Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, June 17, 2011

TÌNH YÊU DÂNG HIẾN TRONG THƠ HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG - Trần Anh Phương


Cầm trên tay tập thơ "Người hái phù dung" của Hoàng Phủ Ngọc Tường tôi như đọc với chính mình giữa đêm khuya lặng lẽ bên ngọn đèn. Cảm nhận đầu tiên về thơ anh không phải thơ để đọc giữa chốn đông người hay ở trong hội trường lớn, thơ anh chỉ đến với người đọc khi chỉ còn lại một mình đối diện với chính mình, tìm lại mình trong những con chữ lan toả như từng đợt sóng, xâm chiếm choáng ngợp lòng người...

"Bức thông điệp vỏ chai" (Paul Celan) mà tôi là người nhận, đang giải mã và bằng trực cảm tâm linh, tôi nhận ra gương mặt tình yêu trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đẫm chất nhân văn cao cả, với anh tình yêu là giai điệu của bài ca dâng hiến. Thơ anh không trau chuốt gọt đẽo đến cầu kỳ mà hồn nhiên như hơi thở hay chính cuộc đời anh hoá thân làm câu chữ để thắp lên khát vọng cho sự vô biên tuyệt đích, khát vọng vĩnh cửu trong tình yêu. Qua một số bài "Kỷ niệm dành riêng cho hoa Violét", "Bên kia những ngày thường", "Cỏ, chim sẻ và châu chấu", "Lời ngu ngơ của một gã mù", "Xin người một chút không", "Nơi tôi gởi bóng", "Dù năm dù tháng" "Dạ khúc"... thể nghiệm hành trình tình yêu vẫn thầm lặng chảy miên man rong ruổi theo tháng ngày giữa hai bờ hư thực, một hành trình vô cùng vô tận, người đọc dường như bị lôi đi, bị bỏ bùa bởi sự đê mê dâng hiến ngập tràn bằng những rung động mang tính địa chấn.

Xâu chuỗi qua từng trang thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường với thủ pháp lặp từ đầy âm vang điệp khúc "cho ta", " cho em"”cho anh” vang lên gọi mời dâng hiến:

Em rót cho anh ly rượu đầy

Em cho anh một chiều thong thả.

Hay

Em có lời thề dâng hiến

Cho anh trọn một đời người

...

Phải chăng cảm quan tình yêu trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là cho nhiều hơn nhận. Tình yêu với anh là cõi huyền nhiệm thánh thiện tâm linh, nó trong trẻo như pha lê và quý giá hơn hết thảy mọi thứ trên trần thế, tình yêu với khát vọng chân thiện mỹ. Trong bài "Dạ khúc" mở ra một không thời gian chiều hay giờ xẩm tối, là giờ thiêng, khi mà ngã thể con người cảm thấy bị giam hãm, trong khuôn khổ sinh tồn bất toàn và hữu tử, khi nó khát khao hoà mình trong hoàn vũ tự tồn, sẵn sàng hiến mình cho sự hư vô, tịch diệt vì những khả năng tái sinh mới, thì "em bất chợt" hiện về như thiên sứ, em đến mang theo mật mã của đời anh. Có thể nhận ra sự vi tế ấy qua giọng thơ gấp gáp với cảm xúc hổn hển rung lên hàng nghìn cung bậc trong trái tim kẻ đang yêu. Hạnh phúc mà em mang lại trong "chiều trần thế" dường như đã cứu rỗi thân phận anh trên cây thập giá đời.

Có chiều nào như chiều xưa

Anh về trên cát nóng

Đường dài vành môi khát bỏng

Em đến dịu dàng như một cơn mưa

Có buổi chiều nào như chiều qua

Lòng tràn đầy thương mến

Mang cả xuân thì em đến

Thắm nồng như một bông hoa

Có buổi chiều nào người bỏ vui chơi

Cho ta chiếc hôn nồng cháy

Nỗi đau bắt đầu từ đấy

Ngọn ngào như trái nho tươi.

Ở đây chỉ trong mười hai câu thơ, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã so sánh em là cơn mưa, là bông hoa, là trái nho tươi. Ôi! Em như huyền thoại cổ xưa về nước như là một nguyên tố khởi thuỷ, nơi vạn vật phát sinh và vạn vật phải trở về cho vũ trụ được cải tử hoàn sinh. Trong đoản khúc trữ tình này, Hoàng Phủ Ngọc Tường phả vào đó hơi thở của sự sống mà em là thiên sứ mang hạnh phúc về nơi trần thế trên đôi cánh thiên thần.

Nhưng đằng sau những xúc cảm tuôn trào của anh vẫn chìm sâu ẩn mật một sự chiêm cảm sâu sắc. Cái độc đáo nhất trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về tình yêu là anh nhận ra gương mặt tình yêu, gọi tên nó và đưa đến một khái quát lớn, rằng tình yêu chỉ vĩnh hằng trong sự hiến dâng thánh thiện mà thôi. Vậy nên trong đam mê ngây ngất, chủ thể trữ tình đã nhận ra nỗi đau, một nỗi đau ngọt dịu "Nỗi đau bắt đầu từ đấy. Ngọt ngào như trái nho tươi". Và hơn thế nữa, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tìm thấy sự tương phản giữa "chiều xưa" và “chiều nay”; bức thông điệp về thời gian, thời gian cay nghiệt nó cuốn đi tất cả vào trong lòng nó và em cũng có thể trôi theo quy luật của cuộc đời.

Có buổi chiều nào như chiều nay

Căn phòng anh bóng tối dâng đầy

Anh lặng thầm như cái bóng

Hoa tàn một mình mà em không hay.

Anh đã nhận diện nỗi đau trong tình yêu trong một chiều kích mới: đó là sự thay đổi tình yêu ngay trong bản ngã con người. Anh sợ sự lưỡng diện trong em, thiên đường hay địa ngục cũng từ đó. Câu thơ khép lại rưng rưng nỗi đau được thắp lên thật nhân ái bởi em đã đánh rơi mình, em ra đi mang theo cả hương hoa tàn lụi, hình ảnh "hoa tàn" ở cuối bài Dạ khúc như một sự đổ vỡ cho những ai có tâm hồn quá ư nhạy cảm vì khát vọng tuyệt đối trong tình yêu. Bằng linh cảm tiên nghiệm Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận ra một cách sâu sắc rằng có tình yêu chưa đủ mà phải biết chăm lo vun xới nuôi dưỡng cho tình yêu ấy, nhân lên theo năm tháng cũng chẳng dễ gì. Bởi cuộc đời biết đâu đấy... ý niệm này đưa anh thể hiện trọn vẹn ở một bài thơ khác:

Chăm lo cánh đồng tình yêu

Anh đếm từng vầng trăng sáng

(Dù năm dù tháng)

Sự khái luận về tình yêu trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường ta cũng từng tìm thấy qua tập thơ "Người làm vườn" của hiền triết Ấn Độ Tago. Tago từng quan niệm tình yêu như mảnh vườn mà con người cần vun xới mới hái được hoa thơm quả ngọt. Phải chăng do Hoàng Phủ Ngọc Tường, trước đây, từng nhiều năm dạy triết phương Đông mà có sự tương đồng này chăng?

Cũng cần đề cập đến với đề cái tôi trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, bởi không ở đâu thể hiện cái tôi rõ nét bằng tình yêu trong quan niệm cho và nhận. Trước đây trong thơ mới nhà thơ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư... từng quay lưng với đời để tìm hạnh phúc nơi bồng lai, tiên cảnh hay trong ảo mộng. Riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường có cảm quan mới về triết lý nhân sinh: anh đã tìm thấy hạnh phúc ngay trong trần thế do tình yêu mang lại với những ai biết vun xới và nâng niu nó. Chưa đâu hình tượng phụ nữ được tôn vinh, lên ngôi như trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hình tượng phụ nữ trong thơ anh lung linh một vẻ đẹp Á đông huyền bí, họ chính là suối nguồn yêu thương, dâng hiến nụ hôn nồng nàn trên đôi môi trần thế.

Cho ta một chút yêu kiều

Chút sương áo mỏng, chút chiều tóc bay

Trăm năm còn có heo may

Mùa thu hồng nhạn còn đầy trong ta

...

Này em mắt biếc nhìn đời

Cho ta soi bóng làm người tương tri"

Hoàng Phủ Ngọc Tường tạo dáng câu thơ thành lời nói cá thể. Câu thơ có chủ ngữ nhân xưng "em" "anh" "ta"... biểu thị của lời nói chủ thể xác định. Chất lãng mạn trong thơ anh luôn gắn với hiện thực thông qua cảm nhận về thế giới và con người một cách đặc thù. Ở đó, cái tôi trong thơ thể hiện khát vọng giải phóng cá tính, trả con người về bản chất tự nhiên. Thơ anh tạo không khí tâm tình cho thi sĩ thổ lộ, mở rộng với đời.

Điều tiên quyết về tình yêu trong thơ Hoàng phủ Ngọc Tường là phải có lòng tin và sự thuỷ chung. Bởi anh quan niệm tình yêu là nơi để soi bóng mình nhận diện mình. Nhân vật “anh" trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường xem tình yêu là nơi ký thác vận mệnh của đời mình, giá trị nhân phẩm con người được biểu hiện trên gương mặt tình yêu của họ. Hoàng Phủ Ngọc Tường đem tấm gương tình yêu để soi rõ bóng dáng cuộc đời trong mỗi con người, tình yêu cứu rỗi nhân loại:

Giữ hoài cho màu nước

Sáng trong như lòng tin

Đừng để thấy trong em

Gương mặt tôi tan vỡ.

(Nơi tôi gửi bóng)

hay

Đọc trên môi em

Sức nóng của màu hoa phượng đốt cháy thành phố

...

Vâng, trên môi em,

Ta đọc lại ngọn lửa của nhân loại đã tắt ngấm

(Lời ngu ngơ của một gã mù chữ)

Hoàng Phủ Ngọc Tường tìm thấy nguồn cảm hứng bất tận trong sự không chỉ lý tưởng hóa mà còn thần thánh hóa người yêu. Tình yêu trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường xuất hiện như một tình cảm hồn nhiên, tươi sáng, làm đẹp cuộc sống con người, cất bổng nó lên khỏi thực tại đời thường ô trọc. Bởi thế, nhân vật trữ tình "anh" trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường có chiều kích mang tầm vũ trụ. Anh cũng dâng hiến đời mình bằng tất cả hành động mãnh liệt nhất, trãi qua những vật vả, nguy khó để tìm đến với em. Bằng hình ảnh ước lệ, tượng trưng, kỳ vĩ.

Bên kia những ngày thường

Có anh bơi tìm em qua những dòng sông

(Bên kia những ngày thường)

hay trong bài "Mùa xuân anh trở lại". Nhân vật anh cũng thiết tha dâng hiến, đi theo tiếng gọi vĩnh cửu của tình yêu không đắn đo suy tính tình yêu như là sự may mắn mà anh có được.

Anh yêu em rộng mãi những chân trời

Và mới mẻ như ngày đầu anh đến

Với hương lạ sóng cồn cửa biển

Chim phượng hoàng gọi nắng rừng xa

Thời gian cuốn trôi tất cả, thời gian vừa tái sinh vừa huỷ diệt. Dấu ấn thời gian trong bài "Dù năm dù tháng" là thời gian vĩnh cửu; tình yêu vận hành theo quy luật riêng không tuân theo logic đời thường; thời gian theo nhịp đập của trái tim mà trái tim lại mang trong mình nó sự vĩnh cửu, năm tháng không hề lay chuyển nổi. Sự dâng hiến của tình yêu là bất tận, mang giá trị vĩnh hằng. Nó rất gần với câu danh ngôn "Thời gian dập tắt tình yêu nhỏ, thổi bùng tình yêu lớn". Như thế, con người đã tìm thấy sự tồn tại của mình có ý nghĩa vĩnh hằng trong tình yêu và cám ơn tình yêu đã giúp con người chiến thắng sự hạn hữu, thân phận bé mọn của mình trong dòng vô thuy, vô chung.

Dù năm dù tháng em ơi

Tim anh chỉ đập một đời

Nhưng trái tim mang vĩnh cửu

Trong từng hạt máu đỏ tươi.

Với Hoàng phủ Ngọc Tường, tình yêu là vô giá, luôn được tôn vinh kể cả sự hy sinh cho tình yêu cũng là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Thơ của anh phải đọc trong lúc bình tâm, thanh thản. Nó hiện lên những bức tranh về những khoảnh khắc của tâm trạng, của tình yêu và của những ước muốn suy tư. Vẫn biết rằng Hoàng phủ Ngọc Tường viết thành công trên nhiều thể loại, nổi tiếng nhất là ký, nhàn đàm... Tuy nhiên trên lĩnh vực thơ ca lại là nơi hành hương trở về lớn nhất của anh - trở về bản thể thi sĩ của chính mình. Thơ anh thánh thiện, toát lên ánh sáng ngọc trai ngậm bằng nỗi đau lắng lại sau bao cơn sóng vất vả của biển đời để khái quát nên triết lý cho tình yêu: hạnh phúc con người có được trong tình yêu chỉ thật sự bắt nguồn khi con người biết hy sinh dâng hiến cho nhau, tình yêu sẽ chiến thắng sự hữu hạn của kiếp người, đưa thiên đường về nơi trần thế.

Trong hành trình thơ hôm nay, bên cạnh những cây bút đa giọng điệu, khá thành công về mặt thi pháp. Thơ Hoàng phủ Ngọc Tường vẫn có điệu thức riêng. Nó diễn đạt rất kín đáo nỗi khắc khoải siêu hình của tâm hồn con người trong tình yêu, nó chỉ khêu gợi nhưng ám thị; nó mời gọi người đọc tự hoàn thành thông điệp của tác phẩm nghệ thuật trong tâm tưởng của mình. Cái duyên sức mê dụ hấp dẫn thẩm mỹ đặc thù qua nhiều bài thơ của Hoàng phủ Ngọc Tường là ở chỗ ấy. Trong đời người làm thơ chỉ để lại trong lòng người đọc một bài, một câu thơ đã là quý hóa. Riêng Hoàng phủ Ngọc Tường dù anh không muốn thành thi sĩ, thế nhưng những bài thơ của anh luôn được kết hợp với âm nhạc của Phú Quang như chắp thêm đôi cánh cho thơ ca thăng hoa và đến được với mọi người trong trạng thái xuất thần. Mặc dù thưởng thức và chiêm ngưỡng thơ là tuỳ ở con mắt đa tình và cái gout thẩm mỹ của từng người. Nhưng có lẽ nào những lời thơ tình nồng nàn dâng hiến đắm say đến thế lại không làm cho ta sống và yêu giữa cuộc đời tươi đẹp này. Như vậy Hoàng phủ Ngọc Tường đã vươn đến cái đích cao cả của nghệ thuật rồi vậy.

Trần Anh Phương (Tạp chí Sông Hương)

.

No comments: