Muối loang lưng áo nắng trưa. Mẹ về
(Mẹ II)
Hình ảnh miêu tả kiệm chi
tiết nhưng chất chứa một nỗi niềm, một thương yêu, một dâng trào khôn tả đối
với mẹ và vì thế, lay đọng tình cảm người đọc.
Mưa nắng cõi người lặn vào
trong, làm nên thân phận, bổn phận và đức hy sinh của mẹ đủ để chung đúc thành
nguồn sữa nuôi dưỡng tâm hồn thơ dại thuở nào:
Bao
yêu thương trìu mến
Đọng
giữa từng lời ru
Có
đàn cò đập cánh
Gánh
nắng vào mùa thu
(Xuân
về nhớ mẹ)
Như lẽ tự nhiên, không ít cây
thơ nẩy mầm bắt rễ vào mảnh đất cuộc sống được vun đắp từ thuở tao nôi theo
nhịp ầu ơ của mẹ. Nguyễn Duy cũng đã từng cảm nhiệm hồng ân từ bậc sinh thành:
Ta
đi trọn kiếp con người
Cũng
không đi hết những lời mẹ ru
(Ngồi
buồn nhớ mẹ ta xưa)
Lời ru như ngọn gió mát lành
đưa con vào giấc ngủ, cho những giấc mơ bay về phía ban mai, dựng dậy khát
vọng.
Hay kỷ niệm tuổi thơ nằm lòng
mà với bất kỳ ai cũng tìm thấy hình bóng mình, nhưng ít người tìm thấy niềm vui
thuở hồn nhiên lẫn trong tê tái mất còn mỗi khi nhớ lại:
Thẩn
thờ đợi mẹ chợ tan
Một
vuông bánh đúc cắt ngang trưa hè
(Tuổi
thơ ơi!)
Mẹ gian lao vất vả như đất
nước trong cơn bĩ cực, như nỗi thao thức mòn vẹt chân trời:
Mẹ
gánh cả mưa, cả gió
Gánh
cả mặt trời mặt trăng
(Dòng
sông ký ức)
Hai câu thơ đẹp như một biểu
tượng khắc vào vĩnh cửu chân dung mẹ vĩ đại!
Nhờ biết xoay chuyển điểm
nhìn theo cảm thức, nhà thơ giúp ta ngộ ra tầm vóc vũ trụ của mẹ khó nói đủ
đầy. Có khi anh mượn “Cối xay lúa”để tri ân công đức:
Tôi
là hạt lúa đời
Mẹ
xay thành hạt gạo
(Cối
xay lúa)
Biết đâu đấy, ở cõi vô cùng,
cụ bà đang nở nụ cười mãn nguyện khi biết người con chí hiếu của mình đang đem
thơ khắc dấu thời gian, thắp sáng vọng niệm!
*
Gắn với Mẹ là Quê nhà, là
tuổi thơ thầm thỉ tiếc nuối một đi không trở lại:
Bến
xưa nay đã bắc cầu
Bạn
xưa nay vẫn dãi dầu tìm nhau
Hoàng
hôn bóng đổ xuống cầu
Tuổi
thơ ơi! Đã bạc đầu tuổi thơ
(Tuổi
thơ ơi!)
Một tuổi thơ đổ bóng xuống
thời gian, một tuổi thơ “bạc đầu” đồng hiện trong thực tại, mất còn, và khó tìm
lại thiên đường quê nhà trong con mắt thơ dại ngày nào. Cho nên, dễ hiểu vì sao
trở về giữa lòng đất mẹ anh lại thấy thiếu vắng một quê nhà:
Xa
quê biền biệt bao năm
Giờ
về quê lạilặng thầm nhớ quê
(Quê
tôi)
Bù lại, anh có một quê hương
thứ hai để ru vỗ, để hát tình ca mỗi khi lòng nuối về xa xăm với muôn trùng
thao thức. Đấy là một bờ vai ấm áp, một đôi mắt sáng trong xanh biếc tâm tư,
một sẻ chia dưới mái tình trăm năm tạc dạ.
Về
làm dâu nhà chồng, em nhận phía bão giông
(Một
chặng đường qua)
Chỉ một câu thơ, với em, đủ
để nhà thơ thấu được đức hy sinh vô bờ bến của một nửa đời mình và bộc lộ ân
cảm mà có nói ra bao nhiêu cũng không đủ.
Không phải ngẫu nhiên, người
ta xem thi sĩ là “nòi tình”, bởi sự đắm đuối với thơ như nhan sắc, như hơi thở
của tình yêu cuộc sống. Nhưng thốt ra thành lời bằng sự ví von như thế này thì
hiếm gặp:
Không
thơ như thể không em
Mình
anh đơn chiếc trên miền quạnh hiu
(Cuộc
sống với thơ)
Hay khi nhà thơ nhập đồng vào
cõi huyền hồ huyền hoặc, lung linh bay bổng:
Ta
cùng trăng, trăng cùng thơ chơi vơi
(trăng
và thơ)
Chính say thơ như say tình,
phẩm chất thi sĩ trong anh thăng hoa và đọng lại nhiều vần thơ đẹp mang đậm dấu
ấn nghệ thuật và ý nghĩa cuộc sống. Ví như, cái rét buốt vốn vô hình được hiện
thể qua hình ảnh run rẩy của “bờ ruộng”, của “nón cời”
Tháng
chạp rét run bờ ruộng
Gió
đông thổi buốt nón cời
(Quê
ngoại)
Có không ít những phương thức
diễn đạt giàu ý nghĩa biểu cảm như thế. Đấy là cách thức của nhà sáng tạo. Và
ta thấy, trong “Dấu thời gian”,
nhiều bài thơ dạt dào cảm xúc, ý
tứ sâu xa, ngôn ngữ giàu âm thanh, màu sắc, nhạc điệu…có sức tỏa phát năng
lượng chữ nghĩa và lay động tâm cảm người đọc.
Dấu thời gian, còn cho thấy
sự phong phú đa dạng trong đề tài, chủ đề và cách thể hiện. Và cũng tất yếu,
tác phẩm còn nhiều điều cần tìm tới sự cảm nhận, chia sẻ thêm trên tinh thần
cởi mở theo hướng tích cực. Nhưng một điều thì không thể không ghi nhận ngay từ
phút này: Trên dòng sông thời gian, những ai từng qua và sẽ qua, chắc chắn đã
và sẽ thấy những dấu tình của thi sĩ Đậu Trung Thành để lại, nồng nàn và mê dụ
như con sóng lan mãi.
28/6/2013
Võ Văn Luyến
Võ Văn Hoa gởi đăng
No comments:
Post a Comment