Tác giả Phạm Đức Nhì
Bài 1
CÂU
CHUYỆN THƯỞNG THỨC THƠ
Từ Những Bản Nhạc Sến Và
Những Bài Thơ “Cải Lương”
Di cư vào Nam gia đình
tôi thuộc loại nghèo nhất họ nên phiêu bạt khắp “bốn vùng chiến thuật”. Từ
Quảng Ngãi nhảy vào Mỹ Tho rồi chạy ra Ban Mê Thuột. Cuối cùng an cư ở Hốc Môn
– Bà Điểm, nổi danh 18 thôn vườn trầu. Thời niên thiếu của tôi, do cảnh nghèo, nên
rất gần gũi với nhạc sến. Trông em, làm việc nhà, vui đùa với chúng bạn cũng
hát, cũng nghe nhạc sến; cả lúc ăn lúc ngủ nhạc sến cũng văng vẳng bên tai.
Trong những buổi văn nghệ ở lớp, ở trường (trung học), trong những cuộc họp mặt
bạn bè tôi đều được mời hát. Và tôi chỉ hát nhạc sến. Có thể nói nhạc sến đã
thấm rất sâu đậm vào tâm hồn tôi.
Với thơ thì đỡ hơn. Tôi
có bà mẹ ít học nhưng lại rất thuộc Kiều và ca dao. Tôi lại là con trưởng nên
nghe mẹ tôi hát ru liên tiếp 7 đứa em vốn Kiều và ca dao trong tôi cũng khá.
Nhưng bạn học và những cô láng giềng lại đưa vào hồn tôi những câu thơ như:
Chiếu Cà Mau nhuộm màu
tươi thắm
Công tôi cực lắm mưa
nắng dãi dầu
Chiếu này tôi chẳng bán
đâu
Tìm cô không gặp
tui gối đầu mỗi đêm
(Tình Anh Bán Chiếu)
(Tình Anh Bán Chiếu)
Và:
Đừng sợ bỏ cuộc đời tươi
đẹp
Cô độc lang thang dưới
suối vàng
Một mai em chết anh cũng
chết
Hai đứa mình chung một
áo quan
(không biết xuất xứ)
(không biết xuất xứ)
Chữ nghĩa thì được nhưng
ý thì “cải lương” hết biết. Và cứ thế “gu” thưởng thức thơ của tôi bị giằng co
giữa một bên là thơ “văn học nghệ thuật” và bên kia là thơ thuộc trường phái
“cải lương”. Cũng nhờ lên Sài Gòn học đại học, được mấy bà chị họ tận tình dìu
dắt, chỉ bào, lại hàng ngày tiếp xúc với đám bạn bè thành phố, tôi dần dần xa
lánh những lời nhạc, những vần thơ rất đơn giản, dễ thấm vào hồn nhưng để ý kỹ
thì hơi “cả đẩn”.
Đến Câu Chuyện Thưởng
Thức Thơ Của Bác Nguyễn Bàng
Bác Bàng kể rằng:
Sang nhà ông bạn già hàng xóm chơi, thấy cô giúp
việc vừa lau nhà vừa khe khẽ hát:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh.
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Được biết cô giúp việc này người dưới quê Nam
Định nhưng nom không thấy một dấu vết chân quê nào còn đọng lại ở người đàn bà
đã ngoài 50 tuổi.
Khi đã được ông bạn mời vào nhà lại thấy cô giúp
việc đem phích nước sôi từ nhà bếp lên để chủ nhân pha trà mời khách, bèn hỏi
cô:
- Ban nãy nghe cô hát rất hay. Cô có biết bài
hát đó của ai làm ra không?
- Dạ thưa, không ạ! Mà thưa với hai ông, biết ai
làm ra bài hát này cũng chẳng để làm gì. Khi rỗi việc cháu hay nghe đĩa nhạc ở phòng
riêng, thấy bài nào hay hay thì cháu bắt chước hát theo, lâu dần thì thuộc ít
nhiều thôi ạ!
- Thế cô có thích nghe ngâm thơ không?
- Dạ có! Hồi còn ở quê, bố cháu hay nghe đài về
đêm, mỗi khi thấy các cô trên đài ngâm thơ cháu rất thích và cũng học lỏm được
ít câu.
- Cô đã bao giờ làm thơ chưa?
- Dạ, ông cứ đùa cháu. Cháu sao mà làm thơ được.
Phải là những thần đồng như Trần Đăng Khoa hay những người tài giỏi như Hồ Chủ
Tịch, như ông Tố Hữu thì mới làm thơ được chứ ạ. Cháu chỉ thích thơ thôi. Hồi
học cấp 1 cấp 2, các thày cô dạy nhiều thơ của ông Tố Hữu lắm, dạy xong bài nào
bắt chúng cháu phải học thuộc lòng bài đó. Cháu sợ bị kiểm tra, học như chó gặm
xương mãi mới thuộc nhưng ít lâu sau thì quên béng luôn. Nghe thơ trên đài
thích hơn vì mình không phải đọc mà giọng ngâm lại hay, thêm nữa chẳng lo phải
học thuộc lòng, thấy bài nào hay hay thì cố học cho nhớ được vài câu để khi
thấy hợp lòng mình thì ngâm ngợi lại cho thích.
- Những bài thơ hay hay mà cô thích là thế nào?
- Dạ, theo cháu thì đó là những bài ngắn gọn, có
vần có điệu, nghe êm tai, dễ nhớ dễ thuộc và cháu cảm thấy với mình nó là rất
hay, thích lắm!
Và bác Nguyễn Bàng hiên ngang kết luận:
Đọc thơ như công chúng, nghe thơ như công
chúng thì có cần gì phải học ngữ pháp, không cần phải biết Thi pháp là cái quái
gì, cũng không cần biết Tu từ học với những ẩn dụ, những động từ này nọ để cố
hiểu cho bằng được bài thơ như các nhà bình tán. Cũng chẳng cần biết thủ pháp
mô tê răng rứa gì. Nhà thơ cũng vậy, làm ra thơ để ai thích thì đọc chứ
không phải để cho các nhà này nọ mang cách nhìn của mình ra để làm con dao cùn
mổ xẻ những con chữ rất đời thường kia.
Sau đây là ý kiến của tôi về câu chuyện trên:
Một bài thơ có 3 chức năng như sau:
1/ Chức năng truyền thông: chuyển tải thông điệp
(tứ thơ) đến người đọc.
2/ Chức năng thẩm mỹ: truyền đến người đọc cái
đẹp của văn chương gồm câu chữ, hình ảnh, thế trận chữ nghĩa, các biện pháp tu
từ. Cái đẹp ở đây do kiến thức, kỹ thuật, nói chung là “tay nghề” của tác giả
trong “chế tạo thơ ca” mà có.
3/ Chức năng nghệ thuật: hồn thơ. Thi hứng càng
cao, càng dạt dào thì hồn thơ càng lai láng. Nhiệm vụ lớn nhất, cao cả nhất của
bài thơ là truyền được cái cảm xúc dạt dào trong lòng tác giả đến người đọc, để
mong có được sự đồng cảm với người đọc.
Bởi thế nếu không “bắt” được tứ thơ, không hiểu
được nét đẹp của văn chương chữ nghĩa mà chỉ “mang máng” rồi “nghe hơi bắc nồi
chõ” thì làm sao cảm được hồn thơ. Còn nói như chị giúp việc:
“Dạ, theo cháu thì đó là những bài ngắn
gọn, có vần có điệu, nghe êm tai, dễ nhớ dễ thuộc và cháu cảm thấy với mình nó
là rất hay, thích lắm!”
thì cái thích ấy, cái sướng ấy chỉ là “cái tự
sướng” của những kẻ “ngu si hưởng thái bình”. Chúng ta không trách gì chị giúp
việc ấy và hàng vô số những người thưởng thức thơ như chị. Trong thế giới thi
ca họ là những kẻ tội nghiệp, đáng thương. Chúng ta thương họ vì do hoàn cảnh,
tầm hiểu biết của họ chỉ có thế. Nhưng còn biết bao người yêu thơ khác, bước
vào vườn thơ với tư thế khác, đẳng cấp khác, hàng triệu học sinh bước vào giờ
Việt Văn để tìm học nét đẹp của văn chương thi phú với đủ loại trình độ khác
nhau. Họ không bằng lòng với trình độ thưởng thức đang có mà muốn học hỏi để
vươn lên. Mà vườn thơ thì mênh mông. Muốn viết một câu thơ, một lời bình lắm
khi phải tra cứu mỏi tay, mỏi mắt, phải dựa vào những nhà phê bình tiếng tăm,
uy tín. Bác Nguyễn Bàng viết “Đọc thơ như công chúng, nghe thơ như công
chúng thì có cần gì phải học ngữ pháp, không cần phải biết thi pháp là cái quái
gì, cũng không cần biết tu từ học với những ẩn dụ, những động từ này nọ để cố
hiểu cho bằng được bài thơ như các nhà bình tán. Cũng chẳng cần biết thủ pháp
mô tê răng rứa gì. Nhà thơ cũng vậy, làm ra thơ để ai thích thì đọc chứ không
phải để cho các nhà này nọ mang cách nhìn của mình ra để làm con dao cùn mổ xẻ
những con chữ rất đời thường kia.” nghĩa là bác không cần phân
tích xem cách nhìn của người này, người nọ đúng sai thế nào mà lại dè bỉu, chê
trách chính công việc phê bình. Theo tôi, câu cuối phải viết: “Nhà thơ, làm ra thơ để ai thích đọc thì đọc và
ai thích phê bình thì cứ việc phê bình” mới hợp lý lẽ và
thực tế. Như vậy, đoạn văn trên của bác Bàng hơi bị sai. Không! Phải nói là sai
hơi bị nhiều mới đúng. Mà lại là cái sai lớn, cái sai căn bản trong việc đối
thoại văn chương mới đáng tiếc.
Kết Luận
Một trong những nhiệm vụ của việc bình thơ là
nâng tầm thưởng thức của người đọc thơ. Có tý hiểu biết về kỹ thuật, kinh
nghiệm bếp núc, các tiêu chí thẩm định giá trị thơ ca, người đọc sẽ không còn ù
ù cạc cạc khi nghe hoặc ngâm nga những vần thơ ưa thích mà sẽ tự tin hơn, sảng
khoái hơn khi thả hồn vào dòng thơ. Đọc thơ chỉ bằng trí sẽ không thấy hơi nóng
của cảm xúc, không “bắt” được hồn thơ, sẽ chẳng bao giờ cảm được cái hay trọn
vẹn của thơ. Còn nếu chỉ đọc thơ bằng hồn, không có sự soi sáng của kiến thức
thì sẽ như chị giúp việc, một là, lắm khi gặp những tuyệt tác thi ca lại dè
bỉu, chê bai, hai là, suốt đời“tự sướng”, sướng mà không biết vì sao mình
sướng, miệng ngâm nga những vần thơ “cả đẩn” mà mắt cứ sáng long lanh, mặt rạng
rỡ như đóa hoa xuân. Đó là cái sướng của những kẻ “ngu si hưởng thái bình” rất
tội nghiệp, rất đáng thương. Tôi đã từng “vừa ngu vừa sướng” như thế một thời
gian khá dài. Cũng may nhờ những bà chị, những người bạn, những “bậc thầy” vừa
ban cho kiến thức vừa nắm tay kéo ra khỏi cái nhóm “đáng thương” đó để gia nhập
một nhóm khác “ít đáng thương hơn”. Và rồi theo năm tháng, tôi tìm cách mời
gọi, quy tụ chung quanh mình những người yêu thơ trình độ “khá” hơn để trao
đổi, bàn luận, và cứ thế từng bậc, từng bậc tự nâng kiến thức và khả năng cảm
thụ thơ ca của mình lên.
Bây giờ thỉnh thoảng viết mấy bài bình thơ để
trước hết, thỏa mãn cái thú đam mê riêng, sau nữa, gọi là một chút đáp đền ân
nghĩa những người đã ra công giúp đỡ, bồi đắp để tôi có điều kiện tự nâng cấp
hồn thơ của mình. Và biết đâu những lời bình nhăng tán cuội như thế này lại
tiếp tục đem đến những cuộc đối thoại về thơ ca lý thú.
League City 03/2016
Phạm Đức Nhì
No comments:
Post a Comment