Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 25, 2012

THỰC CHẤT ĐIỆU HÒ NHƯ LỆ THẾ NÀO? - Nguyễn Hồng Trân


Bà Ngô Thị Huế - người giữ lửa cho điệu hò Như Lệ . Ảnh Lệ Như từ trang Báo Quảng Trị
                     
                                                          
Thực ra điệu hò Như Lệ có từ khi nào thì đến nay cũng chưa ai nghiên cứu khẳng định được rõ ràng. Năm 2007, tôi đã có dịp hỏi một số người lớn tuổi quê ở Như Lệ đang sống ở Huế như thầy giáo Nguyễn Huy Triết, bác Ngô Kha cũng chẳng ai rõ điều đó. Đọc trên báo chí và các trang web trên mạng thì có mấy bài viết về điệu họ Như Lệ, nhưng chưa đem lại sự tin cậy cho tôi về mặt thẩm định khoa học một di sản văn hóa phi vật thể. Bởi vì những bài viết  chưa đủ cứ liệu đích thực về những chứng tích văn học sử mà chỉ thêu dệt thêm, tô vẻ thêm để có được một cái tiếng “thương hiệu” một điệu hò tại quê hương Quảng Trị. Tôi là người Quảng Trị, tôi cũng rất thích quê mình có một cái gì nổi bật về văn hóa thực sự. Nếu điệu hò này là đặc điểm của sáng tạo nghệ thuật dân gian thực sự thì phải được Hội đồng khoa học thẩm định. Nhưng tiếc thay qua Hội thảo về Điệu hò Như Lệ thì chưa có Hội động KH nào dám khẳng định đó là một di sản phi vật thể cả.

Nói cho đúng ra, điệu hò Như Lệ cũng bắt nguồn từ điệu hò Huế: hò mái nhì, hò mái đẩy mà ra nhưng cách hò rất đơn giản hơn nhiều. Người ta cho rằng ngày xưa do những cô gái Như Lệ chèo đò lưu thông buôn bán từ Quảng Trị vào Huế và từ Huế ra Quảng Trị qua đường sông nước Thạch Hãn lên vùng Tích Tường, Như Lệ, Trấm, Chuối… Các cô lái đò học theo được kiểu hò Huế để ngân nga cho thư thái trên sông nước với thuyền đò xuôi ngược hàng ngày khi đi làm ăn sinh sống. Dần dần các thiếu nữ trong làng nghe hay hay cũng tập hò theo thành phong trào hò lan rộng khắp vùng. Nhưng lúc bấy giờ (trước Cách mạng tháng Tám) vẫn chưa có tên gọi là điệu hò Như Lệ. Mãi cho đến khi kháng chiến chống giặc Pháp, vào khoảng năm 1947- 1948, các cô du kích thôn Như Lệ, Phú Long và Tích Tường có sáng kiến đặt lời cho bài hò địch vận và đặc biệt ở thôn Như Lệ có mấy cô hò hay như cô Ngô Thị Khuyến, Phạm Thị Kính … thường cất tiếng hò trong các buổi phát thanh ban đêm trên các chòi cao ở các xóm làng thì dần dần trở nên phổ biến và được gọi là điệu hò Như Lệ.

Người ta kể lại rằng, có một vài lần bộ đội địa phương cùng các đơn vị du kích thôn đã phối hợp với Ban tuyên truyền của xã Hải Thanh tổ chức ban đêm đến gần một số đồn bốt địch như đồn Phước Môn, đồn dốc Trợ Quang, đồn sân bay Tích Tường để phát thanh tuyên truyền và có hò địch vận kèm theo. Một số đoạn hò địch vận thời đó có trích lại ở một số tài liệu như sau:

Bài hò 1:
Lòng đau xem lên chiến khu
Thấy anh em vệ quốc đoàn ở nơi sương mù cực khổ
Xem về đồng bằng thấy máu chiến sĩ lụy đổ lòng đau
Em trách anh không suy trước nghĩ sau
Cứ theo chân giặc Pháp để bắn nhau sao đành!

Bài hò 2:
Bỏ súng về đi anh
Đồng xanh đang còn chờ đợi, thắng lợi vui chung
Về đây cho cha yên dạ, cho mẹ thoả lòng
Trước xứng đáng một người con yêu Tổ quốc
Sau lại xứng đáng một người chồng của em.

Bài hò 3:
Lính cụ Hồ, ai cũng thương, cũng quý
Anh đi theo ngụy bảo vệ cho Tây
Mẹ cha lo lắng cho anh từng tháng, từng ngày
Răng mà anh cứ đành lòng ở lại bên giặc
Cho bà con cứ mang tiếng nhục lây với đời…

Nói chung lời bài hò Như Lệ cũng như hò Huế không theo một khuôn khổ luật lệ nghiêm ngặt. Số từ trong bài hò có khi dài, khi ngắn, nhưng yếu tố là phải có vần và không nhất thiết gieo vần đúng như trong thơ lục bát hay song thất lục bát mà có thể linh động cho ăn ý với lời để người ta dễ hiểu. Đặc biệt về điệu thức của hò Như Lệ không ngân nga tha thiết lâu như hò mái nhì ở Huế. Điệu hò vang vọng khỏe khoắn, thực sự, chân thành, không loanh quanh bóng bẩy…

Sau ngày hòa bình kết thúc cuộc kháng chiến chống giặc Pháp, vào gần cuối tháng 7 năm 1954, tôi được gặp chị Ngô Thị Khuyến đã cất vang điệu hò Như Lệ trong buổi meetting lớn tại đồi Sở Cụ (Nguyễn Hữu Bài) gần nhà thờ  Phước Môn nhân dịp Ty Tuyên truyền Văn hóa tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ mừng thắng lợi của Hiệp nghị Geneve và có chương trình Văn nghệ của các xã vùng lân cận. Hôm đó có mặt của anh Lê Văn Hoan, bác Nam Sinh, bác Nguyễn Thanh Tuyến… đều được nghe chất giọng trong sáng, ngọt ngào của cô Ngô Thị Khuyến trong điệu hò Như Lệ.
                                      
            NHT
Cựu giảng viên chính trường Đại học Khoa học Huế; 
Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Lịch sử Huế.

No comments: