(Nhân đọc tập thơ "Chiêm bái quê nhà" của Trần Bình)
Nhà thơ TRẦN BÌNH đọc thơ tại buổi ra mắt tập thơ CHIÊM BÁI QUÊ NHÀ của anh. |
Mấy
năm trước, một sự kiện gây tiếng vang trong làng văn nghệ Quảng Trị khi phu
nhân nhà thơ Trần Bình có một quyết định mang tính đột phá: thịt một con heo
gần bốn mươi cân sau bao ngày rau cám để tài trợ chính cho tiệc thơ chồng ngay
tại quê nhà làng An Nhã, xã Do An, huyện Do Linh.
Giữa thế kỷ 21 trong tình cảnh suy thoái
kinh tế toàn cầu, gạo châu củi quế, lạm phát thơ, lại có một người vợ quê chịu
thương chịu khó dũng cảm hiến tặng cả một gia tài không nhỏ cho một cuộc chơi
mà thiên hạ cho là phù phiếm khiến nhiều người choáng váng và phát ngộ khi nhìn
nhận lại thi ca. Nhà báo Lê Đức Dục bình luận sự kiện văn nghệ này bằng giọng
hài hước, hân hoan pha chút ngậm ngùi: "Tôi cũng là người làm thơ, đăng
tải nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy có người vợ Trần Bình dám đem heo
đãi thơ. Giá như ngày trước, tôi cũng
được vợ tôi tặng cho một đùi gà vì thành tích làm thơ thì chắc bây giờ tôi đã
là một nhà thơ thành đạt. Điều đáng nói ở đây, tôi nhấn mạnh, chưa phải là thơ
mà là cách ứng xử với thơ!" Quả thật, tiệc thơ Trần Bình đã thu hút nhiều
bạn bè, anh em văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Còn ở quê nhà thi sĩ, vốn quan
niệm truyền thống thường tình thịt heo là để việc làng thì từ đây đã có thêm
một ý nghĩa khác: việc thơ !
Dễ nhận ra trong thơ Trần Bình là tình
quê da diết. Những bài thơ chiếm được cảm tình người đọc thường giống nhau ở
chỗ mộc mạc, lấm láp chân tình. Trong "Cò ơi thao thiết", anh viết:
Gian khó đè lên hai đầu quang gánh
mẹ tôi
Triêng thúng cả một mùa màng ra chợ
Cha cúi gập mình trên những đường
cày ải vụ
Cái nghèo, cái khổ
đeo bám còng lưng!
Bước chợ đường quê mẹ nuôi chúng tôi khôn
Cha nhường phần ngon che chiều nhỏ dại
Vô tư vốc nghịch, ăn đất nằm rơm
Chúng tôi lớn lên những điều mê mải ...
Đứa con làng quê trong thơ Trần Bình bao
giờ cũng là đứa con dại ngộ dẫu lớn khôn,
thành đạt đến mấy vẫn thấy mình có lỗi, vẫn thấy mình mắc nợ với quê hương:
Mẹ ơi!
Sáng nay về tạ lỗi mùa màng
Mẹ cha mồ yên, mả vắng
Con bỗng thèm một gốc quê da diết
nắng
Con bỗng thèm một lời ru...
Cò ơi thao thiết
Cò ơi tìm về ...
Người mẹ quê trong thơ Trần Bình cứ
thúng mủng gánh hai đầu tao loạn, băng qua biết mấy chiến chinh, ly tán, để dắt
dìu, che chở đàn con. Người đọc dễ đồng cảm với người mẹ nhà thơ chân chất và
cao quý vô ngần:
Mạ tôi cả ngày dang nắng
Còng lưng trưa má, ruộng lầy
Đi qua tháng ngày cùng cực
Rách lành no đói lắt lay
Chiến tranh một thời bom đạn
Người quê ly loạn khắp vùng
Đèo bòng mạ tôi thúng mủng
Ôm đùm che chắn các con
(Mạ tôi 1)
Cũng vì da diết tình quê nên khi có
dịp đi xa, Trần Bình luôn nặng lòng với những gì là quê cha đất tổ, là chôn
nhau cắt rốn, là thương cội nhớ nguồn và lấy đó làm thước đo phẩm giá con người. "Đồng hương" cũng là nơi bộc trực Trần Bình :
Có cả một hội đồng hương làng ở phố
Những bạn bè thành đạt của tôi
Cái sự đổi đời từ thôn ra thị
Nghe cứ như là chuyện chơi
Nghiêng
chén tràn đêm say phố
Bên
em mắt lúng liếng cười
Ước
ao chặn nghẹn nơi lồng ngực
Cho
ta thành dân phố chút thôi
Vô
tư đi. Cứ vào Nam
mà sống
Chả
nhẽ rời quê - muôn kiếp mặn mòi
Chả
nhẽ vì mẹ cha nghèo cực
Mà
ta mơ thành một kẻ mồ côi!
…
Có cả một hội đồng hương làng ở phố
Thương
đến nghẹn ngào cái giọng miền Trung
Sao
nỡ nói tiếng Nam ,
tiếng Bắc
Để
mô, tê, răng, rứa ...ngại ngùng.
Thơ Trần Bình được nhiều tâm hồn đồng
điệu bởi tình quê sâu nặng, lời lẽ thật thà, chân chất được tuôn chảy từ một
tấm lòng lúa khoai có chi nói nấy. Khó tìm thấy kỹ xảo hoặc các thủ pháp tân kỳ
trong thơ anh dù rằng người viết vẫn dụng công. Những bài thơ khá hay hiện lên
một chân dung thơ người cầm tinh tuổi cọp hồn nhiên mà vẫn không kém phần lắng
sâu, trăn trở. Cũng mong rằng anh vẫn là chính anh trong sáng tác, có điều chọn
lọc và tiết chế hơn để có những bài thơ thực sự mang dấu ấn Trần Bình.
Chúng ta sẻ chia và hy vọng
vào một hồn thơ tươi trẻ mà sâu lắng như chính mùa xuân.
PHẠM XUÂN DŨNG
dpthachthao@gmail.com
No comments:
Post a Comment