Miền
Trăng
Nhỏ xuống buồn vui những giọt thơ
Trăng hay nến khóc dưới hiên mờ
Chênh chao bóng lẻ, đêm trầm mặc
Nghiêng ngả vòm xanh, lá ngẩn ngơ
Dáng ai thấp thoáng miền trăng lệch
Quá nửa đời ta vẫn đợi chờ.
Lê
Ngọc Phái
Lời bàn của Châu Thạch:
Nhỏ xuống buồn vui những giọt thơ
Trăng hay nến khóc dưới hiên mờ.
Vào đề, giọt nắng, giọt thơ,
giọt trăng, ba thứ khác biệt nhau ấy đã cùng chung một linh hồn, hiệp một và
đồng đẳng, mang ý nghĩa của một nỗi buồn được bày tỏ dưới hiên mờ. Ở câu đầu
của bài thơ tác giả nói cái buồn, cái vui đều thành thơ nhỏ xuống, nhưng qua
câu hai của bài thơ, tác giả lại nói rằng “trăng
hay nến khóc”. Trăng hay nến mà đã khóc thì không thể khóc cho niềm vui
được mà chỉ có thể khóc cho nỗi buồn mà thôi. Vậy thì cớ sao tác giả lại trộn
cái niềm vui trong giọt nến? Bởi vì khi nhìn giọt nến nhỏ xuống, tác giả đang
liên tưởng đến biết bao kỷ niệm trong đời, những kỷ niệm vừa buồn vừa vui trong
giờ phút ấy đã thành những giọt thơ hóa thân vào trong giọt nến và rơi như giọt
nước mắt lăn dài. Cái vui thuở trước nay không còn nữa thì cũng biến thành cái
buồn trong nhớ thương hoài niệm. Vì vậy, giọt nến (cũng là giọt trăng, giọt
thơ) không chỉ khóc cho cái buồn mà còn khóc cho cả niềm vui ngày xưa đã mất.
Trăng đã chiếu đến từng giọt nến để tác giả
không thể phân định trăng hay là nến khóc, vậy thì trăng rất sáng. Trăng đã
sáng thì hiên trăng không mờ được, thế nhưng tác giả lại viết “Trăng hay nến khóc dưới hiên mờ”. Chắc chắn
ở đây trăng không khóc mà nến cũng không khóc nhưng chính tác giả là người đã
khóc. Nước mắt đã làm cho hiên cũng hóa ra mờ. Lần sau xin chớ đổ thừa cho
trăng và nến.
Chênh chao bóng lẻ, đêm trầm mặc
Nghiêng ngả vòm xanh, lá ngẩn ngơ
Ở đây tác giả nói “đêm trầm mặc” nhưng không nói ai, cái gì
“chênh chao bóng lẻ”. Vậy có thể
trăng chênh chao bóng lẻ, người chênh chao bóng lẻ hoặc cả hai trăng và người
đều chênh chao bóng lẻ. Đêm trầm mặc là đêm yên lặng. Đêm yên lặng thì không
thể có gió mạnh làm cho “nghiêng ngả vòm
xanh”. Vậy thì cái gì làm cho nghiêng ngả vòm xanh? Đó chính là tâm tư của
tác giả. Tâm tư của tác giả chênh chao bóng lẻ nên thấy trăng cũng chênh chao
và chính cái chênh chao trong tâm hồn đã làm cho tác giả tưởng như vòm xanh
nghiêng ngả. Thúy Kiều ở lầu Ngưng bích, khi cái sầu lên quá cao thì nàng nghe
“ ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”.
Ở đây, Lê Ngọc Phái cũng thấy mọi vật chênh chao, vòm cây nghiêng ngả, thơ, nến
và người cùng khóc với trăng.
Dáng ai thấp thoáng miền trăng lệch
Quá nửa đời ta vẫn đợi
chờ.
Miền là một vùng đất mang rõ
rệt một tính chất địa lý riêng biệt, hay là một vùng đất xác định đại khái theo
phương. Vậy miền trăng cũng thế, là một vùng trăng chiếu có tính chất riêng
biệt hay là một vùng trăng chiếu được xác định theo phương. Tuy thế, miền trăng cũng có thể không được
xác định bởi tính cách địa lý mà được xác định theo cảm xúc bởi tâm tư tình cảm
của con người. Miền trăng thứ hai là thứ miền trăng của Lê Ngọc Phái. Thứ miền
trăng thấp thoáng bóng của quá khứ và bóng ấy nặng đến độ khiến cả miền trăng
lệch. Bóng dáng của một người thì chỉ có thể thấp thoáng dưới ánh trăng ở một
điểm nào chứ làm sao thấp thoáng dưới cả một miền trăng được. Lê Ngọc Phái đã
viết rằng “dáng ai thấp thoáng miền trăng
lệch”. Vậy miền trăng đây không phải là miền trăng trong hiện tại mà là
miền trăng ở trong đầu tác giả, miền trăng của quá khứ, miền trăng trong ký ức
đã bị dáng ai ám ảnh suốt một thời. Miền trăng ấy không thấy bằng mắt, chỉ thấy
bằng tâm nên xa xôi, mơ màng, huyền ảo và buồn vô hạn.
Lê Ngọc Phái đang ngồi dưới
một miền trăng mà thấy về một miền trăng khác, một miền trăng mà anh đã “quá nửa đời ta vẫn đợi chờ”. Miền trăng của Lê Ngọc Phái là miền trăng có nhiều
tính chất, chiếm cả không gian và thời gian, là miền trăng của mắt thấy trong
hiện tại, miền trăng của quá khứ thấy trong đầu, miền trăng của ký ức trong
bóng dáng người xưa ẩn hiện trong trăng. Tất cả những miền trăng ấy hòa quyện
nhau, ẩn chứa trong nhau, đến nỗi không phân biệt được đâu là cũ đâu là mới,
khiến cho cái tĩnh và cái động lẫn lộn vào nhau êm ái. Miền trăng làm “chênh chao bóng lẻ, nghiêng ngả vòm xanh” là miền trăng động. Động nhưng mà tĩnh vì nó
chỉ xảy ra sâu trong lòng tác giả. Miền trăng “ đêm trầm mặc, lá ngẩn ngơ”
là miền trăng tĩnh. Tĩnh nhưng ở trong thực tế hiện tại thấy được, sờ được là
miền trăng sống và động.
Tôi nói nhiều đến chữ tĩnh
và động vì tôi muốn đề cập đến cái chiều sâu xa và chiều rộng lớn có tính triết
lý trong bài thơ Miền Trăng. Bài thơ
nầy ẩn chứa sự huyền nhiệm của tĩnh và động, của có và không, của mơ và thật,
của quá khứ và hiện tại hòa lẫn vào nhau. Nỗi đau khổ của sự cách ly trùm lên
vũ trụ lại biến thành những giọt trăng, những giọt thơ đẹp làm sao. Dáng ai
thấp thoáng làm lệch miền trăng trong quá khứ lại nằm trong đêm trầm mặc của
trời trăng hiện tại. Đọc miền trăng ta thấy trời gần, trời xa ở chung với nhau,
quá khứ và hiện tại hòa quyện nhau dưới hiên mờ, trong vòm xanh với lá ngẩn
ngơ, nhập hồn trong giọt nến giọt trăng biến thành giọt thơ nhỏ xuống buồn vui
lẫn lộn. Vậy có phải chăng là sắc tức thành không, không tức thành sắc đó sao?
Đọc sáu câu thơ của Miền
Trăng như đọc sáu bài thơ, như đọc sáu chục bài thơ và nhiều hơn thế nữa, như
lạc vào động huyền không, động sửng sốt hay như đi giữa miền trăng ảo tưởng, ảo
vọng, ảo mộng mà ta thấy trước mắt mọi vật rất gần nhưng đi hoài không đến.
Tôi đã lạc vào Miền Trăng của
Lê Ngọc Phái và cũng có lúc tưởng mình “quá
nửa đời ta để đợi chờ”, đợi chờ khám phá cho hết Miền Trăng ./.
Châu Thạch
No comments:
Post a Comment