Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 25, 2012

MỘT CUỘC ĐỜI - Truyện ngắn - Trần Duệ


                                               
Những tấm phên bằng tre được đan tạm bợ không thể che chắn được ngọn gió mạnh thổi qua, cây đèn dầu duy nhất của phòng họp phụt tắt. Một sự nhốn nháo của hơn hai chục người của đội công nhân đường sắt. Đội trưởng yêu cầu bình tĩnh, ai đang ở đâu phải ngồi tại đó. Tất cả im lặng. Tiếng một người phụ nữ phát ra nghe thật ai oán “ Ối, đau quá !”. Cảnh nhốn nháo lại được tiếp diễn. Anh đội trưởng cố gắng quẹt thật mạnh vào cái hộp quẹt đá lửa nhưng nó chẵng chịu cháy. Sau một hồi thì cây đèn dầu cũng được thắp lên. Mọi ánh mắt đều đổ dồn đến chị Xuân đang đặt hai bàn tay chéo lên bờ vai để cố che chắn bộ ngực của mình. Nhìn cảnh ấy mọi người đều hiểu ngay sự việc vừa xãy ra. Đội trưởng giận dữ nhìn quanh rồi quát: “ Đứa nào? Đứa nào làm chuyện này? ”. Tất cả đều im lặng, chị Xuân cúi gầm mặt.

          Câu chuyện sẽ đi vào quên lãng nếu như câu nói của đội trưởng không được lặp lại vào đêm hôm sau. Khi hàng trăm người đang chuẩn bị ngủ sau một ngày lao động cực nhọc trên công trường. Tiếng người con trai la lớn “ Đứa nào? Đứa nào làm chuyện này ? ”. Tiếp sau đó là những tiếng cười được nổ ra như thể sân khấu đang diễn hài kịch. Khi tiếng cười được tạm chấm dứt vài ba phút, lại có thêm tiếng người khác lập lại câu hỏi của đội trưởng. Lại tiếp tục cười đến khản cả cổ, như muốn sập cái lán trại được dựng khá tạm bợ của các công nhân. Câu nói đùa và tiếng cười tập thể được truyền từ lán này đến lán khác làm cho toàn công trường khôi phục đoạn đường sắt Sài Gòn – Mương Mán như muốn dậy cả trời. Ban chỉ huy công trường chạy từ lán trại này đến lán trại khác để vãn hồi trật tự nhưng hầu như bất lực. Câu chuyện không vui mà thành ra vui đó cứ diễn đi diễn lại từ đêm này sang đêm khác, nhiều công nhân mất ngủ đến mức ra công trường mà bước đi cứ liêu xiêu như muốn té. Ban chỉ huy công trường buộc đội bảo vệ  phải tìm cho ra “ Đứa nào cố tình phá hoại sản xuất ”. Cuộc điều tra được tiến hành hơn mười ngày nhưng rồi cuối cùng cũng đành chịu thua bởi vì “ Tắt đèn, nhà tranh cũng như nhà ngói”, biết đâu mà lần cho ra. Tưởng chừng cuộc điều tra sẽ phải bế tắc nhưng sau đó hy vọng lại được loé lên, do có một người bí mật báo với đội bảo vệ công trường là  vào thời điểm chỉ có bóng tối làm chứng, chị Xuân nắm được tay của người “ Phá hoại sản xuất” có ngón tay bị cụt. Điểm mặt hơn hai trăm công nhân toàn công trường, chỉ duy nhất anh Tý có ngón tay trỏ bị cụt. Và anh Tý cũng có mặt trong buổi họp hôm đó.

          Giải phóng Sài Gòn được hai tháng, chính quyền cách mạng có nhiều việc phải làm và trong đó có việc khôi phục lại những cung đường sắt do đã bị chiến tranh tàn phá. Hàng ngày ùn ùn từng đoàn xe chở công nhân mới được tuyển dụng đến các công trường. Nhiều đoạn đường sắt bị bom đạn cày nát, những thanh tà vẹt bị bom bắn xa hàng vài chục mét, có những đoạn đường đã bị rừng che phủ và có nơi đã mọc cây to như muốn thành rừng. Những công nhân làm việc trong điều kiện nặng nhọc, thiếu thốn đủ thứ nhưng điều đó không đáng sợ bằng bệnh sốt rét. Hàng ngày số công nhân nghỉ việc do bệnh sốt cũng khá nhiều.

 Anh Tý bị sốt rét đang nằm ở lán thì đội bảo vệ mời lên làm việc. Bước thấp, bước cao đến ban chỉ huy công trường. Đội trưởng đội bảo vệ đưa cho anh cây viết và tờ giấy rồi yêu cầu anh nói rõ động cơ nào mà làm “Cái chuyện của tàn dư Mỹ ngụy để lại”. Anh Tý ngồi một buổi mà không viết được chữ nào. Anh bảo vệ đi đến, liếc nhìn vào tờ giấy rồi gằn giọng:

- Tại sao không viết ?

- Tôi không làm chuyện xấu xa đó nên không viết.

- Không làm cũng phải viết.

Anh Tý ngồi gục đầu trên bàn, nhiều công nhân kiếm cớ đến ban chỉ  huy công trường để nhìn tận mặt con người đã có hành động xấu xa “ Không giống ai” đó.

          Tiếng bảo vệ la lớn: Viết. Tiếng anh Tý lớn hơn: Không viết. Anh bảo vệ thoi một cái thật mạnh vào ngực anh Tý, một tiếng hự phát ra rỏ to. Chị Xuân từ ngoài  chạy vào ôm lấy anh Tý để tránh cho anh khỏi bị thêm thoi thứ hai. Tiếng chị Xuân:

          - Anh bắt nhầm người rồi.

          - Tại sao chị nói cầm được tay người bị cụt ngón trỏ ?

          - Đó là người ta nói ác cho anh này, xin anh hiểu cho tôi chưa bao giờ nói ra điều đó.

          Anh bảo vệ đấm tay xuống bàn, nói to: Rắc rối.

        Kể từ đó trở đi chuyện nói đùa hàng đêm hầu như không diễn ra, còn nhân vật “Phá hoại sản xuất” đã trở thành ẩn số. Sau đó nhiều năm có nhiều người đàn ông tự nhận mình là tác giả thì đều bị chửi “ nói dóc”. Trước ngày giải phóng, chị Xuân sống bằng nghề buôn hương bán phấn, sau này chị đăng ký đi làm công nhân. Lúc đầu nhiều người biết chuyện cũng đều ái ngại cho chị, dù không nói ra nhưng họ đều ngầm theo dõi chị có “ làm ăn” ở cái công trường xa khu dân cư hơn cả ngày đi bộ này không. Có người nhìn chị với thái độ khinh miệt, coi thường. Sau chuyện anh Tý được tha về, mọi người nhìn chị có vẻ khác đi.

Sau ngày được minh oan, đêm nào anh Tý nằm cũng nói mớ. Nằm sát anh nên tôi cũng ái ngại, không hiểu nguyên nhân do bệnh sốt hay bị sốc về tinh thần ?. Anh nhờ tôi bôi dầu cù là lên chỗ bị thoi, anh rên khe khẽ mỗi khi tay tôi chạm đến vết bầm ở trước ngực. Mấy đêm sau đó tôi mới mạnh dạn hỏi anh bị đau là do đâu, anh trả lời là không do cái gì cả. Tôi thật sự ngạc nhiên. Tôi hỏi anh :

- Bị bắt oan vậy anh có buồn không ?

- Không.

- Sao lại không ?

- Đời anh bị oan quá nhiều lần nên thấy thường.

 Ở công trường này là nơi tập trung thanh niên của nhiều tỉnh nên số người quen biết nhau từ trước không nhiều. Ở đây nhiều người biết tôi là do tôi nhỏ nhất công trường, hơn nữa tôi là người được mang cái lý lịch khá sạch. Năm 1975 tôi mới 16 tuổi nên chưa bị bắt đi lính, những anh lớn tuổi ở đây đều đi lính cho chế độ cũ ít nhất cũng phải một năm. Nói thật trí óc của tôi lúc đó chưa đủ để hiểu hết những uẩn khúc của cuộc đời nên tôi cứ nghĩ là anh ta nói cho vui. Không biết anh có đoán được ý nghĩ của tôi hay không mà anh lại kể về cuộc đời của mình. Những năm sau này, khi đã đủ lớn để hiểu thế nào là sự chân thật thì tôi đã hiểu được những lời kể của anh thật thà như lời sám hối của người sắp lìa xa cỏi đời này.

Quê anh Tý ở tận ngoài Quảng trị. Anh chỉ biết là khi anh ra đời cũng là lúc đất nước phải chia hai miền nam - bắc. Anh cũng không biết mặt cha, mẹ mình là ai, anh có nghe nói là cha của anh chết đuối khi đang đánh cá trên sông, lúc anh đang còn trong bụng mẹ, còn mẹ cũng chết sau khi sanh anh được một năm. Anh sống cùng ông, bà ngoại. Nhà ngoại nghèo lắm! Nghèo đến mức không dám đặt tên cháu cho hay, cho đẹp ! Học đến tiểu học ông bà ngoại qua đời, anh Tý đi làm thuê để sống. Lớn thêm một chút  bị bắt lính và kể từ đó cuộc đời của anh bắt đầu trôi nổi. Vào lính anh biết được một chuyện mà theo anh là khá động trời : “ Mày là con Việt cộng”. Phân trần với nhiều người, có ai tin hay không thì chẵng biết ! Anh chỉ nhận được sự im lặng đến khó hiểu của họ.

Đối với anh chiến trường chỉ là những đêm trời tối ngắt, đối phương chỉ là những ánh chớp loé lên phía trước mặt, anh chỉ biết chui đầu vào gốc cổ thụ rồi lia đạn về phía trước như một bản năng sinh tồn. Thế rồi cái đêm nghiệt ngã của cuộc đời anh cũng phải diễn ra. Tiếng nổ, ánh chớp bao vây cả ba mặt, tiếng người trung đội trưởng la lớn “Chạy”. Vậy là anh chạy băng về phía cánh đồng, nơi không có những ánh chớp ngược chiều. Anh thấy như có ai đó ném một vật cứng trúng ngay bàn tay. Một cảm giác nhói đau, cộng thêm dòng máu sền sệt, nong nóng chảy loang khắp bàn tay và cánh tay. Trời sáng, chiến trường im lặng đến đáng sợ. Nhìn rõ bàn tay, anh hiểu ra là mình đã bị đạn cắt đứt ngón tay trỏ - ngón tay nghoéo cò súng. Không hiểu  bác sĩ khám như thế nào mà kết luận là anh đã cố tình hủy hoại thân thể để trốn lính. Ra toà án binh, nói thế nào người ta cũng không nghe. Anh bị kết án ba năm tù giam, cộng thêm ba năm làm lao công. Anh ngồi tù đúng một năm thì giải phóng. Anh nói gằn giọng như để trút hết nỗi căm tức của mình: “ Thằng bác sĩ ngu như con bò! Nếu tao tự hoại thân thể thì ít ra cũng còn thuốc súng dính lại ở trên người, tụi nó cố tình vu oan cho tao. Tao cũng còn tức nữa là cái thân tao, cái đầu tao to như vậy  mà lại không trúng đạn, vậy mà nó chỉ làm đứt đúng một ngón tay. Nếu được chết thì khoẻ biết mấy”. Tôi không biết dùng lời nào để an ủi cho anh đỡ nặng lòng. Điều trái ngược, đáng ra tôi phải an ủi anh thì anh lại an ủi tôi, anh khuyên tôi: “đất nước thống nhất rồi, về nhà tiếp tục đi học. Nhà nước đang cần những người có học thức !”

Sau đó ít ngày tôi về nhà để khai giảng năm học mới và cũng nhà năm học đầu tiên khi đất nước thống nhất. Khoảng 6 năm sau, tôi trở về thăm lại công trường cũ, nơi đã giúp cho tôi đã hiểu sơ sơ về cuộc đời bằng những việc làm khó hiểu của người lớn. Những lán trại nhếch nhác, những công nhân rách tưới, ốm đau không còn nữa. Hỏi những người làm việc ở đây để tìm lại những người quen cũ, họ nói  sau khi đường sắt thống nhất một thời gian, nhà nước giải quyết cho về địa phương và chỉ giữ lại một vài người, nhưng bây giờ họ đã chuyển đến làm ga khác. Buồn !

Năm tháng cứ trôi đi. Tôi cứ ngỡ suốt đời tôi sẽ không còn gặp lại anh Tý, một người đã dạy cho tôi những bài học đầu đời về sự nhẫn nhục. Vậy mà trong một dịp đi dự đám cưới con trai một người bạn, tôi biết được anh đang sống và làm rẫy ở một huyện miền núi. Anh có vợ và một đứa con gái. Vợ anh qua đời từ lâu, đứa con gái đã lấy chồng. Sau khi biết tin, tôi phóng xe lên tìm ngay. Đêm đó tôi ngủ lại nhà anh. Ngôi nhà lợp ngói của anh trông cũng bề thế. Những cột gỗ tròn được bào gọt đến láng bóng, trong nhà không có những vật dụng đắt tiền nhưng bày biện cũng dễ nhìn. Uống cùng anh vài ly rượu thì trăng mười sáu cũng vừa lên. Cánh rừng sau lưng nhà hình như sáng lên bởi nhiều chiếc lá đang phản chiếu với ánh trăng. Khuôn mặt sạm nắng, pha lẫn những nếp nhăn tuổi tác đã tạo cho anh một nét khắc khổ đến tội nghiệp !. Tôi có cảm giác lâng lâng đến khó tả.  

- Từ lúc thôi việc, sao anh không về quê sinh sống?

Anh nói thật nhẹ:

- Còn ai nữa đâu mà về !

Đúng là tôi đã quên, anh đâu còn ai thân thích ở quê nhà để mà trở về.

Tôi với anh cùng lặng im. Ngoài rừng tiếng con mễn đang kêu thật to, hình như con mễn  bị lạc mẹ. Anh nói chầm chậm:  

- Chú có tin không ? cha tôi là Việt cộng thiệt chứ không phải chế độ cũ họ vu oan cho tôi đâu. Sau ngày giải phóng khoảng mười năm thì ông vào tìm tôi ở trong này. Ông nói là ông rất mừng vì đã bỏ quá nhiều năm để tìm lại đứa con của mình. Thật ra hồi đó khi tổ chức quyết định ông phải tập kết ra bắc, sợ bị liên lụy đến vợ con, tổ chức phải dựng nên chuyện chết đuối mất xác trên sông. Sau đó ông ra Bắc, rồi có vợ con ở ngoài đó. Mặc dù chưa gặp mặt nhưng tôi có nghe nói bốn đứa em sau này cũng học giỏi và được nhà nước tin tưởng giao cho những công tác quan trọng lắm ! Tôi chỉ buồn một điều là lúc ông qua đời, mấy đứa em không có ai chịu báo tin cho tôi biết cả. Khoảng gần một năm sau đó tôi mới biết tin cha tôi đã qua đời.

Tôi hỏi: Vậy anh có ra Bắc viếng mộ của ông cụ không ? Anh trả lời thật nhỏ: Không.

Anh hỏi tôi còn nhớ chị Xuân hồi ở công trường đường sắt hay không ? Tôi gật đầu. “ Chị Xuân có tìm đến đây và làm vợ anh ít tháng ”. Tôi thật sự ngạc nhiên khi biết anh xem chuyện lấy vợ như thể trò đùa. Đúng là chị Xuân tìm đến để xin làm vợ anh thật, và cũng chỉ xin làm vợ ít tháng cuối đời mà thôi.

Trước khi kể chuyện về chị Xuân, anh Tý  xin tôi giữ lời hứa là không được nói cho ai biết chuyện này. Tôi lại gật đầu. Sau khi đường sắt thống nhất mỗi người đi mỗi nơi, chị Xuân đi đâu, làm gì không ai rõ. Mấy năm sau đó chị Xuân bồng một bé gái hơn bốn tháng tuổi đến tìm anh. Chị cầu xin anh Tý nuôi đứa con dùm chị, do chị bị ung thư giai đoạn cuối. Hiện chị không còn người thân để nương tựa. Anh Tý chẳng cần hỏi cha đứa bé là ai, ở đâu ? Anh đi đăng ký kết hôn, rồi làm khai sinh cho đứa con và chấp nhận đứng tên cha ruột theo yêu cầu của chị. Sống với nhau chưa tới ba tháng thì chị Xuân qua đời. Dù chỉ là vợ chồng trên danh nghĩa nhưng khi nhìn chị sắp từ giã cỏi đời, anh không khỏi bùi ngùi. Đứa con của chị Xuân được anh nuôi nấng và cho đi học đàng hoàng. Lớn lên, cô bé chỉ biết anh là cha ruột của nó. Cô bé đang làm y tá ở bệnh viện huyện, đã có chồng và một cháu trai ba tuổi. Hàng tuần vợ chồng vẫn đưa con về thăm anh.

Trên đường trở về, trong đầu tôi vẫn cứ đọng mãi lời dặn của anh “ Nhớ đừng nói cho ai biết con bé không phải là con ruột của tôi”./-

Tánh Linh, tháng 6/2007
Trần Duệ
                                                                            

No comments: