Tôi nhớ mãi mùa đông năm ấy, năm Canh Thân (1980), vợ tôi
(BS. Thái Thị Lê Phương) đang làm việc tại Phòng khám cán bộ (tỉnh Bình Trị
Thiên cũ) nhân được giấy gọi đi tu nghiệp chuyên khoa sau Đại học tại Hà Lan.
Điều đó làm tôi và vợ tôi rất vui mừng, nhưng cũng đầy lo âu. Vì lúc bấy giờ
gia đình tôi còn nhiều khó khăn lắm. Tôi có mẹ già và con dại mà tôi lại quá
bận việc giảng dạy với hai giáo trình cho sinh viên trường Đại học Tổng hợp Huế
mỗi tuần gần 30 tiết. Tôi cảm thấy căng thẳng, không biết phải tính liệu sao
đây?
Tôi suy nghĩ rằng, nếu không giải quyết được khó khăn việc
gia đình thì buộc vợ tôi phải hủy bỏ chuyến đi tu nghiệp nước ngoài trong một
năm ấy. Nếu như vậy thì tôi thấy thương cho vợ quá. Vì đây là một dịp may mà
lúc bấy giờ không phải ai cũng được đi như vậy. Hồi đó ở Huế chỉ có một suất
bác sĩ chuyên khoa tim mạch được đi sang Hà Lan tu nghiệp do Bộ Y tế xét duyệt
triệu tập chỉ có vợ tôi đi mà thôi. Còn ở tp. HCM 3 bác sĩ, ở Hà Nội 3 bác sĩ.
Lúc đó tôi cũng hiểu rằng, sở dĩ vợ tôi được chọn đi đợt ấy là do cấp trên đã
ưu tiên cho các bác sĩ đã từng đi phục vụ Y tế các chiến trường về. Tôi nghĩ
rằng, nếu vợ mình không muốn đi đợt này thì về sau liệu có dịp khác không? Còn
nếu liều mạng ra đi thì tôi ở nhà làm sao kham nỗi chuyện chăm sóc mẹ già, con
dại?
Cứ suy nghĩ mãi không có lối gỡ, may sao có cô em ruột của
tôi ở quê vào và biết hoàn cảnh của gia đình tôi đang nan giải tình thế đó nên
cô ấy đã nói:
“Thôi anh Trân cố gắng chịu khó để cho chị Phương đi tu
nghiệp. Chị đi một năm nước ngoài về thì cũng nhanh thôi. Đến lúc chị về nước,
anh cũng đỡ khó khăn về kinh tế gia đình, thế cũng tốt. Anh chị để việc chăn
sóc mẹ già, em sẽ đưa ra quê nhà em lo liệu. Anh chị cứ yên tâm mà thực hiện kế
hoạch đi thôi”.
Nghe cô em nói như vậy, bà mẹ tôi cũng rất tán thành nên vợ
chồng tôi rất mừng. Thế là điều khó khăn của chúng tôi đã giảm đi được một nửa,
chỉ còn lại lo việc nuôi con dại mà thôi. Con chúng tôi là Nguyễn Thị Phong Lan
bấy giờ mới hơn 4 tuổi. Nhìn nét mặt con gái đầu xinh xắn dễ thương, chẳng biết
mẹ đi lâu một năm như thế nó có chịu nỗi buồn xa mẹ không? Nó có được khỏe mạnh
không? Tôi biết là vợ tôi còn lo hơn tôi nữa, nhưng rồi hai vợ chồng chúng tôi
đã quyết định thực hiện việc đi tu nghiệp của vợ tôi.
Cũng may là trong thời gian vợ tôi đi vắng, nhờ có sự quan
tâm của bà ngoại cháu, cũng như sự âu yếm thương yêu cháu của cô Kha và dì Sao
Mai nên cháu cũng vợi bớt nỗi buồn thương nhớ mẹ. Phải nói rằng cháu Phong Lan
hồi ấy rất ngoan nên bà con ai cũng thương yêu.
Có những đêm ngủ, cháu cứ mê thấy mẹ rồi cười nói linh tinh
làm tôi rất thương cháu. Có lần trời mưa dầm dề ở Huế, cháu cứ ngồi buồn và
khóc sụt sùi bên cửa sổ vì nhớ mẹ. Lúc ấy, tôi cũng không cầm được nước mắt.
Tôi vỗ về dỗ dành cháu:
“Con nín đi! đừng buồn, mẹ đi bên Tây cũng nhanh về thôi. Mẹ
về sẽ mua nhiều áo quần đẹp và đồ chơi rất thích thú cho con. Con cố vui lên
cho ba yên lòng; ba còn lo soạn bài để ngày mai ba lên lớp dạy học con nhé!”
Nghe tôi nói như vậy,
bé liền lau nước mắt và cười vui với tôi ngay. Đôi mắt đen sáng long lanh và
hàm răng nhỏ đều đặn, trắng nõn của bé hiện lên trong nụ cười ở tuổi thơ ngây,
trông thật là dễ thương! dễ thương lắm!
Đến cuối năm 1980, mùa đông ở Huế trời cứ mưa dầm dề hoài.
Đêm nằm ngủ đắp chăn ấm cho con ngủ yên, nhưng tôi vẫn cứ thao thức không sao
ngủ được. Trong lòng cứ thương con và nhớ vợ quá chừng…
Hồi chiến tranh chống giặc Mỹ, vợ tôi đi chiến trường B,
những đêm đông tôi cũng rất buồn và nhớ vợ lắm. Nhưng hồi ấy chưa có con nên
nỗi buồn có khác, nó không sâu nặng, lắng ngầm như sau này. Những đêm buồn như
thế tôi lại nghĩ ra một bài thơ và thầm đọc một mình trong đêm vắng:
ĐÊM ĐÔNG MONG NHỚ
Đêm đông lạnh vắng em càng lạnh
Chăn gối buồn hiu quạnh nhớ em
Chập chờn giấc ngủ trong đêm
Ngoài hiên lá rụng tưởng em đang về…
Ôi, đơn độc ê chề nhung nhớ!
Nằm thao thức trăn trở tỉnh mê
Nỗi buồn man mác tái tê
Mong em sớm được trở về bên anh.
Nguyễn Hồng Trân
No comments:
Post a Comment