Chùa Cam Lộ của chúng tôi không phải là ngôi chùa to lớn
hiện tại vừa mới được xây dựng mấy năm gần đây. Trái lại nó là ngôi chùa nhỏ
nhắn gắn liền với thời thơ ấu của chúng tôi những thập niên 50, 60 của thế kỷ
trước.
Chùa được xây dựng trên một khu đất mà phía bắc là con sông Hiếu Giang và phía nam
là quốc lộ số 9 đi nguo?c ln phía Vương
Quốc Lào. Hướng chánh của chùa quay về phía đông là cánh đồng lúa trải dài
trước mặt. Đấy là ngôi chùa được xây dựng vào những năm 1952, 1953 khi cuộc
chiến tranh chống Pháp đang hồi quyết liệt. Chùa được xây dựng bằng vật liệu
sườn gổ, tường gạch, mái ngói. Chùa làm theo kiểu nhà rường truyền thống của
miền trung gồm một căn và hai chái. Căn giữa phía trước là chánh điện thờ Phật,
hai gian chái hai bên thờ đức Bồ Tát Quán Thế Âm và đức Bồ Tát Địa Tạng. Phía
sau chính điện là nơi thờ Tổ, hai bên thờ hương linh tứ thân phụ mẫu và quá cố
hội viên.
Cuộc chiến tranh Pháp Việt 1945 – 1954 kết thúc, đất nước
hòa bình, bọn trẻ chúng tôi lại có cơ duyên kéo nhau đến chùa sinh họat. Bởi
trước đó, chúng tôi mỗi người đều đi một phương. Người thì ra ở vùng kháng
chiến, kẻ thì đến vùng quốc gia để học tập. Quê tôi nằm giữa hai làn đạn của
chiến tranh nên trường đãbị đóng cửa từ lâu và sinh hoạt chùa chiền cũng vì lý
do đó mà bị đình trệ.
Trở về chùa sinh hoạt
sau bao năm xa cách chúng tôi không phân biệt ai là người đã đi học ở vùng nào
trước đó. Tất cả đều chỉ có tấm lòng mến Đạo, thương yêu nhau trên màu áo lam
dịu hiền thân thương. Những ngày đầu chúng tôi bắt tay vào việc cũng cố Gia
Đình Phật Tử, bầu Ban Huynh Trưởng, thành lập các đội chúng. Sau đó gởi người
đi dự các khóa huấn luyện Huynh Trưởng, Đội chúng trưởng. Bản thân chúng tôi
cũng được cử đi học khóa Đoàn Trưởng cùng với hai anh chị khác là anh Tọai và
chị Bé do Ban Hướng Dẫn tỉnh Quảng Trị tổ chức. Trời tháng chạp lạnh đến tận
xương, nhưng trại sinh chúng tôi vẫn thi gan với rét lạnh để đi trồng dương
liểu xung quanh ngôi chùa Diên Thọ nơi làm địa điểm trại huấn luyện.
Mãn khóa trở về chúng tôi lại hăng say tiếp tục nhiệm vụ
được giao phó. Hồi đó bác Tâm Khoa Lê
Văn Đường làm Gia Trưởng. Bác là người năng nổ hoạt bát, giỏi về tổ chức và
nghi lễ. Bác làm việc cả cho Chi Hội và Gia đình Phật Tư . Nhiệm vụ nào bác cũng
hoàn thành xuất sắc. Bác là người có công rất lớn trong việc duy trì tinh thần
Phật Giáo tại quê hương Cam Lộ chúng tôi trong những năm chiến tranh khốc liệt
và kể cả sau nầy. Bác cũng là người duy nhất làm sợi dây liên lạc giữa Ban Trị
Sự tỉnh hội Phật Giáo Quảng Trị với Chi Hội Phật Giáo Cam Lộ trong thời gian
ấy. Nhờ vậy sau ngày hòa bình sự sinh họat của Chi Hội Phật Giáo Cam Lộ sớm trở
lại nề nếp ổn định.
Trở lại công việc của chúng tôi, ngoài việc sinh hoạt như
thường lệ vào những buổi chiều chủ nhật hàng luần cùng với những lễ lượt trong
năm, chúng tôi còn phối hợp với các bác bên Chi Hội đi thành lập các Khuôn Hội
và Gia Đình Phật Tử trong địa phương huyện nhà. Đúng là một thời kỳ thái bình
thịnh trị. Ngoài những buổi sinh hoạt vào chiều chủ nhật, chúng tôi cũng đến
chùa làm lễ vào những đêm 30, mồng một, 14 và rằm. Vào những đêm 14, rằm trăng
sáng như gương chúng tôi tha hồ ca hát, nhảy múa sau giờ hành lễ. Có nhiều đêm
vui chơi sa đà mà quên chuyện học bài cho buổi sáng mai. Thế là khi chợt nhớ
đến ai nấy vội vã hối nhau chạy về nhà cho kịp. Chúng tôi vẫn tiếp tục đến
trường, vẫn sinh hoạt Gia Đình Phật Tử mà chẳng có những ưu tư nào chi phối tâm
hồn niên thiếu của chúng tôi.
Đặc biệt mỗi lần Tết đến, bản thân chúng tôi lại được Mẹ ưu
tiên cho đến chùa ngủ lại để đón giao thừa. Có gì buồn cười bằng trong nhà chỉ
có mình là con trai duy nhất mà mồng năm ngày Tết lại không ở nhà để hương khói
cho Ông Bà, trái lại đến chùa ngủ lại. Thế mà Mẹ tôi, bà cũng bất chấp bất
trách hoan hỹ chiều theo ý thích của chúng tôi.
Rồi những năm tháng lớn lên đi vào đời, chúng tôi bị cuốn
hút vào thời cuộc, đành rời bỏ quê hương, xa mái chùa thân yêu bao năm găn bó,
xa những buổi chiều sinh hoạt và ra đi mà lòng nặng chĩu những yêu thương và
nhung nhớ.
Thời gian thấm thoát qua mau mà nay chúng tôi có người đầu
đã bạc, răng đã long, bể dâu đã bao lần thay đổi. Đời là vô thường! Phải. Từ
những mái đầu xanh ngày nào túm tụm bên nhau dưới mái chùa trong những buổi
chiều sinh hoạt mà nay đã là ông là bà với từng đàn con cháu. Nhưng có điều
đáng quý là trong những người chúng tôi cũng xuất thân từ ngôi chùa nhỏ nhắn
nầy có nhiều vị đã trở thành những trưởng tử Như Lai, nam có nữ có và hàng con
cháu chúng tôi sau nầy cũng vậy. Mừng thay!
Nhìn lại mấy mươi năm qua, biết bao kỷ niệm ùa về như những
điều vừa mới xảy ra hôm qua mà lòng bồi hồi xúc động.
Hình bóng ngôi chùa xưa vẫn còn in đậm nét trong tâm hồn
chúng tôi có lẽ cho đến hết cuộc đời.
Lạy Phật! Cầu nguyện cho Phật Pháp trường tồn, quê hương an lạc, mọi người đều có được điều kiện
thuận lợi nhất để đến chùa, đến với Đạo như thuở nào ở cái thời tuổi thơ của
chúng tôi.
Bà Rịa Vũng Tàu, ngày 30 tháng 9 năm Kỷ Sửu - 10.2009
Tâm Thường (Thái Tăng Phôi)
tamthuong_07@yahoo.com.vn
tamthuong_07@yahoo.com.vn
No comments:
Post a Comment