Theo vòng quay trái đất, trong tứ thời bát
tiết thì mùa xuân có một ý nghĩa đặc biệt khởi đầu cho một năm mới, sinh thành
một nguyên đán thời gian. Cũng chính vì sự riêng có của mình mà xưa nay mùa
xuân vẫn thường gợi ý khơi tình cho biết mấy hoa trái văn chương.
Từ trong mùa đông mất nước và nô lệ, nhà
thơ trẻ tài ba Chế Lan Viên đã nhìn Xuân bằng đôi mắt chán chường, vô vọng:
Tôi có chờ đâu, có
đợi đâu,
Đem chi xuân đến gợi thêm sầu?
Với tôi, tất cả như vô nghĩa,
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
Thật đúng như minh triết Nguyễn Du: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!"
Sau này khi đất nước giành được độc lập,
tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình, thi sĩ đã thấy rằng mình: từ thung lũ đau
thương ra cánh đồng vui. Thi nhân đã viết trong hứng khởi niềm xuân:
Con về với nhân
dân như nai về suối cũ
Cỏ mọc giêng hai,
chim én đợi mùa ...
Nhà thơ áo lính Nguyễn Hữu Qúy hứng thú
với lục bát dân gian mà dân dã đong đưa "Làm xuân" thêm ngọt ngào,
tình tứ với một nhan sắc quê nhà:
Cầu lành, chẳng dựng nêu tre
Trúc xinh một dáng chở che lấy mình
Mỉm cười vớ nụ hồng xinh
Tối về, rủ bạn ra đình ý a ...
Nhớ
giao thừa tuổi mười ba
Em đừng
nước mắt kẻo mà bị giông
Lá răm
ướm cặp đối hồng
Cứ vui như tết chưa chồng nghe em!
Người thơ Võ Văn Luyến cứ dùng dằng, trắc
ẩn khi biết mình "Lỗi hẹn cùng xuân":
Anh về muộn chân trời đùn mây trắng
Trang
thư xanh gió lật sấp vô hồi
Nghe lồng ngực nhói đau
nghèn nghẹn
Thời gian ngừng muối đọng mắt em tôi.
Và một Hoàng Phủ Ngọc Tường thơ khi
"Mùa xuân anh trở lại" chiến khu rừng cũ bời bời ký ức những ngày lên xanh của một
người Việt Nam thật lòng yêu nước:
Mùa xuân này anh trở lại A Sao
Trong nỗi nhớ cánh rừng đã
chết
Trong kỷ niệm hăng nồng
mùi hóa chất
Chim phượng hoàng từ ấy đã
bay xa
Lòng bồi hồi như trong
giấc mơ
Anh đứng giữa cây rừng sống lại
Hái nhánh tùng của mưa
ngàn gió núi
Anh trở về, sương khói
trên tay.
Nhà nghệ sĩ này đã cảm nhận thật tinh tế vẻ
đẹp tinh khôi, tươi mới của mùa khai sáng bằng chắt lọc văn chương qua bút ký
"Mùa xuân thay áo trên cây". Ông đã sáng tạo thêm một huyền thoại mùa
xuân với giả định bềnh bồng thi sĩ:
"Tôi tin rằng trong cuộc tiến hóa của
nhân loại, có một số giá trị được tạo thành cùng lúc với ý thức sống của con
người, ngay trong lòng những nhóm tộc nguyên thủy sống lẻ loi chưa hề biết tới
giao lưu, thí dụ cách lấy lửa, cách làm ra rượu thô sơ nhất, và cả ý niệm huyền
ảo thuộc về vũ trụ gọi là Mùa Xuân. Loài
người biết tới lịch pháp từ những nền văn minh xa xôi nhưng ý niệm về mùa tất
đã nảy sinh từ những đáy thời gian sâu thẳm hơn nhiều, qua kinh nghiệm sống của
người tiền sử. Vậy thì tiếp theo sau những tên gọi như đá, nước, lửa, trái cây,
thú rừng ... có thể Mùa Xuân là từ
trừu tượng đầu tiên của người hồng hoang, do một gã thi sĩ cất lên để reo mừng
hiện tượng bừng sống của trời đất sau những ngày dài lạnh lẽo phải sống trong
hang đá."
Chính ân sủng thiên nhiên trao tặng đã
kích thích trí tò mò và óc tưởng tượng phong phú của người nghệ sĩ nảy mầm lên
những xanh biếc văn chương. Cú hích của đất trời đã làm bà đỡ sinh hạ nên tác
phẩm của con người mang tên là nghệ thuật, nghệ thuật của ngôn từ và nghệ
thuật của tâm hồn đa cảm, của sự quan sát và cảm nhận tinh tường:
"Có một ngày ra khỏi mùa Đông nhá
nhem trên rừng, tôi mải mê nhìn cánh rừng tràn trề nắng ấm, nghe tiếng reo hát
của dòng suối đã trong xanh trở lại, tiếng chim ngẳng gọi nhau "đi họ đi
làng" trên những đồi cây lá nón, và chợt nhận ra quanh tôi, những hoa dại
đầu mùa đã vẽ những nét màu sáng tươi trên mặt đất. Đó là những ngày tiếp theo
sau cái Tết kháng chiến đầu tiên của tôi ở rừng Khe Trái, và cũng là lần đầu
tiên trong đời, tôi ghi vào sổ tay lòng biết ơn chất phác với nhà thông thái
bàn cổ nào đấy đã nghĩ ra cho nhân loại hậu thế cái tên gọi tuyệt vời này, Mùa Xuân."
Nhà văn Lê Tri Kỷ, một người con của quê hương Quảng
trị, nhà văn lực lượng vũ trang, từng là trưởng ty công an sau cách mạng Tháng
Tám là cây bút chững chạc, đầy chất nhân văn cũng có những trang viết về mùa
xuân đáng nhớ. Trong truyện ký "Những tiếng nói thầm" viết về nơi
chôn nhau cắt rốn năm 1973 sau khi tác giả đã rời xa quê nhà một phần tư thế kỷ.
Cách tự mố xẻ, phân tích tâm lý chân thực, sâu sắc và xúc động:
"Một sáng đầu năm 1973, tôi trở về
Quảng trị.
25 năm!
Tại sao với một người chờ đợi quá lâu,
thì lời nói đầu tiên khi hết chờ đợi thường là một lời về thời gian nhỉ?
Lẽ nào những nỗi đau xé ruột, những
thương nhớ thắt tim, những mừng vui kinh ngạc đến điên người, tóm lại, cái mớ cảm
xúc bộn bề, sôi sục bị đè nén lâu ngày như thế khi vùng dậy, lại chỉ chứa đựng
một ý niệm máy móc về con số?
Cũng như mọi người, điều đầu tiên đến
trong óc tôi khi xe qua cầu Hiền Lương là một ý nghĩ về thời gian xa cách. Nhưng
mãi những khi viết những dòng này, tôi mới biết rằng lúc đó mình chưa hiểu thế
nào là hai mươi lăm năm."
Đúng là cách nhìn, cách nghĩ của nhà
văn, luôn muốn chẻ sợi tóc làm tư luôn muốn tìm hiểu khám phá tâm hồn và trải
nghiệm của con người và bản thân mình cũng không là ngoại lệ. Cảm giác gặp lại
quê hương sau vài chục năm xa cách được nhà văn thuật lại thật sinh động và
chân xác:
"Nhìn quê hương Quảng trị tôi
những ngày đầu giải phóng, mọi sự tưởng tượng đều huyễn.
...Hình ảnh quê hương đổi thay đến mức
làm tôi choáng váng.
Cái gì không còn thì đã trở thành ...
hư vô. Nói thế vì không phải chỉ cái ấy mất đi. Còn mất theo cả vùng rộng lớn
không khí quen thuộc, mất theo những tình người, những cách làm ăn, thói sống,
những tiếng động quen tai, màu sắc quen mắt, tóm lại cái mà ta quen hiểu là hồn
quê.
Cái gì còn nguyên - con đường sống trâu
bùn ngập đến gối, những mâm xôi gà lên miếu ngày rằm - thì mang về một sức ỳ
ghê gớm.Ta nhận ra nó y như thời ta còn để chỏm, nhưng bây giờ mang thêm vẻ lạc
hậu nặng nề, khiến ta bỡ ngỡ tưởng như mình bị đẩy lùi vào xã hội thời cụ, kỵ.
Cái gì sống thoát đến ngày nay và đang
lớn lên lại làm ta kinh ngạc. Một tình yêu thương gia đình trong ánh mắt lũ trẻ
con mà cha mẹ chúng buổi ta ra đi, cũng chỉ là trẻ con, những người vợ mà sự
tích thuỷ chung đáng được trăm lần đưa lên thần thoại, những anh du kích đã
được đồng hương truy điệu, nay bỗng gặp lại trong cuộc họp thôn ... Tất cả những
cái đó đã trở thành truyện thần kỳ mà ký ức về quê hương của chúng ta chưa bao
giờ ngờ đến."
Cách quan sát ngoại vật và nhìn xoáy vào
nội tâm của chính bản thân mình cùng với sự trải nghiệm của gần một đời người
khiến trang viết nhà văn vừa có độ xúc cảm mãnh liệt của cảm xúc, vừa có cách
nhìn sắc sảo của tài quan sát lại có sợ phân thân trong phân tích tâm lý nhân
vật đã nhận được tình cảm và tin cậy của người đọc. Đó cũng là một thành công
đáng kể của tác giả.
Mỗi
mùa xuân đến, mỗi nhà văn, nhà thơ lại thêm nhiều cảm xúc, tâm trạng muốn được
chia sẻ, giải bày với người khác. Bởi vì bản chất của mùa xuân là hội ngộ, đoàn
viên. Dù có chia ly cũng hẹn ngày gặp lại. Và cứ mong đến mùa xuân lòng người
thêm Nguyên Đán.
PHẠM XUÂN DŨNG
Đài PT- TH Quảng Trị
Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Đt: 0985.972.975
dpthachthao@gmail.com
No comments:
Post a Comment