TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Wednesday, June 15, 2011
PHAN BẢO HÒA - MÙA CẢI QUÊ TÔI
Những ngày cuối năm, mưa xuân lất phất rơi từng hạt trong veo li ti e thẹn vương khẽ trên mái tóc báo hiệu đất trời đang độ vào xuân.
Ở quê tôi, từ những ngày cuối tháng 11, khi mưa xuân về thì khắp mọi vườn nhà nào cũng xới đất vãi cải. Cải là loại cây dễ thích ứng với tiết xuân. Hạt cải chỉ cần vãi ra vài hôm, gặp mưa xuân là có thể phát triển nhanh thành cây con, với một màu xanh mướt tươi non thẳng tắp theo lối đường đất như những tấm thảm nơi quê nghèo. Bởi chỉ cần nhìn những vườn cải mượt mà chợt thấy quê mình giàu lắm cái hồn quê chất chứa khôn nguôi. Chính quê hương đã gói gém cẩn thận những kỉ niệm giúp ta lớn miên man theo ngày tháng. Và kỉ niệm ấy cũng bình dị mộc mạc như cái tình quê vậy.
Theo thông lệ vào mùa này trong làng đi đến nhà nào cũng có một luống cải xanh được vãi được tỉa. Cải là loài cây hợp với đất ẩm. Đất trồng cải được cuốc bệ lên rồi phăm mịn trộn đều với ít phân hữu cơ. Như thế là đã tạo ra được một môi trường phì nhiêu thuận lợi cho cải phát triển và chống chịu với cái nũng nịu của tiết trời cuối năm cứ thay đổi liên tục.
Vào ngày tết bên những thức ăn ngậy béo thì một rá cây cải non sẽ trở thành món ăn rau sống kẹp, trong bữa ăn của mỗi gia đình. Rồi từ đó cải trở thành món khoái khẩu đối với mỗi người mỗi nhà.
Khi tiết trời lập đông cũng như mọi người trong làng, mẹ tôi tỉa những cây cải to cứng cáp trong luống cải được vãi rồi cấy cải ra theo luống. Chỉ khoảng hơn mươi hôm các luống cải đã xum lá to bẹ lắm rồi. Cứ thế trong cái nắng hiếm hoi những ngày cuối năm. Mẹ tôi lại vội vàng nhổ những cây cải to có giòng rửa sạch để ráo, tranh thủ nắng mới phơi cải héo héo. Nấu nước sôi để nguội cho thêm ít muối khuấy đều rồi nén từng lá cải vào trong hủ đất. Sau đó đổ nước muối cho xấp xấp lá cải là được. Rồi đậy kín nắp hủ và cứ để như vậy vài hôm đến lúc mở ra, từ trong hủ cải sẽ bay vởn vào không khí một mùi thơm chua chua nồng nồng lan tỏa của món dưa cải. Lúc này từng lá cải xanh đã chuyển sang màu vàng ươm trông rất thích mắt. Món dưa cải quê tôi có vị ngon và khác biệt so với dưa cải bẹ miền Bắc. Cải quê tôi người ta hay gọi là cải cay. Lá không to, cọng nhỏ dài. Rất hợp để dùng làm dưa cải muối. Lúc ăn từng miếng cải giòn rúm, lá dưa cải dai ngọt. Loại dưa cải cay khác biệt là khi để dưa cải lâu trong hủ cải không bị nát, lúc kho cải cũng không bị nhừ. Điểm đặc biệt ở quê tôi quan niệm với những người gọi là có tay làm cải thì dưa cải để càng lâu càng thơm và ngon.
Nhớ những năm phải sống xa nhà trọ học nơi đất người mới thấy sao nhớ quá hủ dưa cải cay của mẹ. Tôi không thể quên được cũng vào mỗi dịp cuối năm thế này khi lũ sinh viên chúng tôi cứ bận bịu vào kì thi học kì I nên chẳng mấy chú tâm vào việc nấu nướng cứ cơm bụi mỳ tôm triền miên qua ngày. Và thế là mỗi buổi chiều ánh trời vàng đục đổ về trên mái bếp nhà bên, tôi ngồi ôn bài cạnh cửa sổ vu vơ ngước mắt nhìn sang thấy màu khói bếp nhà bên vởn vơ theo tiếng gọi mẹ của đứa trẻ đầu phố không hiểu sao khi ấy lại thấy sống mũi mình cay cay.
Những lúc ấy thấy thèm biết mấy một dĩa dưa cải vàng thơm của mẹ chấm nước mắm ớt tỏi với bát cơm trắng quê mình quá đỗi.
Mặc dù cải là loại cây góp vào bữa cơm hàng ngày nhưng ở quê tôi cây cải còn có một sứ mệnh thiêng liêng lắm bởi màu hoa cải đã tạo nên bức tranh quê nghèo ngày tết một nét đẹp riêng khó phai. Màu vàng hoa cải hằn sâu vào ký ức, thường trực trong nỗi nhớ mỗi người vào những khi tết đến xuân về. Cái vàng tươi của hoa cải không hiểu sao cứ thấy vương vấn không muốn xuân qua vì lúc ấy hoa cải cũng theo ngày xuân sang mùa mà tàn rụi héo buồn. Bỗng cảm thấy yêu lắm cái màu vàng mơ màng trên từng bông cải nhỏ nhắn đáng yêu nhưng lại không kém phần tinh tế. Mặc dầu cải không đẹp kiêu sa nhưng cải đẹp trong chính sự bình dị thầm lặng như nét đẹp chân chất của người nông dân quê tôi vậy.
Những buổi xế tà theo ráng chiều lất phất màu đỏ nhạt của ánh mặt trời muộn nghiêng xuống trên những bông cải phản chiếu một gam màu rất đẹp và lạ. Hoa cải dập dờn ru theo gió khẽ chao mình e ấp một vẻ đẹp tình tứ đáng yêu. Cải hồn nhiên và rồi nét đẹp duyên quê ấy đã vướng vào tâm hồn kẻ đa cảm từ lúc nào không hay biết sự cho nhớ nhung da diết trước mỗi mùa cải quê hương.
Phan Bảo Hòa
Nguồn: Phongdiep.net
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment