Tác giả MAI THANH |
Vài nét về nhà thơ Mai Thanh
Quê Thanh Hóa, hiện làm việc Hà Nội.
Làm thơ, viết văn và viết phê bình văn học.
Nguyên Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Lao Động.
Hiện là chuyên gia về công tác xuất bản tại Cục xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đã xuất bản 4 tập thơ: "Ánh mắt ngày xưa", "Sắc lá", "Tiếng chim" và "Cõi người".
Sẽ xuất bản: Hai tập thơ "Trăng rơi" và "Mùa sang"; tiếp theo là tập truyện ngắn và tập phê bình-tiểu luận.
Khi bọn trẻ chúng tôi ở độ tuổi chín mười, thường chơi đủ trò chơi của trẻ con đã chơi qua nhiều thế hệ - con gái thì “chơi ô ăn quan”, “chuyền chắt”...; con trai thì “đánh khăng”, “đánh quay”...Nói chung là con trai và con gái có trò chơi riêng, ít khi cùng chơi chung, nhưng tôi với Hiền là trường hợp đặc biệt, thường chơi chung với mọi trò chơi, kể cả trò chơi mà các bạn trẻ khác không biết đến. Tôi hơn Hiền một tuổi, nhưng em sành sõi hơn tôi nhiều điều. Chúng tôi có cả trò chơi đám cưới với nhau. Trong trò chơi này, Hiền cố tìm được một cái vòng sắt vừa lọt ngón tay: “Cậu cầm lấy vòng sắt này làm chú rể trao cho tớ là cô dâu trong ngày cưới”. Tôi ngây thơ và nghiêm chỉnh làm đúng như Hiền chỉ dẫn. Hì, thật là chuyện bắt chước người lớn một cách ngớ ngẩn của hai đứa trẻ chúng tôi...
Tuổi thơ vuột trôi qua, bọn trẻ thôi các trò chơi, để rồi đi vào cuộc sống thật của cuộc đời. Khi bắt đầu vào cấp ba, thì cha tôi qua đời; dường như trước nỗi đau mất người trụ cột trong gia đình, mẹ tôi và chị tôi dồn sức chăm lo cho tôi về mọi mặt, nhất là việc học hành đến nơi đến chốn của của tôi.
Tôi xa quê, đi học đại học, rồi đi làm; mỗi năm một lần, trở về thăm quê, gặp lại các bạn ấu thơ thấy lòng ngồn ngộn niềm vui và tràn đầy xúc động. Hiền dạy học cấp hai ở trường xã, em xinh xắn, dịu dàng và có nét chững chạc của một cô giáo. Tôi coi Hiền như mọi bạn gái khác, nhưng tôi cảm nhận rằng, Hiền đối với tôi thiếu tự nhiên, thậm chí có phần bịn rịn – tôi coi đó là do em ngượng ngùng vì trò chơi “đám cưới” đầy vẻ ngây thơ từ thuở bé.
Những lần về thăm quê, mẹ tôi thường nhắc tôi về chuyện lấy vợ, tôi đành nói khéo để mẹ yên lòng. Mẹ bảo sẽ sang nhà Hiền để nói với cha mẹ cô ấy, xin em về làm con dâu của mẹ. Tôi trố mắt ngạc nhiên: “Mẹ đừng làm thế, con xin mẹ đấy! Không lâu nữa, con sẽ cưới cho mẹ một cô con dâu thật vừa ý!”. “Được, con hứa rồi nhé!”. Nhưng rồi lời hứa với mẹ đến vài ba năm sau đó, vẫn chưa được thực hiện, trong khi mẹ và chị tôi càng sốt ruột về chuyện vợ con của tôi. Hiền rất quý mẹ và thân thiết với chị tôi.Với mẹ, em thường đến thăm, đôi khi biếu bà đồng quà tấm bánh. Với chị, Hiền rất chăm lo việc học hành của con chị, cho cháu từ tập giấy kẻ ô, đến hộp bút vẽ. Tình cảm của Hiền đối với gia đình tôi đều được chị tôi thông tin qua những bức thư dài nhiều trang giấy. Những thông tin nhận được từ chị, khiến tôi vô cùng bối rối và đã bằng mọi lời lẽ trao đổi với chị tôi, cần xử lý khéo léo, để Hiền khỏi hy vọng. Rồi một lần, tôi nhận được bức thư dài của chị giúp tôi xử lý tình hình bối rối, khó xử trong chuyện của Hiền đối với tôi...
*
Vào một buổi chiều mùa thu năm ấy, chiếc xe khách từ Hà Nội đỗ tại bến xe thị trấn quê tôi, Tôi và Nga lém – bạn cùng phòng công tác ở cơ quan tôi – vừa xuống xe, thì chị gái tôi và con gái chị đã đón sẵn, hào hứng: “Chị chào hai em!”. “Cháu chào cậu mợ!”. Nga lém: “Em chào chị, cậu mợ chào cháu!”. Chị tôi bảo con gái “xách túi hành lý cho mợ”. Nga lém: “Thôi cứ để mợ xách, hành lý của cậu mợ nhẹ thôi mà!” Nga lém cố nói ra nhiều từ “cậu mợ” để mọi người đang tò tò quanh đó hiểu tôi và Nga lém như vợ chồng sắp cưới vậy...
Không khí buổi đón tiếp chúng tôi tại bến xe nhanh chóng được truyền đi từ người này đến người khác, chẳng mấy chốc cả làng, cả xã đều biết. Thêm vài ngày, lưu lại quê hương, tôi kéo Nga lém cùng đi thăm bà con làng xóm, càng làm mọi người tin tôi và nga lém sắp cưới nhau. Riêng tôi có đến nhà Hiền thăm em như là thăm người bạn thuở thiếu thời, nhưng cha mẹ em nói rằng, em đã ra tàu đi Sài-gòn để xin chuyển công tác vào trong ấy. Chị tôi nói, trước khi đi Sài gòn, Hiền gặp riêng mẹ và chị tôi chào tạm biệt. Khi chào ra về, Hiền trao chị tôi một gói vải nhỏ, nhờ chị giao cho tôi và dặn “bao giờ anh ấy trở về đến Hà Nội, thì mới mở ra xem”.
Trên xe khách trở về cơ quan, Nga lém cười cười: “Mình làm diễn viên đóng thế có đạt không vậy? Chị cậu quả là một đạo diễn cừ khôi!” Tôi cười mà lòng buồn rười rười, mắt cay cay, thương Hiền...
Thương Hiền và nhớ Hiền, nên trong những lần công tác trong nam, tôi dò hỏi tìm kiếm em từ thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, rồi các tỉnh miền Tây, đều không gặp – gia đình Hiền dường như cũng rất “tích cực” giúp Hiền tránh mặt tôi. Cuộc sống diễn tiến theo quy luật của nó, tôi cưới vợ - dĩ nhiên, không phải là cưới Nga lém, mà với một người con gái Hà Nội. Tôi yên vui trong gia đình nhỏ được gọi là hạnh phúc, nhưng lòng tôi vẫn không thôi vời vợi về em.
Không gặp lại em đã qua mấy thập kỷ rồi! Nay, về thăm quê, như chàng Từ Thức trong trạng thái đổi thay về không gian và thời gian của vũ trụ, tôi gặp em trong hình hài thay đổi dường như đột ngột: Không còn là cô gái duyên dáng, dịu dàng thuở ấy, Hiền đã thành một bà lão gần tuổi sáu mươi, cùng mái tóc pha sương với những vết nhăn vầng trán và đôi vai hõm xuống...; duy chỉ riêng đôi mắt vẫn ánh lên như ngày xưa ấy! Em nhìn tôi, không nói, rồi quay đầu, lẳng lặng bước đi...
*
Tôi kể lại mọi chuyện về tôi và em cho bạn tôi là một nhà thơ. Anh viết tặng tôi bài thơ tựa đề “Người xưa”, xin trích dưới đây đoạn kết của bài thơ:
Người xưa
...
Hoài niệm gọi về một thuở xa xôi
Em của một thời trời trong mây trắng
Nay tuổi sáu mươi màu da sạm nắng
Em cúi đầu thầm lặng
Giống như cây đa làng
Nhướng mắt nhìn tôi
Như nhìn kẻ lang thang
Bỗng dội trong tôi nỗi niềm nghiêng ngả:
Dỗi hờn, hối lỗi, chơi vơi...
Tôi quên người hay người đã quên tôi?
Trong mọi điều mà tôi đang mong ước, điều mong ước không nhỏ trong tôi là Hiền đọc được chuyện kể này!
(Viết theo lời kể của Nguyễn Hội- nguyên cán bộ ngân hàng trung ương)
MAI THANH
maithanh40@gmail.com
No comments:
Post a Comment