Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, May 5, 2013

NGƯỜI TRẢ NỢ KIẾP TRƯỚC - Truyện ngắn Nguyễn Bá Trình

NGUYỄN BÁ TRÌNH



Hai người yêu nhau từ thời còn học sinh. Khi còn học, người con trai bị động viên đi lính cho chế độ cũ. Mới ra chiến trường được vài tháng thì anh bị mất tích trong một trận ác chiến ở Miền tây Nam bộ. Người con gái khóc hết nước mắt. Nỗi đau khổ nào cũng qua đi, dù rằng nó qua bằng nhiều cách và cái giá con người ta phải chịu đựng để cho sự đau khổ qua đi cũng khác nhau. Vì thế nên người con gái cứ nghĩ mình đã phải chịu sự đau khổ nhiều nhất trong tất cả những người đau khổ trên mặt đất nầy khi cô nhận được tin người yêu mất tích. Năm năm sau cô lấy chồng. Thế rồi sau năm 1975  người yêu cũ của cô lù lù hiện về sau một thời gian dài bị quân Giải phóng bắt làm tù binh. Lúc đó cô gái năm xưa đã là một người đàn bà  có một  con trai lên bảy tuổi. Nghe tin anh về, chị đến  thăm anh và chỉ nói được một câu: Mừng cho anh được trở về. Trong  lòng người con trai năm xưa  không biết anh nghĩ gì khi gặp lại người yêu cũ nay đã có chồng con. Gặp lại chị anh chỉ nói được một câu: Mừng cho em được hạnh phúc. Ngoài ra hai người không nói với nhau thêm một lời nào. Ba năm sau anh cũng lấy vợ, chưa có con thì anh được tin nhà nước cho sĩ quan chế độ cũ được hưởng chính sách  diện HO, nghĩa là được sang định cư tại Mỹ. Anh bị trục trặc trong chuyến đi đầu  do giấy tờ chưa hợp lệ. Anh phải bán căn nhà và đám đất cha mẹ anh để lại để lo giấy tờ. Giá bán căn nhà gạch và mấy sào đất thổ ở quê chỉ giúp anh chạy được nửa chặng đường thì hết sạch. Anh tìm mượn anh em nhưng chẳng ai có. Tất nhiên ai cũng biết giúp đỡ anh trong trường hợp nầy là cách đầu tư có lãi lớn. Khi sang định cư được ở Mỹ rồi thì họ sẽ  trả số tiền đã vay mượn gấp trăm gấp ngàn lần. Vì ơn nghĩa những người đã giúp mình đổi đời, biết trả sao cho xứng.  Ở thành phố có dịch vụ nầy nhưng ở quê thì không có. Người em gái của anh cũng thuộc loại có tiền, một mặt muốn giúp anh mặt khác cô cũng tính  đến mối lợi sau khi người anh sang được bên Mỹ. Cô đem bàn chuyện nầy với chồng nhưng chồng cô gạt phăng: Đừng tham bắt chim giữa trời, liệu sang bên đó anh ấy có làm ra tiền để trả cho mình không. Nói với vợ vậy nhưng trong bụng người chồng lại nghĩ khác, liệu sang bên ấy ông anh vợ có còn nhớ để gởi về trả không. Lòng người ai mà biết được.

Anh đến người anh trai của mình, người cả của anh không giàu có gì, nhưng trong nhà lại có chiếc xe máy, anh tính: Hay mình đến bàn với anh ấy bán  đi cho mình mượn, sang được bên đó rồi anh sẽ nhận được tiền trợ câp trong thời gian chưa có việc làm, anh sẽ gởi về trả lại cho vợ chồng anh cả ngay thôi. Nghĩ vậy anh sang nói với người anh cả. Người anh lắc đầu từ chối. Cái xe là cái chân chạy của tôi, bán đi cho chú mượn, đồng ý là qua bên đó chú sẽ trả lại, nhưng trước mắt tôi lấy gì làm phương tiện kiếm sống hằng ngày để nuôi bầy con đây. Anh ra về rồi người chị dâu của anh nói với chồng: Sao anh dại vậy, cứ bán chiếc xe đi cho chú ấy mượn, sang được bên đó chú ấy chỉ cần gởi về một ít tiền lẻ tính bằng tiền đô thì mình mua được cả chục chiếc. Mà chiếc xe nầy em thấy anh có dùng vào việc gì đâu. Xăng dầu đâu có mà đi. Ông chủ tịch xã cũng muốn mua đấy, anh bán cho ông ta đi. Lời to đấy anh ạ.

Người chồng vẫn lắc đầu:

-Lỡ chú ấy không chạy được giấy tờ thì sao. Có nhiều tay bán hết sản nghiệp mà cũng không đi được. Tự dưng mình mất không chiếc xe.

Thấy thuyết phục chồng không được người vợ cũng làm thinh luôn. Mà biết đâu không phải điều người chồng nói là không có lí.

 Ở cái xã nầy biết ai có tiền có vàng mà đến mượn đây. Anh lại nghĩ đến người yêu cũ của mình. Cô ấy lấy chồng thuộc loại khá giả nhất vùng. Ở vùng nầy may ra chỉ nhà cô ấy mới có tiền của để dành. Mình đến nhà hai vợ chồng cô ấy nói chuyện vay mượn hẳn hoi, biết đâu người chồng lại bằng lòng. Xong công việc mình sẽ hoàn trả đầy đủ, mình đâu có ý lợi dụng lòng tốt của cô ấy. Anh tìm đến nhà hai vợ chồng người yêu cũ. Không có người vợ ở nhà, anh đặt vấn đề với người chồng. Người chồng suy nghĩ một lát rồi nói: Giúp được anh là điều tốt thôi. Nhưng việc nầy để tôi trao đổi lại với nhà tôi xem sao. Của cải là tài sản chung của hai vợ chồng, gì cũng cần phaỉ có ý kiến của cô ấy. Người vợ về, nghe chồng nói lại trong lòng chị rất muốn được giúp người cũ của mình nhưng nói ra chị ngại chồng có thể có những suy nghĩ nầy nọ. Bởi chồng chị biết hai người trước đây có một thời từng yêu nhau, nên chị chỉ nói: Cái đó tùy anh thôi, nếu thấy giúp được anh ấy thì giúp, sang bên đó anh ấy sẽ gởi trả lại cho mình. Người chồng hỏi để xem tình ý của vợ mình thôi, chứ thực ra anh ta không muốn. Thứ nhất là bỏ ra hai cây vàng khơi khơi liệu có lấy được không, thứ hai nữa là người đến mượn lại là người yêu cũ của vợ mình, tình cũ không rủ cũng tới, tạo điều kiện để hai người nối lại quan hệ với nhau, anh ta đời nào lại chịu đi làm cái việc dại dột như vậy. Người chồng vặn hỏi để dò xem ý của vợ lần nữa: Nhưng theo em thì sao? Người vợ nói: Em đã nói, cái đó tùy anh, em thì sao cũng được. Nhưng em nghĩ giúp anh ấy để anh có cơ hội thay đổi  cuộc đời mà mình thì chẳng mất mát gì thì ta cũng nên giúp. Nhưng rồi chị lại nói: Nhưng cái đó tùy anh thôi. Người chồng nói:  Vốn liếng mình chỉ có chừng đó, không phải anh nghĩ xấu về anh ấy nhưng lỡ ra có trường hợp trục trặc nào đó, anh ấy chạy mất hết tiền mà không đi được thì lấy gì trả cho mình. Thôi anh ấy có đến lại mà không gặp anh thì em cứ nói nhà mình cũng có chút ít vốn liếng chứ không phải không có, nhưng sắp đến đây mùa mưa gió, chúng ta định sửa sang lại nhà cửa nên không thể cho anh ấy mượn được.

Người vợ không nói ra nhưng trong lòng buồn, nghĩ mình có điều kiện  nhưng không giúp đỡ được  người yêu cũ. Nhưng chị cũng không trách chồng, đàn ông ai cũng thế thôi. Đêm nằm chị suy nghĩ, vàng bỏ trong nhà cũng chưa có việc gì cần dùng tới, mà anh thì rất cần nó. Chỉ có hai cây vàng là anh sẽ đổi đời. Không giúp được anh chị thấy bứt rứt vô cùng. Chị nghĩ mãi, hay là làm liều, gian dối với chồng một lần, chỉ lần nầy thôi. Kể từ khi lấy chồng chị chưa bao giờ gian dối với chồng một điều gì cả. Dù là việc nhỏ nhặt nhất. Có cho anh ấy mượn thì chồng chị cũng không mất mát gì. Sang bên kia  được anh ấy sẽ trả lại cho chị thôi. Giấy tờ theo anh ấy nói gần như đã hoàn tất. Chỉ còn một chút gì đó nữa thôi, nếu vì không có hai cây vàng mà anh ấy đành phải bỏ đi tương lai sự nghiệp của mình thì tội cho anh biết mấy. Suy đi nghĩ lại, chị quyết định. Chị đến tiệm kim hoàn nơi chị đã từng mua hai cây vàng trước đây nhờ làm hai cây vàng giả cùng hiệu. Người chủ tiệm vàng nhìn chị nghi ngờ. Chị giải thích cho ông ta: Tôi không làm việc gì sai trái với lương tâm đâu, anh cứ làm cho tôi, bao nhiêu tiền công tôi trả, chỉ có điều nhờ anh giữ kín đừng đem chuyện nầy ra nói vơi ai. Nhưng ông chủ tiệm vàng không chịu, ông sợ lỡ ra có chuyện gì sẽ ảnh hưởng đến uy tín đến tiệm vàng của ông và không khéo ông còn bị truy tố về tội bán vàng giả nữa là đằng khác. Chị cam đoan với ông là không có chuyện gì xẩy ra. Thấy chị là người hiền lành xưa nay, cuối cùng thì ông chủ tiệm  đồng ý làm cho chị nhưng không đóng mác tiệm vàng của ông.

 Nghĩ rằng mình không làm điều gì đáng phải xấu hổ nhưng chị vẫn thấy trong lòng bất an. Kể từ khi mang hai cây vàng giả về, lòng chị cứ thấy nôn nao bồn chồn. Nhiều đêm chị định lén chồng mở tủ đổi hai cây vàng. Nhưng ngồi dậy chị lại nằm xuống. Vậy là chị thao thức trắng đêm không ngủ được. Đến ngày thứ ba, nhân lúc chồng chị đi công tác xa mấy hôm, cơ hội thuận lợi đã đến, chị mở tủ tráo hai cây vàng. Biết chồng đang ở xa, đứa con trai thì đi học chưa về nhưng khi mở tủ tay chị vẫn run lập cập. Chị mở nắp hộp lấy ra hai cây vàng, chị không dám nhìn nó, rồi vội vàng bỏ vào túi, thay vào đó là hai cây vàng giả, chị gói cẩn thận như trước đây. Biết tính chồng chi li cẩn thận chị đã gói hai cây vàng giả đúng theo qui cách mà chồng chị đã gói. Từ cách xếp vuông vải cho đến các góc cạnh gấp như thế nào chị làm không sai một ly. Chị đặt hai cây vàng giả đã gói cẩn thận  vào chiếc hộp. Bây giờ thì chị toát mồ hôi, không biết hai cây vàng chồng chị đã sắp đặt nó theo vị trí như thế nào khi đặt vào hộp. Nếu không đúng thì chồng chị có thể phát hiện ra ngay, và như vậy mọi chuyện sẽ đổ vỡ. Chị xoay qua trở lại, đặt mối gấp lên trên rồi lật lại cho mối gấp nằm dưới đáy hộp. Cuối cùng chị tự nhủ, có lẽ vì mình lo sợ quá mà nghĩ như thế thôi, thực ra chồng chị chắc không đến nổi cẩn thận đến vậy đâu. Hơn nữa hai vợ chồng ăn ở với nhau đã có một mặt con chị chưa bao giờ làm gì để chồng nghi ngờ về phẩm hạnh của mình cả. Cuối cùng chị cũng chọn đại một cách đặt hai lượng vàng vào hộp rồi cho vào vị trí cũ trong tủ và khóa lại. Bước ra khỏi phòng chị vẫn chưa hết run. Vấn đề còn lại là nói sao với người cũ của mình khi chị mang vàng đến cho anh ấy mượn. Bảo rằng chồng chị đồng ý thì không được, anh ấy sẽ đến cảm ơn vậy là mọi chuyện sẽ hỏng bét. Bảo chị tự ý giấu chồng lấy cho anh mượn cũng không được. Chị không muốn anh hiểu lầm và khinh thường chị. Vậy là chị nghĩ ra cách nói dối rằng vàng ấy là của mẹ chị, chị nói với mẹ rằng chị cần một số vốn làm ăn. Và tất nhiên chị khỏi phải dặn anh giữ kín vì anh không khờ khạo gì mà đem chuyện nầy ra kể với ai, kể cả với người vợ lắm lời của anh.

 Anh đã sang Mỹ trót lọt. Nhận được tin, chị thấy nhẹ nhõm trong lòng. Không bao lâu nữa chị sẽ có hai cây vàng trả lại cho chồng, và mọi chuyện sẽ hoàn toàn êm đẹp.

Một tuần lễ kể từ khi chị nhận được tin anh đã đặt chân lên đất nước Mỹ, đã trôi qua. Anh cho biết sang đó anh đã nhận được tiền trợ cấp, nhưng vừa đủ để trang trải cho những chi phí của những ngày đầu quá tốn kém. Anh hứa sẽ cố gắng gởi sớm số tiền mà chị đã lấy của mẹ cho anh mượn. Chị bắt đầu sốt ruột. Chị tính từng ngày. Mỗi ngày trôi qua mà gia đình chị không có biến cố nào xẩy ra là chị mừng như vừa thoát nạn. Đêm chị thường hay mơ những giấc mơ thật khủng khiếp. Chồng chị phát hiện ra việc làm của chị và đã đánh đập chị tàn nhẫn. Đêm kinh hoàng nhất đó là đêm chị mơ thấy chồng chị viết đơn li hôn với chị, trong đơn chồng chị nêu lí do là chị tư tình với người yêu cũ, đã ăn cắp vàng của chồng đem cho người yêu. Sức khỏe chị co` dấu hiệu suy sụp. Có lần chị định đem việc mình làm ra trình bày thật với chồng rồi để tùy chồng phán xét. Chị chấp nhận tất cả những gì chồng chị có thể trừng phạt chị. Nhưng cuối cùng thì chị không đủ can đảm. Nửa tháng kể từ  ngày anh sang Mỹ đã trôi qua. Anh vẫn chưa kiếm đủ tiền để gởi về cho chị.

 Thế rồi những gì chị lo sợ cũng đã đến. Một hôm đi làm về, chân ướt chân ráo mới bước vào nhà thì chồng chị đã ngồi ngay ở salon phòng khách như có ý đang đợi chị.  Nhìn thấy vẻ mặt lạnh như tiền của chồng chị đoán có việc gì bất thường và nghiêm trong đang xẩy ra. Và trong đầu chị việc đó là việc gì chị cũng đã nghĩ đến. Bỗng nhiên chị thấy lòng mình bình tĩnh  lạ thường. Chị bỏ cái xách xuống bàn salon và ngồi gọn gàng đối diện với chồng. Chị chờ chồng nói. Chồng chị vẫn khuôn mặt lạnh như băng, không nhìn chị. Chị không đủ sức chịu đựng sự im lặng nầy. Giá như chồng chị gào lên hay giáng một tát tai vào mặt chị thì chị sẽ thấy dễ chịu  hơn. Chị đang cố gắng giữ bình tĩnh để đón nhận tình huống nầy. Nhưng sự việc không xẩy ra như chị nghĩ. Chợt bên ngoài đứa con trai của chị đi học về. Nó bước vào nhà chào cha mẹ  rồi đi thẳng vào phòng. Hình như cậu con trai của chị không để ý đến vẻ căng thẳng trên khuôn mặt cha mẹ mình. Chị nhìn vào phòng con trai. Kể từ cái buổi chị đánh tháo hai cây vàng, chị chỉ nghĩ đến chồng mà chị không bao giờ nghĩ đến đứa con trai của mình. Chính giờ phút nầy chị mới bắt đầu nghĩ đến nó. Và cũng chính giây phút nầy chị mới khám  phá ra một điều: Chị sợ con trai mình biết việc làm của mình hơn là sợ chồng biết. Chị nói với chồng như van lơn:

-Thôi có chuyện gì, anh chịu khó đợi lúc không có con, anh sẽ nói với em. Được không anh?

Bây giờ chồng chị mới mở lời:

-Cô mà cũng còn sợ con biết việc làm của mình sao. Hãy gọi nó ra đây cùng nghe chúng ta nói chuyện. Dũng ơi ra đây ba biểu.

-Em xin anh đừng cho con biết, nó đang còn quá nhỏ. Anh có thể xử trí như thế nào là quyền của anh. Còn chuyện em làm chưa nên cho con biết sớm. Em không giấu nó, cũng như em định sẽ không giấu anh. Nhưng cho anh và con biết việc làm của em lúc nào thì em đang cân nhắc cái thời điểm cần thiết. Đáng tiếc cho em là anh đã biết sự việc  sớm hơn cái thời điểm mà tronglòng em đã chọn.

-Có phải cái thời điểm mà cô dự tính cho tôi biết đó là khi nào thằng tình nhân của cô gởi về cho cô vài chục ngàn đô, cô sẽ mua vài chục cây vàng đặt ra trước mặt tôi rồi mới nói, phải thế không? Người chồng nói xong rồi cười mai mỉa, vẫn không nhìn vào mặt chị.
Đứa con trai của hai vợ chồng chị từ trong phòng bươc ra. Nó đứng sững, hết nhìn mặt cha rồi đến nhìn mặt mẹ. Nó không hiểu chuyện gì đang xẩy ra giữa cha mẹ, nhưng nó đoán  chắc chắn phải là chuyện nghiêm trọng lắm.

-Ngồi xuống đây. Người cha chỉ chiếc ghế con bảo đứa con trai ngồi.

Người mẹ thấy không thể cứu vãn được tình thế nên nói:

-Cha con sắp kể một việc làm của mẹ. Mẹ chỉ yêu cầu con ghi nhớ câu chuyện ba con kể nhưng đừng vội phán xét mẹ. Hãy đợi khi nào trưởng thành con hãy phán xét về mẹ.

-Có chuyện gì vậy mẹ?  Đứa con trai ngơ ngác hỏi.

Và chồng của chị đã kể cho người con trai nghe việc làm của mẹ nó. Nó ngồi hết nhìn mẹ rồi lại nhìn cha. Vẻ mặt non trẻ của nó  tỏ ra nó chưa hiểu thấu đáo hết mọi chuyện.

 Sau đó thì hai vợ chồng chị li hôn. Trước tòa chị không nhận một tài sản nào, bởi hầu hết tài sản có giá trị như nhà cửa ruộng đất đều do cha mẹ bên chồng  để lại. Chị chỉ xin được nuôi đứa con trai. Tòa xét thấy sau khi li hôn chị không có nhà cửa tài sản gì và cũng không có nghề nghiệp ổn định nên đã xử để đứa con trai cho người cha nuôi.

 Chị về ở với mẹ già. Mấy tháng sau chị nhận được tiền của anh từ Mỹ gởi về. Số tiền đủ để mua được năm cây vàng, nhưng chị chỉ mua đúng hai cây đem trả cho người chồng cũ, còn lại chị gởi trả cho anh. Chị giấu anh về đổ vỡ của gia đình mình và nói dối với anh là chị đang sống hạnh phúc với chồng con.

Không lâu, chồng chị lấy vợ khác.

 Hai mươi tám năm, sau khi chị li hôn với chồng, nghĩa là vào lúc chị đúng năm  mươi tám tuổi thì nghe tin ở bên Mỹ vợ anh đã bỏ anh và theo một người Mỹ gốc Tây Ban Nha giàu có. Rồi tiếp theo là chị nghe tin anh bị nhốt  vào nhà thương điên. Sau một thời gian theo dõi, bệnh viện xác nhận anh không bị điên, mà chỉ bị bệnh a zim mơ. Do tâm trí bị túng quẩn nên đôi lúc anh bị động kinh và mỗi lần như vậy anh lại gào thét. Tiếng gào thét của anh là tiếng gào thét uất ức tuyệt vọng chứ không phải tiếng gào thét của người điên. Bệnh viện yêu cầu thân nhân đến để làm giấy xuất viện cho anh. Hai người con trai không chịu, bảo về nhà không ai săn sóc cha. Cả hai người con của anh đều yêu cầu bệnh viện giữ anh lại. Họ nói ở đây sẽ tốt hơn là về nhà. Anh đã khóc và yêu cầu hai con bảo lãnh cho anh về nhà. Anh hứa lúc về nhà anh sẽ giao toàn bộ tài sản gồm một biệt thự và hai chiếc xe con cho chúng. Đó là tài sản anh đã tạo dựng được sau mấy mươi năm làm việc cật lực ngày đêm. Anh sẽ về lại  Việt Nam, chỉ đem theo một ít tiền để mua nhà ở và sẽ sống nhờ vào tiền hưu. Hưu của anh mỗi tháng cũng được một ngàn hai trăm đô. Hai người con trai bằng lòng, ký giấy cho cha mình ra khỏi viện và mua vé máy bay cho anh về Việt Nam.

Về lại thăm quê nhà anh mới biết chị đã li hôn với chồng mấy chục năm nay. Anh khóc. Sau đó anh về thành phố mua một ngôi nhà. Anh gọi người em gái và anh trai đến, anh bàn việc nhà. Anh nói anh sẽ đưa chị về ở với anh. Người anh cả và người em gái nghe vậy,  gặp riêng nhau bàn bạc. Họ tính, tình hình sức khỏe của anh xem ra không sống được bao lâu nữa. Nều anh đem chị  về, thì khi anh mất đi, ngôi nhà của anh lại thuộc về chị. Họ nói với nhau rằng, anh bệnh hoạn như thế thì đâu còn khả năng đàn ông nữa. Chị ta có tìm đến với anh cũng chẳng qua là nhòm ngó ngôi nhà của anh thôi. Một người đàn bà đã có chồng con rồi mà còn ăn cắp tiền của chồng cho trai thì ngôi nhà nầy của anh trước sau gì mụ ta cũng rước trai về ở mà thôi. Họ đến gặp anh, nhưng không nói ra điều đó, chỉ nói với anh rằng không ai lo cho anh chu đáo bằng anh em con cháu trong nhà. Để họ đưa con cái họ đến ở lại chăm nom săn sóc cho anh. Nghe vậy anh chỉ làm thình. Nhưng mấy tháng trôi qua anh gần như bị bỏ bê, chẳng ai đoái hoài. Họa hoằn lắm khi có công  việc đi qua, họ tạt vào thăm anh một chút rồi ra đi. Anh phải tự đi chợ nấu cơm lấy. Ngặt đôi tay anh cứ run run do bệnh  a zim mơ nên anh làm việc rất khó khăn. Anh trở lại tìm chị. Thấy tình cảnh của anh vậy, chị không nở bỏ anh sống một mình nên chị đã lên ở với anh, mặc dù  trong lòng chị biết thế nào  người đời cũng dị nghị. Nhưng mặc họ, chị nghĩ vậy. Lên ở với anh chị hết sức vất vả. Một mặt do anh bệnh hoạn đi đứng khó khăn, cả lúc tiểu tiện đại tiện chị cũng dìu anh đến tận phòng vệ sinh. Vịn tay cho anh khỏi té. Đi xong mọi việc dọn dẹp chị cũng lảm thay cho anh bởi tay anh không cử động được. Đã thế, tính tình anh lại thất thường, hay cáu gắt, ghen tuông vô cớ. Chị đi chợ mà lâu về một chút anh cũng vặn hỏi, chị đi đâu, nói chuyện với ai, có hẹn hò với ai không. Những lúc như thế chị cười: Em muốn đi lại hoặc hẹn hò với ai thì sau khi chồng bỏ, em đã đi rồi, đâu phải đợi đến hôm nay. Anh nghĩ em không kiếm được ai nên phải trở về với anh chắc. Anh hối hận và xin lỗi chị. Nhưng tính đâu vẫn tật ấy. Vài ba bữa anh lại to tiếng với chị một lần. Khi thì vì anh  nghe chị nói chuyện với ai đó trong điện thoại, khi thì vì anh thấy chị mua một cái áo cánh mới hoặc thay một đôi dép mới. Em già rồi không nên mặc áo loại vải nầy, không nên đi dép kiểu nầy…Anh vẫn thường càu nhàu chị như vậy. Người mẹ biết được trách con gái sao phải chịu cực khổ như thế. Lúc còn trẻ, con có  thể kiếm được một người chồng tử tế kia mà. Sao không chịu mà đợi đến bây giờ…Chị lại cười: Mẹ đừng buồn làm chi, kiếp trước con nợ anh ấy, kiếp nầy con phải trả cho xong mẹ ạ.

Bệnh của anh mỗi ngày một nặng dần. Những ngày anh sắp ra đi, người anh trai và cô em gái túc trực suốt ngày đêm trong nhà anh. Không phải họ quan tâm đến anh mà họ sợ anh viết di chúc để ngôi nhà lại cho chị. Và đúng như vậy, anh muốn viết di chúc để lại ngôi nhà cho chị nhưng không sao viết đượcvới hai người. Anh gọi hai người đến và nói ý muốn của mình, nhưng người anh cả nói: Chú mất đi rồi thì vấn đề nhang khói cúng giỗ liệu thím ấy lo được mấy năm. Thôi được dù sao thím  ấy cũng có công săn sóc chú trong những ngày tháng cuối cùng, vậy thì khi chú mất đi, ngôi nhà nầy sẽ bán đi và chia đôi. Một nửa để cho thím ấy lo thân già, một nửa tôi  cất dành để lo chuyện hậu sự cho chú và việc cúng giỗ hàng năm.  Người em gái nghe anh cả nói vậy liền giẩy nẩy: Vậy còn tôi thì sao. Anh em thì đều là anh em cả. Ngày kỵ giỗ anh Ba, anh Cả cúng ở nhà anh thì tôi cúng ở nhà tôi. Cuối cùng ba anh em nhất trí là bán nhà xong sẽ chia ba. Chị một phần còn hai phần kia chia cho hai anh em. Anh đem chuyện ấy nói với chị, chị cười chẳng nói gì.

Ngày anh sắp mất, người anh cả gặp chị và nói: Sau khi lo việc của chú xong, tôi, thím và cô Tư sẽ họp lại để bàn việc nhà. Nghe vậy chị chỉ dạ mà không nói gì thêm.

Biết anh sắp ra đi, chị có gọi điện cho hai người con trai của anh bên Mỹ biết để về, nhưng chưa thấy đứa nào về cả.

 Khi đưa linh cửu ra huyệt, người anh Cả và cô Tư cùng bà con nội ngoại khóc sướt mướt. Chỉ chị là không khóc. Có nhiều người nhìn chị xầm xì to nhỏ gì đó. Thế nhưng sao chị lại nghe được câu: Tình nghĩa gì mà khóc. Họ nói về ai đấy nhỉ? Mà thôi kệ họ.

Lễ an táng xong, bà con đã kéo nhau về hết. Chỉ còn chị ngồi lại bên mộ anh.

Trong nhà, anh Cả và cô Tư sốt ruột đợi chị về để bàn bạc thu xếp việc nhà. Đợi đến gần tối mà không thấy chị về. Có người nói thấy chị ngồi lại một mình ngoài mộ.

-Chú ấy chết rồi thì còn ngồi yêu cầu điều gì nữa. Đứa nào chạy ra ngoài mộ tìm thím ấy vào đây. Bảo cả nhà đang chờ  thím trong nầy. Lấy xe máy mà chở thím ấy về cho nhanh. 
Người anh Cả nhìn quanh bảo.

Người được sai phóc lên xe máy đi một lát rồi trở về nói: Không có ai ở ngoài mộ cả.

                                                                                                          Nguyễn Bá Trình
bichlien101046@yahoo.com.vn







No comments: